SSDH – Khi chuyện tình cảm gặp những đổ vỡ, bạn chán nản, không có tinh thần để làm bất cứ việc gì, học tập cũng không ngoại lệ. Thậm chí, nếu chạy theo “xu hướng” sống gấp, yêu gấp dẫn đến sự hời hợt, dễ dãi trong tình yêu sinh viên sẽ phải đối mặt với những hậu quả đáng tiếc…
Yêu đương không có điểm dừng
Quãng đời sinh viên là khoảng “kí ức thanh xuân” đẹp đẽ của mỗi người. Ở đó có thầy cô bạn bè, và không ít những mối tình đẹp của các bạn sinh viên. Và yêu đương trên giảng đường đại học không còn là điều gì quá xa lạ. Có những chuyện tình yêu thực sự làm chỗ dựa tinh thần cho học tập, hai người giúp nhau cùng tiến. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát được hành vi, quá sa đà vào chuyện yêu đương thì sự nghiệp học hành của bạn sẽ có nguy cơ dang dở…
Thực tế, có những sinh viên để chuyện tình yêu ảnh hưởng quá nhiều đến học tập. Khi đang trong giai đoạn yêu đương thắm thiết, thì dành quá nhiều thời gian cho người ấy, không có thời gian học tập. Khi chuyện tình cảm gặp những đổ vỡ, lại chán nản, không có tinh thần để làm bất cứ việc gì, học hành cũng không ngoại lệ. Thậm chí, nếu chạy theo “xu hướng” sống gấp, yêu gấp dẫn đến sự hời hợt, dễ dãi trong tình yêu sẽ khiến sinh viên vấp phải những hậu quả đáng tiếc dẫn đến việc bỏ dở việc “đèn sách”. Vậy nên, mỗi sinh viên hãy biết cân bằng giữa tình yêu và học tập, biết lấy tình yêu làm động lực và mục tiêu cho học tập. Đặc biệt, hãy có quan niệm lành mạnh về tình yêu!
Làm thêm có nhiều tiền mua sắm… để rồi chểnh mảng học tập
Khi đang còn ngồi trên giảng đường đại học, tìm kiếm cho mình một công việc làm thêm không chỉ giúp sinh viên tăng thêm thu nhập mà còn cho các bạn những kinh nghiệm, những va vấp từ cuộc sống thực tế. Tuy nhiên, hiện nay, rất nhiều sinh viên vì những lý do khác nhau đã không cân bằng được giữa việc làm thêm và học tập. Công việc làm thêm quá nhiều, sau khi làm xong thì lại mệt mỏi, không đủ sức khoẻ cũng như thời gian để hoàn thành việc học.
Số tiền kiếm được trước mắt giúp bạn thỏa mãn được những sở thích cá nhân ở thời điểm hiện tại như mua sắm, du lịch… do đó bạn đặt việc làm thêm cao hơn việc học. Lâu dài, việc này sẽ khiến sinh viên chểnh mảng việc học, học lại, thi lại… và con đường ra trường trở nên mịt mù. Làm thêm không sai nhưng hãy sắp xếp thời gian hợp lý để vẫn đảm bảo việc học. Đừng vì chút lợi ích ngắn hạn phía trước mà dở dang chuyện học hành – tạo nền tảng cho tương lai.
Suy nghĩ học cao khó lấy được chồng
Chúng ta vẫn nói với nhau rằng, cuộc sống hiện đại, nam nữ bình đẳng. Thực tế cuộc sống cũng đã chứng minh điều đó, trong nhiều ngành nghề khác nhau, phụ nữ vẫn đứng ở một vị trí nhất định, không thua kém gì nam giới. Tuy nhiên, đâu đó trong môi trường học đường, vẫn có những suy nghĩ kiểu “học cao khó lấy chồng”. Hoặc cũng có thể bạn bị áp lực từ phía gia đình, rằng “Con gái chỉ cần tìm được người chồng tốt, có gia đình ổn định là được, học lắm làm gì?” từ các bậc phụ huynh.
Nhưng nếu chỉ vì nguyên nhân này, mà từ bỏ việc học hành của mình thì không đáng. “Người kia” nếu chỉ vì bạn có tri thức mà từ chối chuyện tình cảm, thì bạn cũng không cần nuối tiếc một người như thế. Hãy suy nghĩ chín chắn, xem cái bạn cần thật sự là gì? Lắng nghe lời khuyên của bố mẹ, nhưng cũng đừng quên chính kiến riêng của mình! Chỉ cần có ý chí, có quyết tâm và thật bình tĩnh bạn sẽ biết mình nên làm gì.
Theo: Kênh 14