Trường đại học thiệt hại vì virus corona

0

Sẵn sàng du học – Nếu không có sự bùng phát của dịch Covid-19, Xu Mingxi, 22 tuổi, quốc tịch Trung Quốc, có thể đang ngồi nghe giảng tại Đại học New York (Mỹ).

Nhưng ba tuần qua, anh cùng gia đình quanh quẩn trong căn hộ tại Vũ Hán, thành phố đang bị chính quyền Trung Quốc phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của virus corona chủng mới. Ngay cả khi có thể rời khỏi thành phố, Xu cũng không thể đến Mỹ, nơi anh đã theo học bốn năm rưỡi vì lệnh hạn chế đi lại.

Quốc tịch Trung Quốc, Alex (tên giả) đang ở trong tình huống tương tự. Alex đang ở Bắc Kinh cùng mẹ và ông ngoại. Cô lo lắng không thể quay về thành phố Sydney (Australia) vào cuối tháng này để tham dự học kỳ mùa xuân tại Đại học Sydney và có thể trì hoãn một học kỳ cho chương trình học ngành Luật.

Khi dịch Covid-19 lan rộng, hơn 60 quốc gia đã ra lệnh hạn chế đi lại với Trung Quốc. Mỹ và Australia đều từ chối nhập cảnh công dân nước ngoài đã di chuyển qua Trung Quốc trong 14 ngày. Quyết định này khiến Xu và Alex không thể tiếp tục tham gia học kỳ mới tại nước ngoài.

Thanh niên đeo khẩu trang y tế trong khi đứng đợi tàu điện ngầm tại Thượng Hải, Trung Quốc để phòng virus corona. Ảnh: Shutterstock

Thanh niên đeo khẩu trang y tế trong khi đứng đợi tàu điện ngầm tại Thượng Hải, Trung Quốc để phòng virus corona. Ảnh: Shutterstock

Sự bùng phát của dịch bệnh trùng với dịp Tết Nguyên đán, ngày lễ quan trọng nhất trong văn hóa Trung Quốc nên nhiều sinh viên quốc tế trở về quê hương đoàn tụ với gia đình. Đối với Xu, ban đầu Tết Nguyên đán chỉ là dịp nghỉ lễ bình thường như mọi năm và sự bùng phát của dịch Covid-19 không phải vấn đề lớn. Trong thời gian đầu, mỗi khi ra ngoài, anh đều đeo khẩu trang, tránh xa khu vực chợ hải sản có liên quan đến dịch.

Ngày 23/1, đêm trước khi Xu quay trở về Mỹ, chính quyền Trung Quốc tuyên bố phong tỏa Vũ Hán. Tuy vẫn còn thời gian để rời đi, anh quyết định ở lại cùng gia đình vì tin ở lại quê hương sẽ an toàn hơn và lệnh phong tỏa sẽ không kéo dài. Ngày 27/1, khóa học của Xu tại Đại học New York bắt đầu. Ngày 31/1, chính phủ Mỹ tuyên bố công dân nước ngoài không có thân nhân Mỹ hoặc thường trú nếu tới Trung Quốc trong vòng 14 ngày sẽ bị từ chối nhập cảnh.

Xu có thể đăng ký khóa học từ xa nhưng nam sinh không muốn chi 62.000 USD (khoảng một tỷ đồng) cho chương trình. Anh quyết định dừng học kỳ mới, điều này đồng nghĩa với việc trì hoãn tốt nghiệp trong sáu tháng.

Tại Australia, Đại học Sydney, nơi Alex đang theo học đã đưa ra nhiều biện pháp giúp sinh viên Trung Quốc đối phó với tình hình hiện tại. Sinh viên không thể quay về Australia có thể học từ xa, bắt đầu kỳ học mới muộn vài tuần hoặc tạm hoãn chương trình học.

Alex dự định hoãn học kỳ này nếu không thể trở lại Australia vào giữa tháng 3. Nữ sinh cho biết chi trả khoảng 30.280 USD (khoảng 700 triệu đồng) cho học phí mỗi năm, nhiều hơn sinh viên địa phương, những người đủ điều kiện được giảm học phí.

Khuôn viên Đại học Sydney, một trong những trường danh tiếng Australia. Ảnh: Shutterstock.

Khuôn viên Đại học Sydney, một trong những trường danh tiếng Australia. Ảnh: Shutterstock.

Năm 2017, ước tính 900.000 sinh viên Trung Quốc du học. Khoảng một phần hai trong số đó đến Mỹ và Australia, đóng góp hàng tỷ đôla cho nền kinh tế của hai quốc gia này. Khi Australia cấm nhập cảnh người đến từ Trung Quốc, trừ công dân quốc gia này vào đầu tháng 2, các nhà chức trách ước tính 56% sinh viên Trung Quốc, tức khoảng 106.680 người, sẽ không thể quay lại học.

Trong khi đó doanh thu của các trường đại học Australia một phần không nhỏ đến từ du học sinh Trung Quốc. Năm 2017, 23,3% tổng doanh thu của các trường đại học đến từ sinh viên quốc tế. Năm học 2018-2019, giáo dục quốc tế đã đóng góp 25 tỷ USD cho nền kinh tế tài chính Australia, trong đó sinh viên Trung Quốc chiếm hơn 38% tổng số sinh viên quốc tế.

Tại Mỹ, theo dữ liệu của chính phủ năm 2018, sinh viên Trung Quốc đã đóng góp 14,9 tỷ USD cho nền kinh tế quốc gia này.

Andrew Norton, giáo sư quản lý Chính sách giáo dục tại Đại học Quốc gia Australia, tin rằng hầu hết sinh viên Trung Quốc phải trì hoãn việc học ít nhất 3 tháng đến một học kỳ. Điều đó đồng nghĩa trong thời gian ngắn, các trường đại học Australia sẽ tổn thất 2-3 tỷ USD tiền học phí từ sinh viên không thể lên lớp.

Nhiều quốc gia khác cũng gặp vấn đề tương tự. Hàn Quốc, hiện có khoảng 70.000 sinh viên Trung Quốc, bắt đầu học kỳ mới vào tháng 3. Tuy nhiên, nhiều trường đại học chọn cách lùi thời gian quay trở lại trường sau 14 ngày để đáp ứng nhu cầu của sinh viên quốc tế.

Các chuyên gia dự đoán dịch Covid-19 có thể tác động đến nền kinh tế mạnh hơn so với dịch SARS năm 2003. Nếu nền kinh tế gặp khó khăn, phụ huynh Trung Quốc có thể sẽ chi ít tiền hơn cho việc du học của con cái.

Ngoài ra, phụ huynh Trung Quốc không chỉ nhìn vào chất lượng giáo dục của quốc gia mà còn quan tâm đến sự chào đón, tình hình xã hội để chọn trường cho con. Hiện nhiều người ở quốc gia khác tỏ thái độ xa lánh, kỳ thị công dân Trung Quốc. Thái độ này có thể khiến sinh viên Trung Quốc thay đổi điểm đến du học.

"Khi chất lượng giáo dục của Trung Quốc ngày càng được cải thiện, việc học trong nước có thể trở thành lựa chọn hấp dẫn hơn", Choudah, nhà phân tích giáo dục đại học nói.

Thái Hải (SSDH) – Theo VnExpress

Share.

Leave A Reply