SSDH – Các du học sinh Việt không chỉ đối mặt với sốc văn hóa khi đến học tập tại một quốc gia khác, mà còn phải trải qua một cú “sốc ngược” khi trở về lại chính nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
Sốc văn hóa là một trong những trở ngại lớn đối với du học sinh Việt trong môi trường sống và học tập tại nước ngoài. Ảnh minh họa
“Sốc văn hóa” không phải là một khái niệm quá mới mẻ hay chỉ khu biệt trong một bộ phận, một nhóm người cụ thể nào đó. Sốc văn hóa có thể xảy ra với bất cứ ai khi di chuyển tới một môi trường văn hóa mới lạ và khác biệt với nền văn hóa đã thân thuộc trước đó.
Chúng ta có thể bắt gặp những cú sốc văn hóa trong bất cứ hoàn cảnh nào, khi mà sự khác biệt khó được chấp nhận và dung hòa. Tuy nhiên, cụm từ sốc văn hóa thường được sử dụng phổ biến hơn cả với với dân du học sinh, nhất là những nơi có nền văn hóa quá khác biệt, thậm chí trái ngược nhau. Và đây cũng là một trong những chướng ngại vật quan trọng mà những ai đã xác định theo con đường du học nước ngoài sẽ phải trải qua, thích ứng và chinh phục.
Sốc văn hóa (Culture shock) nói chung là thuật ngữ dùng để chỉ cảm giác hoang mang, lo lắng của những người khi từ một vùng đất này, quốc gia này tới một vùng đất khác, quốc gia khác, sống và trải nghiệm trong một môi trường văn hóa lạ.
Choáng tâm lý vì khác biệt văn hóa
Du học nước ngoài (thường gọi là du học) nghĩa là tới một quốc gia khác học tập. Điều này đồng nghĩa là bạn sẽ sống và trải nghiệm trong một môi trường hoàn toàn mới, tiếp xúc với những con người mới, những phong tục tập quán, những thói quen sinh hoạt mới, có thể tương đồng, nhưng cũng có thể hoàn toàn khác biệt đến đối lập. Sốc văn hóa là phản ứng thường gặp đối với các du học sinh.
Điều đó không quá khó hiểu. “Nếu từng chứng kiến những bạn sinh viên tay xách nách mang nào gạo, nào đồ ăn khô từ quê lên thành phố sau mỗi dịp lễ, Tết đã trải qua quãng thời gian khó khăn, có người còn bị khủng hoảng, khi từ quê lên phố như thế nào, thì bạn sẽ vô cùng thông cảm cho cảm giác của các du học sinh. Sống trong một nền văn hóa khác, với những con người khác, ở một quốc gia khác, khó khăn hơn rất nhiều so với ở trong nước”, ca sĩ Dương Thảo Linh (Thái Nguyên), cựu du học sinh Trung Quốc chia sẻ.
Ca sĩ Dương Thảo Linh (thứ hai từ trái sang), cựu du học sinh Trung Quốc cùng các bạn. Ảnh: NVCC
Mọi chuyện phát sinh ngay từ việc ngôn ngữ bất đồng, thái độ ứng xử, hay chênh lệch múi giờ, nhất là đối với các du học sinh Mỹ. “Đồng hồ sinh học đã được thiết lập bị đảo lộn 180 độ. Mất ngủ, stress, rồi những thói quen sinh hoạt quá khác biệt so với người châu Á khiến nhiều người trong số du học sinh Việt Nam mà tôi biết, đặc biệt là các bạn nữ, rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng”, anh Phương, du học sinh Mỹ cho biết.
Trong quá trình thích ứng, các du học sinh do trạng thái tâm lý không tốt, kết quả học tập cũng không được như ý. Thế rồi, bao nhiêu kỷ niệm ùa về. Gia đình, thầy cô, bạn bè, trường lớp… “Nhất là dịp lễ Tết, cảm giác không được ở nhà quay quần bên gia đình trông nồi bánh chưng như mọi năm, không được cùng bố mẹ, anh chị em ăn bữa cơm tất niên, không được mừng tuổi vào sáng mùng 1, không được cùng bạn bè đi chúc Tết. Nỗi nhớ nhà, nhớ quê nhiều lúc cồn cào đến phát điên. Thậm chí, có lần tôi còn định ngay sau khi thức dậy sẽ sắp xếp vali để quay về nước”, anh Phương kể lại.
Trong các buổi hội thảo, tư vấn du học, khi chia sẻ về quãng thời gian khó khăn nơi xứ người, các cựu du học sinh đều nhấn mạnh, “để có thể trụ lại và hoàn thành thành khóa học (chứ chưa nói đến xuất sắc), nhất là trong cảnh bạn bè ở quê í ới trên facebook hẹn hò nhau đi chơi Tết, các bạn cần có một ý chí và tinh thần thép, một nghị lực bền vững”.
Hết sốc thuận là đến sốc… ngược
Nếu trạng thái choáng tâm lý kể trên là cú sốc thuận mà các du học sinh Việt phải trải qua khi ra nước ngoài học tập, thì với nhiều người, quyết định trở về sống và làm việc tại chính quê hương mình mới là điều khó khăn nhất. Họ bị sốc ngược (reverse culture shock)!
“Kết thúc hành trình du học, trở lại chính nơi chôn nhau cắt rốn của mình, thế nhưng, tôi lại phải tìm cách để… “tái hòa nhập cộng đồng” – điều tưởng chừng chỉ diễn ra với những người bị gạt ra ngoài lề xã hội vì một hành vi đáng xấu hổ nào đó…”, chị Hà, cựu du học sinh Mỹ chia sẻ trong một buổi hội thảo dành cho các sinh viên có ý định du học sau khi tốt nghiệp đại học.
Những thứ đơn giản như thói quen đúng giờ, ngăn nắp, trật tự, văn minh, sạch sẽ ở nước ngoài mà chị phải rất khó khăn mới có thể quen, thì giờ đây, quay lại quê nhà, chị bị choáng váng bởi sự ồn ào, chen lấn, xô bồ, vứt rác bừa bãi… “Còn nếu từng quen với cảnh được tự do chọn đồ, quen với cách mua đồ khi đi siêu thị, thì bạn sẽ khá căng thẳng, thậm chí tức giận vì bị chửi khi lỡ may kêu “đồ này đắt thế”, chị Hà nói.
Không những sốc thuận, các du học sinh còn đối mặt với sốc văn hóa ngược khi quyết định trở về quê hương làm việc
“Em có nên trở về sau khi du học?” hay không là câu hỏi tôi thường gặp mỗi khi tư vấn cho các em có ý định chọn con đường du học sau khi tốt nghiệp THPT. Sốc văn hóa hết xuôi tới ngược. Sự nhìn nhận không đúng đắn, không chấp nhận cái mới mà các em được tiếp nhận khi đi du học của nhiều cơ quan, tổ chức, cũng là lý do dẫn đến tình trạng mà chúng ta vẫn hay kêu… chảy máu chất xám”, cô L., giáo viên Anh văn cấp 3 trường THPT ở Long Biên, Hà Nội chia sẻ.
Lại nữa, nếu bạn quen với việc tự do tranh luận trên lớp, hay nếu thấy những sự chướng tai gai mắt vì hành vi bất lịch sự, đi xe vượt đèn đỏ, dắt chó ra đường… tè, và bạn nhắc nhở. Vậy thì, cẩn thận! “Đi Tây về à, thế thì sang Tây mà ở. Ở đây, chúng tôi chỉ thế thôi”, v.v… và v.vv… và những câu chửi thậm chí còn “hay ho” hơn nữa là điều bạn sẽ được nhận.
Một biểu hiện của sốc ngược nữa ấy là khi đi xin việc. Những CV (sơ yếu lý lịch) gắn thêm mác “du học” thì ngay lập tức sẽ bị từ nhân viên quản trị nhân sự đến ban giám đốc công ty mà du học sinh định ứng tuyển “super soi”. Điều kiện làm việc không đáp ứng, chuyên môn không được sử dụng đúng, thỏa thuận mức lương không được như ý… mới chỉ là một phần khiến những du học sinh này buộc phải lựa chọn con đường “trở lại trời Tây”.
“Ánh mắt dò xét, những lời đàm tiếu, những ý kiến bọn mình đưa ra ngay lập tức bị phản bác, có khi họ còn chưa xem xét đúng hay sai… Thêm nữa, bạn bè, người thân họ bỗng nhiên xa lánh, nhìn mình bằng ánh mắt kỳ thị. Cuối cùng, mình quyết định quay lại Mỹ định cư và lập gia đình bên đó. Ông xã mình là người Mỹ, và con mình giờ mang hai dòng máu Việt – Mỹ”, chị Hà kể.
Thế giới phẳng, mọi khác biệt đều có giá trị
Sốc văn hoá không chỉ xảy ra khi một người đi từ nước này sang nước khác. Thực chất bất cứ thay đổi nào trong môi trường sống xung quanh cũng có thể đem lại những cú sốc văn hóa. Học tập hay sống ở một nơi không phải môi trường thân quen của mình, dù là một thành phố khác hay đất nước khác, cũng đều là một trải nghiệm thú vị. Đừng nghĩ rằng cứ phải tới nước khác, nói một ngôn ngữ khác thì mới học được nhiều thứ.
“Là một người Sài Gòn “di cư ngược” ra Hà Nội sinh sống và làm việc, mình nhận được rất nhiều thắc mắc từ những người xung quanh”, anh Lương Thế Huy, Giám đốc về quyền LGBT (iSEE) cho biết. Thế nhưng, đổi lại, anh có cơ hội để đi sâu vào từng sự khác biệt về vùng miền, thoát khỏi những địa chỉ du lịch thông thường để dần trở thành “thổ địa” ở Hà Nội. Với anh Huy, cảm giác làm quen với một vùng đất mới, và nhất là hàng ngày đều giống như đang du lịch, luôn có một cái gì đó để khám phá.
Anh Lương Thế Huy, Giám đốc về quyền LGBT (iSEE). Ảnh: FBNV
Anh Huy cung có nhiều dịp sang Mỹ tham dự hội thảo hoặc các khóa học nâng cao kỹ năng chuyên môn. Anh cho rằng, có một dạng tâm lý khá phổ biến ở không chỉ các du học sinh là sự phân chia “văn hóa thấp cao”. Cụ thể, khi đi đến một nền văn hóa khác mà mình nghĩ rằng mình “thấp” hơn họ, thì sẽ rất rụt rè, nhút nhát, xấu hổ; hoặc ngược lại, khi tới một nền văn hóa mà mình nghĩ rằng mình “cao” hơn họ sẽ tạo cảm giác khó chịu, sợ hãi, chán ghét.
Theo anh, điều cần làm là chúng ta cần giữ tâm lý cởi mở, tập nhìn mọi thứ đều là “thú vị”, là sự đa dạng. Trong thời đại mạng xã hội, thông tin được cập nhật thường xuyên trên Internet, các bạn nếu quyết định du học nước ngoài, bên cạnh việc học tiếng, thì không thể bỏ qua việc tìm hiểu văn hóa, đất nước nơi mình định đến. Và khi đã hiểu, bạn sẽ không còn thấy việc chấp nhận sự khác biệt trong văn hóa là điều quá khó khăn.
“Có vẻ như đi đâu không quan trọng bằng việc bạn đã sẵn sàng bỏ lại tất cả những định kiến ở lại hay chưa. Và, đặc biệt, hãy ghi nhớ một điều, mỗi quốc gia đều có một bản sắc riêng, đó chính là giá trị của sự khác biệt. Vì thế, những du học sinh Việt hãy giữ bản sắc của mình, người nước ngoài sẽ thấy thú vị khi mình có thể giới thiệu với họ tại sao mình làm như vậy”, anh Huy nhấn mạnh.
Du học khó khăn nhưng vẫn luôn là cánh cửa tươi sáng để chúng ta theo đuổi, chúng ta thay đổi và trở thành công dân toàn cầu. Bạn là ai? Giá trị thực sự và mục tiêu chính của bạn là gì khi du học? Trả lời câu hỏi này một cách nghiêm túc chính là cách để bạn không bị sốc văn hóa (hoặc giảm độ sốc), và không khiến cho sự khác biệt văn hóa bị biến thành sự va chạm văn hóa.
5 giai đoạn sốc văn hóa đối với du học sinh Việt
- Giai đoạn 1: Giai đoạn “trăng mật”, hay giai đoạn hồng hoa kéo dài từ 1-3 tháng. Du học sinh dường như thấy tất cả đều màu hồng.
- Giai đoạn 2: Giai đoạn bị sốc, hay còn gọi là thời kỳ bão táp, kéo dài từ 3-4 tháng cho tới nửa năm.
- Giai đoạn 3: Nỗ lực để thích ứng là tâm lý thường thấy ở du học sinh ở giai đoạn này. Nhiều tư vấn viên du học chia sẻ, các bạn sẽ mất khoảng nửa năm tới một năm để cố gắng thích ứng, hòa nhập với môi trường văn hóa bản địa.
- Giai đoạn 4: Quãng thời gian này, các du học sinh đã có thể tự tin hòa nhập với môi trường học tập, môi trường sống mới. “Khoảng trên một năm là các du học sinh có thể bước vào thời kỳ hòa nhập này”, tư vấn viên công ty du học Đ.A (Hà Nội) cho biết.
- Giai đoạn 5: Sốc ngược.
Nguồn: Công Lý