SSDH – Để giúp bạn hiểu được đúng và nhanh toàn bộ quy trình tuyển chọn lưu học sinh cho học bổng MEXT bậc Sau Đại học (thông qua Bộ GDĐT & ĐSQ), mình đã tập hợp các thông tin quan trọng và tóm tắt như dưới đây nhé.
Quy trình xét tuyển và hình thức thi học bổng MEXT (Bậc sau đại học)
Chi tiết toàn bộ quy trình tuyển chọn:
Bước 1: Bộ GD-ĐT thẩm định hồ sơ, chọn ra ứng viên đạt yêu cầu để giới thiệu cho Đại sứ quán Nhật. Kết quả sơ tuyển của Bộ sẽ được thông báo công khai trên các trang web: http://www.moet.gov.vn và http://www.vied.vn sau ngày 15/06. Số lượng ứng viên được chọn thay đổi theo từng năm, thông thường là 100 ứng viên.
Bước 2: Đại sứ quán tổ chức thi viết và thi vấn đáp. Nếu ngành bạn lựa chọn là Nhật Bản học hoặc các ngành có liên quan, cần phải có trình độ tiếng Nhật nhất định, thì ngoài việc xét tuyển dựa trên kết quả thi môn tiếng Nhật, phần thi vấn đáp của bạn cũng sẽ bằng tiếng Nhật. Các trường hợp khác thì phần phỏng vấn sẽ bằng tiếng Anh.
Bước 3: Đại sứ quán cấp “Giấy chứng nhận trúng tuyển lần 1″ cho các ứng viên đạt yêu cầu ở Bước 2.
Bước 4: Bạn phải gửi ngay Giấy chứng nhận ở Bước 3 cho trường ĐH ở Nhật để xin Admission Letter. Đồng thời, gửi một bộ hồ sơ (đầy đủ như bộ hồ sơ xin HB) cho trường ĐH mà mình lựa chọn. Bạn nên chuẩn bị sẵn 5-6 bản copy cho mỗi loại giấy tờ. Các trường ĐH có thể yêu cầu một vài giấy tờ khác ngoài những giấy tờ như trong bộ hồ sơ xin HB.
Bước 5: MEXT tổ chức xét duyệt lần thứ 2 để lựa chọn và cấp học bổng cho các ứng viên đã tìm được trường ĐH ở Nhật tiếp nhận mình vào học. Nếu bạn đậu ở vòng 2 mà không được trường ĐH nào mà bạn đã điền trong Đơn đăng ký xin học bổng chấp nhận vào học thì bạn cũng sẽ không được cấp học bổng. Suất học bổng của bạn sẽ được chuyển cho các bạn trong danh sách Dự bị.
Các lưu ý khác:
Bộ GD-ĐT sẽ căn cứ hồ sơ, ngành đăng ký học, kết quả học tập của những người dự tuyển và xếp hạng từ cao xuống thấp, sơ tuyển chọn ra ứng viên. Thời gian nhận hồ sơ: Đầu tháng 5 – Đầu tháng 6.
Thi viết 2 môn: môn tiếng Nhật và môn tiếng Anh, mỗi môn 60 phút. Môn tiếng Nhật là bắt buộc với tất cả các ứng viên. Môn tiếng Anh là do bạn tùy chọn thi hay không thi. Xét tuyển theo kết quả nào tốt nhất trong 2 bài thi. Vì vậy dù bạn hoàn toàn không biết tiếng Nhật thì cũng không sao cả. Thời gian tổ chức thi viết: Giữa tháng 7. Thời gian tổ chức thi vấn đáp: Cuối tháng 7 – Đầu tháng 8.
Nếu bạn đậu ở vòng 1 thì cũng chưa chắc được cấp học bổng. Thời gian thông báo kết quả thi: Giữa tháng 8.
Bạn phải chủ động liên lạc với Giáo sư hướng dẫn từ TRƯỚC khi thi. Các trường ĐH ở Nhật sẽ không cấp Admission Letter nếu bạn không có Giấy chứng nhận ở Bước 3, đồng thời sẽ chỉ tiếp nhận yêu cầu cấp Admission Letter đến cuối tháng 8. Thời gian RẤT NGẮN!
Nếu bạn đậu ở vòng 2 này nhưng không được trường ĐH nào nhận vào học thì bạn cũng sẽ không được cấp học bổng.
Hỏi đáp – thi viết và thi vấn đáp học bổng MEXT
Sau khi vượt qua được vòng sơ khảo của Bộ GDĐT, bạn sẽ phải tham dự kỳ thi viết và thi vấn đáp do Đại sứ quán tổ chức. Mình thấy nhiều bạn có cùng thắc mắc về phần thi viết và thi vấn đáp (phỏng vấn) này nên mình trả lời các câu hỏi của các bạn ở đây luôn để mọi người có thể cùng tham khảo nha.
Thi viết:
1. Thi những môn gì?
Bậc Đại học:
Các môn thi của mỗi ngành học là khác nhau. Cụ thể các môn thi cho các khối ngành học như sau:
- Khối KHXH: thi 3 môn: Toán, tiếng Anh, tiếng Nhật. Mỗi môn 60 phút.
- Khối KHTN: khối này được chia thành 02 khối nhỏ: KHTN 1 và KHTN 2.
- KHTN 1: thi 5 môn: Toán, Lý, Hóa, tiếng Anh, tiếng Nhật. Mỗi môn 60 phút.
- KHTN 2: thi 5 môn: Toán, Hóa, Sinh, tiếng Anh, tiếng Nhật. Mỗi môn 60 phút.
Bậc Sau đại học:
Các bạn sẽ thi viết 2 môn là tiếng Anh và tiếng Nhật, mỗi môn thi 60 phút.
2. Tài liệu ôn thi?
Tham khảo & làm thử các bài thi viết của những năm trước. Làm càng nhiều càng tốt, giống như giải đề luyện thi đại học vậy! Đề thi & đáp án của các năm trước bạn có thể tham khảo tại đây.
Lưu ý ghi nhớ những từ khóa bằng tiếng Anh trong khi giải các đề thi (vì nhiều khi đọc đề mà không hiểu từ vựng thì không biết giải cách nào cho đúng!). Tốt nhất là nên ghi note vào một quyển sổ tay nhỏ bỏ túi để lúc nào cũng có thể ôn luyện được.
3. Không biết tiếng Nhật có sao không?
Tất cả các bạn xin học bổng đều phải thi tiếng Nhật. Tuy nhiên, phần thi này không mang tính quyết định nên cho dù bạn không biết một chữ tiếng Nhật nào cũng không sao. Bạn cứ mạnh dạn đăng ký đi nhé!
Thi vấn đáp:
1. Phỏng vấn: sẽ hỏi những vấn đề gì?
Mục đích là kiểm tra khả năng giao tiếp tiếng Anh của bạn thôi (để chắc chắn là bạn có thể sống & học tập được ở Nhật bằng tiếng Anh trong thời gian chưa biết tiếng Nhật) chứ không hỏi đánh đố gì. Vì mục đích chỉ là kiểm tra khả năng giao tiếp tiếng Anh của bạn nên bạn không nên quá lo lắng. Nên xem vòng vấn đáp này như một buổi trò chuyện vậy. Các câu hỏi cũng chỉ xoay quanh những thông tin liên quan đến cá nhân bạn mà thôi. Để chuẩn bị tốt cho vòng này, bạn nên chuẩn bị trước những việc sau:
- Viết một đoạn giới thiệu về bản thân mình bằng tiếng Anh –> nhờ người kiểm tra ngữ pháp giùm, hoặc tự mình kiểm tra xem đã viết đúng cấu trúc chưa –> luyện nói bằng cách đọc đi đọc lại đoạn giới thiệu, ghi nhớ được thì càng tốt! (tuy nhiên lưu ý luyện theo kiểu như đang chuyện trò với một người khác, chứ không phải là tập đọc trả bài!) Lưu ý đây chính là phần để bạn PR cá nhân mình trực tiếp với người phỏng vấn nên giới thiệu gì về bản thân mình là key point giúp bạn nổi bật hơn người khác 😉 Làm sao để khoe thành tích mà lại đơn giản, không quá phô trương. Hãy chân thành chia sẻ! Đừng xem nhẹ những “chiến tích” như tham gia các hoạt động xã hội, sinh hoạt nhóm, đoàn đội vì điều này cho thấy khả năng hòa nhập, làm việc theo nhóm của bạn! Cũng đừng quên nhắc đến những kỷ nệm liên quan đến nước Nhật, người Nhật, món ăn Nhật… (nếu có) vì điều này sẽ làm cho người phỏng vấn hào hứng hơn khi nghe bạn nói 😉
- Ngoài phần giới thiệu bản thân thì bạn cũng nên chuẩn bị (viết sẵn ra trước & luyện nói/học thuộc lòng) cho các nội dung như: kế hoạch học tập, đề tài nghiên cứu, vì sao muốn du học ở Nhật mà không phải là một nước nào khác, dự định sau khi học xong (nên cho thấy là bạn mong muốn quay về VN & làm việc ở lĩnh vực liên quan đến quá trình học tập ở Nhật).
- Hãy cho thấy bạn muốn học thêm tiếng Nhật, tìm hiểu thêm về đất nước, con người, văn hóa Nhật.
- Cố gắng đừng quá căng thẳng. Cần nghiêm túc trả lời nhưng cũng cần làm cho buổi phỏng vấn nhẹ nhàng & thú vị.
Đối với Bậc Sau đại học: Bạn cần phải cho người phỏng vấn thấy bạn đã tìm hiểu và chuẩn bị kỹ về dự định du học của mình.
2. Thời gian phỏng vấn?
Bậc Đại học: khoảng 10 phút.
Bậc Sau đại học: khoảng 15 phút.
Nguồn: Scholarshipplanet