SSDH – Sốc văn hoá (Culture shock) là trạng thái thường gặp khi ta đi từ nước này sang nước khác. Thuật ngữ dùng để chỉ cảm giác hoang mang, lo lắng của những khách du lịch khi họ mới tới và trải nghiệm một môi trường văn hoá lạ.
Khung cảnh khác lạ, ngoại ngữ không thông hiểu và những thói quen “kỳ quặc” của người dân bản địa là nguyên nhân của “sốc văn hoá”.
Sốc văn hoá không chỉ xảy ra khi một người đi từ nước này sang nước khác. Thực chất bất cứ thay đổi nào trong môi trường sống xung quanh cũng có thể đem lại những cú sốc văn hoá. Nếu một người lần đầu tiên rời xa gia đình để chuyển lên thành phố học Đại học, môi trường mới và những trải nghiệm mới có thể là một cú sốc đối với nhịp điệu sinh học và phong cách sống vốn có của anh ta.
Dù sốc văn hoá là một trạng thái căng thẳng của tâm lý, nó có thể dẫn tới nhiều triệu chứng ở cả thể chất lẫn tinh thần. Khi ta chuyển nhà hoặc thay đổi công việc, những trải nghiệm mới khiến ta cảm thấy hoang mang, lo lắng, như mất đi một thứ gì đó vô hình. Nhưng cảm giác buồn bã đó chỉ là tạm thời và là điều tự nhiên dễ hiểu. Theo thời gian ta sẽ dần quen với môi trường mới.
Một số người khi phải trải qua cú sốc văn hoá quá nặng sẽ nhận thấy những dấu hiệu bất thường như luôn mệt mỏi, buồn ngủ hoặc lâng lâng, thấy mọi thứ xung quanh rất “ảo”. Có người bỗng trở nên dễ cáu kỉnh và nóng giận bất thường.
Những câu chuyện thú vị về sốc văn hoá:
Tại Nhật Bản:
Nhật Bản là đất nước nổi tiếng với những quy tắc, lễ nghi, và uống rượu cũng không nằm ngoài đặc trưng đó. Uống rượu là cách thể hiện văn hoá và sự tôn trọng của bạn dành cho người khác. Ví dụ, bạn không được phép tự rót rượu cho mình, làm thế là bất lịch sự. Những “bạn nhậu” khác sẽ chịu trách nhiệm “chăm sóc” cho bạn. Phép lịch sự của họ là phải không ngừng giữ cho cốc của khách được đầy rượu bất kể bạn có chân thật nói rằng: “Cám ơn, tôi uống đủ rồi”. Nhiều người khách nước ngoài vì giữ phép lịch sự nên lại cố gắng uống nốt cốc vừa được rót, hết cốc này tới cốc khác, họ liền say tuý luý. Nhiều khách nước ngoài, đặc biệt là nam giới đã chia sẻ về “tai nạn nhỏ” này. Những người đàn ông Nhật Bản rất hào hứng cổ vũ “doozo doozo!” mà đàn ông phương Tây thì được cái hay cả nể và rất nhũn nhặn.
Ở các thành phố lớn của Nhật, một hình ảnh thường thấy là những đám đông ở bến xe, siêu thị, ga tàu, bạn sẽ phải quen với việc mình bị lèn chặt trong những đám đông đó. Những đoàn người đông đúc đổ vào thang máy, tòa nhà, tàu điện… cùng một lúc và đụng phải nhau là điều rất thường gặp. Ở các ga tàu điện của Nhật, thường có một đội quân hùng hậu đứng sát cửa tàu vào giờ cao điểm, không phải vì họ chờ lên tàu mà nhiệm vụ của họ là “lèn chặt” những người đứng trong khoang để đảm bảo không còn diện tích trống. Ban đầu nhiều người cảm thấy sốc khi có những cụ già bé nhỏ đứng chật không cựa nổi vai, nhưng đó là điều bạn sẽ phải quen khi tới Tokyo.
Trong ngôi nhà của người Nhật Bản, thường có một phòng gọi là phòng thờ cúng tổ tiên, vì diện tích nhà nhỏ nên nhiều khi phòng này cũng được coi là phòng tiếp khách và dành để khách nghỉ lại ban đêm. Chuyện này hoàn toàn bình thường trong suốt cả năm trừ một tuần đặc biệt mà trong thời gian đó các gia đình sẽ dâng lễ lên tổ tiên. Họ sẽ dâng các món ăn lên bàn thờ tổ tiên vào… ban đêm. Vì vậy, nếu các vị khách có dịp nghỉ lại ở một gia đình Nhật vào tuần dâng lễ, họ sẽ liên tục bị giật thột vì nửa đêm có người lịch kịch mở cửa phòng, bê vào những món ăn mà mình không được phép động tới.
Tại Trung Quốc:
Giao thông ở Trung Quốc cũng tương đối nhộm nhoạm. Những quy tắc về giao thông không phải lúc nào cũng được tuân thủ tốt, nhất là trên vỉa hè và trong các ngõ nhỏ. Khách du lịch sẽ được nhiều phen thót tim khi bỗng nhiên từ đâu lao tới một chiếc xe máy trở đồ ăn nhanh lao đi vun vút trên vỉa hè và những chiếc taxi vọt lẹ ngay trước mũi chân bạn dù đèn đã chuyển sang màu đỏ và người đi bộ được phép qua đường.
Nếu bạn nghĩ rằng khi tới Trung Quốc sẽ không gặp phải rào cản ngôn ngữ bởi đất nước này đã từng đăng cai tổ chức thế vận hội Olympic và hội chợ thương mại quốc tế Expo, bạn sẽ sốc lần nữa. Đa số lái xe taxi, lái xe buýt, người bán hàng, phục vụ viên và những người dân Trung Quốc rất ít khi nói tiếng Anh, bạn sẽ phải sử dụng các cuốn sổ tay du lịch với những mẫu câu đã được viết sẵn bằng tiếng Trung để đem ra sử dụng khi cần thiết.
Khi có điều cần bàn bạc, chúng ta thường đặt ra câu hỏi trực tiếp với nhau. Nhưng người Trung Quốc thì khác, họ hạn chế giao tiếp và đối thoại ở nơi làm việc, câu hỏi bạn đặt ra có thể không được trả lời. Phong cách này khiến nhiều người khi mới tới làm việc tại Trung Quốc thực sự sốc và không hiểu đang có điều gì xảy ra, có phải do mình chưa hoà đồng hay họ không có tinh thần hợp tác trong công việc. Bạn cần hiểu rằng cách giao tiếp này chính là một nét văn hoá của người Trung Quốc. Họ ngại phải từ chối người khác và nếu trao đổi qua lại quá nhiều với đồng nghiệp, người ta lại sợ rằng mình đang tỏ ra hiếu thắng hoặc kiêu ngạo, chính sự im lặng và cặm cụi cùng nhau làm việc được coi là tinh thần hợp tác cao nhất.
Trung Quốc cũng là một quốc gia khá đồng nhất về dân cư với số lượng người nước ngoài vô cùng khiêm tốn so với số dân bản địa hơn tỷ người. Vì vậy, khi đi trên phố bạn sẽ thấy có nhiều người Trung Quốc thì thào sau lưng bạn “Laowai” hoặc “Waiguoren” (những từ để chỉ người nước ngoài), thậm chí bạn sẽ cảm thấy mếch lòng khi có người Trung Quốc chào bạn “Ni Hao Laowai” nhưng đừng giận họ bởi đó là cách người Trung Quốc thể hiện sự tò mò hiếu kỳ của mình đối với những người dân đến từ đất nước khác.
Tại Mỹ:
Người Mỹ rất coi trọng tự do cá nhân và tính độc lập. Mọi người phải tự biết cách giải quyết những vấn đề của mình và cố gắng đạt được thành công mà không nên nhờ vả quá nhiều vào sự giúp đỡ của gia đình và những người xung quanh.
Người Mỹ thích tụ tập vui vẻ và thường rất niềm nở, nhưng họ cũng rất coi trọng thời gian riêng tư và thích ở một mình.
Người Mỹ nói khá to. Các câu chuyện thường được nhại theo giọng của một nhân vật hoạt hình hoặc một người nổi tiếng nào đó. Họ thêm gia vị bằng những câu chuyện tếu táo, và bạn bè thường thể hiện sự thân mật bằng cách thụi nhẹ vào mạng sườn nhau, đặc biệt là giữa nam giới.
Đối với người Mỹ, thời gian là tiền bạc. Đúng giờ là điều vô cùng quan trọng và đến muốn khiến bạn trở thành người bất lịch sự. Tuy vậy, đến muộn khi được mời tới dự tiệc là một hành động lịch sự, nhưng không nên đến muộn quá 15 phút.
Sự bình đẳng giữa con người là một câu chuyện dài và nhạy cảm ở đất nước này bởi Mỹ là đất nước đa sắc tộc. Để thể hiện sự bình đẳng, người ta gọi nhau bằng tên dù thuộc đẳng cấp, địa vị khác nhau, kể cả giữa giáo viên và học sinh, giữa ông chủ và nhân viên: “Jim ơi, tôi gửi ông bản báo cáo.” – “Kate, cám ơn cô.” Chỉ những người mới tới Mỹ mới trịnh trọng dùng “Sir”, “Mr.” hay “Ms.” (ông/ bà), đó là cách gọi cứng nhắc và xa cách mà người Mỹ không mấy khi dùng.
Người Mỹ thích sự thoải mái và giản dị. Họ thường mặc quần bò với áo phông hoặc áo sơ-mi, hoặc thậm chí là áo chẽn và quần ngủ đi ra đường. Đó là phong cách thời trang của người Mỹ trong những ngày bình thường, chạy ù ra đầu phố mua tạp chí.
Nói chuyện về tiền bạc hoặc lương lậu đối với người Mĩ là rất vô duyên, nhưng hỏi han về công việc của nhau là cách xã giao thường gặp. Thực tế, người Mỹ khẳng định bản thân bằng nghề nghiệp và thường ai cũng tỏ ra tự hào về công việc của mình bởi đó là cách thể hiện sự tự tôn và giá trị cá nhân (đừng than phiền về công việc của bạn!).
Người Mỹ coi trọng an toàn cá nhân, đặc biệt trong thời buổi “khủng bố” nhan nhản. Nếu bạn bước quá gần tới một người lạ, họ sẽ nhanh chóng bước lùi lại, đó là phản ứng chung thường gặp, không phải bởi bạn có vấn đề gì. Khoảng cách một cánh tay được cho là phù hợp để đối thoại.
Một số người Mỹ rất thích ôm nhau khi gặp, đặc biệt là những người dân sống ở phía nam. Bắt tay là cách chào hỏi thường thấy. Họ rất coi trọng cách bắt tay của người mới quen. Hãy siết chặt tay đối phương trong 1-2 giây và đừng rụt rè với một cái bắt tay lỏng lẻo. Phụ nữ hiếm khi hôn lên má nhau khi gặp mặt, nam giới thì đặc biệt không bao giờ làm vậy.
Chào gặp mặt và chào tạm biệt diễn ra nhanh chóng, ngắn ngủi và không cầu kỳ. Những câu chào hỏi không nên bị hiểu theo nghĩa đen của nó. Hai người có thể cùng chào nhau một lúc với cùng một câu hỏi: “How are you doing?” (Cậu thế nào?), “How’s it going?” (Mọi việc thế nào?), hay “What’s up?” (Có chuyện gì không?), rồi không chờ đợi đối phương trả lời, họ đã lại cắm cúi đi tiếp. Nếu bạn được hỏi “How are you?” (Thế nào, khoẻ không?) và liền trình bày kể lể một tràng dài, bạn sẽ trở nên kỳ quặc trong mắt đối phương. Chỉ cần nói: “Oh, fine”. (Ừ, ổn.) là đủ. Khi chào tạm biệt chỉ cần nói “See you later” hoặc “See ya soon” (Gặp lại cậu sau) rồi rời đi luôn.
Thục Uyên (SSDH) – Theo Dân Trí