“Cẩm nang” nộp hồ sơ du học cho #teamđiMỹ

0

Sẵn sàng du học – Quá trình apply cho các trường đại học thực sự là một thử thách đối với nhiều bạn học sinh khi vừa tốt nghiệp trung học và có ý định ra nước ngoài du học. Khó khăn đến từ việc các sinh viên tương lai phải tự chuẩn bị mọi thứ từ A đến Z, bao gồm việc viết bài luận cá nhân, tập dượt cho buổi phỏng vấn, xin các giấy tờ cần thiết. Và hơn cả là bạn rất dễ lâm vào tình cảnh không biết phải làm gì, bắt đầu từ đâu.

du-hoc-my

Nhưng bạn không cần phải lo lắng nữa bởi Sẵn Sàng Du Học xin được đem đến bộ “cẩm nang toàn tập” hướng dẫn quy trình apply cho các trường đại học quốc tế:

Các mốc thời gian quan trọng

Việc apply cho các trường đại học ở Mỹ bao gồm nhiều mốc thời gian khác nhau. Trong đó 3 mốc chính tương ứng với 3 cách thức apply chính:

Early Action: Học sinh nộp theo hình thức Early Action sẽ nộp hồ sơ trước hạn đăng ký thông thường và sẽ được thông báo về kết quả ngay sau đó (thường là vào tháng Một hoặc tháng Hai). Những học sinh này có thời gian cho tới tháng 5 để có thể từ chối hoặc chấp nhận nhập học.

Early Decision: Early Decision cũng vận hành tương tự Early Action, sinh viên cũng phải nộp hồ sơ trước hạn chót của Regular Decision và sẽ được nhận kết quả ngay sau đó. Khác biệt lớn nhất giữa hai lựa chọn này nằm ở tính ràng buộc của Early Decision, nghĩa là sinh viên nộp hồ sơ và được trường chấp nhận sẽ buộc phải nhập học. Hồ sơ Early Decision thường yêu cầu một số mẫu đơn có chữ ký liên quan đến cam kết sẽ theo học (chẳng hạn đơn Early Decision Agreement). Nếu nộp theo hình thức Early Decision, sinh viên sẽ phải rút tất cả các hồ sơ khác và nộp phí nhập học ngay khi nhận được giấy báo trúng tuyển

Sinh viên không đăng ký theo Early Action hay Early Decision có thể nộp hồ sơ theo hạn chót thông thường của Regular Decision, với hạn chót thường vào tháng Một và sẽ nhận được kết quả vào cuối tháng Ba hoặc đầu tháng Tư.

Nên apply qua hệ thống nào?

Nếu đã lựa chọn du học Mỹ, hẳn là bạn đã từng nghe đến cụm từ “common application”. Vậy “common application” chính xác là gì?

The common application là một tổ chức phi lợi nhuận. Common Application cung cấp dịch vụ nhận hồ sơ cho các trường thành viên. Hiện nay, ở Hoa Kỳ có tới 750 trường nằm trong danh sách mà bạn có thể apply thông qua hệ thống này. Lợi thế lớn nhất mà bạn có được khi sử dụng hình thức này chính là cùng lúc bạn có thể apply cho nhiều trường. Tuy nhiên, một số cái tên nổi tiếng như Massachusetts Institute of Techonology (MIT) hay Georgetown University vẫn không sử dụng nền tảng này.

Gần đây có một tổ chức mới cũng tương tự như Commonapp có tên gọi là Universal College Application (www.universalcollegeapp.com). Đây cũng là một dịch vụ nộp đơn cho sinh viên mà nhiều trường đại học Mỹ đang sử dụng. Số trường không nhiều bằng Commonapp và một số thành viên dùng cả 2 hệ thống. Ngoài ra còn có Coalition Application với số lượng hơn 100 trường thành viên.

Bài luận cá nhân nên “chứa” những gì?

Bài luận cá nhân hay còn gọi là “personal statement” là một trong những yếu tố giúp bạn khẳng định về con người mình trong mắt hội đồng tuyển sinh. Nó giống như một bản thiết kế thì đúng hơn, nhỏ gọn nhưng chứa đựng dấu ấn của cá nhân bạn.

Thông thường một bài luận kiểu này không vượt quá 650 từ. Song chủ đề hay nội dung của bài viết hoàn toàn tự do, bạn có thể chọn bất kì chủ đề, câu chuyện nào mà mình cảm thấy hứng thú. Điều quan trọng là nó phải thực sự là những gì bạn chăn trở, trải nghiệm hoặc cảm thấy thôi thúc phải viết về. Và nó cũng không nhất thiết phải mang ý nghĩa lớn lao, vĩ đại. Mấu chốt là bạn giúp hội đồng tuyển sinh hiểu hơn về con người mình, về quan điểm của bạn đối với thế giới xung quanh.

Những thành phần quan trọng khác của một hồ sơ xin nhập học

Ngoài bài tiểu luận kể trên, một số loại tài liệu khác mà bạn cũng cần đính kèm vào hồ sơ xin nhập học của mình bao gồm:

  • Thông tin cá nhân: thông tin cơ bản về bản thân bạn, trường học và gia đình

  • Học bạ Trung học: đối với những ai apply đi du học thì học bạ cần được dịch sang tiếng Anh và công chứng

  • Chứng chỉ các loại: chứng chỉ tiếng Anh (IELTS, TOEFL); kết quả SAT, ACT

SAT là một kỳ thi phổ biến nhằm sát hạch học sinh, sinh viên trong các kỳ thi tuyển sinh vào hệ đại học cao đẳng tại Mỹ. Kỹ thi này được tiến hành và giám sát bởi hiệp hội College Board (một hiệp hội của các trường học và cao đẳng tại Mỹ).

ACT là một kỳ thi chuẩn hóa được sử dụng đánh giá năng lực học tập của học sinh trung học và làm một trong những điều kiện tiên quyết khi xét tuyển vào các trường đại học và cao đẳng tại Hoa Kỳ, do tổ chức phi lợi nhuận cùng tên – ACT thực hiện.

  • Thư giới thiệu: của thầy cô; giáo sư giúp hội đồng tuyển sinh nhìn nhận về bạn thông qua “con mắt” của những người xung quanh bạn. Thư giới thiệu là một cách để đánh giá về bạn ngoài những điểm số bạn cung cấp. Điểm thiết yếu trong một lá thư giới thiệu để có thể gây ấn tượng với các nhà tuyển sinh đó là người mà bạn xin bức thư giới thiệu. Vì vậy bạn nên cân nhắc kỹ càng khi trong việc chọn người viết thư. Người đó nên hiểu rõ về bạn và có những cái nhìn, ý kiến sâu rộng.

Làm thế nào để tiết kiệp lệ phí nộp hồ sơ du học?

Không có một mức phí cụ thể nào được áp dụng cho toàn bộ các trường đại học, cao đẳng. Song mức lệ phí nộp hồ sơ xin học thường giao động trong khoảng từ 50 đến 90 đô.

Nếu bạn apply cho 7 – 8 trường thì cộng lại, đó là một con số không hề nhỏ. Tuy nhiên, vẫn có cách để bạn tiết kiệm cho mình một khoản tiền kha khá. Tức là lựa thời điểm quan trọng để được giảm, miễn lệ phí. Giống như là các bạn đi canh sale vậy!

Ví dụ, Messiah College ở Pennsylvania miễn phí mức phí nộp hồ sơ cho đến ngày 15 tháng 11 mỗi năm – thời điểm trước nghỉ lễ ở Hoa Kỳ. Từ giữa tháng 11 trở đi, ứng viên phải tốn 20 USD chi phí để áp dụng cho hồ sơ nộp trực tuyến và 30 USD nếu nộp hồ sơ giấy. Tương tự, giữa tháng 11, hàng chục trường đại học ở bang North Carolina có chính sách miễn phí nộp hồ sơ trong một tuần cho những ứng viên đầu tiên nộp đơn.

Qua đó, các trường hy vọng sẽ giảm bớt một số gánh nặng tài chính cho ứng viên và gia đình. Nhiều trường đang sử dụng hình thức nộp đơn trực tuyến để thu hút các sinh viên tương lai và cắt giảm chi phí cho công việc nội bộ, như các đại học Ohio Wesleyan, Charleston, West Virginia, New Jersey, Ohio…

Tuy nhiên, việc apply sớm hơn ngoài việc giúp bạn tiết kiệm chi phí cũng có thể khiến bạn gặp khó khăn trong việc chuẩn bị các giấy tờ hay chỉnh sửa bài luận của mình một cách “chắc ăn” nhất. Chính vì thế, hãy cân nhắc cụ thể trước khi quyết định apply vào thời điểm nào nhé.

Người dịch: Ánh Dương (SSDH)

Share.

Leave A Reply