SSDH – Tham gia BCH Đoàn trường ĐH thời sinh viên từ năm 1996, rồi làm cán bộ Đoàn chuyên nghiệp cấp huyện gần 5 năm sau khi ra trường (2001-2005), hiện nay, khi theo học thạc sĩ tại Úc, anh Nguyễn Văn Thuận vẫn thường xuyên tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng ở xứ người.
Hoạt động tình nguyện không độc quyền, không ồn ào
Đang theo học thạc sĩ ngành Công tác xã hội tại trường Đại học Flinders, Úc theo Học bổng Chính phủ Úc, Nguyễn Văn Thuận có cơ hội trải nghiệm sự chuyên nghiệp và khắt khe trong tuyển chọn, huấn luyện để được trở thành Tình nguyện viên (TNV) ở đất nước này.
Theo anh Thuận, thiên tai như: bão, lũ quét, cháy rừng, lở tuyết, lốc xoáy… vẫn thường xuyên xảy ở Úc gây thiệt hại ảnh hưởng đến đời sống của người dân, nhưng hậu quả được giảm thiểu đến mức thấp nhất do hệ thống cảnh báo sớm của chính quyền hoạt động khá hiệu quả nhằm khuyến cáo và hướng dẫn dân chúng cách thức đề phòng trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra.
Anh Nguyễn Văn Thuận trong một dịp tham gia công tác tình nguyện tại Úc.
Một điều đáng chú ý là người Úc không sử dụng lực lượng thanh niên, sinh viên tham gia vào công tác xử lý, khắc phục hậu quả của thiên tai như cách mà Việt Nam đang làm, mà công việc ấy thường được các lực lượng chuyên nghiệp đảm trách.
Anh Thuận chia sẻ: “Từng nằm trong BCH đoàn của một trường đại học thời sinh viên, rồi làm công tác thanh niên chuyên nghiệp khoảng 5 năm sau khi ra trường, mình đã trực tiếp tổ chức, hoặc tham gia tổ chức rất nhiều các hoạt động tình nguyện, các phong trào mùa hè xanh, các đợt cứu trợ giúp dân sau thiên tai…
Mặc dù không thể phủ nhận những thành quả tích cực về mặt xã hội cũng như khơi gợi tinh thần xung kích và nhiệt huyết tuổi trẻ của các bạn sinh viên; tuy nhiên, nhìn vào thực tế, chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận rằng, hoạt động tình nguyện ở Việt Nam vẫn còn những hạn chế cần được khắc phục như: thiếu chuyên nghiệp, nặng tính phong trào và đặc biệt là thiếu các bước quản lý rủi ro trong công tác tổ chức từ khâu tuyển chọn, huấn luyện và triển khai hoạt động cho tình nguyện viên”.
Trong quá trình học tại Úc, chàng trai Việt đã tận dụng thời gian để tham gia các hoạt động tình nguyện và nhận thấy sự chặt chẽ và chuyên nghiệp trong hoạt động tình nguyện tại xứ sở chuột túi.
Trước tiên, các hoạt động tình nguyện được các tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức phi chính phủ (NGOs), các cơ quan thuộc chính phủ, các trường học, các trung tâm cộng đồng… triển khai như là một phần không thể thiếu trong hoạt động của tổ chức. Họ có hẳn các phòng/ban/bộ phận với nhân sự chuyên môn để làm việc này.
Và đặc biệt, các hoạt động thiện nguyện này không hề là “độc quyền” của bất cứ tổ chức, đoàn thể nào và nhằm đáp ứng các vấn đề cụ thể của xã hội trong từng lĩnh vực chứ không theo kiểu chiến dịch ầm ĩ, ồn ào.
Chẳng hạn như: hầu hết các trung tâm cộng đồng (như Nhà văn hoá phường, xã ở Việt Nam) đều có các khoá dạy tiếng Anh miễn phí cho người mới nhập cư vào Úc, và giáo viên đều là các TNV người địa phương trực tiếp hướng dẫn, hay các chương trình tình nguyện trợ giúp thanh niên mắc chứng nghiện rượu bia…
1 mẫu quảng cáo tuyển TNV.
Chọn lọc, ký hợp đồng, đào tạo và cấp chứng chỉ
Các cơ quan, tổ chức tuyển chọn người tham gia tình nguyện bằng rất nhiều kênh: đăng tin lên website hay báo chí địa phương, đến các trường đại học để tổ chức hội chợ tình nguyện, tổ chức các hoạt động quảng bá ở những nơi đông người (siêu thị, khu vui chơi…). Bất cứ những ai có nhu cầu tham gia hoạt động tình nguyện đều có thể đăng ký. Các vị trí tình nguyện đều được mô tả rất cụ thể chẳng khác gì các mục tuyển người làm việc chính thức.
Sau khi đăng ký, người ứng tuyển sẽ chờ đợi phản hồi từ nhà tuyển dụng tình nguyện. Lúc này, người ta sẽ chọn lọc và chốt danh sách những người đạt yêu cầu, rồi gửi thư mời phỏng vấn. Chỉ những ai phỏng vấn đạt yêu cầu thì sẽ được mời tham gia làm tình nguyện viên cho tổ chức.
Bản xác nhận của Cảnh sát quốc gia Úc.
Nhưng lúc này vẫn chưa thể chính thức trở thành tình nguyện viên (TNV) được… Bạn sẽ phải trải qua một số bước cơ bản như sau:
Đến đồn cảnh sát địa phương để làm một cái Kiểm tra cảnh sát – Police check (kiểu như lý lịch tư pháp ở Việt Nam vậy). Cảnh sát sẽ kiểm tra trên hệ thống toàn quốc để xem bạn có vấn đề gì không…
Chỉ cần có một “vết đen” nhỏ thôi thì mong muốn làm tình nguyện của bạn sẽ không bao giờ thành sự thật. Ví dụ: Bạn muốn tình nguyện làm việc liên quan đến trẻ em, nhưng trên hệ thống của cảnh sát có ghi nhận rằng bạn từng đánh trẻ em, dù chỉ một lần… Vậy là bạn phải tạm biệt ước mơ được làm tình nguyện!
Nếu mọi thứ không có vấn đề, bạn sẽ được cấp 1 bản xác nhận của cảnh sát. Nếu công việc tình nguyện của bạn có liên quan đến một số đối tượng đặc biệt, như: trẻ em, người già, người khuyết tật… thì bạn sẽ phải làm thêm một số thủ tục kiểm tra riêng biệt khác bởi các cơ quan chuyên môn.Chỉ khi nào tất cả các yêu cầu trên được thoả mãn thì bạn mới được người ta chính thức nhận vào làm TNV.
Sau đó, bạn sẽ được ký hợp đồng với các điều khoản rất cụ thể, rồi được đóng bảo hiểm, được trả tiền xăng xe khi di chuyển, được hỗ trợ tiền ăn trưa, được miễn phí tham gia các hoạt động của cơ quan, hay thậm chí được có cơ hội tuyển chọn vào làm việc chính thức ở cơ quan đó nữa.
Xác nhận của cơ quan trực thuộc chính quyền bang Nam Úc về việc đủ điều kiện làm việc với người lớn tuổi (Aged care).
Đặc biệt, bạn sẽ phải tham gia các khoá tập huấn kỹ năng bắt buộc có liên quan đến công việc tình nguyện của bạn. Ví dụ, nếu làm việc liên quan đến trẻ em, bạn sẽ phải tập huấn về kỹ năng làm việc với trẻ em; làm việc với người già, bạn phải tập huấn kỹ năng tương tự…
Với mình, khi tham gia làm tình nguyện cho tổ chức Chữ Thập Đỏ Úc, mình phải tập huấn về kỹ năng sơ cấp cứu, rồi kỹ năng làm việc với người có tâm lý và hành vi không ổn định… Bạn phải vượt qua các bài tập đánh giá của tất cả các khoá tập huấn ấy và phải có chứng chỉ thì mới đạt yêu cầu. Mục đích của quá trình này là nhằm đảm bảo sự an toàn tối đa cho cả người được giúp đỡ lẫn TNV khi làm việc.
Khi đã chính thức trở thành TNV, bạn sẽ được phân công công việc cụ thể, được sự hỗ trợ và giám sát trực tiếp từ nhân viên điều phối của tổ chức và phải báo cáo đột xuất hay định kỳ các công việc của mình cho người điều phối…
Thời gian đảm nhận vị trí tình nguyện thường kéo dài liên tục, ít nhất từ 3 tháng trở lên. Có những chương trình kéo dài đến cả năm chứ không bắt đầu và kết thúc theo kiểu chiến dịch như ở mình vẫn hay làm.
Xác nhận đã vượt qua kỳ tập huấn và sát hạch về kỹ năng làm việc với trẻ em.
Chỉ có thể nhấn mạnh rằng, công tác tình nguyện của các nước phát triển (như Úc) là cực kỳ chuyên nghiệp và bài bản; không hề mang tính phong trào, ngẫu hứng hay vì bị ràng buộc bởi các yếu tố như: cộng điểm thi đua, xét hạnh kiểm, hay là điều kiện để được tốt nghiệp…
Và tất nhiên là những người tình nguyện cũng nhận được nhiều từ công việc tình nguyện của mình, như: có cơ hội làm việc để có kinh nghiệm thực tiễn, được thoả đam mê cống hiến cho cộng đồng, trau dồi thêm các kỹ năng phục vụ cho nghề nghiệp, tạo nên một xã hội nhân ái giữa con người với con người…
“Mong rằng, công tác tình nguyện ở Việt Nam cần được nghiên cứu và thay đổi cho phù hợp để bản chất công việc tốt đẹp này được khẳng định và hạn chế tối đa rủi ro đáng tiếc. Hiện nay ở Việt Nam, một số chương trình tình nguyện đã và đang được triển khai một cách chuyên nghiệp và bài bản bởi các tổ chức quốc tế, như: chương trình tình nguyện của Liên hiệp quốc (UN Volunteers), các chương trình tình nguyện vì cộng đồng của các tổ chức phi chính phủ quốc tế và phi chính phủ địa phương… mà chúng ta có thể tham khảo và học hỏi.
Và điều đặc biệt quan trọng là, sự an toàn cho những TNVcần được đảm bảo đến mức cao nhất, tránh những thiệt hại liên quan đến sinh mạng, thân thể hay tinh thần của những người làm tình nguyện như sự cố đáng tiếc và nghiêm trọng vừa xảy ra gần đây ở Việt Nam”, anh Nguyễn Văn Thuận bày tỏ.
Nguồn: Dân Trí