Hành trình du học & lựa chọn định cư ở nước ngoài?

0

Sẵn sàng du học – Bỏ tiền tỷ ra du học chỉ để lấy bằng quốc tế thì quá uổng, bởi ngày nay, học trong nước cũng có bằng quốc tế. Bỏ tiền tỷ ra du học để về nước đi làm thu tiền triệu đồng, đầu tư quá lỗ. Sau du học phải được định cư đã và đang là đích đến của không ít người lựa chọn. 

Miệt mài học tập cho một tương lai lâu dài, bất cứ ở đâu

Miệt mài học tập cho một tương lai lâu dài, bất cứ ở đâu

Với mục đích đó, thị trường du học như Canada, Úc, New Zealand… đang trở thành điểm lựa chọn khiến tỷ lệ du học sinh đổ về đây ngày càng tăng. Năm 2016, tỷ lệ du học Canada tăng 10,1% so 2015, vào Úc tăng 8,4% so năm trước, New Zealand tăng 8,3%… Việc ở lại có dễ?  

Định cư sau du học, dễ hay khó?

Những ai đã có ý định đều biết một việc quan trọng trong yêu cầu được định cư ở các nước đều có những tiêu chuẩn nhất định. Là nhà đầu tư thì không chỉ có tiền đổ vào là đủ. Là sinh viên du học cũng không phải cứ tốt nghiệp đại học của nước sở tại là đủ cơ hội xin định cư. Ngành bạn học phải nằm trong danh sách lao động đang cần và ưu tiên tuyển dụng của chính phủ.

Danh sách này đưa ra không chỉ nhằm gợi ý cho những người muốn nhập cư về thị trường lao động của nước họ mà còn dùng để giúp các trường đại học tại Úc, Canada hay New Zealand… thúc đẩy các ngành nghề này trong trường đại học. Nhưng có bằng tốt nghiệp đại học hay chứng nhận nghề của những ngành này rồi, việc định cư có dễ?

4 năm trước, tiếp thị là một trong những ngành có trong danh mục nghề được định cư tại Úc. Hải cũng là một trong những du học sinh đến Úc với giấc mộng trở thành công dân Úc sau khi tốt nghiệp. Mặc dù IELTS chỉ đạt 6.0 nhưng với lợi thế… đã tốt nghiệp 1 đại học ở quê nhà, việc học tập môi trường mới, cách học mới không làm khó được Hải. Phần lớn thời gian cậu dành thời gian “đi cày” để trang trải tiền sinh hoạt cũng như học phí những năm sau.

Tréo ngoe thay, 3 năm sau, năm Hải tốt nghiệp, với 3.460 chuyên viên tiếp thị (Marketing soecial) đã được lấp đầy các doanh nghiệp, nhu cầu của thị trường lao động này đã bão hòa, nghề tiếp thị rớt khỏi danh mục nghề được định cư tại Úc. Dù có kiếm được việc, đúng ngành nghề được đào tạo, thì sau 2 năm được ở lại làm việc, Hải cũng phải về nước. Số lượng người như anh, không ít. Không phải chỉ ngành tiếp thị, quản lý khách sạn, một nghề chiếm vị trí khá lâu trong danh mục được phép định cư cũng rời bảng, kéo theo không ít du học sinh, dù đang làm việc trong môi trường đào tạo, cũng phải xác định sẽ phải về nước.  

Cuộc sống của những du học sinh tìm đường định cư

Để có 40.000 đô la Úc (trong đó 20.500$ học phí) mỗi năm, Hải tìm việc làm thêm đủ 7 ngày trong tuần. Dĩ nhiên, với quy định về giờ làm thêm cho du học sinh tại Úc (20 giờ/tuần) thì anh đang phạm luật. Tuy nhiên, vì kết quả học tập luôn đạt loại khá (credit) nên cũng không ai quan tâm anh làm gì mỗi ngày. Hải cho biết, để có thể được linh động thay đổi ca phù hợp giờ học, anh nhận làm việc cho một nhà hàng người Việt, cách trung tâm Sydney 40 cây số.

Mỗi ngày, Hải dậy từ 4 giờ sáng, ăn sáng và chuẩn bị cơm hộp mang đi. Đi làm hoặc đi đến trường học sớm không chỉ là một cách tranh thủ thời gian mà còn tiết kiệm tiền đi lại, bởi khung giờ đó, phí giao thông được tính giá rẻ.

Công việc ban đầu là phụ bếp với mức lương 15$/giờ. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, chủ nhà hàng nhanh chóng phát hiện ra năng khiếu nấu ăn của Hải. Đầu bếp của nhà hàng luôn nghỉ việc để eo sèo tăng lương, ông chủ đề nghị Hải thử việc với mức lương 24$/giờ. Hải dễ dàng vượt qua sát hạch và trở thành đầu bếp của nhà hàng cà phê với mức lương chính thức 25$/giờ. Thật ra, tại thời điểm đó, lương của một đầu bếp theo quy định thấp nhất là 35 đô la Úc. Tuy nhiên, với kẻ không có bằng nghề và đang làm chui thì được trả 25$/giờ đã là may mắn. Với thu nhập khoảng 6-7.000 $/tháng, trừ đi tiền thuê nhà và ăn uống, Hải còn dư mỗi tháng 4-5.000$, chuyện học phí nhẹ tựa lông hồng. Nhưng, anh có điểm kinh nghiệm cho ngành nghề mình đang được đào tạo ở trường, một trong những tiêu chí để xét định cư.

Dĩ nhiên, cũng có không ít du học sinh được phép định cư tại Úc sau khi tốt nghiệp tại đây. Ngành học chỉ là một trong những tiêu chí ưu tiên. Tại sao cùng ngành học, kẻ ở người về?

Dương Minh, du học sinh may mắn được cấp PR (Permanent Resident – visa thường trú nhân) cho biết, cô là một trong số ít người được xét cấp PR trong thời gian cuối trước khi ngành marketing bị loại khỏi danh sách. Nhu cầu thị trường chỉ có 3.460 vị trí làm việc nhưng số hồ sơ nộp xin được cấp PR là gần 20.000. Với lợi thế IELTS 8.0, có hơn 2 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành (từ khi còn là sinh viên cô đã tìm được việc làm thêm đúng ngành nghề đang học) và quan trọng, công ty đang làm cũng đồng ý tuyển dụng cô lâu dài.

Được xét ở lại định cư, con số đầu tư không hề nhỏ. Có khoản có thể tính bằng tiền như học phí, thuê nhà, chi phí sinh hoạt… nhưng có những khoản không ai cân đo đong đếm được. Nỗi nhớ nhà trong những đêm mùa đông giá lạnh, cô đơn buồn tủi khi ốm đau không người thân chăm sóc, và những tất bật ngược xuôi, tính toán chi li từng cắc đi xe, từng xu hàng giảm giá… để kết cục, trở về vì nghề mình chọn đã không chọn mình ở lại.

Bà Thanh Minh, một Việt kiều Úc định cư diện Skills worker (Kỹ năng nghề) chia sẻ, định cư bằng con đường du học vô cùng tốn kém. Tốt nhất các bạn trẻ phải xác định, nếu không được định cư, mình có còn yêu cái nghề đã chọn hay không? Bạn sẽ thành công, dù ở lại hay về nước, nếu đó thật sự là nghề nghiệp bạn yêu thích.

Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Nông nghiệp

Share.

Leave A Reply