Sẵn sàng du học – Bên cạnh những cân nhắc về học phí, năng lực và điều kiện xét duyệt thì bảng xếp hạng là một yếu tố được nhiều phụ huynh và học sinh tin tưởng. Dù vậy không phải ai cũng hiểu và biết cách tham khảo bảng xếp hạng sao cho đúng.
1. Thứ hạng của trường phản ánh điều gì?
Không ít phụ huynh, học sinh chỉ mới nghe qua thứ hạng tổng quát – Overall Ranking đã vội vàng đưa ra kết luận trường tốt, trường dở mà không biết rằng phần lớn các bảng xếp hạng được thực hiện bởi các tạp chí với những quy chuẩn, mục đích khác nhau. Xét về quy mô toàn cầu, QS World University Ranking (QS), Times Higher Education (THE) là 2 bảng xếp hạng phổ biến. Riêng ở Mỹ, US News & World Report được nhiều sinh viên và phụ huynh tin tưởng.
Theo đó, QS dựa vào các tiêu chí đánh giá và khảo sát như:
- Danh tiếng học thuật (40%)
- Chất lượng đầu ra nhìn từ góc độ nhà tuyển dụng (10%)
- Tỷ lệ giảng viên/sinh viên (20%)
- Số lần được trích dẫn/ các bài báo khoa học… (20%)
- Tỷ lệ giảng viên quốc tế/sinh viên tại cơ sở (10%)
THE tập trung vào:
- Chất lượng giảng dạy – Môi trường học tập (30%)
- Số lượng nghiên cứu (30%)
- Tầm ảnh hưởng nghiên cứu
- Triển vọng quốc tế (7.5%)
- Thu nhập của trường từ việc bán nghiên cứu cho doanh nghiệp (2.5%)
Theo 2 cách đánh giá như trên, các trường mạnh về khối Engineering, Business, Education – vốn không có nhiều sách/ ấn phẩm được xuất bản khó có thể “chen chân” vào top đầu*. Phần lớn các trường đại học thứ hạng đầu là những trường tư với học phí cao, điều kiện đầu vào khó hơn nhiều so với các trường xếp hạng thứ 50 trở đi.** Yếu tố Danh tiếng học thuật tuy được đo lường từ tên tuổi các giáo sư nổi tiếng nghiên cứu tại trường nhưng không phải ai trong số này cũng tham gia giảng dạy trực tiếp.
Với những tiêu chí đánh giá mang nhiều tính học thuật và ít tác động trực tiếp đến cuộc sống sinh viên, có thể thấy bảng xếp hạng của QS và THE sẽ giúp ích cho chính phủ trong việc phân bổ ngân sách phát triển khoa học kỹ thuật và hoạch định chiến lược. Với du học sinh tương lai, US News & World mang tính thực tế hơn bởi công thức tính gồm:
- Tỷ lệ tốt nghiệp và hoàn tất chương trình học (22.5%)
- Danh tiếng học thuật từ chương trìn cử nhân (22.5%)
- Nguồn tài liệu của trường (20%)
- Tỷ lệ đầu vào (12.5%)
- Nguồn tài chính của trường (10%)
- Tỷ lệ đầu ra (7.5%)
- Tiền đầu tư từ cựu sinh viên (5%)
2. Nên tìm kiếm điều gì từ bảng xếp hạng?
Bên cạnh Overall Ranking, Subject Ranking là một yếu tố quan trọng không kém sinh viên cần tìm hiểu để biết được đâu là ngôi trường đi đầu trong lĩnh vực mình nhắm đến. Harvard luôn chiếm vị trí số 1 trong bảng xếp hạng thế giới nhiều năm liền không có nghĩa là mọi ngành học ở Harvard đều xếp hạng 1: Chương trình MBA toàn cầu của trường chỉ xếp thứ 2 sau University of South Carolina (USC), Computer Science hạng 11, ngành Engineering xếp thứ 34… Ấy là chưa kể với những ngành mới và đặc thù như Supply Chain Management, Architecture, Design hay Fashion Merchandising, những cái tên như Harvard, Yales, Princeton… hoàn toàn không có mặt trong top 10. Vì thế, chọn trường đơn thuần vì Overall Ranking cao chưa hẳn đã là quyết định khôn ngoan.
Một trường hợp khác như đại học Auburn (AU) tuy đứng thứ 103 trong tổng số 4,000 trường đại học Mỹ nhưng với ngành Supply Chain Management xếp hạng 8, top 10 toàn quốc về Design/ Artchitecture, Fashion Merchandising hạng 2, Biology Engineering 17, Industrial Engineering đứng thứ 32… Auburn luôn là điểm đến trong mơ của các sinh viên ngành STEM trên khắp thế giới. Auburn cũng là ngôi trường sản sinh ra các nhà khoa học và phi hành gia cho NASA – một bằng chứng cho thấy không phải cứ học ở những trường top đầu mới thành công.
Chính vì điều này mà US News ngoài việc xếp hạng tổng quát cũng chú trọng phân loại theo chuyên ngành như Best Graduate Schools in Business/ Education/ Engineering/ Law/ Medicine… với những tiêu chí khác nhau. Bảng xếp hạng các chương trình cử nhân cũng tách biệt với các chương trình sau đại học.
Ngoài khía cạnh học thuật, sinh viên có thể tìm hiểu thêm về trải nghiệm và cuộc sống sinh viên ở ngôi trường tương lai qua những bảng xếp hạng khác như Dream Colleges của The Princeton, Student Satisfaction của Forbes, College Town của Business Insider, Value (so sánh giữa khía cạnh về học phí và mức lương trung bình sau khi tốt nghiệp) của Money…
Dù gì đi nữa, việc chọn trường đại học cũng giống như đưa quyết định đầu tư cho sự nghiệp tương lai, bên cạnh việc tham khảo bảng xếp hạng, sinh viên cần dựa vào đam mê, nguyện vọng và thực lực của mình để đưa ra quyết định đúng đắn nhất.
Thái Hải (SSDH) – Theo Kenh tuyển sinh