SSDH – ‘Ở Harvard, sinh viên sẽ được đưa cho một chiếc phao và bạn sẽ phải tự học bơi hoặc chết chìm’, Tôn Hà Anh sinh viên năm cuối ngành Kinh tế Đại học Harvard chia sẻ.
Tại tọa đàm “Các câu chuyện giáo dục qua lăng kính Harvard” được tổ chức tại Hà Nội ngày 16/1, Tôn Hà Anh (24 tuổi), sinh viên năm cuối ngành Kinh tế của Đại học Harvard đã chia sẻ nhiều điều thực tế ở ngôi trường hàng đầu thế giới.
Nữ sinh cho biết, chương trình đào tạo của Harvard rất khác biệt, không có ngành học hướng nghiệp như các đại học khác mà chỉ tập trung cung cấp kỹ năng, kiến thức cơ bản nhất. Điều này làm em lúc mới vào trường cảm thấy rất bực vì muốn học Kế toán, em phải bắt xe bus sang trường khác học.
Tôn Hà Anh sinh viên năm cuối ngành Kinh tế Đại học Harvard.
“Harvard chú tâm đào tạo những người toàn diện, là người lãnh đạo ở tất cả lĩnh vực: chính trị, y tế, chính sách công… Xương sống giáo dục chung của trường gồm 9 mảng liên quan đến tư duy Toán học – khoa học, đạo đức, hiểu biết nghệ thuật… Tất cả sinh viên phải học những lớp này để có nền tảng chắc chắn nhất”, Hà Anh cho biết.
Cách học hàn lâm, nặng lý thuyết của Harvard khiến nữ sinh Việt Nam không khỏi băn khoăn sau tốt nghiệp làm sao có thể làm được việc và cạnh tranh nổi với sinh viên trường khác “biết sử dụng exel như máy, phân tích chứng khoán như điện”. Phải đến năm học thứ 3-4, Hà Anh mới thực sự hiểu tác dụng của phương pháp giáo dục ở trường. Em nhận thấy sự thay đổi lớn trong tư duy bản thân. Những kiến thức cơ bản mà Harvard đào tạo như: lý thuyết hoạt động vĩ mô, kỹ năng tư duy, nghiên cứu, sáng tạo, kỹ năng quản lý… là điều mà không công ty nào dạy cho nhân viên hết.
Trong môi trường của Harvard, Tôn Hà Anh cho biết, các sinh viên phải chịu rất nhiều áp lực. Một phần áp lực đến từ chương trình rất nặng về học thuật, phần từ việc phải cạnh tranh với những người xung quanh hầu hết là người đứng đầu tại trường học cũ.
“Ở Harvard cùng khoảng thời gian có hàng trăm, hàng nghìn sự kiện diễn ra như các buổi nói chuyện của chính khách, tổng thống, diễn giả hàng đầu thế giới… Việc không thể phân thân để tham gia tất cả nhằm có nhiều kiến thức, kinh nghiệm hơn cũng là áp lực vô hình với sinh viên… Harvard chỉ đưa một chiếc phao và sinh viên phải tự bám vào để học bơi hoặc chết chìm”, nữ sinh chia sẻ
Bởi khối lượng kiến thức trong các lớp học ở Harvard rất lớn nên theo Hà Anh, để khỏi “chết chìm”, các sinh viên đã học theo nhóm và giúp nhau đi lên. Văn hóa giúp đỡ lẫn nhau là truyền thống và nét đẹp của sinh viên đại học hàng đầu thế giới này. “Lớp đàn em sẽ nhận được lời khuyên, sự giúp đỡ hết mình của các anh chị đi trước. Khi em thực tập ở tập đoàn tài chính hàng đầu New York cũng đã được các anh chị cùng trường dù không quen biết giúp đỡ rất nhiệt tình, không vụ lợi hay yêu cầu đền đáp”, nữ sinh cho biết.
Hà Anh thừa nhận, tồn tại những hội kín, có sự phân biệt đẳng cấp… tại Harvard nhưng chỉ chiếm phần nhỏ. Những năm qua, nhà trường đã cố gắng mang lại môi trường bình đẳng hơn. Bản thân Hà Anh được học tại Harvard bằng gói hỗ trợ toàn phần (học bổng) cũng không bị phân biệt hay gặp khó khăn gì trong việc hòa nhập cộng đồng.
“Ở Harvard có một nhà ăn với các bàn rất to, dài như trong phim Harry Potter. Đây là thứ khá hay để sinh viên không thể đi ăn theo nhóm riêng, chỉ ngồi túm tụm nói chuyện với nhau mà buộc phải ngồi cùng, nói chuyện với cả những người chưa quen biết”, nữ sinh kể. Nhờ cách làm đó, Hà Anh từ một học sinh Việt Nam chẳng biết ai ở Harvard sau gần một năm đã quen đến một nửa sinh viên trong trường.
Điều thú vị tiếp theo ở Harvard, theo Tôn Hà Anh, đến từ các giáo sư của trường. Đây đều là những người rất nổi tiếng và đặc biệt khó tính trong việc yêu cầu sinh viên phải tự lập, sáng tạo, chủ động tìm hiểu đề tài trước khi đến gặp họ. Tuy nhiên, khoảng cách giữa các giáo sư và sinh viên trong trường là rất gần bởi tỷ lệ giữa hai nhóm ở trường là 1:7 (cứ 7 sinh viên sẽ có 1 giáo sư). Mỗi tuần các thầy sẽ phải có 2-3h mở cửa phòng làm việc để sinh viên tự do đến hỏi những điều còn thắc mắc. Một giáo sư tại lớp Hà Anh học, dù có hàng nghìn sinh viên vẫn dành thời gian nói chuyện với từng người.
Các giáo sư của Harvard, theo Hà Anh, rất tâm huyết và nhiệt tình hướng dẫn sinh viên. “Dù bận rộn nhưng họ sẵn sàng bỏ ra hàng giờ để hướng dẫn một đề tài nào đấy mà sinh viên thực sự yêu thích. Các thầy cô còn cho rất nhiều tài liệu và các mối quan hệ của chính mình để sinh viên tìm hiểu đề tài được tốt nhất”, nữ sinh kể.
Bên cạnh giảng dạy kiến thức hàn lâm có phần khô khan, việc giảng viên chia sẻ kinh nghiệm, bài học thực tế của chính mình, khiến sinh viên cảm thấy thoải mái và ghi nhớ lâu hơn. Một giáo sư rất quyền lực trong giới chính trị, kinh tế Mỹ dạy lớp của Hà Anh đã không ngần ngại kể chuyện tình yêu của ông với người vợ hiện tại. Thầy dạy tâm lý học thì chia sẻ nỗi thương tâm với những người vô gia cư nhìn bề ngoài chỉ thấy họ không chịu làm việc, hàng ngày xin ăn nhưng thực chất là bị bệnh tâm thần không thể xin được một công việc nào hết.
“Các giáo sư của trường Harvard càng giỏi thì càng khiêm tốn. Nếu họ sai sẽ nhận sai. Cả giáo sư và sinh viên Harvard không mang theo sứ mệnh thay đổi toàn diện thế giới mà chỉ cố gắng thay đổi một vài trong số hàng trăm nghìn vấn đề của xã hội để giúp đỡ cộng đồng… Vì thế, nếu sinh viên có ý tưởng và kế hoạch thực hiện, nhà trường sẽ tìm mọi cách để giúp đỡ”, nữ sinh năm cuối trường đại học hàng đầu thế giới chia sẻ.
Nguồn: Vnexpress