SSDH – Trẻ tuổi ai cũng ham chơi nhưng chơi mà vẫn đảm bảo việc học hành mới gọi là “đú” có kế hoạch, có phong cách và văn minh. Nghĩa là bạn sẽ không bỏ lỡ những kiến thức khi “thời điểm vàng” của trí tuệ đang có khả năng lĩnh hội cao nhất cũng chẳng lơ là việc tích lũy kĩ năng sống. Xin giới thiệu với bạn 11 điều sau đây, điều mà bạn nào cũng ước rằng giá như họ biết trước khi bước chân vào ngưỡng cửa đại học.
1. Thời gian là vô giá nên hãy tận dụng nó hết mức có thể
Trước khi bước vào học kì đầu tiên, bạn nên tìm hiểu và lên kế hoạch về việc sẽ sử dụng quỹ thời gian của mình ra sao cũng như tìm kiếm các công việc, hoạt động mà bạn thấy hữu ích. Hãy quan tâm đến cả các hoạt động diễn ra ngoài trường – trong thành phố nơi bạn sẽ sống và làm việc trong thời gian tới. Đại học chính là một bước “bản lề” đối với sự nghiệp và cuộc sống sau này nên đừng bỏ phí bất cứ giờ phút nào. Đừng quên sẵn sàng nắm bắt và tận dụng mọi cơ hội mà bạn có!
2. Chăm chỉ tạo dựng các mối quan hệ
Bạn sẽ không thể biết trước rằng người bạn tri kỉ sau này hay đối tác tương lai của mình lại có thể chính là những thành viên cùng câu bộ thời đại học. Vậy nên hãy tham gia vào các chương trình giới thiệu dành riêng cho tân sinh viên. Bạn có thể sẽ thấy chúng rất hữu ích trong việc tìm kiếm các câu lạc bộ phù hợp với sở thích của mình.
3. Điểm số được đặt ra không chỉ để qua mà là để thể hiện khả năng của bạn
Kiếm tiền từ công việc bán thời gian rất quan trọng ở thời điểm hiện tại, song việc có được kết quả học tập xuất sắc sẽ là sự chuẩn bị chu đáo cho cuộc sống sau này. Cho dù bạn có quyết định học lên cao học hay không thì một bảng thành tích học tập tốt cũng có thể sẽ rất hữu ích trong tương lai.
4. Thiết lập thời gian biểu cho việc tự học
Đại học là một môi trường rộng lớn và hoàn toàn khác biệt so với trung học, bạn không thể chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào những gì giáo viên truyền đạt trên lớp. Chính vì thế, bạn cần tự động viên và ngiêm khắc với bản thân trong việc dành thời gian nghiên cứu các bài giảng sau giờ học. Đôi khi, đó lại là lúc những kiến thức bổ ích nhất được tìm thấy.
5. “Đừng ngại tham gia các hoạt động tình nguyện”
Từng là tình nguyện viên hay có kinh nghiệm làm việc tại tờ báo của trường cũng có thể lý do khiến nhà tuyển dụng lựa chọn bạn giữa hàng ngàn những sinh viên vừa tốt nghiệp khác. Việc chứng tỏ mình là một người năng động, sẵn sàng đóng góp cho cộng đồng sẽ giúp bạn được đánh giá cao hơn. Bên cạnh đó, là một tình nguyện viên bạn sẽ được đóng góp lại cho xã hội và cảm thấy cuộc sống trở nên có ích hơn.
6. Đừng ngại ngần việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ ai đó
Năm nhất đại học có thể sẽ là năm khó khăn nhất bởi đây là lúc bạn phải học cách thích nghi với một cuộc sống hoàn toàn mới. Vậy nên điều đó là hoàn toàn bình thường nếu bạn cần nhận được những sự giúp đỡ. Hãy chắc chắn rằng liệu trường đại học của bạn có các dịch vụ hỗ trợ như các lớp học, hội thảo miễn phí hay cố vấn về học thuật hay không. Tất cả đều bao gồm trong học phí nên đừng quên tận dụng chúng thật triệt để.
7. Hãy chú trọng tới giấc ngủ
Trên thực tế, đảm bảo việc ngủ đủ giấc là ưu tiên hàng đầu. Không thể phủ nhận rằng sẽ có vài đêm bạn phải thức muộn để làm việc, song điều quan trọng hơn hết vẫn là chăm sóc cơ thể và sức khoẻ của bạn. Dù cho khối lượng bài vở có nhiều đến đâu thì bạn vẫn nên tuân thủ đúng nhịp sinh học thông thường. Hãy tin tôi đi, cơ thể của bạn sẽ rất biết ơn điều đó và khả năng tập trung của bạn sẽ tăng lên đáng kể đấy.
8. Tìm kiếm kinh nghiệm bên ngoài biên giới quốc gia
Học tập không có nghĩa là bạn không thể đi du lịch cho đến khi nhận được bằng tốt nghiệp. Trên thực tế, kinh nghiệm học tập hay làm việc ở nước ngoài được các nhà tuyển dụng rất lưu tâm. Tìm kiếm các chương trình trao đổi sinh viên hay các học bổng quốc tế càng sớm càng tốt để bạn có thể chuẩn bị hồ sơ cá nhân ngay từ bây giờ.
9. Học thêm một ngoại ngữ
Biết cách sử dụng một ngôn ngữ khác ngoài tiếng mẹ đẻ không chỉ giúp bạn trong những chuyến du lịch với bạn bè mà còn trở thành yếu tố làm nhà tuyển dụng để mắt tới bạn. Nếu bạn không có môn học nào là ngoại ngữ thì hãy tìm kiếm những chương trình trao đổi du học sinh để tăng cường khả năng sử dụng thứ tiếng khác của mình.
10. Luyện tập thể dục cho cả trí óc lẫn cơ thể của bạn
Hãy nhớ tập thể dục không chỉ là việc để có được một cơ thể cường tráng! Cho dù là đi bộ, chạy bộ, bơi lội hay luyện tập tại các phòng tập thể hình thì cũng có vô vàn những cách khác nhau vừa tiết kiệm, vừa hiệu quả để bạn giữ được cơ thể mình luôn khoẻ mạnh. Khi thấy áp lức của các kì thi đang trở nên quá sức, hãy ra ngoài đi dạo, tập yoga hoặc đơn giản là “chảy mồ hôi” cùng bạn bè ở đội bóng.
11. Sống chậm lại và tận hưởng những điều xung quanh
Khi đã bắt đầu quen với nhịp sống và cường độ làm việc ở đại học, bạn có thể cho phép mình nghỉ ngơi và dành nhiều thời gian hơn cho những sở thích của mình. Nhưng lời khuyên tốt nhất chính là hãy thưởng thức những thành công nho nhỏ của bản thân. Mỗi lần như vậy, hãy nhìn lại chính mình để cảm thấy tự hào vì bạn đã làm việc chăm chỉ và tiến bộ như thế nào!
Ánh Dương (SSDH) – Theo Unsw.edu