Sẵn sàng du học – “Thần chi hương” đã phác họa bức tranh đầy màu sắc về nét đẹp văn hóa bản địa Đài Loan, dưới góc nhìn mới mẻ nhưng vô cùng sâu sắc của những người trẻ hiện đại.
Vào năm thứ ba đại học, Hạ Chí Huân cùng với Trần Noãn Noãn, cô gái khoa Mỹ thuật cùng trường thầm mến cậu, từ Đài Bắc trở về quê hương Đại Khê sau bảy năm xa cách. Từ giây phút trở về ấy, A Huân chậm rãi nhớ lại những kỷ niệm ấu thơ, những người bạn năm xưa, quãng thời gian cha mẹ bất hòa và cả lời ước hẹn dở dang…
A Huân được Tả Huyên xây dựng chân dung rất đặc sắc, được hé mở dần dần khi cậu tiếp xúc với những điều gần gũi xưa cũ của quê hương. Ấy hoàn toàn không phải là hình ảnh một A Huân lạnh lùng, khép mình trong mắt Trần Noãn Noãn suốt những năm đại học. A Huân ở Đại Khê là một chàng trai ấm áp, luôn biết lo lắng, yêu thương người khác. Cậu trân trọng những người bạn thân thiết của mình, như Nhất Tâm, người có tính cách trái ngược cậu, nhưng dù bảy năm xa cách không liên lạc, Nhất Tâm vẫn luôn chờ đợi, luôn tin tưởng cậu.
A Huân còn là người trân trọng những điều xưa cũ. Cậu nuối tiếc khi thấy Đại Khê đã dần đổi thay. Quảng trường nơi lũ trẻ thường đánh con quay thuở nhỏ, giờ đã trở thành bãi đỗ xe, phố cổ yên tĩnh thuở nào, lại trở nên sầm uất, nhộn nhịp,… nhưng trải qua từng ngày với Đại Khê, cùng những người thân yêu, cậu nhận ra rằng, tấm lòng miền đất này vẫn trọn vẹn dành cho cậu.
Những tổn thương xưa cũ, những mất mát đã qua, đều bởi vì cậu sợ hãi mà trốn tránh. Nhưng tấm lòng của bạn bè vẫn rộng mở, chờ đợi cậu. Lời hứa cùng nhau tham gia lễ rước mừng sinh nhật Quan Thánh Đế Quân vào ngày 24/6 (âm lịch) với Nhất Tâm bảy năm trước, đến nay mới có thể thực hiện.
Lối kể chuyện của tác giả Tả Huyên trong Thần chi hương khá đặc sắc với những chi tiết hiện tại đan xen những hồi ức đẹp đẽ, càng khắc họa rõ nét tính cách nhân vật. Bên cạnh những nhân vật chính như A Huân, Noãn Noãn, Nhất Tâm, thì các nhân vật phụ như Đại Dũng, Đại Nghĩa, chị Đức… đều là những người tâm huyết với những giá trị văn hóa truyền thống của Đại Khê, đặc biệt là hội định mùa hạ, lễ hội Quan Thánh Đế Quân.
Đây cũng chính là điểm nhấn xuyên suốt quyển hạ và quyển thượng của bộ truyện tranh Thần chi hương. Đây là lễ hội nổi tiếng của thị trấn cổ Đại Khê, một địa danh du lich nổi tiếng của Đài Loan.
Việc lấy bối cảnh truyền thống, đồng thời phác họa nhiều nét văn hóa đặc sắc, cùng các món ăn, trò chơi dân gian thông qua con mắt của những người trẻ tuổi, truyện tranh Thần chi hương, đã khơi dậy lòng yêu mến, trân trọng những nét đẹp cổ xưa.
Khi những nét văn hóa cổ đang có nhiều nguy cơ bị mai một trước dòng phát triển mạnh mẽ của xã hội hiện đại thì việc tác giả Tả Huyên lựa chọn chủ đề này đã thể hiện được tấm lòng mến yêu và tha thiết đưa văn hóa bản địa Đài Loan đến với đông đảo độc giả trong nước và quốc tế. Điều này càng tạo nên ý nghĩa sâu sắc cho bộ truyện tranh Thần chi hương. Tâm ý của tác giả phần nào được gửi gắm qua lời giãi bày của người thầy giáo già của A Huân: “Có hai sinh viên nhiệt tình với văn hóa bản địa đến thế này, thực khiến người ta quá sức cảm động”.
Truyện tranh Thần chi hương, tác giả Tả Huyên lựa chọn phong cách vẽ hiện đại, trẻ trung, thân thiện với nội dung gần gũi, dung dị lại chất chứa nhiều ưu tư, cảm động đã nhận được nhiều đồng cảm của độc giả, đặc biệt là độc giả trẻ, khích lệ những người trẻ tìm hiểu, nâng niu và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc.
Tác giả Tả Huyên tốn hai năm sưu tâm tư liệu, nhiều lần đích thân đến Đại Khê chọn cảnh, thăm hỏi, tỉ mỉ khắc họa lại quang cảnh thực của Đại Khê, trong suốt thời gian đăng trên tạp chí nhiều ký liên tục nhận được những lời khen ngợi.
Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing