SSDH – Hiện các trường đại học khối Flemish của Bỉ đang mở rộng nhận nghiên cứu sinh của tất cả các ngành học đến du học. Nếu các cá nhân có dự án khả thi có thể nộp hồ sơ xin hỗ trợ học bổng để nghiên cứu.
Đó là thông tin mới nhất mà Giáo sư Paul Van Cauwenberge, hiệu trưởng ĐH Gent, Chủ tịch Hội đồng các Trường ĐH khối Flemish (Bỉ) cho biết vào ngày 16/3, trước khi ông cùng đoàn kinh tế cao cấp của Bỉ lên máy bay rời TPHCM.
ĐH Gent nói riêng và các trường ĐH khối Flemish nói chung đã có rất nhiều hoạt động hỗ trợ nghiên cứu, đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cho Việt Nam trong 30 năm qua, đặc biệt trong các ngành thực phẩm, thủy hải sản. Một trong những chương trình lớn đó là Mekong 1000, xây dựng các mạng lưới viện – trường…
Trước khi rời Việt Nam, GS Paul Van Cauwenberge và GS Patrick Sorgeloos, Trưởng khoa nuôi trồng thủy sản của ĐH Gent (người đã thực hiện rất nhiều dự án hợp tác đào tạo, nghiên cứu với Việt Nam trong 30 năm qua) đã dành cho Dân trí một buổi phỏng vấn riêng về hoạt động hợp tác nghiên cứu, đào tạo giữa các trường ĐH Việt Nam và Bỉ thời gian qua và trong tương lai.
Giáo sư Patrick Sorgeloos và giáo sư Paul Van Cauwenberge.
Thưa ông, là một trong những trường ĐH có nhiều hợp tác nghiên cứu và đào tạo với Việt Nam, ông nhận định như thế nào các hợp tác của Việt Nam – Bỉ trong thời gian qua?
GS Paul Van Cauwenberge: Sự hợp tác Việt – Bỉ đã bắt đầu từ 30 năm trước, thông qua GS Patrick Sorgeloos. Lúc ấy, sự hợp tác khá nhỏ, chủ yếu là các hợp tác cá nhân, tập trung vào mảng Nông Nghiệp. Nhưng sau đó, việc hợp tác đã mở rộng và phát triển hơn, từ những hợp tác cá nhân đã phát triển thành hợp tác giữa các trường ĐH, mang các trường ĐH, không chỉ là ĐH Gent mà còn nhiều trường ĐH khác của Bỉ đến Việt Nam.
GS Patrick Sorgeloos: Như anh vừa nghe từ ngài hiệu trưởng, sự hợp tác bắt đầu trong lĩnh vực Nông nghiệp. Đến nay các trường ĐH của hai nước đã xây dựng được các mạng lưới quan hệ hỗ trợ cho nhau. Hiện chúng ta có 2 mạng lưới như thế. Đó là mạng lưới thực phẩm Việt-Bỉ (viết tắt là VBFoodNet) và Mạng lưới các viện, trường thủy sản Việt Nam (VIFINET). Trong mạng lưới này, chúng tôi còn có 3 Viện nghiên cứu (RIA) ở Hà Nội, TPHCM và Nha Trang.
Lí do tại sao trong một mạng lưới như thế này, chúng tôi còn xây dựng các Viện nghiên cứu. Chúng tôi muốn giới thiệu với các bạn những gì mà chúng tôi đang thực hiện tại Châu Âu và Bỉ, chúng tôi muốn thực hiện một hoạt động chưa từng có ở Việt Nam, đó là sự hợp tác giữa các trường ĐH và các Viện nghiên cứu.
Bỉ hỗ trợ những gì về mặt hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực Nông nghiệp và Nuôi trồng thủy hải sản?
GS Paul Van Cauwenberge: Khoảng 10 năm trước, nhờ vào các khoản tài trợ của Hội đồng các trường ĐH khối Flemish, chúng tôi đã có những chương trình hỗ trợ về mặt cập nhật hệ thống và chất lượng giáo dục tại các trường ĐH Việt Nam. Từ đó, các tài liệu giảng dạy, phương pháp giảng dạy đã thay đổi và phát triển rất nhiều. Ngoài ra, còn có hỗ trợ về mặt công nghệ thông tin và truyền thông, hệ thống thự viện…
Không chỉ là hỗ trợ về 2 lĩnh vực trên, mà còn có lĩnh vực khoa học xã hội và các dự án khác. Chúng tôi cũng đang nghĩ đến các lĩnh vực mới như Y học, Kinh tế, Kinh tế – Xã hội.
Hàng năm, chúng tôi dành những khoản hỗ trợ lớn cho Việt Nam, đặc biệt là cho việc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Có thể anh cũng biết là hiện nay có khoảng 1.700 cựu sinh viên Việt Nam đã từng theo học tại Bỉ, đây là một con số khá lớn.
GS Patrick Sorgeloos: Các cựu sinh viên này đóng vai trò quan trọng trong các mạng lưới mà chúng tôi đề cập ở trên. Rất nhiều sinh viên đã theo học từ các trường ĐH ở Bỉ, sau đó trở về Việt Nam tỏa ra làm việc ở các trường ĐH khắp cả nước.
Mạng lưới các sinh viên từ khắp mọi miền đã hợp tác với nhau, tạo nên các mạng lưới như VBFoodNet hay VIFINET. Và tôi rất tin tưởng rằng trong tương lai chúng ta sẽ có nhiều các mạng lưới như thế này nữa. Điều này không chỉ hữu ích đối với Việt Nam mà cả đối với Bỉ trong việc xúc tiến các chương trình hợp tác mới.
Ông đánh giá như thế nào về năng lực của các sinh viên, nghiên cứu sinh này?
GS Paul Van Cauwenberge: Hầu hết các sinh viên, nghiên cứu sinh trở về Việt Nam đang giữ những vị trí quan trọng trong các trường ĐH, trở thành phó giáo sư, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng… Họ rất xuất sắc trong công tác giảng dạy, nghiên cứu những lĩnh vực họ đã học.
Hiện chúng tôi đang thực hiện việc cấp văn bằng đôi (cùng một ngành ở 2 trường khác nhau của Bỉ và Việt Nam) cho một vài ngành chủ yếu đối với các sinh viên học 2 năm tại Việt Nam và 2 năm tại Bỉ. Chúng tôi tin tưởng chất lượng nghiên cứu, đào tạo tại Việt Nam trong lĩnh này cũng tốt như ở Bỉ.
Như vậy ông đánh giá rất cao chất lượng đào tạo của các ngành mà các trường ĐH của Bỉ và Việt Nam hợp tác đào tạo và cấp bằng đôi. Vậy còn đối với nền giáo dục ĐH Việt Nam nói chung thì sao thưa ông?
GS Patrick Sorgeloos: Tôi nghĩ rằng chúng tôi không thể đánh giá hết toàn bộ hệ thống giáo dục tại Việt Nam vì thông tin của chúng tôi hạn chế. Chúng tôi chỉ muốn nói đến các giáo sư, các ngành học mà chúng tôi đã phát triển mối quan hệ hợp tác tốt đẹp.
Tuy nhiên, chúng tôi xin lưu ý là không chỉ các trường ĐH Bỉ mà cả các trường ĐH Việt Nam có thể liên kết với các ngành công nghiệp để hoàn thành 3 nhiệm vụ của một trường ĐH: đào tạo tốt, nghiên cứu tốt và có những dịch vụ đóng góp tốt cho xã hội.
Nếu các trường ĐH có thể xây dựng một mối liên hệ tốt với các doanh nghiệp, các ngành công nghiệp ở cấp độ kinh tế, đây thực sự là một điều rất hữu ích để phát triển chất lượng đào tạo..
Từ trước tới nay, sự hợp tác nghiên cứu, đào tạo Việt – Bỉ chủ yếu về lĩnh vực Thực phẩm và Nuôi trồng thủy sản. Vậy tương lai các trường ĐH Bỉ có định hướng mở rộng sang các lĩnh vực khác không?
GS Paul Van Cauwenberge: Vâng, chúng tôi đang có một chương trình 5 năm với tất cả các ngành. Nghiên cứu sinh tại Việt Nam có thể nộp dự án tới các trường đối tác của Flemish, chúng tôi sẽ tuyển chọn và cấp học bổng cho họ. Thông thường, tỷ lệ được nhận hỗ trợ của các dự án của nghiên cứu sinh Việt Nam là 30%. Đây là tỷ lệ khá tốt, tỷ lệ này ở Bỉ chỉ vào khoảng 20%.
Ngoài ra, những ứng viên cá nhân cũng có thể đăng kí để nhận học bổng du học tại Bỉ. chúng tôi có một khoản hỗ trợ hàng năm dành cho sinh viên từ các nước đang phát triển.
Xin ông cho hỏi câu cuối cùng: Chuyến thăm Việt nam lần này của đoàn các trường ĐH Bỉ đã đạt được những thành quả gì?
GS Paul Van Cauwenberge: Cho đến 2 năm trước đây, những phái đoàn cấp cao như thế này của Bỉ đến Việt Nam chỉ có các phái đoàn về kinh tế. Nhưng lần này Thái tử đã mở rộng ra cả lĩnh vực học thuật. Điều này khẳng định những gì mà chúng tôi đã làm trong lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu tại việt nam.
Một điều quan trọng là các trường ĐH Việt Nam có thể thấy rằng, các lãnh đạo cấp cao của Bỉ (Thái tử và các vị Bộ trưởng), những người cũng có mặt trong chuyến tham quan này, cũng hỗ trợ và đánh giá cao những gì chúng tôi đã và đang thực hiện tại Việt Nam, khẳng định đây là những hoạt động có tầm quan trọng lớn.
Ngoài ra, đây cũng là dịp để chúng tôi có thể gặp gỡ các đối tác, đồng nghiệp, các trường ĐH mà chúng tôi có quan hệ hợp tác. Nhiều hợp đồng, thỏa thuận cũng đã được kí kết, mở rộng thêm mối quan hệ hợp tác giữa hai bên. Đây quả là một tuần lễ dài, nhưng rất bổ ích, nó công nhận các thành quả mà chúng tôi đã đạt được.
Vâng, xin cảm ơn hai ông!
Tùng Nguyên (thực hiện)