Sẵn sàng du học – Mẹ rong ruổi khắp chốn. Mẹ chỉ tìm đến căn nhà nào có những đứa trẻ thiếu vắng tình thương. Mẹ không dừng lại ở nơi nào quá lâu. Bởi mẹ là người mẹ lang thang.
Hiromi thật kỳ lạ. Đây đã là lần thứ tư cô chuyển nơi sống. Từ thành phố nhộn nhịp Tokyo, cô đi đến thị trấn dưới chân núi Phú Sĩ, vòng qua hòn đảo lạnh giá vùng Hokkaido rồi lại quay trở về một quán rượu nhỏ tại thủ đô. Nhưng đó không phải là chuyến đi du lịch gì cả, Hiromi đang đi tìm những đứa trẻ đang bị bỏ rơi.
Ba anh em Ryosuke, Momoko và Naosuke đang sống với bà ngoại và người bố ngày đêm phải lái xe chở hàng; cậu bé Koutarou vì là con lai nên bị bắt nhốt ở nhà không được đi học; cô bé Manami sống đơn độc với người bố làm nghề biển, anh em Akio và Natsuno phải chạy trốn cùng người cha bị xiết nợ. Ánh mắt của những đứa trẻ ấy thôi thúc Hiromi phải làm điều gì đó cho chúng.
Dưới những mái nhà không có hơi ấm của người mẹ, cô lẻn vào nhẹ nhàng như một chú mèo, chăm sóc và nuôi dưỡng những đứa trẻ, đến khi chúng ổn định với cuộc sống rồi thì cô lại ra đi mà không giữ lại bất cứ ký ức tươi đẹp nào cả.
Điều kỳ lạ hơn cả, Hiromi dành hết những năm tháng tươi đẹp nhất của đời mình để làm “mẹ” của những đứa trẻ, nhưng cô không đòi hỏi sự hồi đáp nào cả. Cô không mong lũ trẻ khi lớn lên sẽ trả ơn cô bằng tiền bạc hay danh vọng, cũng không muốn chúng phải bận tâm đến cuộc sống của cô. Hiromi chỉ muốn chúng được hạnh phúc, giống như cách cô mong đứa con thật sự của mình được hạnh phúc.
Người mẹ lang thang là cuốn tiểu thuyết thứ hai của Hika Harada sau Tokyo Laudering – tác phẩm đã gây tiếng vang lớn cho bà ở diễn đàn văn học Nhật Bản.
Motif của hai cuốn sách này cũng có nhiều điểm tương đồng, cả hai đều xoay quanh một người phụ nữ đến chăm sóc cho những ngôi nhà đặc biệt. Ở Người mẹ lang thang, đó là những căn nhà thiếu vắng người mẹ, còn ở Tokyo Laundering là những căn nhà của người vừa mới qua đời.
Nếu có điều gì khiến Người mẹ lang thang trở nên khác biệt so với tác phẩm trước đây của Hika Hirada thì đó chính là hơi ấm của tình người. Cái cách Hiromi hết lòng với mỗi đứa con mà cô chăm sóc, dạy chúng không được uống nước ép hoa quả trước bữa ăn, rồi cắt tờ rơi thành hình vuông để xếp giấy, hay cách nhắc nhở những đứa con khi đến trường thì lắng nghe thầy cô giảng bài, hàng đêm lại làm bài tập cùng con, tất cả đều rất giống với hình mẫu mà một đứa trẻ luôn tưởng tượng về người mẹ của mình.
Với những người đàn ông, Hiromi có thể trao thể xác mình cho họ, nhưng với những đứa trẻ của anh ta, cô sẽ trao cả trái tim mình để ủ ấm cho chúng.
Thông qua cuốn sách Người mẹ lang thang, Hika Hirada muốn gửi gắm đến những thế hệ làm cha mẹ hiện tại và cả sau này rằng: Cha mẹ phải dành thời gian cho con cái, chứ không phải chỉ cho chúng mỗi tiền đâu. Bởi tình yêu thương là không bao giờ đủ, kể cả khi con người ta đã trưởng thành lớn lên và già đi. Và cũng bởi với những trái tim bị tổn thương thì chỉ có một trái tim khác mới có thể chữa lành được.
Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing