Thạc sỹ Y tế công tại Mỹ – Phép màu giữa đời thường

0

SSDH – Đã 1 tháng trôi qua kể từ khi mình nhận được kết quả thông báo học bổng, mình vẫn chẳng dám tin rằng phép màu lại có thể xảy đến với mình như vậy. Trong vòng hai tháng tới đây thôi, mình sẽ bay tới Ann Arbor, Michigan để theo học Thạc sỹ Y tế Công tại Đại học Michigan. Thành công đó là kết quả của sự kiên trì, may mắn và hỗ trợ của bạn bè và người chồng thân yêu của mình. Mình hy vọng những kinh nghiệm mà mình có được sẽ giúp ích cho các bạn có hoàn cảnh giống mình: tài chính không dư dả (không đủ tiền để tự theo học Thạc sỹ), ngờ nghệch (đủ để tin là một người không xuất chúng vẫn có thể có được học bổng thạc sỹ toàn phần) và tham vọng (đủ để nghe theo trái tim mách bảo).

 

Thạc sỹ Y tế công tại Mỹ - Phép màu giữa đời thường

 

Tháng 1, 2011: Khởi động

 

Mình bắt đầu quá trình chuẩn bị hồ sơ xin học bổng từ tháng 1 năm 2011. Mục tiêu của mình là được một trường đại học tên tuổi tại Mỹ chấp thuận nhập học thạc sỹ y tế công và đặc biệt là học phí phải được đài thọ hoàn toàn (mình đã phải vay tiền để học Đại học vì vậy tài khoản tiết kiệm của mình gần như bằng không)

 

“Tài sản cố định” của mình chỉ có:

  • Một công việc bình thường với mức lương bình thường (Trợ lý Nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Singapore)
  • Một tấm bằng cử nhân bình thường loại Danh dự (xếp loại Second Upper – tương đương với loại khá tại Đại học Công nghệ Nam Dương)
  • Một hoặc hai ấn phẩm khoa học bình thường không kém
  • Không học bổng, không giải thưởng, không có thành tích nổi bật về học tập cũng như công việc
  • Tham gia một số hoạt động ngoại khóa tại trường Đại học và một tổ chức phi chính phủ. (Ngắn gọn mà nói, tại thời điểm đó mình cảm thấy hồ sơ của mình quá yếu để xin được một suất học bổng toàn phần)
  • Mặc dù vậy, mình vẫn có một niềm tin ngây ngô rằng sẽ có trường sẵn sàng đài thọ học phí 100% để mình theo học Thạc sỹ Y tế Công bằng một cách nào đó.
  • Sự ủng hộ tuyệt đối từ người chồng thân yêu, những thầy cô giáo tại trường Đại học, và bạn bè của mình.

Mình quyết định phải thực hiện một số điều để cải thiện hồ sơ của mình:

  • Đạt điểm TOEFL và GRE thật ấn tượng
  • Một bài luận về mục đích học tập (Statement of Purpose – SOP) chắc và có sức thuyết phục
  • CV “sáng” & bố cục rõ ràng
  • Thư giới thiệu tốt (tuy nhiên đây là việc mình khó có thể can thiệp) (và mình rất vui rằng đã đủ kiên định để thực hiện danh sách trên 🙂

Tháng 1 – tháng 3, 2011: Tiếng Anh & TOEFL

 

Mục tiêu của mình là 110 điểm tuy nhiên mình chỉ đạt được 106 do điểm nói của mình không tốt lắm

 

Mình cũng chẳng có bí kíp cao siêu nào dành cho việc học TOEFL cả. Tuy nhiên, nếu bạn nào muốn cải thiện khả năng nói tiếng Anh nói chung hoặc nân cao điểm nói TOEFL, mình khuyên các bạn hãy thử Flow English: http://www.flowenglish.com/. Bạn phải trả phí (hoặc dùng “lậu” cũng được) tuy nhiên mình phải nói rằng phương pháp dạy tại đây rất tuyệt vời và cực tiết kiệm thời gian. Chồng mình cho biết khả năng của mình đã có những bước cải thiện đáng kể theo thời gian.

 

Tháng 4 – tháng 9: Thi GRE

 

Dưới đây là một số bí quyết mà mình hy vọng là các bạn có thể thấy hữu ích (mình chọn cách học để thi GRE)

 

Phần mềm nói: Mình khá là ủng hộ việc sử dụng ankiweb.net để thay thế cho việc viết lách thông thường. Nó không tốn giấy, khoa học đã chứng minh tính hữu dụng và những người sử dụng cũng cùng chung quan điểm (như mình chẳng hạn!). Bạn bè mình luôn than phiền rằng họ rất mệt mỏi khi luôn phải cắt giấy ra thành những mảnh vuông nhỏ khác nhau. Mình gần như chẳng mệt mỏi chút nào khi sử dụng Anki (chỉ cảm thấy nản kinh khủng khi không nhớ được hết các từ). Mình đã học tổng cộng 900 từ; mình có thể nhớ được tốt 600 từ và đoán được 300 từ còn lại.

 

Danh sách từ: Mình bắt đầu với danh sách 300 từ của Barron. Sau đó, mình tự động thêm vào 600 từ từ các bài tập đọc hoặc luyện nói. Mình hy vọng có thể nhớ từ tốt hơn nhờ học theo ngữ cảnh (đặt từ trong câu và đoạn). Mình cũng cảm thấy tự nhiên hơn khi học từ trong câu thay vì học nhờ vào cuốn từ điển.

 

Các bài luyện tập kiểm tra: Mình tin là những bài thi thử này có vai trò tối quan trọng. Vì vậy mình đã làm tất cả các bài thi của Barron và Kaplan. Điểm của mình khá đều, khoảng 450-550 cho phần thi nói (có lúc kỷ lục điểm của mình đạt tới 600!) và 600-800 cho phần thi toán học.

 

Kết quả: Vào khoảnh khắc mình hoàn thành bài thi và nhấp vào phần “Xem kết quả”, mình đã không thể tin vào mắt mình lúc đó: 580-680 cho phần nói và 700-800 cho phần toán học. Kết quả này cao hơn nhiều so với kỳ vọng của mình. Tóm lại, điểm thi chính thức của mình như sau 168 (86%) cho phần nói, 178 (94%) cho phần toán. Tuy nhiên điểm viết của mình khá tệ, chỉ được 4.0 (tương đương 48%).

 

Tháng 10 – tháng 12: Cuộc đua ứng tuyển

 

Lựa chọn chương trình: Mình phải thừa nhận là mình cảm thấy khá tội lỗi khi đã không tìm hiểu kỹ về những trường mình ứng tuyển. Tiêu chí lựa chọn duy nhất trong đầu mình khi ấy là “top 40 trường có học bổng trợ lý nghiên cứu/trợ giảng”. Mình cũng đã ứng tuyển 3 học bổng tại Châu Âu và Anh Quốc. Và đây là danh sách những trường mình lựa chọn:

  • Đại học Washington, Đại học Minnesota, Đại học UMass, Đại học Georgia (Thạc sỹ Y tế công)
  • Đại học Rochester (Tiến sỹ Y tế Công): Mình không có ý định chọn học PhD nhưng đây là cách duy nhất mình có thể đảm bảo được đài thọ 100% chi phí.

Cambridge (Học bổng Gates-Cambridge từ quỹ Mellisa-Gates), Eramus-Mundus và DAAD (một chương trình học bổng từ Đức)

 

Vào tháng 12, mình quyết định thêm Đại học Michigan vào danh sách này bởi trường Michigan sử dụng SOPHAS (cổng thông tin ứng tuyển chung dành cho bậc Thạc sỹ Y tế công tại Mỹ). Vì vậy, mình chỉ cần nộp thư bày tỏ mục đích học tập (SOP), còn các thông tin khác như thư giới thiệu, bảng điểm, v.v… sẽ được chuyển trục tiếp đến Đại học Michigan. Bây giờ nhìn lại, mình thấy thật may mắn, nếu như mình không ứng tuyển vào trường Đại học Michigan, có thể bây giờ mình đã chẳng ngồi đây để gửi tới các bạn bài chia sẻ này.

 

Chiến lược ứng tuyển: Mình ứng tuyển theo từng nhóm trường vào từng khoảng thời gian nhất định thay vì gửi hồ sơ cùng lúc tới tất cả các trường:

  • 15/10: DAAD
  • 30/11: Đại học Minnesota & Đại học Washington
  • 10/12: Đại học Rochester, Cambridge và Erasmus
  • 20/12: Đại học Umass, Đại học Georgia và Đại học Michigan.

Mình đoán là chiến lược này của mình khá hiệu quả bởi mình bắt đầu ứng tuyển khá muộn (vào tháng mười như các bạn thấy đấy). Vì vậy, mình cần thời gian để cải thiện hồ sơ đăng ký của mình, đặc biệt là thư bày tỏ mục đích học tập  (SOP).

 

Bí quyết duy nhất của mình cho SOP là: điều chỉnh, điều chỉnh và điều chỉnh.

 

Mình có tổng cộng 30 phiên bản SOP. Bản thứ 7 mình gửi cho DAAD, và bản cuối cùng, bản thứ 30 mình gửi cho Đại học Michigan. Chồng mình nói rằng bản cuối cùng là bản tốt nhất của mình, và quả thực đúng là như vậy. Mình thực sự rất thích viết SOP bởi nhờ nó mình có thể thấy rõ bước tiến của bản thân: những gì mình thích, mình phát triển ra sao và tại sao mình lại chọn Y tế công. Vì vậy, mình đã đưa vào trong thư rất nhiều câu chuyện (từ cuộc trò chuyện với người tài xế taxi đến câu chuyện mình quan sát được từ những đứa trẻ thuộc nhóm yếu thế tại Huế). Tuy nhiên, mình đã phải khá chật vật với việc viết lách vì khả năng miêu tả bằng tiếng Anh của mình không được ổn cho lắm.

 

CV: Mình đã rất cẩn thận soạn CV của mình và gửi cho người có chuyên môn cao hơn để xem xét. Cô ấy đã khen CV của mình bố cục rất rõ ràng và khá ấn tượng. Mãi đến tận khi mình viết CV, mình mới thấy thực sự ngạc nhiên khi thấy mình có tới 5 mục trong phần “Ấn bản khoa học”. Bài học ở đây là hãy cố gắng hết mình với CV của bạn, bạn có thể sẽ ngạc nhiên vì những thành tựu mình thực sự đạt được.

 

Thư giới thiệu: Mình rất may mắn khi có được một thư giới thiệu tốt từ giảng viên Đại học của mình (mình chưa đọc nhưng mình đoán là vậy!) và một thư giới thiệu từ giám đốc tổ chức phi chính phủ mà mình đã tham gia tình nguyện (nghe cũng khá là hoa mỹ so với những gì mình đã làm được)

 

Tháng 1 – Tháng 5: Nhập học, cuộc đua học bổng và điều kỳ diệu

  • 10/1: Đại học Michigan chấp nhận (bạn có thể hình dung niềm vui sướng của mình khi nhận được thư mời nhập học chỉ sau hai tuần nộp SOP)
  • 20/1: Đại học Minnesota chấp nhận
  • 30/1: Đại học Washington từ chối
  • 5/2 : Cambridge chấp nhận
  • 10/2: Học bổng Trưởng Khoa (Dean’s Award) từ trường Đại học Michigan, đồng ý chi trả 1/2 học phí, tuy nhiên bấy nhiêu vẫn chưa đủ đối với trường hợp của mình.
  • 1/3: Đại học Rochester chấp nhận với học bổng thường niên trị giá 26.000 đô-la.
  • 15/3: Mọi nỗ lực tìm kiếm một vị trí trợ giảng/trợ lý nghiên cứu tại đại học Minnesota đều không có kết quả, thay vào đó là Học bổng nghiên cứu với mức phụ cấp 600-900 đô-la một tháng.
  • 1/4: Học bổng Eramus Mundus và DAAD từ chối

Khoảng thời gian từ 1/4 tới 15/4 khá là nặng nề vì mình chỉ còn duy nhất 2 trường để đi tiếp, và hạn chót đối với cả hai trường đều là 15/4:

  • Đại học Rochester: Mình nhận được đề nghị đài thọ toàn bộ chi phí, tuy nhiên mình chưa sẵn sàng cam kết từ 5-7 năm học tiến sỹ.
  • Đại học Michigan, ngay cả khi mình nằm trong danh sách Học bổng Trưởng khoa, mình vẫn cần phải trả 20.000 đô-la mỗi năm (học phí tại Đại học Michigan là 40.000 đô-la). Học bổng nghiên cứu hầu như không thể chi trả gì nhiều.

Mình đã gửi thư cho Trưởng khoa hỏi về việc tăng hỗ trợ học phí. Trong thư phúc đáp, Trưởng khoa cho biết Khoa chỉ đề nghị trao học bổng Trưởng khoa cho 2 sinh viên quốc tế, mỗi suất học bổng tương đương với 50% học phí, một dành cho mình và một dành cho một sinh viên tới từ Trung Quốc. Ông cũng hứa rằng, nếu ứng viên đến từ Trung Quốc rút khỏi học bổng, mình sẽ nhận được suất học bổng toàn phần. Vì vậy, khoa sẽ gia hạn hạn chót quyết định của mình vào ngày 1/5 thay vì 15/4. Trong thời gian này mình sẽ nhận được thông báo liệu mình có thể nhận được hỗ trợ học phí toàn phần hay không.

 

Vào ngày 15/4, dù rất buồn nhưng mình buộc phải từ bỏ cơ hội học tại Đại học Rochester. Nhiều người đã khuyên mình hãy lựa chọn Rochester, tuy nhiên tự bản thân mình cảm thấy mình chưa thực sự sẵn sàng. Mình không muốn trở thành một Nghiên cứu sinh tồi và có thể sẽ làm hỏng tất cả bởi mình gần như không có chút động lực nào để theo học Tiến sỹ. Một số người lại khuyên rằng mình cứ học PhD để lấy bằng Thạc sỹ. Tuy nhiên mình không đi theo hướng này bởi, thứ nhất, mình không rõ về lựa chọn này, thứ hai, mình không chắc mình có thể nhận được bằng Thạc sỹ khi theo học Tiến sỹ hay không và thứ ba, bằng Thạc sỹ mà mình có được sau khi bỏ học Tiến sỹ giữa chừng không được công nhận (đây là lời cảnh tình từ phía rất nhiều sinh viên học ngành này tại Mỹ). Vì vậy mình đã từ chối và đứng giữa hai lựa chọn: một là vay thêm tiền để học tại Michigan, và hai là bảo lưu nhập học cho tới năm tiếp theo (tất nhiên việc bảo lưu không được áp dụng đối với học bổng).

 

Vào ngày 20/4, Trưởng khoa thông báo rằng ứng viên người Hoa đã rút, vì thế mình có thể nhận được học bổng toàn phần.

 

Đây chính là câu chuyện về điều kỳ diệu đã xảy đến với mình. Nhân đây mình cũng muốn gửi lời tri ân tới Anh Hiển và chị Doan, người đã rất tích cực giúp đỡ mình trong quá trình làm hồ sơ. Cảm ơn usguide đã giúp đỡ mỗi khi mình cần, cũng như những bài viết giàu thông tin, hữu ích và đầy cảm hứng.

 

Đối với những ai đang có dự định theo học Y tế công, hãy liên hệ với mình nếu mình có thể giúp gì cho các bạn. Các bạn có thể tham khảo thêm trên trang web http://forums.studentdoctor.net/ để có thêm thông tin về ngành Y tế công (các trường, quy trình ứng tuyển, kinh nghiệm, việc làm, v.v…) tại Mỹ.

 

CHÚC CÁC BẠN MAY MẮN CHO KỲ NHẬP HỌC TIẾP THEO!

 

Nguồn: Scholarshipplanet

Share.

Leave A Reply