SSDH – Kể từ sau câu chuyện về 13 nhà vô địch Olympia được gửi đi du học Úc nhưng chỉ có 1 người trở về nước lập nghiệp, topic này đã nhận được rất nhiều những chia sẻ và ý kiến trái chiều của mỗi người.
Những ngày gần đây, một trong những topic được cộng đồng mạng hăng say thảo luận nhất chính là: Du học – Nên ở hay nên về. Kể từ sau khi câu chuyện về 13 nhà vô địch Olympia được gửi đi du học Úc, nhưng chỉ có 1 người trở về nước lập nghiệp xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, topic này đã nhận được rất nhiều những chia sẻ và ý kiến trái chiều của mỗi người.
Cộng đồng mạng chia ra làm 2 phe, một phe thông cảm với quyết định ở lại nước sở tại của các du học sinh, một phe lại cật lực lên tiếng phản đối. Không thể phủ nhận rằng, cuộc sống tại nước ngoài với những cơ hội hấp dẫn và môi trường làm việc hoàn hảo thật sự là một viễn cảnh tươi đẹp với bất cứ bạn sinh viên trẻ nào. Nhưng nó cũng tồn tại không kém những mặt trái khắc nghiệt, mà chắc chắn rằng việc sống và làm việc tại Việt Nam cũng là một tương lai hứa hẹn không kém nếu so với những khó khăn có thể gặp phải khi làm việc tại nước ngoài. Vậy, các bạn trẻ đang là du học sinh tại các nước phát triển thật sự nghĩ gì về việc này? Chúng mình đã phỏng vấn một vài bạn trẻ để biết được suy nghĩ và quan điểm của các bạn ấy trước quyết định rất trọng đại này.
1. Tốt nghiệp xong, ở hay về?
Thật ra, chuyện đi du học: Ở hay về – là một quyết định đòi hỏi các bạn du học sinh phải trăn trở suy nghĩ rất nhiều. Hầu hết đều phải tham khảo ý kiến gia đình, bạn bè và những người đi trước để có một quyết định đúng đắn nhất. Theo khảo sát của chúng tớ, các bạn du học sinh đều có mong muốn được làm việc tại nước mình đang du học bởi những cơ hội đầy hấp dẫn của nước ngoài. Tuy nhiên, các bạn ấy cũng cân nhắc trước môi trường khắt khe và có tính đào thải, cạnh tranh cao. Chưa kể đến các tác động từ gia đình cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định của mỗi người.
Hằng Lee, sinh năm 1991, hiện đang theo du học khoá học thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh quốc tế tại London (trước đó cô bạn này đã tốt nghiệp đại học ngành Kinh tế khoa Marketing tại Auckland, New Zealand) cho biết, bạn ấy đã đặt vé máy bay và sẽ trở về nước ngay sau khi kết thúc khoá học này. Cô nàng chia sẻ: “Thực ra để đi đến được lựa chọn về nước xây dựng sự nghiệp và sinh sống, cá nhân mình cũng như gia đình và bạn bè cũng đã tranh cãi/ bàn luận rất nhiều. Mình từng rất muốn định cư lại ở New Zealand sau đại học, tuy nhiên do bố mẹ không đồng ý nên mình đã định hướng lại.”
Hằng Lee: “Mình sẽ về nước ngay sau khi kết thúc khoá học”.
Hằng Lee cũng tâm sự về những lý do khiến cô nàng thay đổi quyết định của mình như vậy: “Thứ nhất, thân là con gái muốn thành đạt ở nước ngoài thì phải bôn ba lăn lộn rất vất vả. Ngoài việc chi phí ăn tiêu đắt đỏ và môi trường làm việc cạnh tranh, bạn cũng phải đối mặt với nhiều áp lực về mặt tinh thần nơi đất khách quê người. Thứ hai, gia đình mình rất thân nhau nên bố mẹ không muốn ở quá xa con cái, vừa là vì tuổi tác/sự nghiệp của bố mẹ không tiện cho việc di chuyển định cư, mà cũng phần nhiều do trở ngại ngôn ngữ và phong tục tập quán của văn hoá phương Tây. Tóm lại, ở Việt Nam tuy điều kiện không thể bằng nước ngoài, nhưng mình có thể sống dư giả thoải mái hơn và chăm sóc phụng dưỡng được cho bố mẹ.”
Còn Lưu Vi Linh, sinh năm 1994, hiện đang theo học ngành Truyền thông, đại học RMIT, Australia lại có một sự tính toán kỹ càng hơn, cậu bạn cho biết sẽ ở lại làm việc tại Australia từ 1 đến 2 năm để lấy kinh nghiệm và học cách làm việc tại đất nước có nền kinh tế mạnh trên thế giới này, và nếu phù hợp cộng với có một mức lương xứng đáng để sống xa gia đình, Linh sẽ xem xét đến việc ở lại lâu dài. Linh chia sẻ: “Sống 1 cuộc sống du học đã khó, sống và làm việc 1 cách ổn định tại đất khách còn khó hơn. Nếu sau 1 thời gian mình cảm thấy mình thích nghi tốt và đặc biệt thấy thích công việc, thích cách sinh hoạt cách sống tại nơi đây thì mình sẽ quyết định ở lại, Còn nếu không, 1 – 2 năm làm việc tại đây cũng vẫn sẽ đem lại cho mình rất nhiều trải nghiệm, kinh nghiệm làm việc tại 1 môi trường hàng đầu ,sẽ giúp ích rất nhiều khi quay trở lại Việt Nam làm việc.”
Khi được hỏi về vấn đề này, bạn Duy Đức – hay còn biết tới với nickname Aiden Ng, trưởng nhóm nhảy St.319 – hiện đang là du học sinh tại London – quả quyết: “Chắc chắn mình sẽ về Việt Nam, vì mình muốn cống hiến cho nước nhà và cùng đóng góp cho nền âm nhạc nghệ thuật phát triển hơn.”
2. Những trở ngại khi du học sinh quay về Việt Nam làm việc
Nhắc đến lý do khiến nhiều bạn du học sinh quyết định ở lại nước ngoài làm việc, rất nhiều cư dân mạng đã đưa ra hàng loạt những trở ngại khi làm việc ở môi trường trong nước. Ví dụ như ngành học khi về nước không được trọng dụng, cơ hội phát triển không nhiều, môi trường không hấp dẫn cũng như mức thu nhập không cao. Tuy nhiên, khi được hỏi về vấn đề này, các bạn du học sinh chúng mình trò chuyện đã có những quan điểm khá lạc quan.
Hằng Lee khá tự tin cho biết: “Có một điều không thể phủ nhận được là bằng cấp ở nước ngoài rất có giá trị trong việc tìm kiếm việc làm ở Việt Nam, đặc biệt là bằng thạc sỹ. Những năm trở lại đây, trong khi mảng Banking có dấu hiệu đi xuống, thì với tiến độ toàn cầu hoá, ngành kinh doanh quốc tế đang có xu hướng “hot” lên với nhiều cơ hội phát triển và mở rộng thị trường ra thế giới.”
Thế nhưng, cô nàng cũng không khỏi lo lắng về những thay đổi đột ngột trong văn hoá làm việc khi đã đi du học khá lâu và quen với môi trường của nước ngoài. “Nói về những trở ngại khi về nước, mình đi du học đã được 6 năm thì lần nào về cũng bị “shock văn hoá” và mất một thời gian để điều chỉnh lại. Từ việc phải thay đổi giờ giấc sinh hoạt, phương tiện đi lại, đến cập nhật tin tức trong nước và làm quen với môi trường làm việc hoàn toàn khác biệt, chưa nói đến khó khăn trong việc chuyển giao toàn bộ khối kiến thức từ Tiếng Anh sang Tiếng Việt. Tuy nhiên, mình tin rằng những trở ngại này sẽ là đòn bẩy giúp mình trưởng thành nhanh hơn, mau chóng hoà nhập lại và thành công trong sự nghiệp tại Việt Nam.”
Bạn Lưu Vi Linh cũng khá tự tin với cơ hội phát triển nghề nghiệp của mình tại Việt Nam, Linh chia sẻ: “Ngành học của mình tại Việt Nam là 1 ngành khá mới mẻ song theo như những gì mình cập nhật thì đây là 1 ngành đang phát triển và rất hứa hẹn trong tương lai. Truyền thông theo mình thấy thì nó đòi hỏi sự trẻ trung năng động, tìm tòi hiểu biết và sáng tạo của lớp trẻ, vì vậy mình thấy năng lực của 1 du học sinh được theo học tại một đất nước có thế mạnh về truyền thông sẽ là rất tốt để bắt đầu làm việc và phát triển ngành này tại Việt Nam. Rất nhiều điều để học hỏi, áp dụng với nước nhà. Có rất nhiều công ty tư nhân về truyền thông được mở ra, đem làn sóng mới tới Việt Nam, khác xa với những gì mọi người hình dung về truyền thông vốn lạc hậu, rập khuôn và nhàm chán.”
Vi Linh: “Ngành học của mình tại Việt Nam đang phát triển và rất hứa hẹn trong tương lai”
Khi được hỏi về những lo lắng của mình, Linh thẳng thắn cho biết: “Điều mình thấy trở ngại nhất có lẽ là tư tưởng và tình trạng không trọng dụng người trẻ người mới . Luôn phải đứng dưới bóng cấp trên vốn luôn sợ sự thay đổi trong tư duy suy nghĩ, cách quản lí, đường lối làm việc sẽ luôn là 1 sự kìm hãm khả năng của những người trẻ đầy nhiệt huyết, sáng tạo và năng động. Kèm theo đó là mức lương không thích ứng với bằng cấp và năng lực cũng là 1 sự trở ngại và là 1 câu hỏi lớn khiến nhiều du học sinh băn khoăn nên ở lại hay nên về.”
Còn anh chàng Aiden Ng. cũng khá hào hứng với tương lai của mình tại Việt Nam: “Vì ngành học của mình là quản lý nên môi trường Việt Nam cũng là nơi làm việc khá tốt cho mình”.
“Tuy nhiên, Việt Nam thì hạn chế về trang thiết bị không được hiện đại và tiện dụng, các thủ tục làm việc khá lâu. Nhưng bù lại, khi học và áp dụng cùng kinh nghiệm thì mình nhận ra càng khó càng ló cái khôn”. Aiden chia sẻ.
Dễ thấy nhưng băn khoăn của Linh hay Aiden cũng là băn khoăn chung của rất nhiều bạn trẻ Việt Nam đi du học tại nước ngoài. Khi đang làm việc trong một môi trường mở vô cùng thoải mái, với những đãi ngộ hấp dẫn cũng như văn hoá làm việc cởi mở, thân thiện và công bằng thì việc trở về nước và chấp nhận hoà mình vào một văn hoá làm việc khác có phần khép kín và cổ điển hơn sẽ khiến nhiều bạn e ngại. Chưa kể đến việc, nhiều công việc đòi hỏi các thiết bị hiện đại, tiên tiến và không phải ở công ty nào tại Việt Nam cũng đủ để đáp ứng được những đòi hỏi này.
3. Kết
Có thể thấy rõ một điều: Hầu hết các bạn trẻ đi du học đều rất khát khao được trở về và áp dụng những kiến thức cũng như kinh nghiệm mình đã học được tại nước ngoài để xây dựng đất nước. Tuy nhiên, có rất nhiều những trở ngại khiến các bạn du học sinh cảm thấy băn khoăn để đưa ra quyết định cuối cùng là một điều hoàn toàn dễ hiểu. Thế nhưng, chúng ta hoàn toàn có thể lạc quan bởi với sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam, chắc chắn sẽ có thêm nhiều những cơ hội cũng như môi trường làm việc sẽ ngày càng được nâng cấp, hứa hẹn sẽ là mảnh đất màu mỡ để các du học sinh có thêm động lực để trở lại xây dựng đất nước.
Nguồn: Tri Thức Trẻ