SSDH – Đã 7 năm không được ăn Tết ở quê nhà nhưng cũng đã là cái Tết thứ năm tôi được chung vui với những người thầy và bạn bè trên đất Mỹ.
Một may mắn cho tôi là được học tại một trường đại học lớn của Mỹ – Đại học Portland State (PSU), nơi có những người thầy đã sống và làm việc tại Việt Nam, đã hiểu và trở nên yêu thương dải đất nhỏ bé hình chữ S.
Khách quan mà nói, nước Mỹ có đến hơn 4 ngàn trường đại học, cao đẳng và mặc dù Việt Nam hiện đứng thứ 8 trong số các nước có nhiều sinh viên du học tại Mỹ nhất, nhưng không phải ở đâu và giáo sư Mỹ nào cũng tận tâm và dành tình cảm nồng ấm cho sinh viên Việt Nam.
Các nước lớn, giàu có hơn như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, hay các nước ở Trung Đông vẫn luôn là những “mỏ vàng” cung cấp du học sinh cho nước Mỹ. Vì thế, những người thầy dành tình cảm đặc biệt cho sinh viên Việt Nam là xuất phát từ trái tim, từ sự hiểu biết và trân trọng những giá trị đặc biệt của đất nước, con người Việt Nam.
Như mọi năm, Tết của chúng tôi năm nay được tổ chức tại nhà của GS.TS Marcus Ingle.
Ông năm nay đã tròn 70 tuổi và đã từng làm việc tại hơn 80 nước trên thế giới. Nhưng trong những năm cuối của sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu, ông đã dành trọn tâm huyết cho Việt Nam với nhiều chương trình, dự án thiết thực trong lĩnh vực quản lý nhà nước. Cùng với ông là một người vợ luôn tận tình, chu đáo chuẩn bị cho bữa tiệc Tết.
Năm nay, mặc dù đã tốt nghiệp nhưng tôi ở lại làm việc thêm một thời gian tại trường và cùng các bạn sinh viên khác chung tay sửa soạn Tết với vợ chồng ông…
Nếu như năm ngoài có một đoàn phóng viên của Đài Truyền hình Việt Nam sang thì năm nay đón tết cùng chúng tôi còn có thêm một nhóm các bạn sinh viên được nhận học bổng của Công ty Intel đang học tại PSU, cùng một nhóm các học viên thạc sỹ quản trị công của Mỹ vừa sang Việt Nam trong một chương trình tìm hiểu thực tế. Nhân dịp này, tôi có hỏi các sinh viên Mỹ về suy nghĩ của họ khi đến thăm Việt Nam. Một cách chân thành, hầu hết câu trả lời là: tôi đã trở nên yêu đất nước và con người các bạn.
Trước khi sang Việt Nam, họ có tìm hiểu qua Internet và ít nhiều biết về Việt Nam qua cuộc chiến phi nghĩa trong quá khứ của nước Mỹ. Nhưng chỉ khi họ đến Việt Nam, đi trên các con đường làng, nói chuyện với những người dân quê, rồi trải nghiệm cuộc sống hối hả ở các thành phố lớn như Hà Nội và Tp Hồ Chí Mình, thì họ mới cảm nhận sâu sắc về con người và cuộc sống ở Việt Nam. Điều họ đánh giá cao nhất về người Việt Nam là sự bền bỉ và vươn lên trong gian khó (trong tiếng Anh là resilient). Họ nhận thấy được sự năng động và chịu khó của mỗi người dân trong giai đoạn đất nước đang chuyển mình.
Trong suốt buổi tối, chúng tôi có dịp giới thiệu kỹ hơn về Tết và thông qua đó giới thiệu về những nét văn hoá truyền thống của người Việt như chơi đào, mai, chọn người xông nhà, đi chúc Tết họ hàng, hội làng….
Có thể có một số khác biệt trong đón Tết Nguyên Đán giữa ba miền Bắc, Trung, Nam, nhưng chúng tôi đều chia sẻ một thông điệp tới các bạn Mỹ là dù nhiều nước trong khu vực châu Á cùng đón chào Tết âm lịch nhưng mỗi nước có phong tục, tập quán riêng của mình.
Chúng tôi đã được nghe các anh chị đi trước, những người đã từng học ở các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu trước đây kể về tình cảm ấm áp của những người thầy ngày đó dành cho sinh viên Việt Nam. Thì bây giờ, sau một thời gian đủ dài, học tập và sinh sống tại Hoa Kỳ, chúng tôi cũng có một cảm nhận tương tự về những người thầy ở đây.
Và tôi tin rằng, ở các nước khác cũng vậy, nếu mở rộng lòng mình, các bạn sinh viên Việt Nam cũng sẽ được đón nhận những tình cảm chân thành và nồng hậu của những người thầy bản xứ. Sự giao lưu văn hoá là cách ngắn nhất để các dân tộc hiểu và xích lại gần nhau.
Đông Đức (SSDH) – Theo VNN
TS. Đặng Văn Huấn(Portland, 28/1/2014)