Áp lực khủng khiếp khi “khởi nghiệp” làm khoa học

0

SSDH – Căng thẳng cực độ, kiệt sức, cảm thấy mình như biến thành nhân vật trong một trò chơi video… là trạng thái của nhà khoa học Mỹ Martin Tingley khi bắt đầu sự nghiệp học thuật.

 

Những người như Tingley chịu áp lực rất lớn trong việc công bố nghiên cứu, tìm tài trợ và đảm bảo vị trí công việc của mình.
 
Mất cân bằng sự nghiệp – đời sống
 
Martin Tingley – Giáo sư Đại học bang Pennsylvania, Mỹ – có một bằng thạc sỹ thống kê, một bằng tiến sỹ tại Đại học Harvard và 4 năm nghiên cứu sinh sau tiến sỹ. Anh tin mình sẽ sớm thành công với ý tưởng kết hợp thống kê và khoa học khí hậu trong mảng nghiên cứu mới có sức thuyết phục các nhà tài trợ.
 
Nhưng thực tế không chỉ có một màu hứa hẹn. Mỗi tuần, anh phải dành 60-80 giờ để giảng dạy và nghiên cứu. Hai năm sau khi nhận vị trí mới, khoản tài trợ 200.000USD để bắt đầu sự nghiệp cạn dần. Harvard không trả lương cho anh trong ba tháng hè, trong khi mục tiêu giành một dự án lớn vẫn chưa được đảm bảo.
 
Hằng tuần, anh phải di chuyển 8 tiếng để về thăm gia đình. Mọi việc có vẻ đã đi đến điểm tới hạn với Tingley vào mùa thu 2014, trên hành trình trở lại làm việc sau khi thăm vợ tại Boston. Anh rơi vào trạng thái căng thẳng tột độ, kiệt sức, cảm thấy mình biến thành nhân vật trong một trò chơi video.
 
Kết quả khảo sát tháng 9/2016 của Tạp chí Nature cho thấy, nghiên cứu đang trở thành một nghề kém hấp dẫn. “Tôi thấy công việc của một trưởng nhóm nghiên cứu điều hành phòng thí nghiệm thật kinh khủng”. “Tôi thấy nhiều cộng sự ly dị, kiệt sức, chấm dứt sự nghiệp khoa học. Bản thân tôi đang rất mệt mỏi”. Đó là hai trong hơn 300 câu trả lời.
 
Nhiều nhà khoa học trẻ khó cân bằng sự nghiệp – cuộc sống. Ảnh: Xocaistore
 
Thử thách lớn nhất là sự cạnh tranh để giành nguồn tài trợ vốn eo hẹp trong hàng chục năm qua. “Số người làm khoa học đang ở mức cao nhất trong lịch sử, nhưng số tiền tài trợ không đổi” – Jon Lorsch – Giám đốc Viện Y khoa quốc gia Mỹ – nhận định.
 
Áp lực không chỉ đến từ việc theo đuổi tài trợ. Nhà khoa học Eddie López-Honorato theo học tiến sỹ tại Anh và làm nghiên cứu sinh sau tiến sỹ về vật liệu tại Đức trước khi về Viện Bách khoa quốc gia Mexico năm 2012. Tại đây, anh đã xuất bản 20 bài báo khoa học và xây dựng một phòng lab với 15 nhân sự, đánh đổi bằng toàn bộ thời gian cho gia đình ở giai đoạn mà vợ con cần anh nhất. Thế nhưng bất chấp áp lực, nhiều người được phỏng vấn thừa nhận họ rất may mắn mới có cơ hội để tự định hình sự nghiệp.
 
Người có tuổi cần “nhường sân”
 
Cả người trẻ và những người có vai vế trong làng khoa học đều chịu áp lực lớn của việc công bố kết quả nghiên cứu. Họ được đánh giá dựa trên hồ sơ công bố khoa học và nguồn tài trợ thu hút được, nhưng không có mục tiêu rõ ràng. Họ cảm thấy mình đang cố gắng sản xuất hết bài báo này đến bài báo khác trong một hành trình không có hồi kết.
 
Hành trình này có gây hại cho cộng đồng khoa học và nền khoa học hay không? Theo Bruce Alberts – nhà sinh hóa có tiếng tại Đại học California, Mỹ, câu trả lời là có. Bầu không khí cạnh tranh quá mức đang bóp nghẹt sức sáng tạo và đẩy các nhà khoa học vào thế phải theo đuổi “khoa học tầm thường” – các dự án an toàn nhưng nhàm chán.
 
“Các nguồn lực cần được chuyển bớt sang người trẻ” – Alberts nói. Ông đề xuất với Hội đồng Phân bổ kinh phí nghiên cứu châu Âu chia các ứng viên xin tài trợ thành ba nhóm theo số năm kinh nghiệm, để người mới bắt đầu sự nghiệp không quá thua thiệt so với đồng nghiệp đã thành danh. Còn Lorsch cho rằng cần khuyến khích các nhà khoa học có tuổi tập trung giảng dạy, hướng dẫn và tư vấn khoa học – những việc không “hút cạn” tài trợ của lứa trẻ.
 
Năm 2016, Viện Y khoa quốc gia Mỹ đã thí điểm một chương trình cấp vốn khoa học có phân chia nhóm tuổi như ý tưởng của Alberts.
 
 
Lê Ngọc (Theo Nature)

 

Share.

Leave A Reply