“Săn học bổng chính phủ có khó không?”
“Tôi đang là học sinh/sinh viên,có quá sớm hay quá muộn để tôi tìm hiểu và theo đuổi ước mơ có được học bổng chính phủ?“
Rất nhiều câu hỏi mà các bạn đặt ra khi nghĩ đến việc nộp đơn xin học bổng của chính phủ để thực hiện ước mơ mở mang hiểu biết, tầm mắt ở những nền giáo dục tiên tiến. Xin trả lời bạn ngay là không bao giờ là quá muộn cho một ước mơ.
Tuy nhiên, nếu bạn xác định nó được từ sớm và có thời gian chuẩn bị kĩ càng cho nó thì cơ hội của bạn càng mở ra hơn nữa và con đường đi tới thành công của bạn sẽ được rút ngắn lại. Bài viết sẽ là những kinh nghiệm hữu ích bỏ túi cho các bạn học sinh, sinh viên hay cả người đi làm về con đường đỡ chông gai nhất để dành một suất học bổng của chính phủ cùng những điều bạn cần chú ý trong từng giai đoạn thực hiện ước mơ của mình. Học bổng chính phủ của mỗi nước có những yêu cầu khác nhau nhưng dưới đây là những lời khuyên chung nhất, nếu bạn làm theo những lời khuyên này, bạn đã nắm chắc phần thắng trong tay.
Bài viết chủ yếu viết về những học bổng của chính phủ nước ngoài.
1. Chuẩn bị tâm thế, kiến thức và kinh nghiệm trước khi săn học bổng chính phủ
Tìm hiểu kĩ thông tin
• Đặt mục tiêu cho mình: Bạn nên chọn vài học bổng để theo đuổi. Có những bạn bắt đầu tìm hiểu về học bổng từ những năm đầu còn là sinh viên, thậm chí khi còn đang học trong trường phổ thông. Một số học bổng nổi tiếng như học bổng Fulbright (của chính phủ Hoa Kỳ), học bổng Chevening (của Anh), BTC (của Bỉ), Eramus Mundus ( của Liên minh Châu Âu), ADS, Endeavour, ALA (của Úc)…Các học bổng này thường được quản lý bởi các Đại Sứ Quán các nước tại Việt Nam.
• Mình có thuộc đối tượng được cấp học bổng không? Một số học bổng cấp cho người đã đi làm và có kinh nghiệm, một số học bổng chính phủ lại hướng tới sinh viên chưa tốt nghiệp.
• Các điều kiện được trao học bổng là gì? Bạn có thể tham dự diễn đàn, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm. Với nguồn thông tin mênh mông từ internet, không khó để bạn có thể lắng nghe kinh nghiệm từ những người đi trước.
Chuẩn bị về học tập, ngoại ngữ, hoạt động xã hội
• Học tập: Đối với một ứng viên học bổng, một tấm bằng loại ưu là ưu thế lớn trong cuộc cạnh tranh khốc liệt giành tấm vé du học được đài thọ toàn phần. Bởi đơn giản, nó một phần chứng minh được thực lực và khả năng tiếp thu kiến thức khi bạn qua học ở một môi trường quốc tế.
• Ngoại ngữ: Những chứng chỉ được quốc tế công nhận như IELTS, TOEFT là cần thiết. Tuy nhiên, đạt được yêu cầu tiếng Anh học thuật là một chuyện, sử dụng tiếng Anh ứng dụng trong thực tế lại là chuyện khác. Điểm số tiếng Anh học thuật của các bạn có thể thi nhiều lần, lúc cao lúc thấp nhưng quan trọng là phải áp dụng tốt trong giao tiếp và học tập. Bạn nên tìm kiếm những câu lạc bộ nói tiếng Anh, làm thêm những công việc phải tiếp xúc với người nước ngoài để gia tăng khả năng giao tiếp của bản thân.
• Hoạt động xã hội: Bạn nên chủ động tìm kiếm và tham gia những hoạt động dạng này. Trong quá trình tham gia các hoạt động từ thiện, các hoạt động cộng đồng, các bạn không những cho đi mà còn nhận lại được rất nhiều. Đó là những giá trị sống, sự đồng cảm, sẻ chia và các giá trị nhân văn khác sẽ giúp ích cho các bạn trong môi trường mới. Đó cũng là lý do nhiều chương trình học bổng đánh giá cao yếu tố này.
2. Tăng tốc với hồ sơ xin học bổng ấn tượng
Hồ sơ bao gồm:
• Điền mẫu đơn (form) học bổng: Thường khá đơn giản, chỉ cần khai thông tin cá nhân, học vấn, các thông tin khác.
• Sơ yếu lý lịch (Curriculum Vitae): Nên viết ngắn gọn làm nổi bật quá trình công việc và thành tích học tập, hoạt động xã hội.
• Thư giới thiệu: Điều này nhằm mục đích cho ban tuyển chọn hiểu rõ hơn về bạn, do vậy người viết thư giới thiệu quan trọng nhất phải là người gần gũi và hiểu bạn nhất. Họ phải là người có thể làm nổi bật những điểm mạnh của bạn và chứng minh cho ban tuyển chọn thấy bạn là người xứng đáng được trao học bổng.
Nếu xin 3 thư thì cân nhắc 3 đối tượng sau:
(1) giảng viên ĐH của bạn, có thể là trưởng khoa nếu người đó có trực tiếp dạy bạn; (2) đồng nghiệp hoặc lãnh đạo ở cơ quan; (3) một người bạn hay quen biết ngoài xã hội có tiếng tăm một chút thì tốt. Bạn nên trao đổi với người đồng ý viết thư giới thiệu cho mình xem họ thích thế nào, nhưng tốt nhất bạn nên dự thảo trước và đưa cho họ xem, sửa và ký.
• Bài luận về bản thân (Personal Statement): Giống như bạn kể một câu chuyện về bản thân mình theo trình tự thời gian, trong đó bạn giống như một nhân vật chính, các tình tiết xảy ra trong cốt truyện, các nhân vật phụ giúp bạn nổi bật nên. Nhiều bạn tham khảo những bài luận mẫu hay nhờ người giỏi có kinh nghiệm giúp sửa bài. Nhưng bạn nên nhớ đừng để người khác can thiệp quá sâu làm mất bản sắc cá tính của bạn trong bài luận. Bài luận của bạn có thể không xuất sắc nhưng mộc mạc chân chất, và quan trọng nó là của bạn. Đó mới là điều giám khảo hướng tới.
• Mục tiêu học tập (Study Objective): Mục đích chính của bài luận này là nói đến mục tiêu học tập của bạn khi được trao học bổng. Mà đã là mục tiêu thì phải rõ ràng, cụ thể, đo lường được. Bạn có thể trình bày công trình nghiên cứu mà bạn dự định triển khai khi được học bổng. Tất nhiên đây chỉ là một bản trình bày ngắn gọn cho những người cho dù không có chuyên môn về lĩnh vực đấy cũng hiểu được, chứ không phải như cái đề cương nghiên cứu chi tiết.
• Đề cương nghiên cứu (Research Proposal): Thường phổ biến hơn với các bạn theo học thạc sĩ nghiên cứu hoặc tiến sĩ.
• Thư chấp nhận nhập học (Admission Letter): Ở một số học bổng chính phủ nước ngoài, một yêu cầu cần có nữa trong bộ hồ sơ xin học bổng là phải có thư chấp nhận học của trường mà bạn dự định học. Đây là lá thư mà trường bạn dự định học cung cấp cho bạn chứng minh rằng bạn đã được trường chấp nhận bạn trở thành sinh viên. Để xin được thư này, bạn phải liên hệ trực tiếp với các trường và phải nộp một bộ hồ sơ xin học vào trường đó. Bộ hồ sơ xin học này cũng gồm các giấy tờ khá giống như bộ hồ sơ xin học bổng chính phủ.
• Các văn bằng, chứng chỉ, bảng điểm: Bạn chỉ nộp bản sao có công chứng của bản gốc thôi. Với tài liệu mà bằng tiếng Việt thì bạn cần mang đem dịch ra tiếng Anh rồi công chứng.
3. Chạy nước rút ở vòng phỏng vấn
Bí kíp vượt qua vòng phỏng vấn rất đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được: chân thành, nhẹ nhàng, lịch sự. Mục tiêu của buổi phỏng vấn không phải là làm cho giám khảo thấy rằng bạn đủ giỏi đủ tốt bằng thái độ tự tin ngạo mạn. Ranh giới giữa hai điều đó rất mong manh. Cái chính vẫn là khát khao thể hiện cho họ những gì mình có thể cống hiến. Bạn hãy cố gắng để buổi phỏng vấn diễn ra trong không khí thoải mái với sự tôn trọng và tính tự tin vừa đủ. Lúc đó, được mất không còn là vấn đề quan trọng nhất nữa. Vì khi bạn làm được những điều trên, bạn nắm phần thắng trong tay rồi.
Lời cuối cùng mình muốn nhắn nhủ rằng chỉ cần có quyết tâm, chỉ cần không đầu hàng trước thất bại, ước mơ rồi một ngày sẽ trở thành hiện thực. Chúc các bạn may mắn và thành công!
Nguồn: duhoctoancau.com