Kinh nghiệm thích nghi với cuộc sống Mỹ của một du học sinh

0

SSDH – Là người gốc Philippin sinh ra ở Nhật và lớn lên ở Indonesia, Chiharu Nakatsuka từ nhỏ đã trải nghiệm cuộc sống ở nhiều đất nước khác nhau, điều này làm cho cô mong muốn được tiếp xúc nhiều hơn với môi trường đa văn hóa. Vì vậy sau khi tốt nghiệp đại học Nanzan ở Nhật, cô quyết định sang Mỹ học Tiếng Anh để gặp gỡ nhiều người đến từ khắp nơi trên thế giới, với hy vọng có một cái nhìn rộng lớn hơn về cuộc sống. Hiện Chiharu Nakatsuka đang học Business International Trading and Accounting ở trường Cao Đẳng Cộng Đồng Bergen và dưới đây là những chia sẻ về trải nghiệm của chính Nakatsuka trong bước đầu thích nghi với cuộc sống học tập tại Mỹ.

 

Kinh nghiệm thích nghi với cuộc sống Mỹ của một du học sinh

 

Khi sống và học tập xa nhà, chúng ta sẽ trải nghiệm được những điều rất lạ lẫm và tích lũy kinh nghiệm quý báu. Những kinh nghiệm này giúp mình mở rộng tầm nhìn hơn, thậm chí đôi lúc có thể thay đổi chính cuộc sống của chúng ta. Cuộc sống ở vùng đất mới có biết bao điều thú vị, gặp gỡ nhiều người đến từ các quốc gia khác nhau càng làm cho quá trình học hỏi của mình trở nên tuyệt vời hơn. Thế nhưng, cuộc sống mà, đôi lúc sẽ có nhiều khó khăn và trở ngại mà chúng ta phải đối mặt.

 

Sốc văn hóa trong thời gian đầu là điều mà bất cứ du học sinh nào cũng gặp phải, vì chúng ta đều nhạy cảm với môi trường mới. Khác biệt về ngôn ngữ, khí hậu và phong tục tập quán có thể làm bạn khó chịu, thấy nhớ nhà và trường hợp tồi tệ nhất là gây trầm cảm. Đây là lý do tại sao tôi chọn học một khóa tiếng Anh trong thời gian đầu đến Mỹ. Ở đây tôi có thể kết bạn với rất nhiều người từ khắp nơi trên thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Tây Ban Nha. Trò chuyện và chia sẻ các nền văn hóa mang lại cho tôi nhiều niềm vui. Sau đó đến lớp được nghe tiếng Anh của người bản xứ từ các giáo viên và sinh viên người Mỹ, tôi rất vui với những trải nghiệm đó.

 

Tuy nhiên ba tháng sau đó tôi bắt đầu cảm thấy nhớ nhà. Mặc dù thời điểm này tôi có thể nói tiếng Anh khá tốt, nhưng vẫn rất khó chịu khi phải giải thích điều gì đó phức tạp bằng tiếng Anh. Tôi cảm thấy xấu hổ khi sai ngữ pháp, từ vựng hoặc có ai đó nói rằng họ không hiểu những gì tôi nói. Nỗi sợ hãi này làm cho tôi bắt đầu nói tiếng Anh ít dần đi, tôi dần cảm thấy cô đơn và có ý nghĩ sẽ quay về Nhật Bản.

 

Còn một vấn đề nữa là tôi cảm thấy bối rối và không thoải mái khi thể hiện suy nghĩ và quan điểm cá nhân. Ở Nhật, người ta không thường xuyên chia sẻ quan điểm và cố gắng tránh tranh luận vì mong muốn giữ sự hòa hợp trong nhóm. Người Mỹ thì khác hẳn, họ có xu hướng đề cao sự độc lập trong quan điểm cá nhân. Một người nói ít được cho là một người không có chính kiến. Tôi từng được hỏi về ý kiến trong lớp học, nhưng thực sự rất khó để tôi bày tỏ quan điểm và cảm xúc của mình. Điều này khiến tôi nhiều lần chán nản và đó là một trong những trở ngại khó khăn nhất để vuợt qua.

 

Dù vẫn còn khó khăn khắc phục vấn đề này, tôi vẫn cố gắng nói nhiều hết sức có thể. Tôi thách thức bản thân mình bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc ngay cả trong những vấn đề không mấy quan trọng. Ngoài ra tôi còn kết bạn thật nhiều để cải thiện kỹ năng giao tiếp.

 

Giờ đây tôi đã phần nào tự tin hơn và không còn ngần ngại thử những điều mới, đối mặt với khó khăn ở đây nữa. Trong những thách thức đã trải qua, tôi nhận ra rằng khi bạn càng cảm thấy cô đơn và nhớ nhà, cuộc sống không có gia đình che chở sẽ giúp bạn đứng vững hơn trên đôi chân của chính mình. Điều quan trọng nhất là phải xác định rõ mục tiêu, bạn muốn trở thành ai, làm gì trong tương lai của mình.

 

Cuối cùng, tôi nhận ra rằng là luôn có mọi người người xung quanh giúp đỡ, khuyến khích tôi mỗi khi cảm thấy nản lòng. Cha mẹ tôi, những người bạn cùng phòng, người thân ở Mỹ, bạn bè ở Mỹ và ở Nhật đều ủng hộ tôi về thể chất lẫn tinh thần. Trong tương lai, nếu tôi có gặp những người đang gặp khó khăn khi thích nghi với cuộc sống ở nước ngoài, tôi sẽ luôn khuyên họ rằng đừng nên bỏ cuộc, hãy xác định và giữ vững mục tiêu trong tâm trí và phải luôn là chính mình!

 

Nguồn: Scholarshipplanet

Share.

Leave A Reply