Du học sinh Việt ‘choáng’ với tiếng Anh ở New Zealand

0

SSDH – Vốn giỏi tiếng Anh khi còn ở Việt Nam nhưng Nguyễn và các bạn đã rất hoang mang trong những ngày đầu đến New Zealand bởi người bản xứ nói rất khác những gì các em được học

 

Buổi sáng đầu tuần, trong không khí giá buốt của thành phố Wellington (thủ đô New Zealand), nhóm du học sinh Việt Nam quây quần bên chiếc bàn ăn trong căn phòng nhỏ trên tầng cao một Trung tâm thương mại. Đây là nơi ăn ở, học tập của 4 sinh viên Việt.

 

Trịnh Ngọc Linh (24 tuổi), sinh viên năm 2 Đại học Victoria cho biết từng ý định du học Mỹ nhưng do chi phí đắt đỏ nên quyết định chọn New Zealand. Bởi theo tìm hiểu của gia đình và bạn bè giới thiệu, nơi đây chất lượng giáo dục cũng không thua kém.

 

 Du học sinh Việt 'choáng' với tiếng Anh ở New Zealand

Linh và nhóm sinh viên Việt Nam quây quần trong căn phòng tại thủ đo Wellington. Ảnh: Ngọc Mai.

 

Tuy nhiên, khi sang New Zeanland, Linh gặp vô số khó khăn khi tiếp xúc với môi trường mới, nhất là ngôn ngữ bản địa. Dù tiếng Anh của cậu khi ở quê thuộc loại khá nhưng Linh đã rất “sốc” với cách phát âm của người New Zeanland. “Họ nói rất khó nghe và rất khác với những gì em đã được học. Không chỉ khó giao tiếp, thầy cô giảng bài em cũng không hiểu luôn”, Linh nói.

 

Bày tỏ lo lắng với nhóm bạn người Việt Nam tại trường, Linh được mọi người hướng dẫn bài giảng trên lớp. Cậu cũng bắt chước người bạn xin làm trong nhà hàng SuShi để giảm chi phí cho gia đình và chủ yếu để “học ngoại ngữ”. Phục vụ những thực khách bản địa, giao tiếp với họ khiến “tiếng Anh kiểu New Zeanland” của Linh khá hơn rất nhiều.

 

Với Nguyễn Tấn Tài, trở ngại vì không rành tiếng Anh được cậu cho là “kỷ niệm đáng quên”. “Lúc mới sang, đến phòng đào tạo hỏi về việc học, em chỉ trả lời được các câu hỏi về bản thân. Khi họ nói về các tài liệu và việc học hành em không thể hiểu nổi. Xấu hổ quá em lén rút lui khi có nhóm sinh viên quốc tế đến gần”, Tài nói.

 

Nam sinh (23 tuổi) cho hay đã phải khẩn trương làm quen với nữ sinh đồng hương, nhờ chỉ dẫn. “Em phải ghi số điện thoại của bạn ấy, cất trong bóp như báu vật, để mỗi lần giao tiếp khó khăn thì gọi nhờ cô ấy nói chuyện với người ta giúp. Nói thiệt, thời điểm đó bạn ấy gần như là bảo mẫu của em”, Tài kể.

 

Được xem là người nói tiếng Anh tốt nhất trong phòng, Nguyễn (24 tuổi) cho biết vốn học ngành kế toán – tài chính của Đại học Ngoại thương TP HCM. Năm 2011, cậu sinh viên gốc Quảng Bình nhận được học bổng toàn phần của chính phủ New Zealand nên sang đây theo học trường Vitoria. Sau 3 năm, khi tốt nghiệp, cậu được nhận vào làm tại cơ quan thuế vụ của New Zealand.

 

“Trình độ tiếng Anh để nhận học bổng là yêu cầu phải khá nhưng sang đây em cũng phải vật vã lắm mới quen được ngôn ngữ bên này”, Nguyễn tếu táo. 

 

Du học sinh Việt 'choáng' với tiếng Anh ở New Zealand

Nhóm du học sinh đang học thêm tiếng Anh. Ảnh: Ngọc Mai.

 

Tương tự, dù đã tốt nghiệp đại học ở Việt Nam nhưng khi sang đây một nhóm du học sinh cũng vất vả không kém vì khả năng giao tiếp. Gần như phải học lại từ đầu để có thể đáp ứng được điều kiện học cao học. Đã nhiều tháng nay, hàng ngày họ đều phải đến Học viện Cambell (thành phố Wellington) để học thêm tiếng Anh.
 

Lê Minh Niên (27 tuổi) cho biết, sau khi tốt nghiệp ngành Quản trị du lịch tại Việt Nam được gia đình khuyến khích sang New Zealanh học tiếp cao học. Để trau dồi thêm ngôn ngữ, ngoài thời gian học ở trường cậu chọn hình thức học homestay nên xin ở tại nhà của một người địa phương. “Mỗi tuần em trả tiền nhà khoảng 100 NZD nhưng đổi lại được thường xuyên nói chuyện với người ta, nâng cao trình độ ngoại ngữ, khả năng giao tiếp”, Niên kể.

 

Theo anh Nguyễn Hoàng Sinh (40 tuổi, từng giảng dạy ở một trường đại học tại TP HCM ), đang theo học tiến sĩ tại New Zealand, ngoài việc cần trau dồi ngoại ngữ trước khi sang đây học tập, du học sinh mới nên tìm hiểu kỹ về những trường theo học. “Quan trọng nhất là khi đến phải tìm kiếm những hội sinh viên nước mình để được hỗ trợ tốt nhất”, anh Sinh nói.

 

Theo người đàn ông từng du học tại Mỹ này, anh đã may mắn nhận được học bổng toàn phần dành cho khối ASEAN do chính phủ New Zealand tài trợ. Đất nước này có nhiều chính sách đối với sinh viên quốc tế. “Các sinh viên Việt Nam được tạo điều kiện để có việc làm. Bản thân mình có nhiều bạn bè làm thêm ở các siêu thị, nhà hàng và từng làm nhiều việc tay chân. Đây là những cơ hội vừa kiếm thu nhập mà lại được nói tiếng Anh hàng ngày”, anh Sinh chia sẻ.

 

 Nguồn: Vnexpress

Share.

Leave A Reply