SSDH – Học bổng được tăng cao, giá cả ổn định, tinh thần đoàn kết giữa sinh viên Việt với nhau… là những gì mà du học sinh Nga đang ngóng chờ vào năm mới – Bính thân 2016.
1. Sự gắn kết giữa sinh viên Nga và sinh viên Việt
Giới trẻ Nga hay lắm, nếu ai từng học ở Nga thì biết, sinh viên Nga không quá bận tâm về những gì bạn nghĩ, bạn làm hay những gì bạn có.
Nói rõ hơn là họ không thân thiện kiểu như sinh viên Việt mình khi gặp sinh viên nước ngoài học ở Việt Nam. Đặc biệt số người thân thiện trong một lớp là không nhiều. Những người mà sẵn sàng lắng nghe và giúp đỡ bạn thì càng ít.
Do vậy không ít sinh viên Việt Nam cảm thấy lạc lõng khi đi học ở nước Nga. Điều đó gây ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần học tập.
Đa phần sinh viên Nga có một đặc điểm: hỏi thì nói còn không thì mặc kệ. Họ chẳng bao giờ “đon đả” mời bạn vào một cuộc trò chuyện. Ngoại trừ bạn chơi thân và giúp đỡ họ rất nhiều.
Một năm mới sang, hi vọng sự gắn kết giữa sinh viên Việt và Nga ngày càng thân thiết hơn. Bởi hơn bao giờ hết sinh viên Việt vẫn cần sự giúp đỡ từ họ. Và sinh viên Việt muốn giỏi ngoại ngữ thì cũng nên “tự thân vận động” để học và bắt chuyện với họ chứ đừng chờ người ta đến chủ động trò chuyện.
2. Tham gia vào nhiều hoạt động của trường, lớp
Hầu như du học sinh Việt ở Nga khá ít tham gia các hoạt động của trường, các câu lạc bộ hay các hoạt động nói chung, trừ phi các hoạt động ấy có liên quan tới điểm số và học bổng.
Điển hình nhất là các hội nghị khoa học – đây là việc làm cần thiết và hữu ích cho hầu hết sinh viên. Ở Nga thường có những hội nghị khoa học, ở đó các sinh viên sẽ chuẩn bị một đề tài để hùng biện. Nếu tốt sẽ có bằng khen, giải thưởng còn nếu không được thì bài báo mình viết cũng sẽ được đăng lên báo, trong sách. Sau này đó đều là quyền lợi của sinh viên.
Ngoài ra còn có các hội nhóm, câu lạc bộ như khiêu vũ, nhảy hiện đại, tiếng nga cho người nước ngoài do các bạn Nga dạy thêm… rất nhiều và lý thú cho du học sinh Việt nói riêng.
Thế nhưng có một thực trạng chung là rất it sinh viên Việt ở đây tham gia. Lý do cơ bản nhất chính là rào-cản-ngôn-ngữ. Chính nó đã ngăn cách sự tự tin, năng động vốn có để hoà mình vào không khí tươi trẻ cùng sinh viên Nga. Ngoài ra, nhiều sinh viên còn cảm thấy tự ti về bản thân mình, lười nhác vì mùa đông quá lạnh để có thể rời khỏi chiếc chăn ấm và máy tính.
3. Kinh tế ổn định, giá cả giảm xuống
Năm 2015 là năm mà nước Nga phải đối mặt vô vàn khó khăn. Đồng rúp mất giá.
Du học sinh Việt nói riêng cũng không thể thoát khỏi sự ảnh hưởng tồi tệ này. Điển hình là giá cả hàng ngày tăng vọt. Từ các mặt hàng tiêu dùng như thực phẩm cho đến đồ công nghệ hay thuốc thang…
Với những du học sinh được Nhà nước trả bằng đồng đô la thì có vẻ “khá khẩm” hơn còn những sinh viên khác, chẳng hạn như sinh viên tự túc thì rất khó khăn trong việc chi tiêu làm sao cho tiết kiệm mà không quá thiếu thốn.
Mong mỏi trong năm mới 2016, du học sinh Việt chỉ mong sao kinh tế nước Nga trở về ổn định như ngày xưa. Giá cả sẽ không làm cho sinh viên phải đắn đo, suy nghĩ nhiều khi chọn mua một món đồ nào đấy.
4. Học bổng được tăng cao
Với sự ảnh hưởng trên nên việc chi tiêu cũng trở nên chật vật hơn đối với sinh viên – là đối tượng “ăn bám” nhiều và chi tiêu cũng khủng.
Điều ước lớn lao mà du học sinh Nga mong mỏi trong năm mới là được tăng mức học bổng để cuộc sống bớt khó khăn hơn.
Nếu nói về tình trạng hiện tại, những người biết cách chi tiêu hay nói cách khác sống tiết kiệm thì với số tiền mà Nhà nước cho, có thể nói là đủ.
Nhưng ngoài tiền ăn, tiền sinh hoạt nhà cửa, nước, điện thì sinh viên cũng cần cho những việc nhỏ khác như thăm người đau ốm, sinh nhật bạn bè… tất cả đều sử dụng từ nguồn duy nhất là học bổng.
Vì điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay nên nhiều trường Đại học ở Nga cũng cắt giảm mức học bổng hàng tháng đối với sinh viên. Điển hình như trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Tula, cắt giảm từ 2.500 rúp xuống còn 1.700 rúp đối với sinh viên.
Có thể nói rằng, “điều ước” tăng học bổng luôn luôn nằm trong suy nghĩ của tất cả sinh viên khắp nơi trên Thế giới chứ không chỉ riêng Nga nhưng chưa lúc nào như bây giờ đối với du học sinh tại Nga, “điều ước”tăng học bổng lại “mạnh mẽ” như vậy.
5. Mọi người sẽ đoàn kết hơn
Ở Nga hầu như sinh viên nước ngoài được sắp xếp ở trong kí túc xá. Có nhiều trường cho sinh viên cùng một nước ở cùng nhau để dễ quản lí.
Theo như mình thấy, nơi nào càng đông sinh viên Việt ở cùng nhau thì sự phân chia hội nhóm càng lớn.
Hội nhóm ở đây là những người hợp tính cách, hợp sở thích thì lập một nhóm. Còn những người hơi trầm thì chẳng tìm được nhóm nào để chơi. Đôi khi là chơi một mình…
Điều này xem qua thì thấy bình thường nhưng sống trong một cộng đồng mới biết đó là sự-chia-rẽ-không-vui-vẻ.
Năm mới đến, hi vọng rằng du học sinh Việt trên đất Nga sẽ đoàn kết hơn, sống chan hoà với nhau hơn. Dù có chơi hội, nhóm thì cũng đừng lấy đó làm bức tường để ngăn cách nhau, khiến tình cảm đã xa lạ lại càng lạnh lùng hơn.
Nguồn: Trí Thức Trẻ