SSDH – Du học sinh Việt Nam nói chung rất thông minh, chịu khó và rất nhiều điểm mạnh như năng động, cầu tiến …Tuy nhiên, do môi trường sống từ nhỏ tại Việt Nam không được rèn luyện nhiều điều, luôn được cha mẹ bao bọc nên vẫn còn khá nhiều khuyết điểm cần khắc phục để hòa nhập với môi trường học tập tại nước ngoài. SSDH xin chỉ ra một vài yếu điểm và gợi ý khắc phục dưới đây:
1. Thụ động trong học tập
Hệ thống giáo dục Việt Nam nói chung vẫn giảng dạy kiểu rập khuôn, thầy giáo học sinh vẫn chưa có sự giao thiệp với nhau, thầy nói trò nghe và làm theo nhưng ít cho học sinh có cơ hội thể hiện bản thân, mạnh dạn nên lên ý kiến và có sự tương tác lại với bài giảng của giáo viên. Khi du học, các bạn được khuyến khích chủ động trong học tập nên lúc đầu khá khó khăn. Tuy nhiên, hãy vạch ra kế hoạch học tập cụ thể, nêu lên câu hỏi cho giáo viên bạn sẽ dần hội nhập với lớp học bản địa.
2. Ngoại ngữ kém
Đây là rào cản lớn nhất của hầu hết du học sinh Việt Nam. Sinh viên Việt Nam rất giỏi ngữ pháp, viết và đọc hơn là nói. Những ngày đầu tiên đến lớp giáo viên giảng bài bạn sẽ cảm thấy chả hiểu gì. Bạn mất tinh thần, cảm thấy stress cộng thêm môi trường lạ lẫm khiến bạn thực sự chỉ muốn về ngay với mẹ. Hãy bình tĩnh, động viên chính bản thân và kiên cường, mọi chuyện rồi sẽ qua khoảng 6-8 tuần bạn sẽ lấy lại tinh thần thôi.
3. Sợ vận động
Ở Việt Nam, bạn quen với việc di chuyển bằng xe máy, xe đạp, các con phố san sát, mọi người đi lại như mắc cửi. Chỉ bước chân ra phố bạn đã có người chở, hoặc bắt xe ôm hay taxi là đến được nơi bạn đến. Khi ra nước ngoài phương tiện chủ yếu là xe buýt, xe điện ngầm và muốn di chuyển bạn cần đi bộ bắt xe rồi đi bộ rồi bắt xe, di chuyển nhiều chặng mới tới nơi bạn muốn đến. Bạn sẽ thấy nản và phải mất một thời gian dài bạn mới quen với giao thông ở nước ngoài. Nhưng điều quan trọng, nếu bạn xác định được điều đó, bạn sẽ dần dần thấy việc đi bộ rất năng động, rèn luyện sự dẻo dai và bạn nhất định sẽ có sức khỏe tốt để học tập.
4. Sợ giao tiếp
Vốn dĩ ngoại ngữ kém nên dẫn đến ngại giao tiếp, du học sinh Việt Nam mất rất nhiều thời gian để làm quen với ngoại ngữ, gạt bỏ sự ngại ngùng để giao tiếp với mọi người và bạn bè. Khi đi du học, ở nhà bạn đã nhanh chóng nhà các công ty du học sắp xếp cho ở với người nhà, với bạn người Việt hoặc ở khu nhiều người Việt nên việc xông ra giao tiếp càng khiến bạn ngại hơn, ngoại ngữ càng chậm tiến bộ hơn.
5. Sức khỏe yếu, lười vận động và ít tham gia hoạt động ngoại khóa
Ở Việt Nam cha mẹ luôn coi môn thể dục là phụ, nhiều khi còn xin giáo viên thể dục miễn học cho con vì cháu yếu quá, chỉ chú trọng học toán học văn, sợ con gặp nguy hiểm khi tham gia ngoại khóa, nhiều trường học ở Việt Nam cũng hiếm khi chú trọng đến hoạt động ngoại khóa cho học sinh nên các bạn không có thói quen tham gia hoặc thích thú với những hoạt động này.
6. Không chủ động độc lập được khi hoạt động nhóm
Du học sinh Việt Nam thường bị động khi làm việc theo nhóm trong khi du học sinh các nước thường chia theo nhóm để học tập, làm việc và phân bổ công việc theo từng cá nhân để việc hoàn thành nhanh hơn đồng thời rèn luyện tính vừa tự lập lại vừa làm việc theo lợi ích chung. Tất cả do các bạn thiếu kĩ năng lập kế hoạch lâu dài cho công việc, cũng không được thực hiện việc làm việc theo nhóm khi học ở Việt Nam, giáo viên đề ra nhiệm vụ học sinh hoàn thành của chính mình là xong. Vì vậy, khi hòa nhập bạn sẽ chậm hơn và bị động trong khi học và làm việc theo nhóm khi du học.
7. Thiếu ý thức trong học tập và sinh hoạt hàng ngày
Một bộ phận lớn du học sinh Việt Nam vẫn mắc phải lỗi: đi muộn, không tôn trọng thời hạn của kế hoạch khi làm việc nhóm, xả rác nơi công cộng, gian lận trong một số nơi công cộng, đôi khi còn cố tình “nhầm’’ đồ trong siêu thị, các cửa hàng mua đồ. Đặc biệt, ít khi tuân thủ các quy tắc sư dụng điện nước, nhà tắm và nhà vệ sinh chung.
Bạn sẽ khắc phụ như thế nào?
Tất cả những nhược điểm nói trên chỉ là điểm lên cho bạn thấy chứ không mang tính phê phán. Do từ nhỏ các bạn chỉ biết học và chưa được uốn nắn nhưng chắc chắn khi được du học bạn sẽ nhanh chóng thay đổi được bản thân và trở thành những du học sinh vừa thông minh vừa văn minh và thành công trong tương lai. Bạn tích cực thay đổi, bạn sẽ được giáo dục và được thực hành để thay đổi.
Phải tham gia lớp học định hướng và xác định tư tưởng ngay từ những ngày đầu nhập học
Trường học nào cũng có lớp học định hướng cho những học sinh mới đến. Có văn phòng sinh viên quốc tế trợ giúp bạn. Những ngày đầu, bạn phải tuân thủ hướng dẫn của trường: làm thẻ sinh viên, thẻ bảo hiểm, thẻ ngân hàng, chuẩn bị sách vở giáo trình học … có thể liên lạc với giáo viên về đặc trưng trong cách giảng dạy, thảo luận kế hoạch học tập của bản thân và nhờ giáo viên tư vấn cho bạn.
Tích cực chủ động giao tiếp, rèn luyện ngoại ngữ
Thường xuyên dành thời gian gặp gỡ giáo viên để trao đổi thông tin, mạnh dạn nêu lên ý kiến của bản thân, chỗ nào không hiểu sẽ hỏi đến khi hiểu. Chịu khó rèn luyện cả 4 kĩ năng nghe nói đọc viết, đọc và làm bài sau mỗi giờ giảng. Bạn cần nỗ lực không ngừng trong học kì đầu tiên hoặc cả năm thứ nhất để hòa nhập văn hóa sống và học tập tại nước bạn. Đồng thời, bạn nên mở rộng mối quan hệ với bạn bè trong lớp, với bạn bè và hàng xóm quanh nơi bạn ở, liên lạc giao tiếp và rủ các bạn thi thoảng đi khám phá những thắng cảnh gần nơi ở, trong thành phố bạn học tập, cùng bàn luận các vấn đề về học tập, hoạt động ngoại khóa, các môn thể thao, đặc điểm vùng miền… Nói chung, bạn phải xuống phố đi một ngày đàng học một sàng khôn.
Răn bản thân để trở thành người có nguyên tắc
Học cách tuân thủ các quy tắc: xếp hàng đợi đến lượt, tiết kiệm nước và điện, xả rác vào thùng rác, tôn trọng các quy tắc quy định nơi công cộng.
Lập kế hoạch học tập và phải tuân thủ kế hoạch đó, hoàn thành đúng hạn các bài tập và phần việc đã được nhóm giao.
Lập cả kế hoạch tham gia các hoạt động ngoại khóa, tham gia các câu lạc bộ để rèn luyện thể chất cũng như tạo sự kết nối với cộng đồng.
Kim Thanh (SSDH)