Sẵn sàng du học – Dù là tân sinh viên hay sắp rời xa cánh cổng đại học, đừng bao giờ ngừng học hỏi nâng cao tri thức của bản thân để không phải hối tiếc rằng: “Giá như trước kia mình chăm chỉ học hành hơn thì…”!
1. Lên đại học tha hồ mà chơi
Giảng đường đại học không quá bắt buộc phải đến lớp đầy đủ như cấp 3, ở giảng đường đại học giáo viên cũng sẽ không thông báo đến phụ huynh hôm nay bạn cúp học hay bỏ tiết vì số học sinh có thể lên đến hàng trăm… Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn “tha hồ” được chơi! Bạn có thể cúp tiết nhưng điều đó sẽ ảnh hưởng đến kiến thức của bạn, hạ điểm chuyên cần của bản thân. Sẽ chẳng ai thúc ép bạn học và bạn có thể không nỗ lực trước những kì thi nhưng phải đối mặt với những lần học lại và thi lại, trì hoãn việc ra trường.
Vậy mới nói, mỗi sinh viên cần xác định rõ mục tiêu và việc cần ưu tiên số 1 của mình là học tập và hãy tập trung làm thật tốt việc này. Nếu bạn không tự giác, không thấy được tầm quan trọng của việc học thì sẽ dễ dàng “tự cho phép” mình cúp tiết đôi khi không vì lý do gì cả! Dù là tân sinh viên hay sắp rời xa cánh cổng đại học, đừng bao giờ ngừng học hỏi nâng cao tri thức của bản thân để không phải hối tiếc rằng: “Giá như trước kia mình chăm chỉ học hành hơn thì…”!
2. Dành nhiều thời gian cho chuyện tình cảm
Không giống như ở các cấp học dưới việc yêu đương đang còn là vấn đề gây nhiều tranh cãi thì bước vào môi trường đại học, chuyện tình của những cô cậu sinh viên sẽ thoải mái hơn nhiều. Và khi “chân ướt chân ráo” bước vào môi trường đại học – đây cũng là một trong những trải nghiệm tuyệt vời của các tân sinh viên. Nhưng đừng “biến tướng” tình yêu, đừng tốn quá nhiều thời gian cho việc này vì dù gì ưu tiên của bạn vẫn là việc học.
Yêu đại một người nào đó để không thua kém vài người bạn suốt ngày khoe “gấu”?
Chỉ vì mải mê yêu đương mà không thiết tha học hành, thả mình vào những cuộc chơi thâu đêm, suốt sáng?
Hay sẵn sàng vì một đích đến mơ mộng nào đó của tình yêu mà từ bỏ học tập…?
… Nếu cứ bất chấp yêu đương kiểu vậy, thì tình yêu nơi thanh xuân vườn trường của bạn chẳng còn là thứ tình yêu thời sinh viên – không quá ngây ngô, bồng bột cũng chẳng dính dáng đến vật chất, những tính toán của người lớn. Vậy mới nói, hãy cứ theo đuổi tình yêu, chỉ là đừng mù quáng, đừng khiến chúng trở thành những rào cản tiêu cực ở những năm tháng trên giảng đường bạn nhé!
3. Không gian học tập chỉ giới hạn ở phòng trọ
Trong kỳ học đầu tiên, các tân sinh viên thường chỉ học tập trong phòng trọ của mình và thường thì các bạn chẳng rời khỏi chiếc giường hay bàn gấp của mình cùng laptop. Và sự thật là, học tập trong không gian như vậy khiến bạn cảm thấy bí bách và có nhiều yếu tố gây mất tập trung hoặc có thể ngủ thiếp đi trong lúc học. Nhưng thực tế, sinh viên không nên bó hẹp không gian học tập của mình.
Ngoài phòng học tại nhà, thư viện, vườn trường, những quán cafe với không gian thoáng, yên tĩnh, bài trí đẹp được xem là một trong những địa điểm học lý tưởng đang được các bạn học sinh, sinh viên lựa chọn…Không gian học tập phù hợp sẽ đảm bảo quá trình tập trung học tập, giúp bạn có thêm động lực và hứng khởi học hành. Bạn nên tạo một không gian học tập thoáng mát, thoải mái, gọn gàng… miễn là không gian ấy phù hợp với bản thân, để tạo hứng thú cho việc học.
4. Mải mê làm thêm bỏ bê học hành
Tâm lý chung của các tân sinh viên thường là mong muốn tìm kiếm cho mình một công việc làm thêm không chỉ giúp tăng thêm thu nhập mà còn cho các bạn những kinh nghiệm, những va vấp từ cuộc sống thực tế. Tuy nhiên, hiện nay, rất nhiều sinh viên vì những lý do khác nhau đã không cân bằng được giữa việc làm thêm và học tập. Công việc làm thêm quá nhiều, sau khi làm xong thì lại mệt mỏi, không đủ sức khoẻ cũng như thời gian để hoàn thành việc học.
Số tiền kiếm được trước mắt giúp bạn thỏa mãn được những sở thích cá nhân ở thời điểm hiện tại như mua sắm, du lịch… do đó bạn đặt việc làm thêm cao hơn việc học. Lâu dài, việc này sẽ khiến sinh viên chểnh mảng việc học, học lại, thi lại… và con đường ra trường trở nên mịt mù. Làm thêm không sai nhưng hãy sắp xếp thời gian hợp lý để vẫn đảm bảo việc học. Đừng vì chút lợi ích ngắn hạn phía trước mà dở dang chuyện học hành – tạo nền tảng cho tương lai.
Thu Phương (SSDH) – Theo kenh14.vn