Thiếu nữ Việt xinh đẹp với bảng thành tích ‘sáng chói’

0

SSDH – Xinh xắn, tài năng, Lê Diệp Kiều Trang được nhiều bạn du học sinh khâm phục. Với Kiều Trang, “học ra học, chơi ra chơi và kiến thức không chỉ đến từ nhà trường”.

 

Kiều Trang năm nay 32 tuổi, hiện đang làm việc tại Tập đoàn tư vấn McKinsey, Mỹ. Từ Boston (Mỹ), Trang đã có những chia sẻ về phương pháp học và thi hiệu quả cũng như cách sử dụng mùa hè ý nghĩa ở tuổi học trò.

 

– Kiều Trang được gọi là “cô nàng thủ khoa” từ thời phổ thông tới hiện tại. Bạn đã học như thế nào?

 

– Thủ khoa không nhất thiết là người thông minh hay học giỏi nhất mà là người đạt được những mục tiêu phù hợp với chương trình nhất.

 

du_hoc-thieu-nu-viet-xinh-dep-voi-bang-thanh-tich-sang-choi

Lê Diệp Kiều Trang khi nhận danh hiệu thủ khoa trong buổi lễ tốt nghiệp thạc sĩ tại Học viện MIT (Mỹ) năm 2011.

 

Mỗi chương trình học đều có đặc thù, tiêu chí riêng để đánh giá năng lực người học. Nếu như ở chương trình phổ thông đòi hỏi sự toàn diện cả về kiến thức tự nhiên lẫn xã hội thì các khóa học lên cao, khối tự nhiên lại đặt trọng tâm ở kiến thức, khả năng suy luận và ứng dụng các nguyên lý để giải quyết vấn đề; chương trình MBA đòi hỏi người học khả năng đưa ra chiến lược, sự sáng tạo… Việc xác định đúng những đòi hỏi của chương trình là mấu chốt dẫn đến thành công.

 

– Vào trường chuyên thì bắt buộc phải đậu đại học, đã có năng khiếu thì phải luôn giỏi hàng đầu. Nhiều bạn trẻ hiện đang phải gồng gánh những áp lực trên từ gia đình, xã hội, thầy cô, bạn bè. Kiều Trang có từng trải qua tình cảnh tương tự?

 

– Đúng là như vậy. Lúc này sự chia sẻ của gia đình rất quan trọng. Tôi may mắn được gia đình hiểu và chấp nhận cả ưu, khuyết điểm của bản thân nên áp lực vì thế giảm đáng kể, nó chỉ khiến tôi cố gắng hơn chứ không gây căng thẳng.

 

– Để có thành tích học tập tốt, Kiều Trang đã phải hi sinh sở thích của bản thân, ví như kỳ nghỉ hè?


– Quỹ thời gian hạn hẹp chỉ cho phép chúng ta chọn làm một ít trong số rất nhiều thứ muốn làm. Nhưng nhìn ở góc độ tích cực thì nhờ vậy mà chúng ta học được cách chọn lọc, ưu tiên những việc mình yêu thích nhất.

 

Trong cuộc sống, tôi luôn cố gắng cân bằng giữa việc học và giải trí. Thời còn học ở Việt Nam, trong khi bạn bè cùng lớp hầu hết đều đi học thêm, học trước chương trình thì tôi lại được mẹ cho đi học vẽ, hát và tham gia đội tuyển nhảy aerobic mỗi dịp hè. Khi đi du học, tôi thường về nước để thực tập hoặc đi làm tình nguyện viên cho một số dự án khi có thời gian.

 

Tôi chủ trương nghỉ hè là thời gian để học, khám phá một điều gì đó mới trong cuộc sống mà trong năm khó có cơ hội làm. Những kỹ năng có được từ các lớp học ngoài trường sau đó trở thành vốn quý, không chỉ bổ sung cho tri thức mà còn giúp tôi tự tin, bản lĩnh khi đi làm. Tôi thấy bản thân may mắn vì gia đình đã tin tưởng tuyệt đối và… can đảm giáo dục tôi theo cách khác với những gì mọi người thường làm.

 

– Nhưng chỉ có nỗ lực học ngày học đêm mới giúp chúng ta có cơ hội đậu vào những trường đại học danh tiếng trên thế giới, các tập đoàn lớn?


– Việc học là một cuộc đua đường dài. Chúng ta sẽ khó thể chạy lâu nếu không biết tăng, giảm tốc kịp thời để giữ sức.

 

Từng học ở các trường danh tiếng cũng như có kinh nghiệm làm việc cho những tập đoàn lớn, tôi nhận ra điểm số cao chỉ là điều kiện cần. Các trường, công ty lớn hằng năm nhận được cả nghìn hồ sơ từ những người giỏi nhất trên toàn thế giới. Trong số này chỉ những hồ sơ tạo được dấu ấn riêng mạnh mẽ mới được tuyển chọn.

 

Hai yếu tố rất quan trọng để tạo nét riêng là cá tính, sự say mê trong lĩnh vực đang theo đuổi bên cạnh khả năng thể hiện được điều này trước hội đồng tuyển chọn. Cả hai yếu tố này thường là kết tinh từ quá trình tiếp xúc xã hội, thế giới bên ngoài trường học.

 

Thật ra việc học luôn tồn tại ở mọi lúc mọi nơi, thậm chí học trong công việc, trong đời sống còn sâu sắc hơn nhiều so với sách vở.

 

– Trong khi giới trẻ phương Tây luôn được gia đình tạo cơ hội tham gia hoạt động xã hội, đi du lịch… thì năm nào học sinh Việt Nam cũng phải chịu đựng điệp khúc “học thêm”. Nhìn nhận của Kiều Trang về chuyện này?


– Ở đâu cha mẹ cũng đều mong muốn điều tốt nhất cho con cái, chỉ là đôi khi quyết định của họ bị tác động bởi quan điểm, áp đặt từ xã hội. Theo tôi quan sát, những năm gần đây ý thức và cách nhìn nhận về mục tiêu trong việc học của con em ngày càng cải thiện đáng kể ở nhiều gia đình Việt. Tuy nhiên hệ thống trường lớp ở Việt Nam phần lớn đều không thay đổi kịp để thích nghi với đòi hỏi từ xã hội. Tôi cho rằng vấn đề xuất phát từ việc chúng ta vẫn còn thiếu những nhà chuyên môn, đủ kinh nghiệm để định hướng, đem lại cơ hội học tập mới cho người trẻ trong thời đại mới.

 

– Mùa thi cuối cấp đang tới, bạn có chia sẻ gì với những sĩ tử tương lai?

 

– Tôi đã đôi lần phải nếm mùi thất bại. Bất kỳ ai cũng có thế mạnh và điểm yếu, tôi nghĩ thất bại đơn giản là cơ hội để chúng ta nhận ra điểm yếu, có mục tiêu mới hướng tới và hoàn thiện hơn. Năng lực của một người được cấu thành từ nhiều yếu tố chứ không thể chỉ thông qua một kỳ thi. Tất nhiên trong những lúc không may mắn, chúng ta cũng rất cần sự động viên từ người thân để duy trì suy nghĩ tích cực.

 

Lê Diệp Kiều Trang từng là thủ khoa kỳ thi tuyển sinh đầu vào lẫn đầu ra Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM (niên khóa 1995-1998). Được tuyển thẳng vào ĐH nhưng Trang vẫn thử sức ở kỳ thi này và đậu thủ khoa ĐH Sư phạm TP.HCM, á khoa ĐH Ngoại thương TP.HCM.

 

Du học tại ngôi trường danh tiếng Oxford (Anh) với học bổng toàn phần, Kiều Trang tốt nghiệp loại ưu cùng lúc hai chuyên ngành (nằm trong tốp năm sinh viên xuất sắc nhất trường) và giành được học bổng học tiếp lên tiến sĩ cũng tại ĐH Oxford. Năm 2009, bạn tiếp tục đoạt học bổng Legatum Fellowship tại Học viện MIT (Mỹ) và tốt nghiệp thủ khoa chương trình MBA với điểm số tuyệt đối (5/5) vào năm 2011.

  

Theo Tuổi trẻ

Share.

Leave A Reply