Sẵn sàng du học – "Nhật ký cô giáo – Học kỳ xuân" không chỉ là chuyện của một cô giáo, mà còn là cuốn sách sâu sắc và tâm lý giáo dục, khủng hoảng giáo dục hiện nay.
Tập tản văn Nhật ký cô giáo – Học kỳ xuân giúp bạn đọc hiểu hơn về những người đang đứng trên bục giảng. Cuốn sách giống như một cuốn sổ ghi chép của tác giả Hồ Yên Thục, là những trang nhật ký mỗi ngày lên lớp của cô giáo. Đó chẳng phải là một ngày “lên thẳng trên mây” thì cũng là ngày “tuột mood ngay xuống đất”.
Trong những mẩu chuyện của cô giáo, sinh viên là nhân vật trung tâm. Giảng dạy trên giảng đường, đối tượng “phục vụ” của nữ giảng viên là những cô cậu sinh viên đến từ nhiều vùng miền. Mỗi người lại có một tính cách, sở trường, tập tục văn hóa, hoàn cảnh khác nhau. Và hàng ngày, cô giáo cũng phải đối phó với đủ trò của đám “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò”.
Chỉ riêng việc điểm danh, làm bài tập nhóm thôi mà đám sinh viên cũng nghĩ ra trăm phương nghìn kế để “qua mặt” giảng viên. Nhưng chính lũ học trò tinh quái ấy lại có lúc trong trẻo, “ngơ ngác” đến khó tưởng tượng nổi.
Đứng trên bục giảng, có thể quát mắng, trách phạt sinh viên, nhưng bản thân những người thầy – người cung cấp dịch vụ – lại không được phép đi muộn dù chỉ vài phút. Có những lúc người nữ giảng viên “cảm thấy bản thân đa nhân cách khi vừa la xối xả đám học trò không chuẩn bị bài và xoay sang bật chế độ tươi cười năm phút sau khi giảng bài mới vì ‘lúc dạy học thì vui tươi phấn khởi, khi chấm bài thì nghiêm như Bao Công’”.
Trong môi trường ấy, thỉnh thoảng nữ giảng viên cảm nhận được sự chân thành từ sinh viên của mình, sự chia sẻ của các đồng nghiệp.
Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân nhận xét cuốn sách của Hồ Yên Thục đã dựng lên thế giới học trò gồm “đủ thập loại chúng sinh từ con tý đến con hợi, với rất nhiều nhân vật đặc sắc, một xã hội thu nhỏ”. Nhà phê bình mỹ thuật coi đây là tập tản văn thú vị, sắc sảo và không kém phần hài hước về tâm lý giáo dục và khủng hoảng giáo dục hiện nay.
Nguyễn Quân cho rằng giáo dục đào tạo hiện nay lấy người học làm trung tâm mà thường quên một trung tâm khác là người dạy. Cuốn sách của Hồ Yên Thục có chất tưng tưng, pha lẫn những tình huống “khó đỡ” trong giảng đường, thể hiện chân thực hình ảnh thầy cô giáo vừa nghiêm khắc vừa yêu thương các học trò.
Qua tập tản văn, độc giả thêm hiểu, thêm yêu hơn các thầy cô – những người đang bị thế giới hiện đại soi kỹ từng hành động, cử chỉ. Giữa bộn bề mưu sinh, những người thầy người cô không chỉ trao truyền kiến thức, họ luôn phải giữ gìn sự chuẩn mực, làm người đưa đò đi cùng học sinh trên một chặng đường cuộc sống.
Tác giả Hồ Yên Thục hiện là giảng viên đại học, sinh sống tại TP.HCM. Cô là thạc sĩ quản lý giáo dục, Đại học Portsmouth, Anh. Cô tự nhận mình là người “thích đọc hơn thích viết, thích ngắm người hơn nói chuyện, luôn hướng về những điều khôi hài và thuyết phục”.
Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing