SSDH – Mình hiện đang là sinh viên năm cuối tại trường Berea College, Kentucky. Tiếp nối chia sẻ “Trải nghiệm săn thực tập tại Mỹ: 8 tháng tăng tốc và 7 lần thất bại!” về kinh nghiệm xin thực tập thành công, hi vọng bài viết về trải nghiệm làm thêm dưới đây sẽ giúp bạn hiểu thêm về đời sống du học và những cơ hội làm việc bán thời gian mà bạn có thể tiếp cận trên hành trình du học Mỹ của riêng mình.
Từ photocopy và… thái hành, rửa bát ở trung tâm giáo dục quốc tế…
Trước khi chia sẻ câu chuyện cá nhân thì mình muốn đính chính là không phải du học sinh nào cũng được làm việc hoặc làm nhiều việc. Tất cả phụ thuộc vào chính sách của các trường đại học mà sinh viên đó theo học. Tuy nhiên, có một số những quy định chung do sinh viên quốc tế ở Mỹ như là chỉ được làm tối đa bán thời gian trong trường học (chứ không được làm ngoài trường), tuy nhiên trong kì nghỉ ngắn ngày (kì nghỉ giáng sinh, xuân, hè…) thì sinh viên vẫn có thể làm toàn thời gian.
Trường mình là một ngôi trường đặc biệt. Nó đặc biệt không chỉ ở chỗ đó là miễn học phí với tất cả sinh viên theo học mà còn đặc biệt ở chỗ đó là các sinh viên phải làm ít nhất 10h/ tuần và tối đa là 20h/ tuần (ngoại trừ sinh viên năm nhất). Với sinh viên năm nhất, nhà trường sẽ chủ động tìm việc cho các bạn, nhưng từ năm hai trở đi, bạn có thể tự tìm việc trong trường và làm nơi bạn muốn. Về các loại hình công việc thì trường mình có đủ vị trí, từ lau dọn đến làm bếp, từ photo copy giấy tờ trong văn phòng tới lập trình viên cho các khoa… Thông thường, sinh viên năm nhất thường đảm nhiệm công việc lau dọn hoặc làm bếp vì những công việc này đòi hỏi chân tay nhiều. Vậy nên mình rất khâm phục nghị lực và sự cố gắng của tất cả các sinh viên trong trường mình vì để cân bằng việc học và làm những công việc nặng nhọc như vậy thì không phải đơn giản.
Mình rất may mắn vì khi tới trường, mình nhận được công việc không mấy nặng nhọc và nghe tên rất “oai”. Mình làm cho trung tâm giáo dục quốc tế với vị trí là trợ lí. Công việc mình làm là photocopy giấy tờ cho sếp. Thỉnh thoảng mình trả lời điện thoại với những câu hỏi thông thường sinh viên muốn biết. Tuy nhiên, việc nặng nhọc nhất ở trong trung tâm này là nấu ăn.
Mỗi thứ sáu hàng tuần, trung tâm có chương trình mời các sinh viên/ giáo sư đến nói chuyện về cuộc sống và học tập tại các quốc gia khác nhau trên thế giới. Ví dụ có giáo sư đến nói chuyện về Việt Nam thì trung tâm sẽ nấu món ăn Việt và mình là người phụ giúp nấu. Mình là người rất yêu nấu nướng nhưng vì số lượng người rất đông đến dự (có lúc đến cả trăm người) nên mình phải chạy đi chạy lại tìm mua nguyên liệu, xử lí nguyên liệu rồi rửa bát. Mình còn nhớ như in những ngày ấy, mình phải thái hành tây rất nhiều và nước mắt cứ tuôn. Mình đã học cách sáng tạo trong lúc làm việc nhờ những trải nghiệm đó. Có lúc mình ngậm nước trong lúc thái hành, có lúc mình để hành vào tủ lạnh thật lâu để thái không bị chảy nước mắt… Rửa bát cũng là nỗi ám ảnh đến đáng sợ với mình. Mình thích nấu ăn nhưng rất không thích rửa bát. Nhưng cứ mỗi thứ sáu tới là mình phải rửa một chồng bát ngất ngưởng. Sau rửa bát là lau nhà, đây cũng là nỗi ám ảnh với mình vì mình phải bê một thùng nước rất to để lau một cái nhà. Bản thân mình gầy gò (theo tiêu chuẩn Mỹ) nên những công việc nặng nhọc như vậy đòi hỏi rất nhiều sức lực. Nhiều lúc mình vừa làm vừa khóc và chỉ muốn bỏ cuộc, tuy nhiên, mình lại động viên bản thân “This too shall pass” (rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi).
… đến cơ duyên trở thành sinh viên năm nhất duy nhất được làm trợ giảng môn Kinh tế vĩ mô!
Kì hai năm nhất, song song với việc làm ở trung tâm giáo dục quốc tế, mình làm thêm trợ giảng môn Kinh tế vi mô, và mình cũng là sinh viên năm nhất duy nhất được nhận công việc này. Vậy là mình làm 15h/tuần trong kì thứ hai của năm nhất.
Sang đến năm hai, về công việc thì mọi chuyện đơn giản hơn rất nhiều bởi mình chuyển hẳn làm toàn thời gian qua việc làm trợ giảng. Bên cạnh đó, do sinh viên năm hai được làm 20h/tuần nên ngoài trợ giảng, mình tìm thêm công việc về nghiên cứu và nhận tiếp 10h/ tuần. Với việc trợ giảng, công việc chính của mình là chấm bài và ngồi tại phòng làm việc của khoa để nếu sinh viên có câu hỏi thì sẽ đến gặp. Công việc này chủ yếu diễn ra vào buổi tối nên ban ngày mình vẫn có thời gian làm nghiên cứu và đến lớp. Với công việc nghiên cứu, mình chủ yếu làm nghiên cứu về các những người đóng góp tiền cho trường, các thông tin cá nhân và thông tin tài chính của người đó để trường mình làm tài liệu tham khảo. Năm hai diễn ra trong êm đẹp và mình được nhận những công việc thiên về trí óc nhiều hơn.
Tới năm ba, mình vẫn làm 20h/ tuần nhưng mình rút ngắn thời gian làm nghiên cứu xuống 5h/ tuần để thay vào đó là làm phó chủ tịch câu lạc bộ nghiên cứu về cổ phiếu 5h/tuần. Công việc này thì vô cùng thú vị vì mình luôn được tiếp xúc với những thông tin nóng hổi trên thị trường và áp dụng được những kiến thức mình học trên lớp vào việc mua bán cổ phiếu cho nhà trường. Có năm bạn khác làm cùng với mình và họ đều là những sinh viên rất xuất sắc. Hầu như các bạn đều được nhận thực tập hoặc việc từ những ngân hàng hay công ty tài chính lớn như JP Morgan, Goldman Sachs, Blackrock hay Big 4 như Deloitte, PwC, KPMG… hoặc học tiếp để vào trường luật.
Vậy là trên hành trình du học Mỹ, mình đã làm khoảng 4 công việc chính thức và nhiều công việc nhỏ trong các kì nghỉ ngắn ngày, với mỗi công việc đòi hỏi mình phải trau dồi các kỹ năng cụ thể. Ngay cả công việc “chân tay” ở năm nhất cũng dạy mình bài học về sự kiên trì và trân trọng những gì mình có. Mình tin rằng không chỉ riêng mình mà các du học sinh không có điều kiện khác cũng phải lăn lộn và cố gắng không ít. Nhưng những công việc ngay tại khu học xá trường đã giúp mình có một bộ CV đẹp để xin việc và những kĩ năng cần thiết trong cuộc sống và công việc sau này. Mình rất biết ơn những trải nghiệm đã có được.
SSDH (theo Diem Phuong)