SSDH- Vì sao nên học chuyên ngành Thiết kế? Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn thông tin chi tiết về các nội dung trong chương trình giảng dạy, và triển vọng nghề nghiệp của sinh viên tốt nghiệp ngành này.
1. Cơ hội việc làm với tấm bằng Thiết kế
Học thiết kế tại đại học sẽ trau dồi cho bạn những kỹ năng cần thiết để có thể làm việc trong những ngành nghề đòi hỏi sự sáng tạo. Tùy theo chuyên ngành mà bạn chọn, con đường sự nghiệp thiết kế sau này cũng sẽ khác nhau.
Một số nghề nghiệp phổ biến cho sinh viên tốt nghiệp ngành Thiết kế bao gồm:
- Thiết kế công nghiệp
- Thiết kế đồ họa
- Thiết kế nội thất
- Thiết kế thời trang
- Thiết kế trải nghiệm người dùng (UX)
- Tiếp thị
Sinh viên tốt nghiệp cũng có thể lựa chọn các vị trí công việc khác, bao gồm: thiết kế kiến trúc, thiết kế cảnh quan, kỹ thuật thiết kế và quy hoạch thành phố.
2. Thiết kế là gì?
Thiết kế có mặt ở khắp mọi nơi; từ không gian vật lý, không gian ảo, hình ảnh minh họa, đồ họa đến ảnh chụp. Tất cả đều ảnh hưởng đến các quyết định hàng ngày của chúng ta. Ngành thiết kế ngày nay chú trọng đến sự đa dạng của ngành công nghiệp sáng tạo và giúp sinh viên phát triển các kỹ năng sáng tạo trong khi khám phá giới hạn của riêng mình.
Đây là một ngành học khó nhưng lại vô cùng bổ ích, thường kéo dài từ 3-5 năm. Các môn học trong ngành này sẽ trau dồi cho sinh viên sự kết hợp hoàn hảo giữa lý thuyết và thực tiễn. Phần lớn sinh viên tốt nghiệp ngành Thiết kế đều chuyên về một lĩnh vực cụ thể – ví dụ như thiết kế 2D/3D, thiết kế sản phẩm, thiết kế web, thiết kế thời trang, dệt may hoặc nhiếp ảnh – nhưng cũng có những khóa học cung cấp cái nhìn tổng quan về toàn bộ quá trình.
Thiết kế là một ngành học phổ biến và có tính cạnh tranh cao, và việc học ngành này ở trường đại học đòi hỏi nhiều kỹ năng riêng biệt. So với các ngành nghề khác, sinh viên thiết kế thường phải làm việc bằng tay, và điều này được thực hành ngay từ đầu khi sinh viên bước chân vào giảng đường đại học.
[Tham khảo: Các trường nghệ thuật và thiết kế hàng đầu năm 2022]
3. Sinh viên ngành Thiết kế phải học những gì?
Về nội dung giảng dạy, Thiết kế là một ngành vừa rộng vừa hẹp, bao gồm rất nhiều chuyên ngành nhỏ như: thiết kế đồ họa, minh họa, dệt may, thiết kế nội thất, thiết kế thời trang, thiết kế sản phẩm, hoạt hình, thiết kế nội thất, thiết kế đồ trang sức, thiết kế trò chơi máy tính và thiết kế sân khấu. Sinh viên có xu hướng chọn một ngành cụ thể để theo đuổi sự nghiệp tương lai của mình.
Các trường đại học đều có phương pháp đào tạo riêng, vì thế bạn nên tìm hiểu về các mô-đun khác nhau và khả năng thực tập trong ngành. Đây là một cách tuyệt vời để tích lũy kinh nghiệm trong ngành trước khi tốt nghiệp.
Các phần chính của chương trình BA (hoặc đại học) bao gồm vật liệu và công nghệ 3D, thiết kế và sản xuất có sự hỗ trợ của máy tính tiên tiến, sản xuất hình ảnh, thao tác và làm phim, cũng như các khía cạnh cơ bản của kiểu chữ và bố cục đồ họa. Sinh viên được học về rất nhiều thứ, từ cách vẽ chính xác – cả bằng tay và máy tính – đến lý thuyết thiết kế.
Một số trường đại học tập trung vào việc cung cấp cho sinh viên kiến thức cụ thể về lý thuyết thiết kế, trong khi nhiều trường khác lại chú trọng đến các tính thực tiễn của thiết kế. Nhiều trường còn có các khóa học nhằm chuẩn bị cho sinh viên phát triển tư duy thiết kế mạnh mẽ đồng thời khám phá khả năng sáng tạo của riêng mình.
[Tham khảo: Học thiết kế là chỉ có thiết kế nội thất hay thiết kế đồ họa]
4. Sinh viên ngành Thiết kế cần phải trau dồi những kỹ năng gì?
Hầu hết các chuyên ngành thiết kế đều không nêu cụ thể về những môn học mà sinh viên phải học ở bậc THPT, tuy nhiên một số trường có thể yêu cầu sinh viên phải có thành tích cao trong một môn học liên quan đến nghệ thuật như: mỹ thuật, thiết kế, truyền thông đồ họa, thiết kế dệt may và nhiếp ảnh.
Quan trọng nhất là sinh viên có thể cung cấp một số tác phẩm thiết kế nghệ thuật ấn tượng của riêng mình trong đơn xin nhập học. Hầu hết sinh viên đều phải trải qua phỏng vấn để trường có thể khám phá thêm về năng khiếu và sự nhiệt tình của sinh viên đối với chuyên ngành. Một số ngành còn yêu cầu sinh viên phải hoàn thành 1 năm dự bị đại học.
5. Sinh viên tốt nghiệp ngành Thiết kế ra trường làm gì?
Bằng Thiết kế là tấm vé mở ra nhiều cơ hội cho sinh viên tốt nghiệp. Sinh viên được học rất nhiều kỹ năng đa dạng – ví dụ như tư duy logic, khả năng quan sát chi tiết và quản lý dự án – đây đều là những đặc điểm thu hút các nhà tuyển dụng ở cả trong và ngoài mảng thiết kế. Mức lương thường sẽ phụ thuộc nhiều vào tính chất công việc và nơi làm việc của bạn.
Sinh viên tốt nghiệp ngành Thiết kế có rất nhiều cơ hội nghề nghiệp như: thiết kế web, phương tiện tương tác và chỉnh sửa video, thiết kế nội thất, thiết kế thời trang, thiết kế sản phẩm, sản xuất phim và truyền hình, biên tập tạp chí và báo, hoặc thậm chí là làm vườn nghệ thuật.
Một số con đường cũng khá phổ biến đối với sinh viên tốt nghiệp ngành Thiết kế chính là trở thành giảng viên tại các trường đại học, hoặc làm việc cho các tạp chí chuyên ngành dành cho những người có khả năng viết lách và hiểu rõ về ngành.
Nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành Thiết kế cũng sử dụng các kỹ năng đã học được ở các lĩnh vực khác ít liên quan đến ngành học, bao gồm dịch vụ dân sự và từ thiện.
[Tham khảo: Thiết kế Website là nghề gì ?]
6. Có những người nổi tiếng nào từng theo học ngành Thiết kế?
Trước khi nổi tiếng, nhiều người thực sự đã từng được đào tạo về thiết kế. Diễn viên quá cố trong phim Harry Potter, Alan Rickman đã tốt nghiệp trường Chelsea College of Art and Design trước khi tiếp tục hoàn thành bằng sau đại học tại Royal College of Art. Anh đã thành lập công ty thiết kế của riêng mình với tên Graphititrước khi theo đuổi đam mê thực sự của mình là diễn xuất.
Ngoài ra, thủ lĩnh của Kaiser Chiefs, Ricky Wilson, đã theo học tại Leeds Metropolitan University trước khi trởthành giảng viên thiết kế tại Leeds College of Art.
Người dịch: Thu Huyền (SSDH)