Những rủi ro khi đi du học

0

Nhân việc đọc bài viết nói về 2 hành khách bị chết trong vụ tai nạn máy bay ở San Francisco là 2 du học sinh Trung Quốc sang Mỹ du học, mình nằm ở khách sạn và nghĩ là kể ra du học cũng có nhiều cái rủi ro. Bài viết này chia sẻ những vấn đề liên quan tới rủi ro khi đi du học. Thực tế thì bạn sẽ thấy là ở đâu mà chả rủi ro, Mỹ hay Việt Nam cũng vậy thôi, nhưng mà ở đây tôi muốn nêu ra các rủi ro có thể du học sinh Việt Nam phải đối mặt và gợi ý một số giải pháp đối phó (với những rủi ro có thể đối phó được).

 

Bài này giúp các bạn biết biết được các rủi ro tiềm tàng và từ đó có kế hoạch và biện pháp phòng tránh, chứ không nhằm mục đích hù dọa các bạn đâu. Đọc xong bài này mà bạn đã sợ đến nỗi không dám đi du học thì có lẽ bạn cần phải bổ sung thêm vitamin “dũng cảm” trước khi đi du học nhé.

  

Tai nạn máy bay

 

Chắc các bạn cũng biết vụ tai nạn máy bay vừa mới xảy ra ở San Francisco đã cướp đi sinh mạng của 2 hành khách là 2 du học sinh Trung Quốc sang Mỹ du học. Đây là sự mất mát rất lớn của gia đình 2 bạn này, bởi lẽ theo chính sách dân số của chính phủ Trung Quốc thì mỗi gia đình chỉ có 1 con mà thôi. Như vậy có thể thấy tai nạn máy bay cũng là một rủi ro khi bạn đi du học. Mặc dù rủi ro này khá là hẵn hữu nhưng không có nghĩa là không có xảy ra. Theo báo cáo mới nhất thì nguyên nhân của vụ tại nạn máy bay ở San Francisco là do phi công lần đầu hạ cánh ở sân bay này và đang tập luyện với dòng máy bay Boeing 777. Tất nhiên là chúng ta không thể có quyền lựa chọn phi công trong chuyến bay của mình, nên cách tốt nhất là trước khi đi du học là bạn nên “tu nhân tích đức” để được thượng lộ bình an.

 

Và hy vọng là phi công lái máy bay của bạn không phải là anh chàng đang tập luyện hoặc chưa bao giờ có kinh nghiệm hạ cánh ở sân bay bạn sắp tới. Ngày xưa thì có một giai thoại vui là mấy anh kỹ thuât viên sửa chữa máy bay của Việt Nam cứ mỗi lần sửa máy bay là lại dư ra vài con bu-lông, ốc vít. Hy vọng là máy bay của các bạn khi đi du học không phải do mấy anh này sửa chữa, hehe. Một lời khuyên nữa của mình nếu bạn biết chuyến bay của bạn có “đại sứ du lịch” Lý Nhã Kỳ thì hãy đổi sang chuyến khác ngay lập tức bởi lẽ rất có thể chị ấy lại vào buồng lái ưỡn ẹo để chụp ảnh như chuyến bay từ Hồng Kong về Việt Nam vừa rồi và nhỡ đâu lần này vòng 3 siêu khủng của chị í chạm vào nút gì đó làm máy bay rơi thì chắc chỉ còn nước mà ngồi cầu nguyện thôi ….

 

 

 

Cái này chỉ là cái số đen thôi vì thế không có bí quyết gì để giảm thiểu cái rủi ro ấy cả, ngoài việc sống tu nhân tích đức, cứ tin là chết có số và khi đi du học nhớ mua bảo hiểm hàng không cho bố mẹ được nhờ.

 

Bị lừa, tiền mất, tật mang

 

Hoa Kỳ là quốc gia có nền giáo dục tiên tiến nhất trên thế giới, với hơn 4000 trường đại học, cao đẳng trên toàn lãnh thổ Mỹ, tuy nhiên không phải trường nào cũng tốt. Có những trường rởm chỉ bán bằng như trường La Salle (Mỹ) nơi đào tạo ra ngài Vũ Viết Ngoạn hiện thời đang là chủ tịch lãnh đạo Ủy ban giám sát tài chính quốc gia đầy quyền uy.

 

 

Trường này thì nổi tiếng ở chỗ chỉ có 1 người làm giáo vụ nhưng hàng năm bán hàng nghìn bằng từ đại học tới thạc sỹ, tới tiến sỹ, trong hàng ngàn tấm bằng đó có tấm bằng của ngài Vũ Viết Ngoạn. Chả biết do sính “hàng ngoại” nên trở thành nạn nhân của trường này hay do muốn có cái bằng Mẽo cho mấy đàn em phải “mắt chữ A, mồm chữ O” vì sếp tài ba, ngồi Việt Nam vẫn có bằng PhD từ Mỹ mà ngài nhỡ xài bằng rởm lại còn lên VnExpress tuyên bố hùng hồn là “bằng cấp với tôi không quan trọng”.

 

Theo ý tôi hiểu, ý ông là nó không quan trọng, mà là nó cực kỳ quan trọng :)). Ngoài ra, còn hàng loạt các trường “lởm” khác của Mỹ sang Việt Nam hợp tác với hàng loạt các trường top ở Việt Nam để cấp bằng liên thông. Thực chất các trường này đều là các trường không được kiểm định, đánh đúng tâm lý sính bằng ngoại, lại không phải đi ra nước ngoài học để học ngoài giờ, trong giờ hành chính giữ ghế nên được các quan chức rất là “ưa chuộng” như ngài Nguyễn Văn Ngọc, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Yên Bái, có bằng Tiến Sỹ của đại học Irvine University sau đúng 6 tháng.

 

Quả thật, nếu học 6 tháng mà có bằng Mỹ thì ngài Nguyễn Văn Ngọc này xứng đáng đạt nửa giải Nobel còn lại với ngài thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình. Chà nghe chừng dòng họ Nguyễn Văn toàn các vị “thần đồng” cả. Rồi lại thêm vụ Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Phú Thọ cũng của trường ĐH Nam Thái Bình Dương (Southern Pacific University) cấp. Chi phí theo học của ông Ân tại đây cũng là 17.000 USD. 

 

 

Cách đây không lâu, ông Mark Aswill – cựu giám đốc IIE tại Việt Nam đã có 1 bài chia sẻ về các trường rởm bên Mỹ. Ông Nguyễn Xuân Thảo – cựu giám đốc chương trình Fulbright tại Việt Nam cũng đã từng cảnh báo, nhiều trường đại học của Mỹ có chất lượng còn không bằng trường đại học tại Việt Nam, do vậy các bạn khi lựa chọn trường đi du học, cần phải tìm hiểu thông tin về trường qua nhiều nguồn thông tin khác nhau. Đừng chỉ xem mỗi website của trường mà tin vào những gì họ viết vào đó. Không trường nào ở Mỹ lại kể về thành tích xấu của trường mình trên trang web của chính họ cả. Bạn nên kiểm tra thông tin xem trường có được kiểm định (accrediated) không? Cơ quan kiểm định có đáng tin cậy không? Hiện giờ mình thấy có rất nhiều trung tâm tư vấn du học được thành lập, thực chất chỉ là công cụ “câu kéo”, “tìm gà” cho các trường rởm ở nước ngoài. Họ thường xuyên tổ chức hội thảo cho các phụ huynh và học sinh đam mê du học, rồi lừa đảo bằng cách thu phí rất cao rồi sau đó đưa con em của người nộp tiền sang những nơi đào tạo không hề có chất lượng như họ quảng cáo. Kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó” như này trong ngành du học khá là phổ biến”.

 

Do vậy, hãy là nhà tiêu dùng thông thái, trả tiền cho “dịch vụ” chất lượng của những nhà cung cấp dịch vụ có uy tín, đừng tham của rẻ mà tiền mất, tật mang. Thực ra, bằng kinh nghiệm của mình, mình xin học bổng mà tự làm hết, chả cần trung tâm tư vấn gì hết. Dạo qua 1 vòng các công ty tư vấn du học, thấy một số thu phí quá cao. Quả thực là một sự “lạm dụng” hay “hút máu” gia đình và các bạn đam mê du học bởi những thông tin hạn chế mà họ có được. Điều này càng thôi thúc mình cần phải sớm hoàn thành cuốn sách chia sẻ kinh nghiệm apply và xin học bổng du học để các bạn có thể tự mình hoàn thành 1 bộ hồ sơ, viết các bài luận, tự apply và xin học bổng với chi phí thấp nhất.

  

Bị phạt khi nhập cảnh

 

Có rất nhiều bạn khi nhập cảnh gặp một số những vấn đề mà có thể bị phạt, nhẹ thì vài ngàn USD nặng thì không cho nhập cảnh. Ví dụ theo quy định của chính phủ Mỹ khi nhập cảnh bạn không được phép mang theo thịt động vật do vậy nếu bạn mang ruốc (chà bông), mà bị phát hiện thì có thể bị phạt tới 2,000 USD. Do vậy lời khuyên của mình là nếu bạn không thật sự nghiện ruốc đến mức không có ruốc thì không sống được thì tốt nhất đừng mang đi làm gì. Mà chả hiểu sao lớn tướng rồi, đi du học còn ăn ruốc nhỉ? Thử tưởng tượng xem  với  2000 USD tiền phạt bạn có thể mua được hàng trăm kg thịt heo để mà làm ruốc cho mấy học kỳ ấy chứ. Sau vụ khủng bố ở Boston các quy định nhập cảnh đã được siết chặt hơn rất nhiều do vậy các bạn phải hết sức cẩn thận để tránh khỏi những phiền phức hay rắc rối có thể xảy ra khi nhập cảnh mà góp phần làm giàu cho chính quyền anh Obama hoặc bị họ từ chối cho nhập cảnh là rất mệt.

 

 Thất lạc hành lý

 

Chuyện  thất lạc hành lý là chuyện khá phổ biến đối với các chuyến bay quốc tế mà bạn phải nối chuyến nhiều lần. Cái này thường là lỗi của các hãng hàng không nhưng nó sẽ tạo ra một tình cảnh hết sức khó chịu cho các bạn. Thử tưởng tượng, nếu bạn để toàn bộ quần áo, thức ăn, đồ vệ sinh trong hành lý ký gửi và nó bị thất lạc thì bạn sẽ xoay sở ra sao. Chuyện này thì chính bản thân mình đã từng bị lãnh hậu quả, do chuyến bay từ Atlanta lên Washington DC đã làm thất lạc hành lý của mình và hậu quả là mình phải tắm và mặc lại bộ quần áo cũ đúng 4 ngày liền do toàn bộ quần áo gửi hành lý ký gửi hết. Do vậy lời khuyên của mình là tất cả những giấy tờ quan trọng như tiền bạc, hộ chiếu, các giấy tờ khác cần cho nhập cảnh tuyệt đối không bao giờ để trong hành lý ký gửi.

 

Bạn cũng nên để 1 vài bộ quần áo mỏng để thay và đồ vệ sinh cá nhân như bàn chải đánh răng, thuốc đánh răng và các đồ dùng thiết yếu khác trong hành lý xách tay để phòng trường hợp rủi ro này. Để tránh thất lạc hành lý, hãy in thông tin của bạn, địa chỉ nơi đến, số hiệu chuyến bay và dán vào vali gửi để nhân viên vận chuyển tránh nhầm lẫn. Đó là cách rất tốt để họ nhanh chóng tìm lại vali cho bạn khi bị thất lạc, vì ở sân bay Washington DC, mình đã phải mất 2 tiếng đồng hồ để lục tung cả cái đồng hàng trăm vali trông khá giống nhau để tìm cái của mình. Nên buộc 1 cái gì đó dễ nhận biết vào vali để dễ tìm, có thể là sợi dây màu chóe, nhưng được buộc con gấu bông hay con chó bông mà bạn yêu thích vào đấy kẻo mất.

 

Xả súng

 

Các bạn chắc cũng nghe nhiều về các vụ “xả súng” ở các trường học của Mỹ đúng không. Đây là một cái rủi ro rất lớn với du học sinh nói riêng và tất cả mọi người sống ở Mỹ nói chung. Chắc các bạn còn nhớ năm 2007, cậu du học sinh người Mỹ gốc Hàn Quốc tên là Seung Hui-Cho đã xả súng và giết 32 người và làm bị thương 17 người của đại học Virginia Tech.

 

 

Mà mình thì hồi đó đang chuẩn bị cho học bổng Fulbright nên mẹ mình nghe thấy dự định của mình sắp đi du học Mỹ là cụ rất là lo lắng. Vụ xả súng này thực sự là rúng động cả nước Mỹ, bởi lẽ cậu du học sinh Hàn Quốc này vốn dĩ là người khá trầm tính và ít nói, nhưng vì do căng thẳng tâm lý đã có những biểu hiện bất thường và kết quả là sau khi tiến hành vụ thảm sát, cậu ta đã tự tử. Nói thật ở Mỹ, nơi mà súng đạn được người dân sở hữu như mình ở nhà sở hữu mobile, thì việc một ngày xấu zời, cái thằng cùng trường đại học vác khẩu súng máy đến lớp và làm 1 băng pằng pằng như kiểu Half life thì coi như là life đi đứt chứ còn được half of life thì là may mắn được tổ tiên phù hộ. Nói thật, hồi bên Mỹ mình cũng hơi sợ một chút, vì cái bang của mình là bang Mid-West mà dân Mid-West nổi tiếng là conservative và tôn thờ giá trị Mỹ.

 

Tụi nó chỉ biết Mỹ và Mỹ mà thôi, mà tụi này lại ủng hộ sở hữu súng. Do vậy, mình khuyên là các bạn không nên tìm cách “chọc giận” những người này. Đừng dại mà trình diễn khả năng nghe nói TOEFL bằng cách đôi co với nó mà làm nó nổi giận thì e rằng đó là lần cuối cùng bạn được thể hiện khả năng TOEFL của bạn. Hồi mình bên Mỹ, trường mình có 4 campus, có 1 lần có 1 thằng bị cảnh sát truy đuổi đã phi thẳng vào 1 campus của trường (may là không phải campus của mình) và có mang theo súng, làm cả trường náo loạn. Cậu bạn mình (người việt nam) duy nhất ở campus đó còn ngồi trong phòng học đóng kín cửa và update tình hình trên facebook.

 

Sau khi thằng Mỹ đó chạy ra khỏi trường, mình vô cùng hồi hộp và lo lắng và nhắn tin trên facebook hỏi cậu bạn mình xem đã về nhà thay xiêm y chưa? Haha. Chuyện xả súng thì không phải chỉ có Mỹ thôi đâu, vừa rồi có vụ xả súng ở trại hè của sinh viên Na Uy làm chết 87 người đấy thôi. Nói thế để thấy là Na Uy – một nước nổi tiếng vì cuộc sống bình yên còn có những vụ xả súng thì nói gì Mỹ một nước mà người ta sở hữu súng như mình dùng mobile. Do vậy, chỉ cầu mong cho mình may mắn, không xuất hiện vào cái lúc cái thằng mê half-life thật vác súng đến trường. Nhớ thắp hương cúng cụ Tào Tháo hiển linh, đúng hôm có thằng nào vác súng đến trường thì “cụ đuổi bạn chạy te tua” vào toa lét mà đau bụng không đến trường được hôm đó mà thôi =))

  

Khủng bố

 

Nói thật nước Mỹ càng ngày càng không an toàn. Nước Mỹ giờ đây đã trở thành kẻ thù của rất nhiều tổ chức khủng bố và các tổ chức tôn giáo cực đoan. Do vậy, khả năng nước Mỹ bị tấn công là không thể biết trước được. Và đó chính là rủi ro của du học sinh tất cả các nước chứ chả riêng gì Việt Nam. Giả sử một ngày đẹp trời là ngày 11, tháng 9 năm 2001, bạn đang lang thang khu vực Mahattan và ngẩng mỏi cả cổ ngắm nghía tòa tháp đôi từ chân của nó. Rồi rầm rầm, 2 chiếc máy bay đâm vào và thế là bạn được lên trang nhất báo New York Times là xong phim chứ còn gì mà bàn nữa. Rồi gần đây là vụ khủng bố ở giải Marathon Boston do chính 2 cậu du học sinh người gốc Chech-nya tiến hành. May mà theo tin từ hội sinh viên Việt Nam vùng Boston mở rộng không có bạn nào ra đó xem, không thì ai mà biết được hậu quả thế nào. Sau đó, lệnh giới nghiêm được ban bố khắp thành phố Boston khi cảnh sát bủa vây hung thủ, làm toàn bộ dân Boston – nơi có nhiều trường đại học – phải sống trong sợ hãi. Theo chia sẻ nội bộ, các bạn du học sinh Việt Nam đã phải chốt cửa ngồi trong nhà ăn mì với tôm hùn và xem phim “Bi – đừng sợ” để sốc lại tinh thần, haha.

 

Do vậy, lời khuyên của mình nên hạn chế tới những chỗ tụ tập đông người, như quảng trường, hay những cuộc diễu binh, kỷ niệm gì đó, đặc biệt là có sự xuất hiện của anh Obama để tránh rủi ro. Đừng có quá ham hố mà bon chen ra đấy chụp cái ảnh update Facebook khoe là được đi nghe Obama mà chỉ được đi có mỗi lần duy nhất trong những ngày còn sống trên cõi đời. Tốt nhất ngồi nhà xem truyền hình trực tiếp cho lành. À mà quên, cẩn thận khi đi xem Air show – các cuộc trình diễn máy bay bởi đã có những trường hợp máy bay gặp trục trặc và lao thẳng vào khán giả ngồi xem bên dưới rồi đó. Hic

  

Tai nạn xe cộ

 

Ở Mỹ, tui không có cái gọi là Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, nhưng tai nạn xe cộ ở Mỹ ít hơn ở Việt Nam nhiều, bởi dân của họ ý thức chấp hành giao thông rất cao và cảnh sát của họ không nhận mãi lộ để cho qua lỗi vi phạm. Tuy vậy không có nghĩa là việc bị tai nạn ở Mỹ là không cao. Thực tế, ở Mỹ mà tai nạn xe hơi ở Mỹ khả năng chết rất cao, bởi lẽ trên đường cao tốc của Mỹ, họ phóng tối đa tới 70 miles/ giờ, tức là 120km/ h. Bạn thấy mấy vụ tai nạn xe hơi ở Việt Nam, mới phóng có 60km/h mà 2 xe đâm nhau đã tan tành thì phóng 120km/h mà tông nhau chắc không tan tành mới lạ.

 

Ở Mỹ, vào mùa hươu nai sinh sản mạnh, chúng thường chạy ra đường cao tốc và rất nhiều tai nạn chết người vì hươu, nai đã xảy ra. Cô bé người Sài Gòn học trường Arkansas nhưng có cậu người yêu học cùng trường với mình khi lái xe từ Arkansas sang Missouri thăm người yêu đã cho 1 em hươu về nơi chín suối cùng với em BMW nổi tiếng chắc chắn tan nát phần đầu. May mà người không bị làm sao, nhưng em nó cũng hồn siêu phách lạc vài ngày vị sợ khiếp vía. Do vậy, khi phóng xe qua các khu rừng vắng, cần cẩn thận chú ý biển cảnh báo có động vật chạy ngang đường. Mình cũng đã từng trải nghiệm một quả tương tự mà sợ muốn chết. Lần đó, mình đi road trip với 1 con bé Tây Ban Nha và 1 thằng Tanzania. Bọn kia mới sang Mỹ nên chưa quen lái, mình lái chính, nhưng do đường dài quá nên mình bị mệt nên mình đổi cho bé Tây Ban Nha lái 1 đoạn. Em này tuy to như con voi, nhưng lại nhát như con thỏ đế. Khi đi qua 1 khu rừng ở California, cách xa vài trăm mét, có 1 con hươu, em này giật mình đạp cái phanh như đạp thằng người yêu khi nói lời chia tay, làm chiếc xe phanh cháy cả đường, may mà đằng sau không có thằng xe tải hay xe container nào, chứ không giờ này chắc ngồi ngắm gà khỏa thân quá. Sau quả đấy, mình cho em xuống hàng ghế sau hoàn hồn để mình tiếp tục chặng đường dài cho dù rất mệt mỏi.

 

Anh chị bạn mình đang học Post-graduate ở bên bang Georgia bỗng một hôm post 1 bộ ảnh trên album chiếc xe bị méo mó, đầy máu, sợ quá hỏi ra mới biết là bị 1 thằng say xỉn tông. Rồi bạn Tú ở Rolla, Missouri, trổ tài drift trên đường tuyết làm thế nào mà bốn chân em Pathfinder chổng ngược lên trời, trong khi bạn vẫn bình an vô sự để về tiếp tục PhD, quả thật đáng kính nể.

 

 

Đồ uống có cồn

 

Một số bang bên Mỹ có quy định, công dân phải đủ 21 tuổi mới được sử dụng thức uống có cồn (bia, rượu) do vậy bạn nên lưu ý vấn đề này. Ở Việt Nam, các bạn cho dù 10 tuổi có thể cởi trần cầm chia bia tu ừng ực ngay giữa Hồ Gươm mà chả anh công an nào dám hỏi thăm, thì ở Mỹ bạn sẽ bị bắt vì phạm luật. Một số bạn trẻ khi qua Mỹ, do quen ở nhà thích bar bọt nên khi sang đó, thường tìm cách mượn ID của người khác trên 21 để đi bar, vì thực ra với tụi Mỹ thì tụi Á Châu đứa nào cũng như đứa nào, tóc đen, môi trầm, mắt thâm (vì học) như con gấu trúc cả nên đưa ID đứa khác cho nó kiểm tra trong chỗ tranh tối tranh sáng của quán bar thì chả nhận ra, nhưng điều này khá nguy hiểm, nhỡ bar có vụ ẩu đả, cảnh sát tới hốt hết về đồn mà họ phát hiện ra bạn dùng fake ID thì vô cùng rách việc đó. Do vậy, sang đó học, chịu khó mà uống Cocacola cho lành, khi nào sinh nhật 21 nhớ mua cả thùng bia về mà đổ vào bồn tắm để bơi cho đã nhé. Hehe

 

“Hấp diêm”

 

Chắc gần đây các bạn theo dõi báo chí, các bạn biết là ngành công nghiệp “hấp diêm” của Ấn Độ đang phát triển chóng mặt. “Khách hàng” kém may mắn của ngành công nghiệp này không chỉ có phụ nữ Ấn Độ, mà còn cả phụ nữ nước ngoài ở Ấn Độ nữa. Quả thực, mình rất tò mò, tiếc là mình không học PhD về tình dục học chứ nếu không mình sẽ làm về đề tài tiến sỹ để trả lời câu hỏi “Tại sao ngành công nghiệp “hấp diêm” lại phát triển ghê vậy ở Ấn Độ?”. Có lẽ đề tài này sẽ được trao giải “vì sự nghiệp bảo vệ phụ nữ” trao giải vào ngày 8/3 cũng nên. Thế nên, bạn nữ sinh Việt Nam nào mà du học Ấn Độ thì xin nhận của mình một lời cảm phục cho lòng dũng cảm đi vào “lòng địch” mà không sợ kẻ thù. Tôi đề nghị cấp học bổng du học Ấn Độ cho em gái xứ bọ thích khoe hàng Lê Thị Huyền Anh – nổi tiếng với nickname “Bà Tưng” hehe.

 

Chuyện hấp diêm thì đâu chỉ có Ấn Độ, trường mình bên Mỹ cũng rất nhiều. Thường là tụi da đen là những thủ phạm, chúng thường nhắm vào các bạn nữ đi học về muộn. Do vậy, nếu bạn phải lên thư viện học và về muộn vào buổi tối tốt nhất nên nhờ cảnh sát của trường chở về. Các trường của Mỹ đều có cảnh sát của trường, họ sẵn sàng trợ giúp bạn nếu bạn cảm thấy không an toàn. Mới đây, họ mới phát minh ra cái tất lông mà mình nghĩ các bạn nữ đeo vào, thì chắc thằng nào muốn “hấp diêm” cũng khiếp vía khi nhìn thấy hình ảnh này, không khéo sợ quá sau chả còn dám “hấp diêm” nữa ấy chứ.

 

 

Mà tôi có đọc trên báo nói là ngày xưa có loại quần trinh tiết bằng sắt thời La Mã khi các ông chồng ra trận thường yêu cầu vợ mặc để tránh bị cắm sừng, nếu mà bây giờ mặt hàng này còn sản xuất, tôi nghĩ các bạn nên mua một cái và cất khóa ở nhà. Chả may đi học về, gặp phải thằng muốn “hấp diêm” thì chắc cũng đành “ngậm ngùi nuốt chén đắng cay ra về” thôi.

 

 

Bị buộc tội hấp diêm

 

Cái tình huống này đúng là khá éo le. Chuyện này có thật, xin kể cho các bạn nghe. Chuyện này được cậu bạn thân của mình kể cho mình nghe, bởi lẽ chuyện này trong Hội du học sinh Trung Quốc tại trường mình ai cũng biết. Chuyện là có 1 em người Tàu khá xinh, nhưng tính tình thì hơi “bitchy” zai đẹp nào em cũng thích. Có 1 cậu Tàu khác bị sa vào lưới tình của em. Nhưng do vốn bản tính lẳng lơ, đĩ thõa nên em cứ ưỡm ờ với cậu này. Thế rồi một ngày đẹp trời, cậu này đến chỗ em này thuê trọ, rồi tụi nó làm cái gì thì chỉ có 2 đứa nó biết, trần nhà nó biết và cái giường nó biết. Thế là cuối cùng chả hiểu thế nào, con bé Tàu “nổi hứng” điện thoại cho cảnh sát báo là thằng kia định “hấp diêm” nó, thế là thằng cu kia chả biết có “sơ múi” được gì không nhưng bị bắt ngay lập tức và sau đó gặp rắc rồi rất lớn với cảnh sát bên Mỹ, vì tội “hấp diêm” ở Mỹ là khá nghiêm trọng.

 

Nói thế để các bạn nam lưu ý khi tiếp xúc với gái ở các nước khác, bởi do sự khác biệt ở văn hóa nên mình cứ nghĩ là chuyện “đơn giản như đan rổ” nhưng mà nhiều khi tình ngay lý gian, hoặc là mình đến nhà nó chơi, thấy nó mặc mát mẻ mà máu D lại nổi lên đùng đùng như uống nhầm Viagra thì thật mêt. Hoặc vớ phải con bé “chập cheng”, thiếu hơi giai mà chạm vào nó, nó lại la toáng lên rồi gọi công an bảo mình định “hấp diêm” thì đừng có mà đấm ngực mà thét lên rằng “quân tử không qua nổi ải mỹ nhân”. Quên cái nữa, là tụi du học Mỹ, đứa nào đứa ấy đều ăn uống đầy đủ chất nên trông rất phổng phao, nhớ kiểm tra ID xem tuổi thế nào, chứ “hấp diêm” trẻ em nữa thì đúng là sướng mấy tí, khổ cả đời.

  

Bị bắt nạt, bị cướp, bị trấn lột

 

Chuyện bị bắt nạt, bị cướp, bị trấn lột có lẽ không còn là chuyện lạ với du học sinh Việt Nam ở khắp mọi nơi trên thế giới nữa. Ở một số nước, việc du học sinh Á Châu bị sinh viên sở tại bắt nạt là điều phổ biến, chỉ có điều chúng ta là người ngoại quốc, chúng ta không biết báo vấn đề này với ai cả. Chứ ở các trường phổ thông của Mỹ, “bắt nạt” được coi là một vấn đề hệ trọng của hệ thống giáo dục Mỹ, đã có rất nhiều nghiên cứu trong ngành giáo dục về tác động của “bắt nạt” nên tâm lý của học sinh. Còn chuyện bị trấn lột hay cướp thì hay xảy ra với cả nam và nữ, đặc biệt vào đêm tối, những nơi vắng người do vậy nên hạn chế đi lại vào đêm khuya và đi một mình. Trong trường hợp gặp cướp hay trấn lột, tốt nhất hãy ngoan ngoãn nghe lời nó mà đưa cho nó tiền, đừng tìm cách chống cự mà khiến nó manh động rút súng là chả còn cơ hội nào để rút tiền từ ví ra để tiêu nữa đâu :((

  

Kỳ thị chủng tộc

 

Không biết các bạn còn nhớ vụ sinh viên Việt Nam du học tại Nga –  Vũ Anh Tuấn bị đầu trọc Nga giết vào khoảng 11 giờ đêm ngày 13 tháng 10 năm 2004, Vũ Anh Tuấn trên đường trở về nhà sau khi dự sinh nhật bạn mình, đến bến tầu điện ngầm gần Quảng trường Lev Tolstoi thì bất ngờ bị một đám người từ 16 đến 18 tên, mặc quần áo đen, đuổi đánh và dùng dao đâm nhiều nhát làm Tuấn chết ngay tại chỗ. Vụ giết người này đã gây căm phẫn trong dư luận xã hội Nga và các nước có sinh viên theo học tại Nga. Viện kiểm sát thành phố St. Peterburg đã khởi tố 17 bị can liên quan đến vụ án mạng. 14 tên trong số đó bị khởi tối với tội cố ý giết người vì kỳ thị chủng tộc. Ngày 17 tháng 10 năm 2006, tòa án thành phố St. Petersburg tuyên bố vô tội cho toàn bộ 17 nghi phạm trong vụ giết hại Vũ Anh Tuấn. Trong đó, 8 bị cáo được tuyên trắng án hoàn toàn và 9 người còn lại bị buộc tội liên quan đến các vụ tấn công khác nhằm vào người nước ngoài, trong đó có công dân Ghana, Azerbaijan, Palestine và Trung Quốc. Trong số 9 bị cáo kể trên, chỉ có hai người bị buộc tội hằn thù dân tộc, những tên còn lại bị buộc tội côn đồ và cướp của. Theo báo Tuổi trẻ, phán quyết này ngược với kết luận điều tra của cảnh sát St. Petersburg và bản cáo trạng của công tố nhà nước của Nga.

 

Hơn 4 năm sau vụ sinh viên Vũ Anh Tuấn bị giết tại Nga, 1 sinh viên Việt Nam nữa đã bị giết một cách dã man. Nạn nhân xấu số là Bình Chikki, hay còn gọi là Bình khỉ, tên thật là Tăng Quốc Bình, sinh năm 1988, quê Hải Dươn, là sinh viên năm nhất sinh viên Đại học Tổng hợp Quốc gia về Quản lý (GUU) đã bị đâm chết gần một nhà ga tàu điện ngầm ở Moscow (Nga), khi đang trên đường về nhà. Bình qua đời vào lúc 1h sáng ngày 10/01/2009 sau khi bị đâm trọng thương gần khu vực trường Plekhanov.

 

 

Đây là lời khuyên từ trang infovietnam, mà tôi nghĩ không chỉ áp dụng ở Nga mà áp dụng ở bất cứ nơi đâu du học sinh Việt Nam tới.

 

Trong những năm ở nước Nga, những quy tắc vàng đối với mọi sinh viên mà tôi được truyền thụ và trực tiếp rút ra là:

1. Đi trên đường mắt phải nhìn bốn phương, tai nghe tám hướng và khởi động sẵn chuẩn bị tư thế quay lưng chạy! (Đây chính là nguyên tắc quan trọng nhất)

2. Tuyệt đối không được có thái độ nghênh ngang khi đi trên đường.

3. Không ồn ào trong Metro, trên xe bus, trên xe điện! Không đứng đón xe bus, xe điện ở những nơi vắng vẻ.

4. Cố gắng hạn chế ra đường sau 7h đêm một mình! Luôn cố gắng về nhà trước 10h đêm và tốt nhất là sau 9h đêm mùa Đông nên đi taxi cho dù có đắt. (không có gì quý hơn mạng sống của bản thân!)

5. Luôn cố tạo ra các mối quan hệ xã giao với những người Nga lớn tuổi.

6. Trên xe bus, trên Metro cố gắng đứng gần các ông bà già Nga hoặc gần cảnh sát (nếu có). Đừng ham đứng gần con gái, không phải skinhead chỉ toàn là con trai!

7. Luôn phải có ít nhất một người biết hôm nay mình đi đâu!

8. Khi thấy một đám thanh niên đang đứng gần nhau trên vệ đường, tốt nhất không đi vào giữa đám, nên tìm đường khác mà đi!

9. Thấy những kẻ mặc áo da, đeo dây xích trên áo, tóc cắt ngắn sát đầu, cao to, bặm trợn tay chân xăm trổ nhiều thì quay đầu tìm đường khác vì 80% chúng là Đầu trọc!

10. Một lần nữa: Mắt nhìn bốn phương tai nghe tám hướng!

 

Nguồn: Fb Trần Ngọc Thịnh

Share.

Leave A Reply