SSDH – Giảng viên Trường Kinh tế và Quản trị Crawford thuộc Đại học Quốc gia Australia (ANU) – Tiến sĩ Chu Hoàng Long cùng các cộng sự đã xuất sắc giành được giải thưởng Eureka 2011 danh giá nhất trong nghiên cứu khoa học tại Australia, với công trình nghiên cứu trong lĩnh vực quản lý và sử dụng nguồn nước.
Tiến sĩ Chu Hoàng Long (bên tay phải)
Đầu tháng 9/2011, giải thưởng trên với đề tài nghiên cứu: “Mô hình lưu lượng dòng chảy đo lường lượng nước cho sản xuất nông nghiệp và dự trữ để bảo vệ môi trường” của nhóm nghiên cứu gồm: Giáo sư R.Quentin Grafton (đứng đầu) với sự cộng tác của Giáo sư Tom Kompas, Tiến sĩ Chu Hoàng Long (đến từ ANU) và Giáo sư Michael Stewardson (đến từ Đại học Melbourne) đã trả lời câu hỏi đang gây tranh cãi lớn hiện nay tại Australia: Nên dành bao nhiêu lượng nước tưới cho nông nghiệp mà không gây nguy hại cho môi trường?
Sansangduhoc.com đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Chu Hoàng Long về những thành công của nhóm nghiên cứu tại lễ trao giải Eureka năm nay.
SSDH: Tiến sĩ và các cộng sự đã bắt đầu nghiên cứu đề tài này từ khi nào? Kết quả đạt được sau nghiên cứu?
TS. Chu Hoàng Long: trong suy nghĩ của các nhà kinh tế học, đặc biệt ở một nước được coi là khô hạn như Australia thì ý tưởng phải có một công cụ để xác định việc phân bổ nguồn nước một cách tối ưu đã có từ lâu, cho nên rất khó nói đề tài nghiên cứu này bắt đầu từ năm nào. Trước nghiên cứu này, đã có nhiều tranh luận về việc làm sao giải quyết vấn đề này một cách thuyết phục và hợp lý. Vì thế sau khi xem xét những luồng ý kiến tranh luận và tình hình thực tế tại Australia, hai giáo sư trong nhóm nghiên cứu là Quentin Grafton và Tom Kompas đã trao đổi ý tưởng về đề tài này với tôi ngay khi tôi vừa hoàn thành luận án tiến sỹ của mình vào năm 2009. Nhóm nghiên cứu hoàn thành đề tài vào cuối năm 2010 và công trình được công bố trên tạp chí Nghiên cứu nguồn nước (Water Resource Research) số 47 năm 2011”.
Khi công bố kết quả nghiên cứu, chúng tôi đã giúp xác định phân bổ nguồn nước để làm thế nào có thể tối ưu hóa lợi ích của xã hội trong khi vẫn đảm bảo tính bền vững của môi trường. Nghiên cứu có ý nghĩa không chỉ trong phạm vi khoa học thuần túy, mà còn tạo ra một sự thay đổi trong tư duy hoạch định chính sách tài nguyên nước. Cụ thể là con người nên tạo ra những đợt lũ có chu kỳ gần giống với tự nhiên để giảm thiểu những tổn thất về môi trường. Để minh họa, nhóm nghiên cứu đã tính toán trên vùng Murray Darling của Australia, kết quả cho thấy nếu ứng dụng mô hình trong giai đoạn 2001-2009 thì sẽ tăng lợi ích ròng của xã hội lên khoản từ 500 triệu đến 3 tỉ đô-la Mỹ so với những gì đã thực sự diễn ra trong cùng thời gian nói trên.
SSDH: Vai trò của Tiến sĩ trong nghiên cứu này là gì? Những công việc & đảm nhiệm cụ thể của Tiến sĩ trong dự án?
TS. Chu Hoàng Long: Mỗi cá nhân trong nhóm nghiên cứu chúng tôi ngoài những kỹ năng, thế mạnh của từng người thì sự phối hợp & hỗ trợ lẫn nhau là cực kỳ quan trọng, cho nên rất khó có thể tách biệt từng vai trò riêng lẽ. Với một nghiên cứu đa ngành thì điều này càng đúng đắn.
Nhưng nếu xét ở góc độ tương đối cho câu hỏi trên thì tôi đảm nhiệm việc xây dựng mô hình toán kinh tế và lập trình để giải các bài toán tối ưu hóa động có liên quan. Phần này được xem là khá quan trọng và chiếm nhiều trang nhất khi được đăng trên tạp chí Nghiên cứu nguồn nước. Tuy nhiên, nếu không có ý tưởng, sự tổng hợp vững chắc về các nghiên cứu trước đó làm nền tảng cho nghiên cứu này; Các kiến thức về vùng thực địa của hai Giáo sư Quentin Grafton và Tom Kompas, hoặc không có sự hỗ trợ về các nghiên cứu về môi trường từ Tiến sĩ Michael Stewardson thì tôi cũng không có đủ thông tin để xây dựng cũng như giải mô hình đó.
SSDH: Giám đốc Australia Museum – Ông Frank Howarth đã đánh giá cao về thành công của mô hình này. Nghiên cứu mang ý nghĩa toàn cầu bởi nó có thể áp dụng cho tất cả các hệ thống sông trên thế giới. Đây cũng là mô hình đầu tiên trên thế giới giúp các nhà lãnh đạo hoạch định chính sách có căn cứ khoa học, để đưa ra quyết sách phân bố nguồn nước có lợi cho cả môi trường và kinh tế. Tiến sĩ nghĩ như thế nào về đánh giá này?
TS. Chu Hoàng Long: Chúng tôi trân trọng những ghi nhận tích cực về giá trị của nghiên cứu này và qua đó đánh giá cao nỗ lực của cả nhóm. Việc bài viết được công bố trên một tạp chí có uy tín hàng đầu trong lĩnh vực tài nguyên nước như Tạp chí Nghiên cứu nguồn nước cũng đã cho thấy nó chứa đựng những điểm mà từ trước tới nay chưa ai đề cập. Nếu có mô hình nào đó tương tự thì chắc chắn nghiên cứu này sẽ không lọt qua được sự sàng lọc của các Nhà phản biện – vốn đều là những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này.
Trong khi thực hiện đề tài, cả nhóm nghiên cứu thống nhất là dù lấy vùng Murray làm ví dụ minh hoạ, nhưng mô hình sẽ có thể áp dụng cho các hệ thống sông khác bằng cách thay đổi các tham số đưa vào mô hình. Theo đó, nếu cần áp dụng mô hình cho một vùng nào khác ở bất kỳ đâu trên thế giới, ta chỉ cần tính toán những tham số cho vùng đó, rồi đưa vào máy tính, ấn nút và ngồi chờ kết quả
SSDH: Các nhà khoa học đều biết rằng để có được khoảnh khắc “Eureka” là cả một quá trình lao động nghiêm túc, cống hiến và niềm say mê của bản thân. Cảm nhận của Tiến sĩ khi nhận được giải Eureka – giải thưởng danh giá nhất trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học tại Australia?
TS. Chu Hoàng Long: Đầu tiên, tôi cảm thấy thực sự vui mừng, xen lẫn cả ngạc nhiên. Ngạc nhiên vì không nghĩ là một người mới bước chân vào nghề nghiên cứu như tôi lại có thể được nêu tên ở “Khoảnh khắc Eureka”. Sau đó, chắc cũng giống mọi người thôi, tôi trân trọng gửi lời cám ơn sâu sắc đến những người thân, bạn bè và những đồng nghiệp ở Australia cũng như ở Việt Nam – những người đã từng hỗ trợ tôi rất nhiệt tình.
SSDH: Trong tương lai, Tiến sĩ có những dự định nghiên cứu nào khác nữa không?
TS. Chu Hoàng Long: Trước mắt, tôi dự định sẽ tìm hiểu sâu hơn lĩnh vực tối ưu hóa các nguồn lực kinh tế, đồng thời sẽ hợp tác với một số tổ chức nghiên cứu của Việt Nam để thực hiện các nghiên cứu về những vấn đề có tác động tới chính sách kinh tế của Việt Nam. Cụ thể, tôi đang làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam để triển khai nghiên cứu các phương án cung ứng nước sạch ở vùng núi sao cho hiệu quả. Sau đó có thể là dự án về các phương án phòng chống dịch bệnh trong nông nghiệp và một số dự án liên quan đến môi trường.
SSDH: Tiến sĩ nghĩ sao về vấn đề, hiện nay có nhiều người dự định sống một vài năm tại các nước phát triển để tích lũy kinh nghiệm và sau đó trở về Việt Nam làm việc?
TS. Chu Hoàng Long: Với tôi, đây là một hướng đi đáng được hoan nghênh. Nếu chúng ta có thể học tập kinh nghiệm, kỹ năng từ các nước phát triển để góp phần phát triển nền khoa học và giáo dục trong nước thì rất tốt. Thậm chí chỉ cần có các nhà nghiên cứu người Việt ở nước ngoài tham gia vào các nghiên cứu về Việt Nam cũng là đáng quý rồi, vì họ tạo ra một cầu nối giữa nền khoa học trong nước với nền khoa học của các nước phát triển, vừa giúp thế giới hiểu thêm về Việt Nam, vừa giúp Việt Nam được cập nhật với những tiến bộ mới nhất trong lĩnh vực khoa học.
Bản thân tôi cũng hy vọng ó thể vừa cập nhật những kiến thức mới nhất tại một nước phát triển như Australia, vừa có thể đem những kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm giảng dạy của mình ứng dụng tại Việt Nam, qua đó góp một phần sức lực của mình vào sự phát triển của nền khoa học Việt Nam trong tương lai.
SSDH: Xin chân thành cảm ơn Tiến sĩ!
Tiểu sử
– Tiến sĩ Chu Hoàng Long sang Australia năm 2004 với học bổng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) học Thạc sỹ Kinh tế Phát triển tại Đại học Quốc gia Australia (ANU).
– Sau đó, anh nhận được Học bổng Endeavor International Postgraduate Research Scholarship (EIPRS) của Bộ Giáo dục Australia để học Tiến sỹ Kinh tế.
– Hoàn thành chương trình Tiến sỹ tại ANU vào năm 2009, Tiến sĩ Chu Hoàng Long làm việc tại Trường Kinh tế và Quản trị Crawford thuộc ANU và hiện đang dạy Toán ứng dụng trong kinh tế và kinh tế vi mô của bậc học thạc sỹ.
Thu Hương