Trải nghiệm 6 lần trượt học bổng, tìm mãi cũng thấy một con đường

0

SSDH- Tôi tốt nghiệp cấp 3 năm 1994, tốt nghiệp đại học năm 1998. Vào những năm đó, tinh thần của những thợ săn học bổng không sôi sục như bây giờ. Dù cũng thích tìm kiếm cơ hội, tôi thấy việc săn học bổng khá xa xôi, viễn vọng đối với bản thân mình nên cũng không có chiến lược, chiến thuật gì để phát triển cá nhân và xây dựng hồ sơ cả.

Xem thêm: 

Trải nghiệm du học tại University of Luxembourg

Trải nghiệm du học nghành quản trị nhân lực ở Ireland bậc thạc sĩ

Trải nghiệm cuộc sống du học Nauy

Cấp 3 tôi học Thăng Long và cực mờ nhạt. Lớp 10 tôi nghĩ mình sẽ thi đại học khối A nên Toán, Lý, Hóa cũng khá, nhưng bụp một cái hè lớp 10 tôi quyết định sẽ học tiếng Anh từ bảng chữ cái để thi khối D. Thế là lớp 11, 12 tôi đâm đầu vào cày tiếng Anh, bỏ rơi các môn không thuộc khối D luôn. Có một học kỳ môn Lý của tôi còn dưới trung bình. Và đến lúc thi tốt nghiệp môn Hóa và tiếng Nga, tôi còn sợ là tôi trượt tốt nghiệp phổ thông luôn. Mấy năm cấp 3 tôi chỉ tự hào là nhà sách bán quyển đề TOEFL, IELTS nào tôi cũng mua về cày hết. Tôi đã học tiếng Anh chỉ trong 2 năm tròn mà chọi được với những bạn đã học tiếng Anh từ nhỏ để đậu điểm cao vào các trường đại học khối D.
Vào được đại học, tôi lại học cực kỳ phất phơ, tôi chép tất cả các môn học vào 1 quyển vở, thậm chí là có môn tôi không ghi bài. Môn nào tôi thích thì hăng hái, tăng động thái quá, môn nào tôi không thích thì trên mặt tôi dán chữ “CHÁN” to đùng, không che đậy, giấu diếm. Tôi chỉ thích loi choi đi học các môn du lịch, báo chí, văn hóa do các thầy cô giỏi dạy ở các khoa khác, thậm chí tôi sang cả trường khác để nghe giảng kiểu dự thính. Tôi cũng chăm chỉ đi học phiên dịch ở lớp do những anh chị phiên dịch chuyên nghiệp dạy. Người dạy chúng tôi hồi đó bây giờ đã lên tới vị trí Thứ trưởng, còn bạn học của tôi cũng đã lên tới vị trí Vụ trưởng ở Bộ Ngoại giao.
À, tôi cũng tích cực đi Câu lạc bộ Tiếng Anh Thanh niên Hà Nội nữa. Hồi đó ở Hà Nội chỉ có 2 Câu lạc bộ kiểu đấy, những thanh niên nghiêm túc đến Câu lạc bộ để tranh luận về những chủ đề rất to tát kiểu như Hạnh phúc là gì?!
Thế rồi tôi cũng tốt nghiệp đại học, hình như cũng nằm trong top 10% gì đó, mà vẫn không được bằng giỏi, chỉ bằng khá thôi á. Ngành của tôi năm ấy theo tôi biết chỉ có 2 người đạt bằng giỏi.
Sau 4 năm làm báo, một hôm tới Apollo phỏng vấn bác Khalid Muhmood, tôi gặp những cô bé 17, 18 tuổi rất hừng hực khát vọng du học. Ớ, thế là lúc 25 tuổi tôi nhớ ra tôi cũng từng ước được đi ra nước ngoài để lĩnh hội tri thức và tiếp cận những nền văn hóa mới mẻ. Cùng lúc đó tôi cũng đang dạt dào cảm hứng muốn bỏ nghề báo sang làm quảng cáo. Thế là tôi về cơ quan và lục tung thông tin về các học bổng lớn. Thời đó internet còn hạn chế, thông tin về học bổng tôi phải đọc ở trang quảng cáo của các báo Việt Nam News, Lao động, Thanh niên, Tuổi trẻ ấy. Tôi đi dự tất cả những buổi hội thảo học bổng và quan sát thấy một điều tới 80% người tham dự các hội thảo học bổng là nữ.
Với profile ất ơ như thế, tôi kì cạch, trăn trở viết bài luận và nộp hồ sơ tất cả những học bổng mà tôi biết, từ học bổng AusAID của Chính phủ Australia, tới Fulbright của Mỹ, Chevening của Anh, AIT-Europe là chương trình song bằng của Học viện Công nghệ Thái Lan AIT với đối tác ở châu Âu…
Tôi trượt học bổng AusAID từ vòng hồ sơ. Thời đó họ vẫn đòi ứng viên phải có điểm tổng kết đại học trên 8, mà tôi được 7 phẩy mấy, sát nút thôi. Tôi biết thừa mình không đạt tiêu chí tối thiểu mà vẫn cố đấm ăn xôi.
Rồi tôi nhận được tin trúng học bổng đầu tiên của AIT-Europe, người ta cho full học phí khóa MBA đúp, nhưng tôi phải tự phải xoay xở chi phí sinh hoạt 1 năm ở Thái Lan và 1 năm ở Pháp. Với một đứa chẳng có thành tích gì nổi bật như tôi, được học bổng như vậy là tốt quá rồi. Tôi sắp xếp lên đường đi học ngay, bố mẹ chỉ cho ít tiền thôi, tôi đi học mà lo không biết mình làm sao xoay sở được sinh hoạt phí trong 2 năm học.
Học được ở AIT 20 ngày, tôi đã kịp quậy tưng trong các hoạt động sinh viên, và đã kịp quyến luyến 1 anh Hải Phòng đẹp trai thì nhận tin học bổng Fulbright mời phỏng vấn vòng Semi-Finalist. Trời ơi, tim tôi thắt lại. Thế là tôi nguầy ngỏa bay về. Mà tôi hi vọng ở Fulbright lắm, nên quyết định kiểu gì cũng sống chết chiến đấu được 1 học bổng cho cả học phí và sinh hoạt phí, và quan trọng là được học đúng ngành quảng cáo mà tôi mong ước. Tôi bỏ luôn AIT và một trái tim hình như cũng hơi lỗi nhịp.
Fulbright không quá quan tâm tới điểm số mà tới cá tính và triển vọng đóng góp của ứng viên tới các ngành có ảnh hưởng lớn ở Việt Nam như chính trị, quản trị công, luật, báo chí, phát triển, quản lý giáo dục hơn các ngành kinh doanh. Trước hôm phỏng vấn Fulbright, tôi qua Vietnamnet gặp nhà báo Thu Uyên và tranh thủ hỏi kinh nghiệm về việc phỏng vấn Fulbright, chị bảo “em phải tuyệt đối trung thực, đừng có nghĩ là giấu diếm gì được họ”. Thế là hôm phỏng vấn, người ta đề cập tới việc tôi đăng ký thi GRE ở Thái Lan, tôi tèn tèn khai ra là tôi đã được học bổng ở Thái Lan và đi học ở ngoại ô Bangkok nên đăng ký thi ở đó cho tiện. Thôi xong, tôi cảm giác đó là giây phút quyết định tôi rớt cái vèo khỏi danh sách ứng viên Fulbright.
May quá, tôi trúng Chevening. Tôi nghĩ tôi trúng Chevening vì hai yếu tố: học bổng của Bộ Ngoại giao Anh ưu tiên các ngành công nghiệp sáng tạo và tôi cũng có phần may mắn. Thế là kỳ đi săn đầu tiên tôi đã trượt 2 và trúng 2 học bổng học Thạc sỹ.
Kỳ đi săn thứ 2 diễn ra khi tôi đã có con. Tôi phát hiện con có tự kỷ từ lúc con 14 tháng tuổi và tự học hỏi khắp nơi để can thiệp cho con, kể cả trả 135 USD/giờ để trị liệu viên từ Mỹ hàng tuần hướng dẫn và giám sát tôi can thiệp cho con qua mạng. Nhưng tôi thấy dù có học kiểu gì thì tôi cũng chẳng thể nào làm được như những người chuyên nghiệp. Tôi muốn đưa con đi nước ngoài để can thiệp một cách bài bản. Thế là tôi mở chiến dịch săn học bổng. Lần này tôi cũng được vào vòng Semi-Finalist của Fulbright, mà trong phỏng vấn tôi không chứng minh được một cách thuyết phục là tôi đã có đủ cam kết với ngành học mới. Tôi xin Học bổng AusAID của Chính phủ Australia nhưng cũng không trúng. Tôi còn xin Học bổng Endeavour, liên tục 2 năm liền, và cũng bị trượt 2 năm liền. Cũng vẫn câu chuyện biết là mình không hoàn toàn đáp ứng tiêu chí học bổng mà vẫn cố đấm ăn xôi đâm đơn.
Cảm nhận là việc xin học bổng để học bằng Thạc sỹ thứ 2 quá khó, mà tôi ghét học PhD lắm, nên tôi đã bỏ bẵng đi mấy năm, không nghĩ gì tới việc đi ra nước ngoài nữa. Rồi loay hoay thế nào tôi lại đi xin học bổng nghiên cứu sinh. Tôi cũng rải hồ sơ từ Mỹ, qua Anh, sang Úc. Một số giáo sư Mỹ nói đề tài của tôi hay nhưng họ không có ngân sách, một số giáo sư Úc muốn nhận hướng dẫn, nhưng bảo tôi phải tự xin học bổng chính phủ. Rồi đang lúc tìm hiểu xin học bổng nghiên cứu của chính phủ Úc thì tôi nhận được học bổng toàn phần của một trường ở New Zealand nên tôi nhận ngay, không cố tìm kiếm thêm nữa.
Đấy, người ta thì kể chuyện trúng một lúc hàng chục học bổng, với trị giá mười mấy tỷ đồng, tôi thì kể chuyện thất bại, nhưng quả là cứ kiên trì tìm thì cũng sẽ thấy đường. Đi sẽ đến, tìm sẽ thấy.
Tác giả: Nguyễn Yến Khanh
Share.

Leave A Reply