Quá trình khổ luyện để thành thạo tiếng Anh của Hà Anh

0

Sẵn sàng du học – Theo siêu mẫu, phụ huynh có thể cho con học ngữ pháp người Việt, nhưng nếu có điều kiện nên cho luyện nói với người bản xứ.

sieu-mau-ha-anh

Hà Anh cho biết, dù được tiếp xúc tiếng Anh từ nhỏ và học chuyên Anh nhưng khi ra nước ngoài học, cô mất hai năm đầu để hòa nhập ngôn ngữ.

Dan Hauer, thày giáo tiếng Anh người Mỹ, mới đây “châm ngòi” cho cuộc tranh cãi về cách phát âm, sau khi đăng video “Khi người Mỹ nghe tiếng Anh của người Việt”. Video ghi lại cảnh bố mẹ Dan bối rối vì không hiểu giáo viên tiếng Anh người Việt đang nói gì. Nhiều ý kiến đứng về phía Dan nhưng cũng không ít bình luận “ném đá” và cho rằng anh “chơi xấu” hay cạnh tranh không lành mạnh. Một số phụ huynh trở nên hoang mang khi không biết gửi con vào đâu học mới yên tâm, khi mà những giáo viên ở trung tâm ngoại ngữ nổi tiếng còn bị tố phát âm sai như vậy.

Được tiếp xúc với tiếng Anh từ nhỏ, lại là học sinh chuyên Anh của trường Hà Nội Amsterdam, sau đó sang Anh học và làm việc nhiều năm, siêu mẫu Hà Anh có những chia sẻ cá nhân về việc học ngoại ngữ, cũng như quá trình khổ luyện để đạt được khả năng “thành thạo” như hiện tại.

Hà Anh cho hay, chị em cô được mẹ hướng cho làm quen với tiếng Anh từ năm 8 tuổi. Ngày đó, cô được học với các thày cô giáo dạy tiếng Anh người Việt đầu ngành. Mẹ cô ý thức được cần phải cho các con luyện nói, phát âm chuẩn với người bản xứ. Thế nên, bà mời giáo viên người Mỹ đến nói chuyện với chị em Hà Anh hai buổi một tuần.

Nhiệm vụ của các thày là dạy bài hát của thiếu nhi, đưa đi chơi sở thú, nói về các con vật để chị em Hà Anh làm quen với phản xạ nói chuyện bằng tiếng Anh và có phát âm chuẩn hơn. Theo siêu mẫu, càng nói chuyện với người nước ngoài, cô càng tập được cách nhấn trọng âm cho từ và câu sao cho chuẩn, thay vì học từ mới, viết phiên âm và đánh trọng âm. Cô cũng thu âm lại giọng đọc của mình để tự sửa những chỗ phát âm chưa đúng.

Bên cạnh tiếp xúc với người bản xứ, Hà Anh còn thường xuyên học nghe qua băng dạy tiếng Anh hay dạy tiếng Anh qua các bài hát thiếu nhi. Sau này, cô yêu nhạc nước ngoài, đặc biệt là các ca khúc của Michael Jackson, nên thường xuyên nghe, hát theo hoặc chép lời từ các bài hát ấy. Theo cô, đó cũng là cách luyện nghe, nói (phát âm) chuẩn hơn.

Hồi nhỏ học tiếng Anh theo người Mỹ nên trong phát âm của Hà Anh có âm hưởng của tiếng Anh giọng Mỹ. Sau này khi sang Anh học và làm việc ở đó 9 năm, ngữ điệu của cô lại hơi có âm hưởng ở Anh. Dù có thời gian dài tích lũy ngoại ngữ nhưng Hà Anh vẫn mất hai năm đầu để hòa nhập ngôn ngữ.

“Đầu tiên là tập nghe ngữ điệu Anh- Anh, sau là nghe tiếng Anh các loại ngữ điệu do tiếp xúc với bạn bè quốc tế. Tiếp đến là tập nói cho chuẩn, phản xạ nhanh hơn. Học ở trường mà 80 % học sinh là người Anh, thì không ai có trách nhiệm nói chậm, nói rõ cho mình nghe”, người đẹp chia sẻ.

Để làm chủ được tiếng Anh, Hà Anh làm khó bản thân bằng cách học thêm môn Kịch và Sân Khấu. Môn này đòi hỏi không những phải nghe hiểu mà còn phản xạ đáp trả ngẫu hứng, phải nói và diễn cùng lúc. Thời gian đầu, chỉ nghe hiểu ngôn ngữ kịch thôi đã khiến cô đau đầu. Kịp để phản xạ, nghĩ ra nói ngẫu hứng để diễn cần cô phải tư duy bằng tiếng Anh, thay vì nghĩ bằng tiếng Việt rồi dịch ra tiếng Anh.

Sau nhiều năm làm việc và tiếp xúc trong môi trường ngoại ngữ, đến nay, Hà Anh tự đánh giá khả năng tiếng Anh của mình là “thành thạo”.

“Thành thạo ở mức hiểu được nghĩa đen, nghĩa bóng, đủ phản xạ để tranh luận, cãi nhau bằng tiếng Anh. Đủ để hiểu cảm xúc và bộc lộ cảm xúc, cười đùa bằng ngôn ngữ này”, cô cho hay. “Nhưng để ‘thành thạo như tiếng mẹ đẻ’ thì còn lâu”.

Khi xem phim về những đề tài như khoa học viễn tưởng, hay chuyên sâu về luật, khoa học, hoặc diễn viên nói bằng những ngữ điệu cổ, ngữ điệu vùng quê quá nặng, cô vẫn cảm thấy chỉ hiểu được 70-80%.

Theo Hà Anh, học viên học Tiếng Anh ở Việt Nam thường bị vào tình trạng “tiếng Anh chết” vì có thể rất chắc ngữ pháp, từ vựng nhưng không có phản xạ và không đủ tự tin để giao tiếp. Các bậc phụ huynh nên tạo điều kiện cho con tiếp xúc với bạn bè hoặc giáo viên nước ngoài để con tập thói quen phản xạ và giao tiếp bằng tiếng Anh.

“Cha mẹ có thể cho con học ngữ pháp từ giáo viên Việt vì họ thường chắc mảng này. Nhưng nếu có điều kiện, các em nên học nói với người bản xứ. Người bản xứ cũng nên chú ý họ đến từ đâu vì đôi khi ngữ điệu một số nơi như Scotland, Wales hay ở vùng quê/bang/thành phố khá khó nghe và đậm”, cô nói.

Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Mới

Share.

Leave A Reply