Hệ thống giáo dục Anh và Việt
Ở Anh, học sinh làm quen với bốn cách thức học, gồm oral (nghe nói), written (đọc viết), practical (thực hành) và teamwork (làm việc theo nhóm).
Với cách học nghe nói, học sinh phải thuyết trình, thảo luận theo nhóm, thoải mái tranh luận với bạn bè, thầy cô và tham gia các trò chơi.
Với cách học đọc viết, học sinh tìm đọc tài liệu qua sách giáo khoa, sách tham khảo, báo chí và viết luận.
Với thực hành, học sinh phải tiến hành thí nghiệm và đi thực tập trắc địa. Ví dụ như học sinh có thể vào rừng, lên núi…
Được biết, bạn từng học A-level rất xuất sắc ở Trường Bellerbys, bạn có thể chia sẻ một chút kinh nghiệm về việc học khóa A-level?
Trước tiên, học sinh phải chọn môn học cho khoá A-level, gồm bốn đến năm môn thuộc các lĩnh vực science/engineer (khoa học kỹ thuật), social (xã hội), medicine (y học), economics/business (kinh tế).
– Khoa học kỹ thuật: toán, toán cao cấp, vật lý, hóa học (máy tính)
– Xã hội: văn học, nghiên cứu xã hội, lịch sử (chính trị, luật)
– Y học: toán, hóa học, sinh học (vật lý, tâm lý học)
– Kinh tế: toán, kinh tế, kế toán (tâm lý học, nghiên cứu kinh doanh)
Các môn như toán, lý, hóa tương đối dễ vì học sinh có nền tảng cơ bản ở Việt
Môn sinh đòi hỏi học sinh có trí nhớ tốt. Nếu biết nhiều về các chương trình khám phá tự nhiên (như Discovery) thì rất tốt. Nên rèn luyện khả năng thực hành, khả năng tư duy logic và làm toán.
Các môn như chính trị, luật, tâm lý học tương đối khó vì học sinh chưa được học ở Việt
Các môn kinh tế nằm giữa ranh giới các môn tự nhiên và môn xã hội. Học sinh phải kết hợp cả bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.
Ngoài khả năng thuyết trình và thuyết phục đám đông, bảo vệ quan điểm của mình, học sinh còn phải có óc phân tích và tổng hợp, nhận định vấn đề từ nhiều phía và đưa ra nhận xét của riêng mình.
Để học tốt statistics/accounting (thống kê), học sinh cần có tư duy tốt về số liệu, biểu đồ, sơ đồ.
Theo bạn, học sinh cần phải chuẩn bị những gì khi đến lớp?
Thời gian đầu, học sinh cảm thấy khó khăn vì gặp trở ngại về ngôn ngữ. Tuy nhiên, giáo viên đều hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh của du học sinh nên giáo viên có những cách giảng dạy phù hợp. Giáo viên bắt đầu bằng cách giới thiệu những thuật ngữ – khái niệm cơ bản và cách học thích hợp cho bộ môn của mình.
Học sinh cần đến lớp đều đặn, chuẩn bị bài kỹ ở nhà và lắng nghe phần bài giảng của giáo viên. Khi nghe giảng phần nào không hiểu, học sinh phải hỏi lại ngay, nếu có ý kiến khác với thầy cô nên đưa ra để cả lớp cùng thảo luận.
Nội dung bài học thường liên quan đến nhau nên học sinh cần nắm vững lý thuyết của những bài trước và kết nối chúng với bài đang học.
Thế còn ở nhà?
Đây là khoảng thời gian học sinh tổng kết lại những kiến thức đã học của ngày hôm đó và ứng dụng phần lý thuyết vào phần bài tập và viết luận.
Học sinh có thể tìm đọc thêm tài liệu tham khảo liên quan và ghi chú lại những chỗ không hiểu để hỏi lại giáo viên vào buổi sau.
Theo kinh nghiệm của Mỹ Linh, nên có một quyển sổ tay nhỏ cho từng môn học ghi ra những ý chính, những điểm khó cần chú ý để sau này ôn tập dễ dàng hơn.
Việc kiểm tra cuối kỳ liệu có gây áp lực với học sinh?
Học sinh nên ôn những thuật ngữ, các công thức, sơ đồ cần nhớ. Nên lập một bảng tóm tắt phần nội dung cần ôn tập và chia thời gian ôn thi một cách hợp lý. Việc ôn tập cần được tiến hành từ trong năm, không nên đợi đến cuối kỳ học.
Học sinh nên tham gia các buổi ôn tập cuối kỳ (revision class) do thầy cô trong lớp tổ chức. Cũng có thể tự tổ chức các nhóm học tập với bạn bè nhằm kiểm tra kiến thức của nhau (rất cần thiết cho những môn cần sự thảo luận như economics, business).
Nên tập làm các đề thi cũ nhằm làm quen với cách thức ra đề và cách tiếp cận câu hỏi (đặc biệt có ích cho các câu hỏi trắc nghiệm). Tuy nhiên học sinh không nên quá ỷ lại vào đề thi vì chúng không được ra lại.
Chú ý áp lực thời gian, đặc biệt cho các môn cần viết luận như economics, business studies, accounting… Học sinh, sinh viên quốc tế trong hai năm học đầu được ưu tiên thêm 25% thời gian làm bài để tra cứu từ điển. Đây là lợi thế cần khai thác cho các môn viết luận.
Các môn như toán, lý, hóa không được lựa chọn câu hỏi. Học sinh phải cố gắng trả lời tất cả các câu hỏi trong đề, không được bỏ giấy trắng. Cần kiểm tra lại kết quả trước khi nộp bài.
Các môn kinh tế, xã hội thường được chọn câu hỏi. Học sinh nên dành khoảng ba đến bốn phút để đọc kỹ đề và chọn ra những câu mình tự tin nhất. Bắt đầu bằng những câu hỏi ngắn, ít điểm, chú ý không nên mất nhiều thời gian cho các câu hỏi này.
Các câu hỏi dài cần chuẩn bị dàn ý trước khi viết nhằm tránh tình trạng viết lan man dài dòng, không trả lời đúng trọng tâm câu hỏi. Các ý chính cần phải có dẫn chứng và luận điểm để bảo vệ. Có sơ đồ/biểu đồ minh họa cho bài viết là một ưu điểm, tuy nhiên khi vẽ biểu đồ cần phải có lời giải thích kèm theo.
Sáu modules (học phần) chiếm tỷ trọng như nhau trong điểm tổng kết cuối cùng của mỗi môn học. Học sinh nên cố gắng lấy điểm cao ở ba modules đầu (tương đối dễ) nhằm phụ điểm cho ba modules cuối.