SSDH – Hiện có khoảng 8.000 sinh viên Việt Nam đang du học ở Australia. Để trang trải cuộc sống khi mà giá sinh hoạt ở đây rất đắt đỏ, sinh viên Việt Nam rất tích cực làm thêm…
Cộng đồng người Việt ở Australia có trên 200.000 người và hiện có khoảng 8.000 sinh viên Việt Nam đang du học ở “xứ sở chuột túi”. Australia cũng là quốc gia đứng thứ nhì về số lượng visa du học cấp hàng năm cho sinh viên Việt Nam. Để trang trải cuộc sống khi mà giá sinh hoạt ở đây rất đắt đỏ, sinh viên Việt Nam đã rất tích cực làm thêm, mỗi sinh viên có thể kiếm được từ 6-20 AUD/giờ và nếu làm việc vào Chủ nhật hay ngày lễ thu nhập sẽ cao hơn…
Nguyễn Anh Tuấn, sinh viên thiết kế đồ họa Trường Đại học RMIT, cho biết: “Với một tuần hai buổi làm ở tiệm phở, tôi nhận được 200 AUD, vị chi một tháng được khoảng 800 AUD số tiền này đủ để chi phí sinh hoạt hàng ngày và tiền thuê nhà. Cũng theo Tuấn, nếu muốn trang trải tiền học phí ở Australia, du học sinh một tuần phải làm ít nhất bốn buổi. Vào thời gian nghỉ, cả tuần phải làm đủ bảy ngày, mỗi ngày 12 giờ hoặc có khi hơn. Tuấn cho biết, trên thực tế, một số bạn sẵn sàng “cày” liên tục ba tháng hè để kiếm khoảng 10.000 AUD đóng tiền học phí.
Còn Đỗ Thế Phong, vừa tốt nghiệp cao học công nghệ thông tin cho biết khác với du học sinh được nhận học bổng không phải lo tiền ăn ở, học phí; anh đi học tự túc nên phải vừa đi học vừa đi làm vì giá sinh hoạt ở Australia đắt đỏ hơn Việt Nam rất nhiều.
Về nguyên tắc, Chính phủ Australia đã có quy định mỗi sinh viên nước ngoài trong thời gian học được phép làm thêm công việc bán thời gian tối đa 20 giờ/tuần lễ trong suốt thời gian du học, riêng trong các kỳ nghỉ có thể làm toàn thời gian. Về thủ tục, sau khi đến Australia, để được làm thêm sinh viên phải xin visa làm việc và các sinh viên chưa thể làm việc ngay nếu họ chưa bắt đầu khóa học tại Australia. Tuy nhiên Đỗ Thế Phong tiết lộ: “Nhiều sinh viên Việt Nam thường tranh thủ làm thêm ở chợ Queen Victoria (còn gọi là Vic Market) ở Melbourne. Buổi sáng, họ có thể làm 2-3 giờ, sau đó đi học và trước khi về nhà họ lại làm thêm 2-3 giờ. Và vì công việc làm ở chợ, được trả bằng tiền mặt nên Bộ Di trú không thể kiểm tra số giờ làm việc của sinh viên. Cho nên ít người có vấn đề rắc rối với Bộ Di trú về chuyện đi làm thêm quá 20 giờ.
Du học sinh ở Melbourne làm từ thện
Ngoài ra theo quy định chung, các du học sinh phải nhận lương qua ngân hàng với mã số thuế. Song nhiều chủ sử dụng lao động và cả du học sinh đều ít khi ký hợp đồng mà toàn dùng hình thức trả tiền mặt. Do đó, du học sinh sẽ gặp khó khăn khi có tranh cãi về quyền lợi lao động bởi khó lòng khiếu nại với nhà chức trách.
Đỗ Thế Phong cho biết thêm: “Lợi ích đầu tiên của việc làm thêm dĩ nhiên để kiếm thêm khoản thu nhập trang trải cuộc sống. Điều lợi nữa là nâng khả năng giao tiếp về ngôn ngữ với người bản xứ và cả người tứ xứ”. Tuy nhiên, Phong nhìn nhận: “Nếu không phải đi làm, sinh viên Việt Nam chắc chắn có điều kiện và kết quả học hành tốt hơn; nhưng vì mỗi tuần phải bỏ sức lao động từ 1-2 ngày, liên tục 12-13 giờ mỗi ngày trong điều kiện làm việc ồn ào hoặc phải mang vác nặng nên sinh viên cảm thấy rất mệt mỏi. Để hồi phục phải mất một ngày. Do đó ảnh hưởng rất lớn đến việc học”.
Tương tự, đã có không ít các bạn sinh viên suy nghĩ đến chuyện “làm ăn lớn” ngay khi còn đi du học trên đất Australia như trường hợp bạn Nguyễn Thị Thu Hà đã quyết định vay số tiền lên đến cả trăm nghìn đô-la để mở một cửa hàng bán thức ăn nhanh trong một khu siêu thị sầm uất khu vực phía Bắc Melbourne với cái tên rất Việt: “Sen”. Thu Hà cho biết: “Ban đầu, ai cũng bảo tôi “uống thuốc liều” vì dám đầu tư quá nhiều vốn vào cửa hàng mà lại chưa từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, với niềm tin rằng ẩm thực Việt Nam sẽ thu hút được khách hàng bản xứ, tôi đã rất kỹ lưỡng trong việc lựa chọn các món ăn để phục vụ khách với tiêu chí: “Đơn giản, tươi ngon và có lợi cho sức khỏe…” – Và tôi đã thành công.
Theo Báo mới