Ngành quản trị kinh doanh là gì, làm gì?

0

SSDH –  Xã hội hiện đại không thể nhắc đến vai trò của kinh tế và theo đó là các hoạt động kinh doanh trên khắp thế giới. Một đất nước phát triển luôn gắn tới hình ảnh kinh tế phát triển. Hoạt động kinh doanh trên thế giới hiện nay cực kỳ rộng lớn, và sôi động. Chỉ ở Việt Nam đã có hơn hàng trăm ngàn doanh nghiệp hoạt động.

Ngành quản trị kinh doanh là gì, làm gì?

Hoạt động kinh doanh không đơn giản là đi bán một sản phẩm thu tiền về, mà là một quá trình phức hợp chịu sự chi phối bởi nhiều quy luật kinh tế khác nhau, của việc quản trị, chiến lược và nhiều yếu tố khác. Một tổ chức/công ty phát triển tốt, đòi hỏi hoạt động kinh doanh phải thật sự tốt và hiệu quả; muốn vậy đòi hỏi phải kiếm soát toàn bộ các quá trình kinh doanh, tối ưu hoá được hệ thống, tiết kiệm chi phí, tăng nguồn thu… Ngành quản trị kinh doanh ra đời để đáp ứng được các yêu cầu trên. Với một hệ thống cơ sở lý luận khoa học chuyên sâu, cùng với mức độ rộng lớn của hoạt động kinh tế, ngành quản trị kinh doanh là một trong những ngành phổ biến và truyền thống của thế giới.

Không có biên giới cho sự thành công của của những nguời trong ngành quản trị kinh doanh. Trong số những nguời có tầm ảnh hưởng nhất thế giới, phần lớn đều là những nguời giỏi trong ngành quản trị kinh doanh. Dù vậy, con đường tiến thân của ngành quản trị kinh doanh cũng khá nhiều trở ngại.

Tìm hiểu đặc điểm ngành Quản trị kinh doanh

Đặc điểm ngành quản trị kinh doanh

Trong hoạt động kinh tế kinh doanh, mục đích cuối cùng đuợc đặt ra chính là tạo ra nguồn thu lớn cho tổ chức, phát triển tổ chức và mang lại nhiều giá trị cho xã hội. Hoạt động quản trị kinh doanh là đảm bảo đạt được các mục đích trên.

Quản trị kinh doanh không can thiệp và quản trị toàn bộ một tổ chức, mà chỉ hướng đến thực hiện các hành vi quản trị quá trình kinh doanh để duy trì, và phát triển công việc kinh doanh của công ty, tổ chức. Những hoạt động có liên quan bao gồm xây dựng các quy trình kinh doanh, hệ thống kinh doanh, kiểm soát các hoạt động kinh doanh và tối đá hoá hiệu suất để tạo thêm nguồn thu từ hoạt động kinh doanh.

Điều quan trọng hơn trong quản trị kinh doanh là đề ra được chiến lược, chiến thuật, hoạch định để đưa công ty/tổ chức phát triển trong tương lai. (Và trong một số trường hợp: đề ra chiến lược, chiến thuật… để công ty/tổ chức có thể duy trì hoạt động, không bị phá sản).

So sánh giữa ngành quản trị kinh doanh với một số ngành liên quan
Quản trị kinh doanh thực hiện quản trị quá trình kinh doanh để duy trì, và phát triển công việc kinh doanh của công ty, tổ chức.

Trong khi quản trị nhân sự hướng tới quản lý nhân sự trong tổ chức. Quản lý sản xuất hướng tới đảm bảo quá trình sản xuất hiệu quả, xuyên suốt, chất lượng tốt.

Ngành quản trị kinh doanh nhiều áp lực và cạnh tranh cao

Nguời làm trong ngành quản trị kinh doanh phải luôn năng động, nhạy bén, tự tự tin, mạnh mẽ, có khả năng làm việc với nhiều áp lực, có sự cạnh tranh. Có khả năng ăn nói và thuyết phục mọi người. Người nhiều năng lượng, tham vọng nhưng cũng rất hòa đồng và thích giao du. (Kiểu người E – Enterprise)

Để có thể phát triển và làm việc với ngành quản trị kinh doanh, đòi hỏi nguời thực hiện phải am hiểu một lượng kiến thức không nhỏ về các quy luật kinh tế, phương pháp quản trị, chiến lược kinh doanh. Đồng thời, phải rèn luyện liên tục, trang bị những kỹ năng cần thiết để đáp ứng được công việc chuyên môn:

– Kỹ năng Xây dựng chiến lược, và lập các kế hoạch kinh doanh

– Kỹ năng nghiên cứu, phát triển thị trường

– Kỹ năng xây dựng, điều hành hệ thống kinh doanh

– Các kỹ năng về marketing, tiếp thị

Những thuận lợi và khó khăn khi làm trong ngành quản trị kinh doanh

Áp lực từ hoạt động kinh doanh với sự cạnh tranh của rất nhiều đơn vị khác, để có thể đưa công ty phát triển, bạn cần phải nhạy bén đề ra những chiến lược, giải pháp phù hợp. Công việc kinh doanh không phải lúc nào cũng thuận lợi, bạn sẽ phải đối diện với những thất bại vì không đạt mục tiêu, hoạt động kinh doanh bị trì trệ kéo theo hoạt động sản xuất và toàn bộ nhà máy của bạn bị trì trệ. Không những thế, với một nguồn lực con nguời, tài chính giới hạn trong tổ chức, việc quản trị con nguời và tài chính không phải là việc dễ dàng.

Tuy vậy, thành công khi đã đến luôn được ghi nhận; đầu tiên chính hệ thống bạn quan trị hoạt động hiệu quả, hoạt động kinh doanh tiến triển tốt và tạo nguồn thu lớn về cho bạn và tổ chức của bạn. Điều đó thật tuyệt vời. Và những vị trí cao nhất trong tổ chức là dành cho bạn.

Với những cử nhân mới tốt nghiệp, con đường nghề nghiệp khá chông gai cho nhiều bạn trẻ. Đôi khi công việc đầu tiên chỉ là những công việc của một nhân viên kinh doanh cơ bản,đôi khi bạn sẽ cảm thấy chán nản với những công việc như thế. Tuy nhiên, nếu bạn đủ năng động, bạn sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm để tích luỹ cho bản thân, và tìm cơ hội chuyển sang các vị trí công việc khác phù hợp hơn.

Cơ hội việc làm – tim việc trong ngành quản trị kinh doanh

Có cơ hội làm việc tại tất cả các đơn vị/công ty trên cả nước (và quốc tế). Hầu hết các tổ chức đều có hoạt động kinh doanh, và với một lượng lớn các doanh nghiệp tại Việt Nam, cơ hội nghề nghiệp là không nhỏ. Với các kiến thức về chuyên môn, cùng các kỹ năng, bạn có thể đảm nhiệm nhiều vị trí công việc khác nhau liên quan đến hoạt động kinh doanh của tổ chức.

CÁC ĐƠN VỊ ĐÀO TẠO

Với khoảng 100 cơ sở đào tạo trình độ đại học tuyển sinh ở hai khối thi tuyển phổ biến là khối A, D1, quản trị kinh doanh là nhóm ngành được rất đông thí sinh chọn lựa. Tỉ lệ trúng tuyển nguyện vọng 1 là 10,5%, với điểm trung bình 17,2 điểm.

Ngành quản trị kinh doanh được tuyển sinh, đào tạo theo diện rộng, với tên gọi chung là quản trị kinh doanh hoặc chuyên sâu như kinh tế bưu chính viễn thông, quản trị kinh doanh lữ hành và hướng dẫn du lịch, quản trị doanh nghiệp thương mại, quản trị chất lượng, quản trị kinh doanh bảo hiểm, quản trị kinh doanh bưu chính viễn thông, quản trị du lịch nhà hàng khách sạn… nhằm đào tạo cử nhân quản trị kinh doanh có khả năng hoạch định chính sách, chiến lược, kế hoạch kinh doanh, biết tổ chức hoạt động kinh doanh, có kỹ năng chuyên sâu về quản trị doanh nghiệp và tạo lập doanh nghiệp mới.

Nhiều chuyên ngành

Sau khi tốt nghiệp, cử nhân ngành này có thể được tuyển dụng vào một số vị trí như: nhân viên kế hoạch đầu tư, nhân viên bộ phận nhân sự, nhân viên bán hàng, nhân viên tổ chức hành chính, nhân viên bộ phận kế hoạch bán hàng, nhân viên phát triển hệ thống, nhân viên kinh doanh, nhân viên xuất nhập khẩu… Các vị trí có chức danh trưởng, phó phòng hoặc cao hơn thường yêu cầu kinh nghiệm công tác.
Tại những trường khác nhau, ngành này được đào tạo với các chuyên ngành khác nhau. Trong đó, chuyên ngành quản lý doanh nghiệp chuyên về kỹ năng quản lý, có kiến thức rộng về kinh tế và chuyên sâu về quản trị kinh doanh, năng động, sáng tạo, có khả năng tự lập nghiệp.

Chuyên ngành quản trị chất lượng chuyên về lập kế hoạch, chương trình quản lý chất lượng và chỉ đạo thực hiện tại các công ty, xây dựng một chính sách hợp lý về chất lượng.
Chuyên ngành thương mại chuyên về lĩnh vực kinh doanh thương mại trong nước và quốc tế.

Chuyên ngành kinh doanh quốc tế chuyên về kỹ năng kinh doanh trong môi trường quốc tế, có cái nhìn toàn cầu, có khả năng đàm phán, phân tích, tìm ra những điểm khác biệt và tương đồng giữa các thị trường.

Chuyên ngành ngoại thương đào tạo nền tảng về quản lý kinh tế và quản trị kinh doanh, quản trị kinh doanh quốc tế và chính sách ngoại thương. Chuyên ngành marketing đào tạo cử nhân kinh tế có tham gia tổ chức các cuộc điều tra, nghiên cứu, từ đó vạch ra các chiến lược marketing cho các doanh nghiệp…

65% môn học giống nhau

Những phẩm chất và kỹ năng cần thiết để thành công trong lĩnh vực kinh tế nói chung hoặc quản trị kinh doanh nói riêng là: nắm vững kiến thức tự nhiên, xã hội, kiến thức kinh doanh; thành thạo ngoại ngữ và tin học; có khát vọng làm giàu chính đáng, đạo đức kinh doanh; tư duy sáng tạo; có năng lực tổ chức và quản lý, tự tin, biết cách khắc phục rủi ro.

Các bạn thí sinh không nên quá lo lắng về chương trình đào tạo và bằng cấp. Hiện nay với quy định về chương trình khung, cùng một ngành học các trường sẽ có khoảng 65% số môn học là giống nhau (50% giống nhau là do chương trình khung quy định). Phần kiến thức chuyên ngành sẽ do các trường quy định tùy thế mạnh, định hướng phát triển của từng đơn vị. Vì vậy, chọn trường nào để dự thi liên quan đến các yếu tố tiện ích, hoạt động bổ trợ nhiều hơn. Ngoài địa điểm học tập, học phí, ký túc xá, cơ hội thực tập ở các doanh nghiệp, các bạn cần cân nhắc chuẩn đầu ra của từng trường để chọn một trường vừa với sức mình, sức ở đây bao gồm sức học và thực lực của bản thân và gia đình.

SSDH (tác giả Nguyễn Dũng – Huongnghiepviet)

Share.

Leave A Reply