Sẵn sàng du học – Oscar Wilde từng nói với Richard Le Gallienne rằng: “Nhiệm vụ của một người cha… là viết truyện cổ tích cho các con của mình”.
Nhắc tới Oscar Wilde, có lẽ người ta sẽ nhớ tới ông qua những tác phẩm văn học gây nhiều tranh cãi như tiểu thuyết Bức chân dung của Dorian Gray, những vở kịch đầy tính châm biếm xã hội thời bấy giờ như Sự quan trọng của việc trở thành đứng đắn, Người chồng lý tưởng…
Tôi thích Oscar Wilde bởi cách ông thẳng thắn, khiêu khích nhưng luôn giữ được sự tinh tế trong những câu văn của mình, bởi ông cũng đã từng viết truyện cổ tích, và bản thân ông là một người cha tận tụy.
Oscar Wilde từng nói với Richard Le Gallienne rằng: “Nhiệm vụ của một người cha… là viết truyện cổ tích cho các con của mình”.
Và quả nhiên tập truyện cổ tích đầu tiên của ông – Chàng hoàng tử hạnh phúc được xuất bản lần đầu năm 1888 đã chứng minh điều đó. Có thể nói đây là tập truyện mở đầu cho những năm tháng rực rỡ trong sự nghiệp sau này của ông. Trước đó, Wilde chỉ cho ra vài tập thơ và một vở kịch, không đem lại nhiều tiếng tăm.
Chàng hoàng tử hạnh phúc là câu chuyện về một bức tượng bằng vàng và trang sức, được đặt ở trên bệ cao của một thị trấn. Một ngày nọ, khi chú chim én chậm trễ trên đường bay tới Ai Cập, sau một cuộc tình bất thành với một cây sậy, nghỉ dưới chân của Hoàng tử hạnh phúc, người đã kể cho chú tất cả những nỗi đau khổ mà chàng đã chứng kiến.
Chàng nhờ Chim én hãy đem viên Hồng ngọc ở kiếm của mình tới cho một gia đình nghèo. Chim én đã làm vậy. Chàng Hoàng tử cầu xin chú Chim ở lại và giúp đưa tất cả những trang sức trên người chàng đến cho những người nghèo khổ.
Tiết trời thì ngày một lạnh dần và chú Chim biết mình cần phải bay đến nơi có ánh nắng. Nhưng sau khi chú lấy đi mất đôi mắt bằng ngọc của Hoàng tử, chú biết chú sẽ phải ở lại, bởi giờ đây, Hoàng tử đã mù.
Mùa đông đến. Chú Chim én đã chết dưới chân của Hoàng tử hạnh phúc – chàng cũng không còn lấp lánh bởi vàng và trang sức nữa. Thị trưởng đã quyết định kéo bức tượng xuống và lập một bức tượng mới lên. Khi những người công nhân nung nóng Hoàng tử lên, họ nhận ra trái tim bằng chì của chàng không hề tan chảy. Họ ném trái tim ấy cạnh bên xác của chú Chim én.
Và khi Chúa trời bảo các thiên thần của mình, hãy đem đến cho ngài hai thứ quý giá nhất của thị trấn này. Các thiên thần đã dâng lên Ngài xác của chú chim và trái tim bằng chì của Hoàng tử.
Với Wilde, câu chuyện này “một phần là cho trẻ con, và một phần là cho những người vẫn giữ được niềm vui và tận hưởng như một đứa trẻ, và những người thấy sự giản đơn ở những sự tinh tế khác thường.”
Hay như Đóa hồng đỏ và chim sơn ca, một chú chim sơn ca đã nhuộm bông hồng trắng thành màu đỏ bằng chính máu của trái tim mình để chàng trai nghèo có đóa hồng đẹp nhất tặng cho người chàng yêu. Nhưng người tình của chàng đã từ chối chàng và bông hồng ấy đã bị ném xuống cống nước.
Lý trí và logic là những công cụ để hiểu thế giới. Nhưng chúng ta cũng cần hiểu được chính mình. Đây là điều mà trí tưởng tượng có thể làm được.
Khi một đứa trẻ đọc rằng Chim sơn ca đã hát một bài hát bằng máu để đánh đổi một bông hồng vì tình yêu, hay một bức tượng còn thấu hiểu về nỗi đau khổ sâu sắc hơn cả một thầy giáo dạy Toán mắng mỏ học sinh vì đã mơ về các thiên thần… đứa trẻ ấy sẽ nhận ra được đồng thời sự huyền bí và sự chân thực của những câu chuyện ấy.
Sự tài hoa trong việc sử dụng ngôn ngữ, với những câu văn hoa mỹ, mà Oscar Wilde từng tự công nhận rằng ông là “Vua của ngôn từ” (trong De Profundis) – tôi có cảm tưởng như, truyền tải được những gì Wilde viết là một việc làm vô cùng khó. Nhưng bản dịch trọn bộ cổ tích của Oscar Wilde Chàng hoàng tử hạnh phúc và Ngôi nhà thạch lựu của Nhã Thuyên – một nhà thơ trẻ đã làm được điều ấy. Tôi cảm nhận được sự bay bổng, nét lãng mạn đúng chất Oscar Wilde trong bản dịch của cô.
Những truyện cổ tích của Oscar Wilde là tác phẩm đáng đọc, không chỉ dành riêng cho trẻ em, mà như Oscar Wilde từng nói “cho những người giống như một đứa trẻ từ mười tám đến tám mươi tuổi.”
Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing.vn