4 “người thầy” vĩ đại cùng đồng hành và dạy dỗ ta đến cuối cuộc đời

0

Sẵn sàng du học – Thất bại, sách, thiên nhiên hay tín ngưỡng chính là những thứ mang đến cho chúng ta vô vàn bài học quý trong suốt cả cuộc đời.

ssdh-sinh-vien-chau-a

 

Thất bại – Người thầy tận tuỵ

Thomas Alva Edison bắt đầu nghiên cứu về bóng đèn điện từ tháng 3 năm 1878. Sau hàng ngàn cuộc thử nghiệm, nghiên cứu diễn ra bền bỉ đến tận tháng 10 năm 1879, chiếc bóng đèn điện đầu tiên của nhân loại đã ra đời, chiếu sáng tận 40 giờ liên tục. “Tôi không thất bại. Tôi chỉ tìm ra 10.000 cách nhưng chưa thành công” là cách mà ông nói về hàng ngàn thử nghiệm thất bại của mình để tìm ra đúng vật liệu làm sợi dây tóc trong bóng đèn.

Thật vậy, “thất bại là mẹ thành công”; không thành công nào mà không trải qua đôi lần thất bại. Thất bại không đồng nghĩa với kết thúc mà đôi khi đó chính là nơi chúng ta bắt đầu. Thất bại là cách để chúng ta thức tỉnh, nhìn nhận lại bản thân cũng như cách thức mà mình đã và đang làm để từ đó tìm ra con đường đúng đắn nhất đạt đến mục tiêu mà bản thân đã đặt ra ở thời điểm ban đầu. Thất bại đích thị là một người thầy tận tuỵ, đưa chúng ta đến bến bờ thành công.

Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ – Donald Trump đã nói: “Không bao giờ có điều gì đáng làm mà lại đến một cách dễ dàng cả. Bạn chiến đấu càng ngay chính, bạn sẽ càng phải đối mặt với nhiều trở ngại”. Ngay từ thời điểm này, nếu gặp phải thất bại trong cuộc sống hoặc công việc, đừng ngần ngại gửi tặng nó một lời cảm ơn.

Sách – Người thầy mẫu mực

Thừa tướng nổi tiếng của triều đại Bắc Tống, đồng thời là nhà sử học Tư Mã Quang (1019 – 1086) trong một ngày nhìn thấy con trai đang cầm quyển sách một cách hờ hững trong tay đã ngay lập tức dạy bảo: “Một người cao quý thích đọc sách Thánh hiền. Điều đầu tiên là người ấy phải yêu quý và trân trọng những cuốn sách”.

Ở một diễn biến khác, cha mẹ người Do Thái lại xịt nước hoa vào từng trang sách để khuyến khích con trẻ yêu và đam mê việc đọc. Họ tin rằng: “Chúng ta sẽ trở thành gì, phụ thuộc vào điều chúng ta đọc sau khi tất cả các thầy cô giáo đã xong việc với chúng ta. Trường học vĩ đại nhất chính là sách vở”.

 

Rõ ràng, bên cạnh thầy cô giáo, sách là một trong những người thầy mẫu mực bậc nhất. Sách cung cấp kiến thức, khơi dậy lòng trắc ẩn, nuôi dưỡng sự đồng cảm và tình yêu thương. Sách cho phép chúng ta tự cảm nhận những bài học một cách tự do qua từng con chữ, không bắt ép và cũng chẳng rập khuôn. Sách cũng chẳng tự mình nhồi nhét vào đầu chúng ta những lý tưởng sáo rỗng, giáo điều. Sách trân trọng từng cảm quan của mỗi con người.

Thiên nhiên – Người thầy sáng tạo

Chắc hẳn không ít người trong số chúng ta vẫn còn nhớ như in cái cảm giác nóng rát khi chân trần chạy trên con đường làng những trưa hè nắng gắt; những chiều lộng gió tung tăng trên cánh đồng chiều nghe mùi lúa chín vàng thơm mát, cùng lũ bạn chăn trâu, thả diều, bắt bướm hay đắm mình dưới những cơn mưa mát rượi có mùi đất ẩm mốc. Bấy nhiêu đó yếu tố tổng hòa lại tạo nên mảng ký ức vui vẻ đầy màu sắc và hương vị mang tên tuổi thơ.

Và tuổi thơ hồn nhiên, trong trẻo, vui tươi ấy sẽ không thể hoàn thiện nếu thiếu đi vẻ đẹp dịu dàng, mát lành, lãng mạn của thiên nhiên, của cảnh vật. Thiên nhiên luôn có hàng ngàn, hàng vạn điều ta có thể học hỏi và xứng đáng là thầy của ta.

Chuyện kể có lần Khổng Tử đến bái kiến Lão Tử. Khi hai người đến bờ sông Hoàng Hà, Lão Tử chỉ con sông rồi quay sang nói với Khổng Tử: “Ông sao không học cái đức của nước. Nước thiện, không tranh giành, ở nơi mà mọi người đều ghét, đó là đức khiêm nhường. Nước mềm mại yếu đuối, nhưng những thứ cứng rắn không thể thắng được, đó là đức nhu”.

Khổng Tử nghe đến đây bỗng bừng tỉnh tiếp lời: “Mọi người ở trên cao, riêng nước ở dưới thấp. Mọi người ở chỗ dễ chịu, riêng nước ở chỗ hiểm trở. Mọi người ở chỗ sạch sẽ, riêng nước ở chỗ dơ bẩn. Chỗ nước ở là chỗ mà mọi người ghét thì ai còn tranh với nước đây?”

Tín ngưỡng – Người thầy chân chính

Trong tiểu thuyết “Anh em nhà Karamazov”, nhà văn Dostoevsky viết: “Vì không có đức tin nên những người vô thần coi “mọi điều đều là hợp pháp”. Vì vậy những người vô thần có thể làm bất cứ điều gì mà không sợ hãi kể cả tội ác”.

Giáo sư Will Gervais, Đại học Kentucky cũng đã chỉ ra: “Mọi người dường như cho rằng tôn giáo là yếu tố tất yếu của đạo đức. Không có tôn giáo, mọi người sẽ hành xử hoang dã vì không có ai yêu cầu họ phải trung thực. Không ai nói với họ tại sao họ không nên nói dối, ăn cắp và làm những điều tàn bạo. Họ không sợ nhân quả báo ứng”.

Tín ngưỡng và niềm tin vào đấng tối cao là thứ thúc đẩy con người ta tu rèn đạo đức và tâm tính để hướng đến những giá trị Chân – Thiện – Mỹ.

Cá Domino (SSDH) – Theo kenh14

Share.

Leave A Reply