Bậc thạc sĩ phải học cùng nghành với bậc đại học ?

0

SSDH- Một định kiến khá phổ biến ở Việt Nam là bậc đại học bạn học ngành nào thì sau đại học mới được tiếp tục học ngành đó. Ai muốn đổi ngành thì thậm chí còn nghĩ tới việc phải học lại đại học.

Xem thêm: 

Tips viết bài luận sao cho thật “WOW”

Bỏ túi ngay cẩm nang khi đi chợ tại Canada

Vì sao nhiều sinh viên lựa chọn Mỹ làm điểm đến du học?


Đây là một định kiến do tính chất không giống ai của nền giáo dục Việt Nam. Trên thế giới, bậc học thạc sỹ các ngành khoa học xã hội, kinh tế, kinh doanh sinh ra chủ yếu để phục vụ những người chuyển ngành, cần hệ thống và nâng cao chuyên môn họ đã và đang thực hành mà chưa có nền tảng.

Sau khi săn học bổng từ Đông sang Tây lúc 25-26 tuổi, 32-33 tuổi và 38-39 tuổi, rồi rải hồ sơ xin việc ở các trường đại học khắp 3 châu, 4 biển lúc 42-43 tuổi, sau khi đào xới, săm soi khung chương trình của các bậc đại học và thạc sỹ ở vài chục trường Anh, Úc, New Zealand, Mỹ và Hà Lan, mình có thể nói rằng khung chương trình bậc thạc sỹ trong cùng một ngành không khác quá nhiều khung chương trình đại học. Kiến thức, kỹ năng ngành cũng loanh quanh ở đó thôi, bậc thạc sỹ không dạy cái gì mới mẻ hơn bậc đại học, tất nhiên là chương trình cô đọng, nâng cao hơn, yêu cầu kinh nghiệm và tư duy bậc cao hơn.

Vì vậy, nếu bạn học đại học ngành marketing mà lên thạc sỹ vẫn học marketing thì hơi thừa, lãng phí thời gian và tiền của. Tôi sẽ gợi ý bạn học thạc sỹ về khoa học dữ liệu, công nghệ marketing hoặc MBA nếu bạn vẫn muốn làm việc trong ngành marketing hoặc thăng tiến lên các vị trí quản lý cấp cao. Nhưng nếu bạn có đủ kinh nghiệm thực tế và muốn đổi ngành thì học các ngành như lãnh đạo giáo dục, giảng dạy, phát triển bền vững, chính trị, quản trị công, kinh tế phát triển, tài chính, cung ứng, nhân sự, xã hội học đều được. Tất nhiên, các trường sẽ dựa vào bảng điểm và các môn ở bậc đại học của bạn để quyết định bạn được vào thẳng chương trình thạc sỹ hay phải lấy thêm một số tín chỉ bổ sung.

Có thể một số ngành đặc thù như kỹ thuật, công nghệ, tâm lý thì cần sự tiếp nối từ bậc đại học lên thạc sỹ. Nhưng ở nhiều nước, ngành y, luật và sư phạm thậm chí còn không đào tạo bậc đại học, bạn phải học đại học một ngành liên quan, rồi học tiếp lên sau đại học ngành y, luật, sư phạm.

Khi các trường đại học nhấn mạnh tính liên ngành và khai phóng trong học thuật, một người học đại học ngành A, thạc sỹ ngành B và tiến sỹ ngành C thực ra là một xu hướng bình thường và được khuyến khích trên thế giới. Chuyên môn bậc thạc sỹ của mình là quảng cáo, marketing, nhưng trong luận án tiến sỹ ngành truyền thông, mình phải đọc rất nhiều về kinh tế, chính trị, pháp luật, báo chí, văn hóa, xã hội học, y tế công cộng, à, cả triết học nữa, hãi hùng.

Ai hỏi thì mình thường khuyên học xong đại học nên đi làm ít nhất 2 năm rồi hãy đi học thạc sỹ. Không bỗng dưng mà nhiều trường đại học hàng đầu yêu cầu ứng viên bậc thạc sỹ phải có 2 năm kinh nghiệm làm việc. Nhưng với xu hướng thương mại hóa thì nhiều trường cũng mời chào sinh viên chân ướt chân ráo chưa nhận bằng đại học đã đăng ký vào học thạc sỹ luôn. Với mục tiêu của bậc thạc sỹ là bổ trợ những chỗ hổng và bồi đắp kiến thức, chuyên môn, bạn chưa đi làm thì sao biết mình thiếu cái gì mà học. Nếu bạn học thẳng từ đại học lên thạc sỹ thì giống như học năm thứ 4 hay thứ 5 kéo dài của bậc đại học thôi, nhiều trường thậm chí còn cho bạn lấy tín chỉ thạc sỹ ngay trong lúc học đại học. Lợi ích của việc học thẳng liền một mạch là sau đó bạn yên tâm đi làm và có sẵn bằng thạc sỹ trong CV, không cần phải nghĩ đến việc quay lại trường học nữa, chỉ có điều bạn không thu được lợi ích tối ưu từ bậc thạc sỹ thôi.

Có bạn gần đây nhắn tin cho mình nói là hồi tuổi trẻ bạn học đại học phất phơ, bảng điểm ất ơ, nên giờ hơn 30 tuổi đang quay trở lại trường đại học Việt Nam để lấy bằng 2 đại học, với mục tiêu đi học tiếp thạc sỹ ở nước ngoài. Bạn làm thế cũng tốt, nhưng chi phí cơ hội lớn quá. Mà thôi, bạn gần xong rồi thì cố nốt nha. Ban tuyển sinh nhìn thấy sự nỗ lực lớn lao của bạn cũng đánh giá cao đó.

Có một mẹ cũng hỏi mình gia đình đang định cho con vào học đại học quốc tế ở Việt Nam ngành thiết kế, xong sau đó học tiếp thạc sỹ ngành thiết kế ở châu Âu. Mình nói luôn: “Con nên xác định học thạc sỹ ngành sáng tạo kết hợp công nghệ. Có bằng đại học ngành thiết kế thì thạc sỹ nên học ngành liên quan nhưng khác đi, không cần học đúng y sì ngành đã học.”

Muốn biết chương trình học ở bậc thạc sỹ sẽ bổ trợ cho chuyên môn của bạn như thế nào thì bạn nhất thiết phải vào website của trường, đọc curriculum hay program structure, và đọc vào tận mô tả mục tiêu đào tạo, syllabus, các chủ đề trong từng môn và các hình thức đánh giá, thi cử của từng môn học, rồi lập bảng so sánh curriculum giữa các trường để cân đong đo đếm. Hầu hết các trường đại học đều công khai khung chương trình này, bạn cần biết menu mà mình trả tiền có những món gì, nguyên liệu, gia vị gì, nấu nướng, bài trí ra sao. Menu này đắt tiền và tốn 1-2 năm cuộc đời mà, không thể chỉ dựa vào danh tiếng của trường hay thậm chí thứ hạng để chọn được, nếu nó không hợp khẩu vị và nhu cầu của cá nhân bạn. Kể cả bạn được học bổng toàn phần thì cũng vẫn nhất định phải đọc kỹ curriculum và suy nghĩ trước khi gật đầu cái rụp.

Bảng so sánh lương mình dùng minh họa dưới đây mang tính tương đối. Nhưng ở thời điểm bắt đầu sự nghiệp, hai ứng viên có bằng đại học và thạc sỹ mà chưa có kinh nghiệm làm việc gì thì hầu như lương sẽ như nhau. Tất nhiên, đường dài thì người có bằng thạc sỹ nói chung có cơ hội thăng tiến và có lương cao hơn, nhưng điều này phụ thuộc vào thực lực nhiều hơn là tấm bằng.
Tác giả: Nguyễn Yến Khanh
Share.

Leave A Reply