SSDH – Là một sinh viên quốc tế chân ướt chân ráo bước vào môi trường Đại học, Cao đẳng Mỹ, chắc hẳn các bạn đều đã trải qua những lỗi thường gặp dưới đây.
Nếu bạn cũng từng phạm phải những lỗi này thì cũng đừng lo lắng bởi vì #youarenotalone. Vâng, tôi biết rất rõ vì chính bản thân tôi đã từng phạm phải ít nhất phân nửa những lỗi sắp kể dưới đây. Với những bạn đọc là tân sinh viên, bây giờ vẫn chưa quá muộn để sửa chữa lỗi lầm này. Hãy thay đổi, tự tạo ra cơ hội cho bản thân mình và biến những năm tháng đại học trở thành những trải nghiệm thú vị nhất.
1. Vắng mặt ở những ngày định hướng (orientation day)
Ngày định hướng là ngày học viên mới (sinh viên năm nhất hoặc chuyển tiếp) được giới thiệu tổng quan về trường, khuôn viên trường và chương trình học. Các bạn thông thường không tham gia vì nghĩ rằng ngày định hướng không thực sự quan trọng lắm. Nhưng thực sự ngày này lại rất rất cần thiết, đặc biệt là với các bạn sinh viên quốc tế. Có thể ngày hôm đó không có quá nhiều điều thú vị nhưng nó lại rất bổ ích, vì cho bạn biết khá nhiều thông tin quan trọng để dần dần làm quen với cuộc sống mới, môi trường mới.
Vì sao chúng ta KHÔNG nên vắng mặt trong ngày định hướng?
- Bạn được đưa đi tham quan một vòng trong khuôn viên trường. Ít nhất thì bạn cũng biết được khu vực nào nằm ở đâu, biết được đường đi lối bước để không bị lạc sau này J
- Bạn có dịp tìm hiểu về các chương trình học mà trường cung cấp.
- Bạn nhận được các tin tức quan trọng từ văn phòng sinh viên quốc tế.
- Bạn được trực tiếp gặp mặt và nói chuyện với giảng viên.
- Bạn được làm quen với nhiều bạn bè mới.
- Bạn nhận được những món đồ lưu niệm như bình đựng nước, kính mát, bút viết, sticker… và đương nhiên, thức ăn hoàn toàn miễn phí!
- Lý do quan trọng nhất là bạn sẽ đăng ký lớp học vào ngày này. The Tree Academy bổ sung thêm 1 điều cũng quan trọng không kém, đó là với những ai chưa đạt yêu cầu tiếng Anh, các bạn sẽ phải thi xếp lớp (English Placement Test) vào ngày định hướng này. Nhất quyết không được quên các bạn nhé!
Lời khuyên dành cho bạn
Nhất định phải tham gia buổi định hướng, đặc biệt là các bạn sinh viên quốc tế! Hãy hòa nhập và tận dụng tối đa cơ hội mà mình có được. Giới thiệu bản thân với giảng viên và những người bạn mới, tìm kiếm đồng hương, và nếu có bất kì thắc mắc gì, hãy mạnh dạn đặt câu hỏi.
2. Chỉ kết bạn với người đồng hương
Đây là điều mà hầu hết mọi sinh viên quốc tế điều mắc phải. Khi mọi thứ dường như vẫn còn quá mới mẻ, học trong một ngôi trường mới ở một đất nước xa lạ thì việc gặp gỡ bạn đồng hương chắc chắn mang đến cảm giác thoải mái, dễ chịu nhất. Nhất là khi bạn luôn cảm thấy có một rào cản nào đó khi giao tiếp với những người bạn ngoại quốc.
Khi mới du học Mỹ trong những năm trung học, thời gian đầu tôi chỉ giao tiếp với bạn từ Việt Nam vì tôi thấy khá dễ chịu và thoải mái khi ở cạnh họ. Tôi rất nhút nhát trong việc kết bạn với các bạn Mỹ, và nghĩ rằng họ không muốn làm quen với một đứa ngoại quốc như tôi. Nhưng dần dà, tôi nhận ra rằng bản thân mình rất muốn được tiếp xúc với các bạn đến từ những vùng đất, những nền văn hóa khác nhau trên thế giới, rằng tôi không đến Mỹ chỉ để kết bạn với người Việt Nam, vì điều này tôi hoàn toàn có thể làm khi ở nhà mà. Cuối cùng, khi lấy hết can đảm để bắt chuyện với mọi người tôi mới hiểu ra rằng việc đó không quá khó khăn như chúng ta vẫn tưởng tượng. Giờ đây bạn bè thân thiết của tôi đến từ khắp mọi nơi trên thế giới, từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ và đương nhiên có cả Việt Nam nữa.
Không phải tôi không cho rằng việc giao lưu với đồng hương là xấu, vì bản thân tôi cũng có rất nhiều bạn bè Việt tại Mỹ. Tôi khuyến khích các bạn nên bước ra khỏi “vùng thoải mái” của mình để làm quen với nhiều người đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau. Nếu có một ai đó nhìn bạn bằng một ánh mắt trêu chọc chỉ vì bạn là một sinh viên quốc tế không nói thạo tiếng anh, đừng bận tâm vì họ chỉ làm lãng phí thời gian của bạn. Tôi chắc chắn rằng luôn luôn có những sinh viên bản xứ và sinh viên quốc tế muốn được kết bạn và học hỏi từ bạn đó.
Lời khuyên dành cho bạn
Hãy chủ động chào hỏi và trò chuyện với các sinh viên quốc tế khác! Tìm hiểu về họ, cảm nhận sự đa dạng trong nền văn hóa mà các bạn đó mang lại, điều này không những giúp bạn nâng cao nhận thức về văn hóa thế giới mà còn mở rộng cho bạn những mối quan hệ xã hội, giúp bạn tự tin hơn và nổi bật hơn.
3. Không thực hành tiếng anh
Tôi muốn đề cập đến cả kỹ năng nói và viết tiếng Anh. Hầu hết các sinh viên quốc tế cho rằng việc giao tiếp cần thiết hơn nên dành nhiều thời gian để rèn luyện, mà lại quên rằng kỹ năng viết cũng quan trọng không kém! Đừng quên rằng bài luận tiếng Anh ảnh hưởng rất lớn đến kết quả học tập, hãy dành nhiều thờ gian luyện viết hơn nhé!
Lời khuyên dành cho bạn
“Practice, practice, pratice”. Hãy cứ luyện tập mỗi ngày, càng thực hành nhiều thì kết quả nhận được sẽ như bạn mong đợi. Dù thực tế hoàn toàn không dễ dàng để trở thành chuyên gia Tiếng Anh, nhất là nắm hết từ vựng phức tạp. Bản thân là một người sử dụng nhiều từ ngữ SAT trong đời sống, nhưng đến bây giờ thỉnh thoảng tôi vẫn còn lẫn lộn giữa mớ từ vựng khó nhằn này. Hãy nhớ rằng, một trong những lý do đi du học là để cải thiện tiếng Anh, hãy cứ thực hành và phạm lỗi. Một điều tưởng chừng là không thể thực hiện, nhưng nếu bạn thật sự tâm huyết và nỗ lực, tôi tin rằng cả hai kỹ năng nói và viết của bạn sẽ tiến bộ không ngừng!
Thường xuyên trò chuyện với người bản xứ sẽ giúp nâng kỹ năng giao tiếp tiếng Anh của bạn lên một tầm cao hơn. Hãy nhờ họ sửa lỗi phát âm và ngữ pháp mỗi khi bạn nói. Tham gia vào những buổi thảo luận với các giảng viên, bạn bè cũng là một cách hay. Bạn cũng có thể viết bằng tiếng anh nhiều hơn và nhờ bạn bè, giảng viên của mình đọc thử. Đơn giản hơn nữa, đừng bỏ qua việc xem chương trình truyền hình của Mỹ hoặc đọc những quyển sách bán chạy nhất. Có rất rất nhiều cách để luyện tập tiếng Anh, quan trọng là bạn phải có đủ quyết tâm, sự kiên trì và biết rút kinh nghiệm từ những lỗi lầm trước đây.
4. Không tham gia các hoạt động của trường
Bạn đặt quyết tâm đạt GPA 4.0; hay bạn cực kì bận rộn vì phải nhồi nhét 20 tín chỉ và chẳng còn thời gian để làm gì khác; hoặc bạn còn bỡ ngỡ và vẫn đang tìm cách hòa nhập vào một môi trường đầy lạ lẫm này. Dù với lý do nào đi chăng nữa, trên thực tế có rất nhiều sinh viên chỉ quan tâm đến chuyện học trên lớp, lấy điểm tốt mà không chút bận tâm tham gia hoạt động của trường, như những câu lạc bộ sinh viên, hoạt động cộng đồng và các công việc tình nguyện xã hội.
Khi là sinh viên năm nhất ở Đại học Occidental, hầu hết thời gian tôi dành cho chuyện học và học. Cho đến học kỳ hai, tôi nhận ra đó là một sai lầm và bắt đầu tham gia vào những câu lạc bộ khác nhau. Thông qua đó mà tôi kết thêm được nhiều người bạn tuyệt vời và học được nhiều kỹ năng cực kì hữu ích. Thậm chí tôi còn xung phong trở thành trưởng nhóm vì muốn đóng góp nhiều hơn nữa cho những câu lạc bộ này.
Lời khuyên dành cho bạn
Hãy tham gia vào những ngày hội ngoại khóa của các tổ chức sinh viên, câu lạc bộ! Nói nôm na thì đây là ngày giới thiệu tất cả các câu lạc bộ đội nhóm của trường, và để họ tuyển thêm những thành viên mới. Một cơ hội tuyệt vời cho những bạn không biết bắt đầu từ đâu! Đại diện cho mỗi câu lạc bộ luôn ở đó để giải đáp những thắc mắc và khuyến khích bạn đăng ký tham gia nhóm của họ. Ngoài ra, bạn có thể tiếp cận với những câu lạc bộ mà mình quan tâm bằng cách gửi mail hoặc tìm trang facebook để cập nhật thông tin.
Một lưu ý nho nhỏ là đừng tham gia vào quá nhiều câu lạc bộ nếu bạn không muốn mình quá tải, nên nhớ là bạn còn phải dành thời gian cho việc học và nhiều thứ khác nữa! Đầu tiên bạn nên đăng ký tất cả các câu lạc bộ mà bạn quan tâm, tham dự các buổi họp trước khi quyết định chọn câu lạc bộ mà mình thật sự muốn cống hiến trong thời gian dài. Nếu đã hoạt động nhiều hơn một học kỳ và bạn cảm thấy tâm huyết với nơi đó thì hãy thử xin vào vị trí lãnh đạo. Đó là cơ hội tuyệt vời để chứng kiến sự phát triển từng ngày ở nơi mà mình quản lý và học được nhiều kinh nghiệm lãnh đạo.
Hoạt động trong các tổ chức sinh viên, tham gia tình nguyện sẽ giúp bạn có thêm nhiều bạn bè mới. Một số người nghĩ rằng, “ừ thì trong lớp mình cũng làm quen bạn mới được mà”, nhưng đó suy cho cùng chỉ là “bạn cùng lớp” mà thôi. Tham gia các câu lạc bộ, chúng ta gặp được những người cùng sở thích, cùng mục đích (câu lạc bộ nhảy salsa, câu lạc bộ tiếng Ý, câu lạc bộ quản lý kinh doanh…) Hãy tìm hiểu họ ngay bên ngoài lớp học và tạo dựng mối quan hệ thân thiết hơn. Bản thân tôi có những người bạn thân nhất là do quen biết từ các câu lạc bộ ngoại khóa đấy!
5. Lơ là sức khỏe bản thân
Những thói quen sinh hoạt hằng ngày của sinh viên thường là ngủ muộn, ngủ không đủ giấc, ăn uống các món không có lợi cho sức khỏe, và không tập thể dục. Khi không còn ở quê nhà, chúng ta thường rất dễ quên việc chăm sóc bản thân mình. Đôi khi các sinh viên bản xứ cũng mắc phải những thói quen này. Phần lớn do chúng ta quá nhiều bài vở, phải thức thâu đêm suốt sáng để chuẩn bị cho thi cử. Hoặc đôi khi vì quá hào hứng muốn thử hết tất cả các loại thức ăn mới lạ, các nhà hàng mà lại quên mất sự điều độ trong việc ăn uống.
Không thể nào đánh giá thấp tầm quan trọng của việc chăm lo sức khỏe bản thân. Bạn sẽ không muốn mình bị bệnh phải nằm trên giường cả ngày chỉ vì ăn uống ngủ nghỉ không điều độ, đúng không nào? Hãy yêu và trân trọng chính bản thân chúng ta bằng cách chăm sóc sức khỏe tốt, duy trình thói quen lành mạnh để có thể hoàn thành tốt việc học và mọi hoạt động khác.
Lời khuyên dành cho bạn
- Một vài lời khuyên giúp bạn sống lành mạnh và chú ý giữ gìn sức khỏe:
- Ngủ ít nhất 6 tiếng (lý tưởng nhất là từ 6 đến 8 tiếng).
- Uống 2 lít nước mỗi ngày (những ngày thời tiết nóng nực bạn có thể tăng gấp đôi số đó để tránh bị mất nước).
- Ăn nhiều trái cây và rau củ quả (nếu thèm ăn vặt khi học bài đêm, hãy thưởng thức trái cây tươi hoặc rau củ thay vì khoai tây chiên, kem và các đồ ăn nhiều calories khác).
- Tránh ăn tinh bột và các thực phẩm nặng khác sau 10 giờ tối vì sẽ mất rất nhiều thời gian để tiêu hóa.
- Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày (ví dụ như chạy bộ, nhảy dây, bơi lội, chơi bóng rổ v.v..)
- Đừng quên tiêm ngừa cúm và một số vắc-xin khác hằng năm để đề phòng bị nhiễm bệnh.
6. Không khám phá nơi bạn đang sống
Tôi đã không tìm hiểu LA và thành phố lân cận cho đến năm thứ ba Đại học. Một sai lầm cực kì tệ hại! Trong những năm đầu, tôi chỉ biết một vài cửa hàng và nhà hàng quanh khu vực tôi sống. Tôi hay ngụy biện bằng cách nói rằng “Lúc ấy mình không có xe hơi”, và “Hầu hết bạn bè tôi cũng không có” nên không đi lại nhiều lắm, thực ra cũng vì tôi có một chút sợ hãi nếu phải một mình khám phá LA.
Sau này mỗi khi nghĩ lại, tôi tiếc hùi hụi vì thấy mình đã bỏ qua quá nhiều cơ hội, quá nhiều điều thú vị. Có nhiều thứ đáng lẽ tôi có thể làm ở LA – một nơi được gọi là thủ đô sáng tạo của thế giới như tham dự các buổi hòa nhạc, đi đến bãi biển hoặc nơi buôn bán nông sản…
Lời khuyên dành cho bạn
Bắt đầu lên kế hoạch khám phá thành phố bạn đang sống! Mỗi nơi, mỗi bang, mỗi vùng miền luôn có những điều khác biệt, độc đáo riêng của nó. Hãy chụp lại những khoảnh khác khác biệt ấy, tạo thành một album để chia sẻ với gia đình và bạn bè!
Nếu là người yêu thích mạo hiểm, hãy đi đến các thành phố xa hơn hay thậm chí là quốc gia khác. Tôi đã nhiều lần đi từ quận Cam đến Bắc California với gia đình và bạn bè. Trên đường đi tuy không hẳn là vui (lái xe mất 6-8 tiếng và có thể còn lâu hơn tùy thuộc vào thời gian khởi hành và lộ trình mà bạn chọn) nhưng tôi và những người thân trở nên khắn khít hơn. Trong các chuyến đi, bạn cũng đừng quên dừng chân tại các trạm xăng và các cửa hàng trên đường để “nạp năng lượng” nhé!
Nếu có xe hơi thì mọi thứ lại càng tiện lợi hơn, bạn có thể đi tham quan bất kì nơi nào mình thích, có thể đi một mình hay với bạn bè. Ở khu vực phía Nam California, nếu có xe hơi thì mọi sinh hoạt đều tiện lợi và dễ dàng hơn. Ngoài ra, nếu bạn đã có bằng lái nhưng chưa có xe, bạn có thể thuê ngắn hạn thông qua Zipcar, GetAround, Enterprise Rent-A-Car. Với ai vẫn chưa thi bằng lái thì cũng an tâm nhé, hãy sử dụng dịch vụ Uber hoặc các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm, hoặc taxi. Nếu bạn lo ngại về an toàn hay không dám đi một mình thì hãy rủ bạn bè đi cùng! Càng đông càng vui mà!
7. “Cúp” học thường xuyên và bỏ các buổi giải đáp thắc mắc của giảng viên
Đến với bậc Đại học hay Cao đẳng, việc điểm danh không còn quan trọng nữa, do đó tình trạng “cúp” học cũng thường xuyên xảy ra. Lý do thì vô số kể, có bạn muốn ngủ thêm một chút sau một đêm nhồi nhét bài vở chuẩn bị cho thi cử, hay phải tham dự buổi phỏng vấn thực tập, hay nhiều lúc chỉ đơn giản là cảm thấy hôm đó chẳng muốn đi học chút nào.
Tôi thừa nhận rằng mình đã trốn học khá nhiều khi học đại học. Đôi khi có những lý do chính đáng nhưng hầu hết chỉ là cảm giác không muốn đến lớp. Trong năm thứ ba đại học, tôi có lớp kinh tế lúc 8 giờ sáng, thực sự thì giờ đó quá sớm, nên trong suốt học kỳ tôi chỉ đi nghe giảng có 3 lần. Mặc dù vậy, tôi vẫn đạt điểm cao nhất trong bài giữa kỳ, nhận được điểm A trong lớp. Đó hoàn toàn là may mắn, vì có thể là do môn này khá dễ hoặc tôi có năng khiếu môn này chăng (không, tôi chả có khiếu môn này chút nào!) Nhưng không phải lúc nào cũng may mắn được như vậy nếu chúng ta thường xuyên bỏ học. Tôi cũng “cúp” nhiều lớp học khác. Cuối cùng tôi nhận được hậu quả khôn lường và phải nhọc công “cày” để theo kịp lại với lớp.
Tại sao chúng ta không nên “cúp” học?
- Bạn có thể bỏ lỡ một số tư liệu quan trọng, như những lời dặn dò và bí kíp cho bài kiểm tra sắp tới.
- Giảng viên có thể đặt câu hỏi để sinh viên lấy điểm cộng, hoặc cho bài kiểm tra đột xuất chiếm 10% tổng điểm cuối kỳ.
- Giảng viên bỗng nhiên “có hứng” điểm danh hoặc gọi tên bạn bất chợt! Và thế là bạn mất điểm cho ngày hôm đó!
- Mượn vở của bạn để chép lại bài đôi khi vẫn không đủ những nội dung cần thiết.
- Bạn có muốn lãng phí số tiền mấy nghìn đô học phí đã đóng cho trường?
Lời khuyên dành cho bạn
Hãy tham dự đầy đủ các buổi học! Đừng để cơn lười biếng trấn áp lý trí nhé J Nếu buộc phải nghỉ vì một lý do quan trọng nào đó, hãy mượn lại sổ ghi chú của bạn cùng lớp và cố gắng theo kịp bài học ngày hôm đó bằng cách xem slide bài giảng và đọc kĩ nội dung trong sách. Tôi chắc chắn rằng không ai muốn nhận con “F” to tướng vì bỏ học quá nhiều buổi, đúng không?
Tôi khuyên bạn nên thường xuyên tham dự các buổi giải đáp thắc mắc của giảng viên. “Office hours” được lập ra để giảng viên và trợ giảng giúp đỡ sinh viên ngoài giờ học trên lớp, giải đáp thắc mắc, làm rõ hơn các khái niệm phức tạp, hướng dẫn bạn làm bài luận, và thậm chí họ còn đưa ra lời khuyên việc làm cho sinh viên. Đây là một cơ hội tốt để hiểu rõ hơn về giảng viên – những con người tuyệt vời với nhiều năm kinh nghiệm. Vì thế hãy tận dụng tối đa từng giây phút của buổi tư vấn nhé! Tôi từng có một cuộc hẹn 15 phút với giảng viên của mình. Nhưng cuối cùng chúng tôi ngồi chia sẻ với nhau chuyện việc làm và sự nghiệp tương lai trong suốt cả 1 tiếng đồng hồ.
8. Không đặt câu hỏi hoặc đề nghị giúp đỡ khi gặp khó khăn
Tôi mắc phải sai lầm này trong suốt năm đầu học ở Mỹ, tôi muốn chứng minh cho mọi người thấy rằng mình hoàn toàn có khả năng và không cần bất kỳ sự giúp đỡ nào cả. Vì vậy, tôi luôn phải tự “vật lộn” để trả lời cho mớ câu hỏi bài tập mà đáng lý ra sẽ dễ dàng hơn nếu nhờ ai đó giúp đỡ. Thể hiện bản thân đang gặp khó khăn không hoàn toàn là một điều xấu, cũng không sao nếu thừa nhận là mình không biết. Suy cho cùng, chẳng có ai là hoàn hào cả và cũng có rất nhiều điều nên học hỏi từ những người bạn xung quanh mình.
9. Quên cập nhật chữ ký hợp lệ cho I-20 của bạn
Nếu bạn có kế hoạch đi du lịch ngoài nước Mỹ (ví dụ như trở về nhà trong kì nghỉ hè, tham gia vào chương trình du học ngắn hạn trong kì nghỉ xuân, hoặc đi du lịch đến nước khác), bạn phải xin một chữ ký từ văn phòng sinh viên quốc tế trên I-20, để chứng minh sự cho phép của nhà trường trước khi rời khỏi nước Mỹ và bạn vẫn đang duy trì tốt tình trạng visa F1 của mình. Nếu không có chữ ký này, bạn có thể không vào lại nước Mỹ được nữa! Thông thường chữ ký của trường có giá trị 1 năm, nhưng một vài cố vấn của trường khuyên nên xin chữ ký mới vào mỗi 6 tháng, đặc biệt khi bạn có kế hoạch nộp đơn xin visa mới ở nước ngoài. Tốt hơn hết, bạn hãy hỏi thật kỹ các cố vấn của phòng sinh viên quốc tế để phòng ngừa những rắc rối có thể phát sinh sau này.
Lời khuyên dành cho bạn
Trước khi rời khỏi nước Mỹ, hãy ghé qua bộ phận quản lý sinh viên quốc tế, hỏi xem trường hợp của bạn có cần xin một chữ ký mới cho I-20 hay không. Bạn nên nhớ là đặt lịch hẹn với họ trước ngày đi 3 – 4 tuần, vì sẽ mất một khoảng thời gian để họ xét duyệt và xử lý vấn đề cho mình. Lúc trước tôi hoàn toàn không biết gì về điều này, nên chỉ đến gặp cố vấn 3 ngày trước ngày khởi hành về nhà, và họ nói rằng không thể xử lý yêu cầu của tôi trong thời gian ngắn như vậy được. Tôi thật sự rất hoang mang khi nghe nói vậy. Thế nên để ngăn chặn những cảm xúc giận dữ, thất vọng, hoảng loạn, để không phải khóc lóc tỉ tê và van xin nhân viên nhà trường, hãy lên kế hoạch và đặt lịch hẹn với cố vấn thật sớm trước ngày khởi hành chuyến đi bạn nhé!
Ngoài ra, nếu bạn có đổi chuyên ngành, bậc học, hay muốn dời ngày tốt nghiệp, hãy thông báo cho bộ phận sinh viên quốc tế vì bạn sẽ phải cập nhật I-20 mới.
Nguồn: Study Abroad Corner