Nữ doanh nhân ngành thép khởi nghiệp từ nghề… mua tôn cũ

0

Sẵn sàng du học – “Việc gì người ta làm được thì mình cũng phải làm được” luôn là tâm niệm hành động của nhân vật chính trong hồi ký 'Trái tim của thép' để từ đó giúp bà vượt qua nhiều trở lực.

Trái tim của thép là tập hồi ký ghi chép về cuộc đời nhân vật được quen gọi là “cô Liên” – Trần Thị Liên, người tạo lập nên doanh nghiệp thép Ngọc Biển được bạn bè ngành thép phía Nam biết tiếng và dành cho nhiều tình cảm quý mến. Nếu nói cuốn hồi ký này là một tập nhật ký gia đình, cũng không sai. Với gần 250 trang hồi ký, trái với hình ảnh nữ doanh nhân thành đạt thường thấy, mà ở đây qua tác phẩm, cô Liên hiện lên rất người, rất đời.

Một trong những ấn tượng xuyên suốt với độc giả qua tập hồi ký là câu nói quen thuộc, thể hiện ý chí, nghị lực vươn lên không ngừng của người phụ nữ này: “Việc gì người ta làm được thì mình cũng phải làm được”. Qua Trái tim của thép là hình ảnh của một nữ doanh nhân thành đạt ngoài xã hội, trên thương trường. Nhưng nơi gia đình, là sự giản dị, chân chất và đầy tình yêu thương của người mẹ, người vợ với tổ ấm của mình.

ssdh-trai-tim-cua-thep

 

Mấy ai biết rằng để có được thành công của ngày hôm nay, người đàn bà quê đất Đồng Nai ấy với xuất phát điểm của hai bàn tay trắng, trình độ học vấn dừng ở lớp 6 do hoàn cảnh gia đình, đã không ngừng nỗ lực dấn bước với bản lĩnh trái tim của thép với khởi đầu từ nghề… thu mua tôn cũ, gò tôn.

Xuất phát điểm đầy vất vả để mưu sinh là thế, nhưng rồi với sự nhạy cảm trong kinh doanh, luôn biết nắm bắt cơ hội, đương đầu những thách thức, khó khăn cùng tâm niệm thành công dựa vào sự lao động miệt mài và chữ tín, bà đã từng bước tạo lập được doanh nghiệp thép lớn mạnh ở phía Nam, thép Ngọc Biển. Không chỉ thế, còn là sự dám trải nghiệm ở những lĩnh vực mới như khách sạn, nhà hàng để từng bước tạo bước chuyển giao sự nghiệp cho thế hệ kế thừa qua việc xây dựng nên khu chợ mới Đà Lạt cùng khu phức hợp Dalat Center – Hôtel Colline. Làm kinh doanh để có được sự vững bền, bà tâm niệm: “Kinh doanh không chỉ là lợi nhuận, không chỉ ôm hết tất cả mọi thứ về mình mà kinh doanh phải bắt đầu bằng cái tâm. Dụng tâm chia sẻ và đồng hành cùng mọi người để cùng nhau phát triển, đó mới là một người biết làm kinh doanh”.

Năng động, mạnh mẽ trên thương trường là thế, nhưng dẫu bao bộn bề công việc kinh doanh, cô Liên trên hết vẫn là một người phụ nữ của gia đình. Mỗi lúc rảnh rỗi, cô lấy việc chăm sóc chồng con làm niềm vui, niềm hạnh phúc, là điểm tựa tinh thần của mình ngoài xã hội. Bình dị làm sao hình ảnh người mẹ vào bếp nấu những món ăn con thích, khắc khoải làm sao nỗi lòng người mẹ với đêm thâu ngóng trông khi con về muộn… Những tình cảm thường nhật ấy lại càng làm cho nhân vật của chúng ta gần gũi và đời hơn bao giờ hết.

Là hồi ký viết về doanh nhân, nhưng tác phẩm thể hiện sự bình dị như chính nhân vật chính của nó, không dùng tình tiết éo le, gây sốc để hút độc giả, Trái tim của thép sâu lắng ở câu chữ, được bạn đọc dành cho nhiều tình cảm ở chính sự chân thật của nhân vật góp phần lan tỏa nghị lực sống, ý chí vươn lên từ lao động chân chính và tâm thiện tỏa ra từ chính người phụ nữ được nói tới như cảm nhận của người con gái đầu “cô Liên” về mẹ mình: “Má là đóa sen sinh ra và lớn lên trong bùn lầy. Má là đóa sen từ trong ao tù nước đọng vươn mình. Má là đóa sen không chấp nhận số phận, không quản ngại khó khăn gian khổ… Đóa sen cứ thế âm thầm, lặng lẽ nhưng mãnh liệt tỏa ra thứ hương thơm thanh khiết cho đời. Thứ hương thơm xuất phát từ trái tim má, nhẹ nhàng lan tỏa đến cả những mảnh đời, những số phận kém may mắn. Trái tim của thép, trái tim mạnh mẽ, bao dung mà ấm nóng trọn cuộc đời”.

Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing

Share.

Leave A Reply