“Nghỉ giữa hiệp” – nên hay không?

0

Sẵn sàng du học – Đây là cách gọi vui của trào lưu “gap year” – một quá trình nối liền giữa trường cấp III và Đại học, giữa Đại học và công việc hay giữa những bước nhảy việc khác nhau.   

Cụ thể, gap year thường là 12 tháng mà bạn quyết định “nghỉ giữa hiệp” trong một quá trình học tập hay làm việc, cho phép bạn tìm đến những kế hoạch khác biệt so với cuộc sống thường ngày.

Đối tượng gap year nhiều nhất có lẽ là sinh viên cuối cấp 3, trước khi vào Đại học. Tiếp theo là lực lượng sinh viên tốt nghiệp Đại học nhưng chưa muốn “lao” vào thế giới công sở ngay lập tức, thay vào đó, họ muốn dành thời gian cho những thú vui, đam mê của bản thân. Hiện nay, các nhà giáo dục có thể liệt kê 4 loại gap year phổ biến.

Gap year của “đội” ham học

Nói là “nghỉ học để đi chơi” nhưng không có nghĩa là bạn hoàn toàn cắt đứt sự liên kết với trường lớp trong thời gian này. Nếu muốn, thử theo đuổi các khóa học ngắn hạn vào mùa hè, tham gia các chương trình học trao đổi cũng là một cách học “đổi gió” rất hay.

Rất nhiều trường Đại học cũng đề xuất các khóa học nâng cao kỹ năng như văn phòng, tin học và thương mại, hoặc cho phép sinh viên tăng cường hiểu biết trên các lĩnh vực ngoại ngữ, nghệ thuật, âm nhạc, kịch, thể thao… Có một điều cần lưu ý là những gap year học tập kiểu này sẽ yêu cầu bạn phải chuẩn bị học phí, sinh hoạt phí, phí Internet, chỗ ở, chi phí ăn uống và cả chi phí dịch chuyển.

Gap year của “đội” thích xê dịch

Rất nhiều sinh viên dành ra cả một năm trời để du hý, hoặc một mình, hoặc với cả nhóm bạn. Các trang mạng xã hội dành cho giới gap year là nơi mang lại cho bạn nhiều thông tin, ý tưởng, lời khuyên quý giá. Một số trang còn giúp bạn tìm kiếm các chỗ trọ giá rẻ tại nhiều quốc gia khác nhau, thậm chí còn có các chương trình khuyến mãi cho sinh viên.

Việc đi du lịch trong khu vực địa phương cũng là một phương án với nhiều lợi thế: bạn sẽ chi ít tiền hơn cho chi phí di chuyển, dễ dàng hơn trong khâu tìm việc làm thêm và đôi khi còn tận dụng được sẵn những mối quan hệ trước đó.

Gap year tình nguyện viên

Đoán trước xu hướng du lịch sẽ 'lên ngôi' 2017 (2)

Trải qua một năm làm tình nguyện sẽ giúp bạn phát triển nhiều khả năng cộng đồng, cho phép xây dựng mạng lưới quan hệ và có thể hứa hẹn mang đến bạn một công việc có trả lương về lâu về dài.

Những công việc tình nguyện thường được rao tin bởi các tổ chức từ thiện, các dự án nước ngoài, tổ chức phi chính phủ… và các vai trò phổ biến gồm có hành chính, gây quỹ, tổ chức sự kiện, chăm sóc, chơi đùa với trẻ, pháp lý, giảng dạy, bảo tồn và cả thám hiểm.

Nếu muốn đi làm từ thiện ở nước ngoài, bạn nên ngó nghiêng các chương trình thực tập quốc tế. Một số chương trình có thể sẽ đòi hỏi một khoản tiền tham gia, còn một số chương trình sẽ hoàn toàn miễn phí.

Gap year của “đội” ham công việc

Khi quyết định gap year kiểu này, bạn sẽ thu về rất nhiều kinh nghệm thiết yếu cho công việc của mình sau này: tích lũy kỹ năng, tiết kiệm tiền của và bắt đầu xây dựng mạng lưới quen biết mới.

Nếu bạn quyết định kết hợp chuyến đi làm việc với đi du lịch đây đó, trải nghiệm sẽ cho phép bạn phát triển kỹ năng “sống sót” trong môi trường liên văn hóa, khả năng ngôn ngữ và phát triển hiểu biết về văn hóa địa phương. Những công việc làm thêm bán thời gian với các yêu cầu kỹ năng không quá chuyên sâu thường khá dễ tìm.

Nếu không, bạn cũng có thể thử đi thực tập hoặc đi làm nguyên một năm. Những công việc gap year điển hình gồm có: Giảng dạy hay hướng dẫn các hoạt động ngoài trời (lặn, lướt sóng, thả diều, nhảy bungee, trượt tuyết… ); Dạy tiếng Anh (hoặc một thứ ngôn ngữ mà bạn thông thạo); Chăm sóc trẻ em; Hướng dẫn viên du lịch/ Điều hành tour; Công việc hành chính, văn phòng; Chăm sóc khách hàng, Du lịch khách sạn, nhà hàng; Phát triển cộng đồng; Bán lẻ và nghiên cứu thị trường,…

Thái Hải (SSDH) – Theo GDTĐ

Share.

Leave A Reply