Tiết lộ về “Gap year” của sinh viên trúng tuyển 12 đại học nổi tiếng

0

Được học bổng toàn phần đại học St.Johns, đại học Alabama và 10 đại học Mỹ khác với các mức học bổng khác nhau. Năm 2011, Trần Bá Khôi Nguyên được nhận vào đại học Cambridge (Anh) và SMU (Singapore), nhưng anh quyết định nhập học vào Duke University (top 9 toàn Hoa Kỳ theo US News) với mức học bổng toàn phần.

 

22062012_du_hoc_5
Khôi Nguyên ở Washington DC

 

Trúng tuyển vào lớp 10 trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), đạt học bổng A-star du học toàn phần 4 năm trung học tại Anglo-Chinese Junior College ở Singapore, Trần Bá Khôi Nguyên từng làm làm hướng dẫn viên “Trung tâm khoa học Singapore”. Sau đó, anh được bầu chọn làm phó chủ tịch hội Du học sinh quốc tế tại đảo quốc này và được mời tham gia phát biểu tại Diễn đàn Thanh niên Đông Nam Á 2008.

 

Với một bảng thành tích học tập lẫn hoạt động vượt trội, khi Khôi Nguyên quyết định “Gap year” hẳn hai năm sau khi kết thúc bậc trung học để chuẩn bị cho quá trình nộp đơn vào đại học Mỹ, nhiều người quen của anh không tránh khỏi bất ngờ. Đối với nhiều người Việt Nam, “Gap year” là một khái niệm còn rất lạ lẫm và chứa nhiều rủi ro. Đây là năm nghỉ sau trung học để các học sinh muốn nộp đơn vào đại học Mỹ có thể dành thời gian tự tạo cho bản thân trải nghiệm cuộc sống và xác định được ước mơ của mình, cũng là cơ hội cho mỗi học sinh có thể làm dày thêm bảng thành tích.

 

Theo Nguyên, việc du học không đòi hỏi thành tích ngoại khoá gì quá to tát hay mang tầm vĩ mô, quan trọng là hoạt động bạn tham gia có ý nghĩa với bạn và với cộng đồng như thế nào. Thực hiện rất nhiều chuyến đi tình nguyện, vượt rừng cứu trợ hạn hán ở Hà Giang, hay lặn lội xuống miền Tây dạy học cho trẻ em nghèo khó, Nguyên nhận thấy rằng cuộc sống quá khác biệt so với những gì anh đã học được trong bốn năm học tại Singapore. Anh chia sẻ, “khi đi tình nguyện ở Bến Tre, tôi bất ngờ nhận ra rằng nhiều trẻ em ở đây bỏ học không phải vì gia đình các em nghèo, mà phần lớn là vì các em bị mất căn bản trầm trọng. Để giúp các em phổ cập lại kiến thức, tôi phải đích thân đến từng trường cấp 3 tại địa phương, vận động các bạn học sinh tại trường kèm cặp lại cho các em. Khi có động lực học rồi thì mấy em cũng hăng hái đến trường hơn và điểm số cũng đã tăng lên đáng kể.”

 

Anh còn tận dụng hai năm này để tham gia nhiều dự án cộng đồng lớn nhỏ khác nhau: tiêu biểu là việc trở thành trưởng ban tổ chức Hội thảo du học Chuyền Đuốc 2010 của VietAbroader, một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập và điều hành hoàn toàn bởi học sinh, sinh viên Việt Nam tại Mỹ.

 

Nguyên cho rằng, ước mơ du học không phải của riêng ai, mà cần được mở rộng, tự do chia sẻ cho các thế hệ đàn em như một sự hỗ trợ và giúp sức của thế hệ đi trước. Trở lại với hội thảo Chuyền Đuốc 2012, với tư cách là sinh viên nhận được học bổng toàn phần của đại học Duke, Khôi Nguyên vẫn góp mặt với vai trò khách mời danh dự để bật mí đặc biệt các chiến thuật thi cử vào đại học Mỹ, và chia sẻ thêm các kinh nghiệm gap year cho các đối tượng học sinh có cùng tư tưởng và hoàn cảnh như anh.

 

Chuyền Đuốc – Chuyền tri thức, chuyền tương lai

VietAbroader sẽ tổ chức buổi hội thảo du học Chuyền đuốc lần thứ 7 tại TPHCM vào ngày 21.7 nhằm chia sẻ kinh nghiệm cho các bạn học sinh Việt Nam có ý định du học tại Mỹ. Tỉ lệ du học thành công của thành viên tham dự hội thảo VietAbroader lên đến 80%.

Tham gia buổi hội thảo, học sinh sẽ được các du học sinh Việt Nam tại các trường đại học hàng đầu Mỹ tư vấn, giúp đỡ, giải đáp thắc mắc liên quan đến việc nộp đơn, xin học bổng, viết luận, xin visa, đồng thời lắng nghe các kinh nghiệm thực, câu chuyện thực về đời sống sinh viên Việt Nam tại Mỹ…

 

Theo Sài Gòn Tiếp Thị

Share.

Leave A Reply