Sẵn sàng du học – Mình nghĩ đây là câu hỏi bạn nên tự đặt ra trước khi bắt tay vào công cuộc “săn tìm” học bổng. Nếu bạn đến với Erasmus Mundus vì sẽ được đi nhiều quốc gia khác nhau, có cơ hội du lịch châu Âu, được 2 năm tung hoành đây đó, làm và học cái mình thích thay vì đi làm.
Lời khuyên chân thành: Mình gợi ý bạn nên ngẫm nghĩ sâu thêm một chút.
Đúng là Erasmus Mundus sẽ mang đến cho bạn cơ hội tuyệt vời để trải nghiệm đời sống học tập và sinh sống tại châu Âu, nhưng đó chỉ là một phần của câu chuyện du học.
Phần ít khi được kể là áp lực học hành do thời gian tại mỗi nước khá ngắn, là những lúc vừa thấy quen thuộc với một nơi chốn lại phải gói ghém để rời đi, là “vật lộn” với các thể loại hồ sơ Visa, hay đôi khi là sự thất vọng vì không phải mình thích gì là được học nấy, và ngay cả khi học về câu chuyện việc làm vẫn có thể là nỗi trăn trở của bạn.
Vậy nên, nếu bạn thực sự muốn dành ra 2 năm như một bước đà để tiến xa hơn trên hành trình trở thành “phiên bản tốt hơn” bạn hằng mong muốn thì hãy thừa thắng xông lên, bằng không, hẳn sẽ có nhiều lựa chọn hơn cho bạn ngoài con đường du học.
Giờ mình xin đi vào chủ đề chính: Mình nói gì khi nói về hồ sơ học bổng Erasmus Mundus.
Sau khi đã tìm được chương trình học phù hợp, bạn có thể bắt tay ngay vào chuẩn bị cho việc nộp hồ sơ xin học bổng. Việc chuẩn bị này theo mình không chỉ tập trung vào một bộ hồ sơ, mà là cả quá trình bạn hiểu về bản thân mình, điều gì thôi thúc bạn muốn trở thành sinh viên của chương trình đó. Bộ hồ sơ xin học bổng chỉ là phần gói gọn lại cả một hành trình tìm kiếm hướng đi cho bản thân và một kế hoạch được đầu tư nhiều công sức để đạt được điều bạn thực sự mong muốn.
Thông thường một bộ hồ sơ xin học bổng Erasmus Mundus bao gồm:
- CV
- Statement of purpose (hay thư trình bày lý do vì sao bạn nộp hồ sơ cho học bổng này)
- 02 Letters of reference (hay người khác nói gì về bạn)
- Chứng chỉ tiếng Anh IELTS/TOEFL
- Một số giấy tờ kèm theo như scan hộ chiếu, bảng điểm đại học, bằng tốt nghiệp đại học…
Mình vẫn hay ví bộ hồ sơ xin học bổng toàn phần như một bức tranh họa nên con người bạn với những góc độ, màu sắc riêng biệt. Qua bức tranh đó hội đồng xét tuyển sẽ hiểu về bạn và cân nhắc xem bạn có đúng người họ đang tìm kiếm. Giống như người họa sĩ trước khi vẽ tranh cần phác họa bố cục, lựa chọn màu sắc chủ đạo, bạn cũng cần hình dung ra những đặc điểm bạn muốn hội đồng nhìn thấy ở mình. Đó có thể là sự ham học hỏi, am tường về lĩnh vực chuyên môn, đam mê theo đuổi sự nghiệp, khả năng lãnh đạo, hay niềm trăn trở kiến tạo nên điều gì đó tốt đẹp hơn cho bản thân và cộng đồng của bạn.
Khi đã hình dung ra bố cục và màu sắc bạn muốn sử dụng trong “bức tranh tự họa”, bước tiếp theo là lên kế hoạch ai vẽ cái gì và ở đâu: CV, SOP, LOR. Hay nói cách khác là bạn khen gì về bạn và để người khác khen gì về bạn. Điều này sẽ giúp hồ sơ của bạn có sự khách quan nhất định và tránh nhàm chán khi lặp đi lặp lại cùng những thông tin ở nhiều nơi khác nhau một cách không cần thiết.
CV
Trừ trường hợp chương trình của bạn yêu cầu phải theo một mẫu CV cố định (mình nghĩ cái này không thường gặp khi nộp học bổng Erasmus Mundus, bạn có thể sử dụng bất kỳ mẫu CV nào bạn thấy phù hợp. Nhiều bạn nghĩ nộp hồ sơ cho trường châu Âu thì phải theo mẫu CV Europass nhưng thực tế là không nhất thiết. Bạn có thể sử dụng mẫu nào tùy ý, miễn là đảm bảo được các thông tin cơ bản về: training or/and education; working experience; research and publication; volunteering/award (nếu có). CV nên ngắn gọn và dài không quá 2 trang (có thể 3 trang nếu bạn thực sự có cái đáng để cho vào).
Lưu ý rằng: học bổng Erasmus Mundus là học bổng quan trọng đến thành tích học tập, kinh nghiệm làm việc và nghiên cứu, nếu có công trình được xuất bản thì là điểm cộng. Bạn nên làm nổi bật những điểm này.
Statement of purpose (SOP) hay motivation letter
Với mình, SOP là phần khó nhất của một bộ hồ sơ. Về hình thức SOP thường không có mẫu cố định. Bạn có thể viết theo phong cách, hình thức bạn thấy phù hợp trong khoảng 1000-1500 từ (2 trang A4 là đẹp nhất). Tùy theo từng chương trình mà có thể có giới hạn số từ và câu hỏi gợi ý cho SOP.
Về nội dung trong SOP bạn cần thể hiện được đâu là động lực khiến bạn lựa chọn học bổng/chương trình này, điều gì ở chương trình học thu hút bạn, chương trình này sẽ đóng góp ra sao cho việc phát triển bản thân và con đường sự nghiệp của bạn, với những kiến thức sẽ học được bạn dự định sẽ làm gì khi chương trình kết thúc, vì sao hội đồng xét tuyển nên chọn bạn. Quá trình viết SOP cũng là quá trình bạn thực sự ngẫm nghĩ về định hướng cho bản thân mình ở hiện tại và tương lai: tôi muốn đạt tới điều gì, trở thành người ra sao sau 5 năm, 10 năm nữa. Nếu bạn đã rất rõ ràng về con đường mình muốn đi thì việc viết SOP có thể sẽ không tốn quá nhiều thời gian. Ngược lại, bạn có thể xem việc chuẩn bị SOP như cơ hội để mình hiểu hơn về mình và có những hoạch định cho bản thân trong tương lai xa gần.
Để viết một SOP hay mình gợi ý bạn sử dụng những câu chuyện để dẫn dắt và chứng minh cho điều bạn muốn nỏi thay vì viết dưới dạng liệt kê hay kể lể dài dòng. Ví dụ thay vì chỉ nói “tôi rất trăn trở với vấn đề A” hãy kể câu chuyện vì sao, như thế nào, điều gì dẫn bạn tới với những suy nghĩ đó và để người đọc nhận ra là “ah, bạn này đang rất tâm huyết với chủ đề A”. Bắt đầu SOP bằng một câu chuyện hay một sự kiện – nơi bạn bắt đầu quan tâm đến một lĩnh vực nào đó – là một cách không tồi để khiến SOP của bạn trở nên hấp dẫn. Tuy nhiên cần tránh sa đà vào những chi tiết không thực sự cần thiết khiến câu chuyện quá dài. Lưu ý rằng: câu chuyện chỉ là công cụ để thể hiện ý bạn muốn nói, mục đích của bạn không phải là kể ai đó nghe về cuộc đợi mình. Theo đó hãy lựa chọn những thông tin đắt giá và có thể truyền tải đặc điểm mà bạn muốn hội đồng tuyển chọn nhận thấy. Ngoài ra, đừng lặp lại các nhiều thông tin mà trong CV hay LOR đã có, hãy dành số từ ít ỏi của SOP để phác họa phần trọng tâm, cốt lõi về bạn mà những cái kia chưa lột tả được hết.
Về bố cục, mỗi ý nên được phát triển riêng thành các đoạn. Tất cả các ý chính nên được đặt ở đầu đoạn (viết theo phong cách diễn dịch) vì chúng sẽ là phần được đọc bởi người xét tuyển. Không ai có thời gian đọc hết từng câu từng chữ bạn viết mà họ sẽ lướt qua những câu đầu, cuối của các đoạn. Vậy nên nếu bạn muốn nói gì hãy nói từ đầu rồi giải thích dẫn dắt sau.
Hãy bắt đầu viết SOP sớm nhất có thể vì nó có thể cần nhiều thời gian hơn bạn nghĩ. Bạn có thể bắt đầu bằng việc gạch ra các ý chính bạn muốn nói và những câu chuyện truyền tải thông điệp đó hay lý do diễn giải cho các ý chính ấy. Nếu bạn không biết bắt đầu từ đâu hãy ghi xuống tất cả những suy nghĩ của bạn sau đó nhờ một người biết bạn và từng có kinh nghiệm viết SOP nghe và gợi ý cho bạn. Hoặc cũng có thể sau khi đặt bút viết bạn sẽ tìm ra cách thể hiện tốt nhất cho mình.
Khi SOP đã viết xong bạn sẽ có thể gặp phải một vài tình huống: quá dài mà bạn không biết cắt bớt ở đâu; bạn không chắc nó đã đủ tốt để gửi đi chưa. Do đó bạn cần qua một bước là nhờ người đọc giúp và góp ý. Những người này nên ít nhiều biết về bạn, nhiệt tình với bạn và có kinh nghiệm trong việc làm hồ sơ học bổng. Bạn nên “lựa chọn” những người này từ trước khi bắt tay vào chuẩn bị hồ sơ, tức là nghĩ xem ai có thể hỗ trợ mình và tạo “network” từ sớm. Hẳn bạn cũng không thích thú gì khi một người quen biết sơ sơ cả năm cả tháng không liên hệ, bỗng một ngày nhờ góp ý cho SOP dài mấy nghìn từ.
Tuy nhiên, “mọi ý kiến đóng góp chỉ mang tính chất tham khảo” trừ khi bạn muốn trở thành kẻ đẽo cày giữa đường. Hãy nhớ: không ai hiểu bạn bằng chính bạn và đây là SOP của bạn chứ không phải ai khác. Bạn có thể ghi nhận các góp ý nhưng hãy chọn lọc cái nào bạn muốn sửa cái nào không mà vẫn thể hiện được điều bạn muốn nói. Và một điểm quan trọng là hãy biết đâu là điểm dừng bằng cách đặt deadline cho thời gian chỉnh sửa nếu bạn không muốn hành trình này kéo dài bất tận.
Letter of reference (LOR) – Thư giới thiệu
LOR là nơi đề sếp của bạn hoặc thầy của bạn khen bạn trong cuộc việc hay học tập. Về cơ bản thì LOR là những lời đẹp đẽ khen ngợi bạn thôi, nhưng khen gì và khen như thế nào để thư đảm bảo khách quan và có tính thuyết phục thì phụ thuộc rất nhiều vào người bạn “chọn mặt gửi vàng”. Tùy vào mối quan hệ giữa bạn và người viết LOR mà bạn có thể “tác động” tới nội dung thư giới thiệu hay không. Tác động ở đây có thể hiểu là nhắn nhủ của bạn tới sếp/thầy về điểm chính điểm phụ bạn muốn nhấn nhá. Như sếp của mình thì có hỏi mình luôn về những điểm này trước khi chị ấy bắt tay vào viết và sau đó còn gửi lại hỏi xem có muốn thêm thắt gì không (có tâm hết sức).
Người viết LOR là người cần biết và tiếp xúc với bạn qua công việc, học tập trong một thời gian không quá ngắn. Đây cũng nên là người bạn có mối liên hệ thường xuyên và họ nhiệt tình với bạn. Chức vụ và vị trí của người đó không cần quá cao nhưng nên là những vị trí then chốt trong tổ chức bạn làm việc hay khoa/trường bạn học. Hãy “tìm kiếm” những người này ngay từ khi bạn có manh nha suy nghĩ về con đường du học bằng học bổng.
Về cách khen, không có gì hay hơn bằng những câu chuyện về tình huống/sự kiện mà ở đó điều được khen thể hiện rõ ràng; hay thành tựu nổi bật; ấn tượng sâu sắc người viết thư có về bạn thông qua bối cảnh nào đó. Nếu một lá thư không có dẫn chứng mà chỉ gồm những lời khen không thì tính thuyết phục sẽ không cao, trừ khi người viết thư cho bạn rất có tiếng tăm (tầm quốc tế) về lĩnh vực chuyên môn liên quan.
Hãy liên hệ người viết LOR càng sớm càng tốt, ít nhất là một tháng trước khi bạn cần, gửi gắm thông tin về deadline và khéo léo nhắc nhở họ trước đôi tuần. Vì thường những người viết thư giới thiệu cho bạn sẽ rất bận rộn và để viết ra một thư giới thiệu đủ hay sẽ lấy của họ một khoảng thời gian nhất định để lên ý tưởng và hoàn thành. Hãy cho họ và bạn thời gian để không bị cuống cuồng những phút cuối.
Lưu ý nhỏ về hình thức LOR: độ dài LOR thường nằm gọn trong một trang A4, trên LOR cần có logo và thông tin (VD website) của tổ chức nơi người viết LOR công tác – phần thông tin này nằm ở header and footer, thư cần kết thúc bằng tên đầy đủ, chức vụ, chữ ký, email công việc và điện thoại của người viết LOR.
(tiếng Anh – điều kiện cần – thì thôi không viết nhé, có nhiều bạn chia sẻ quá rồi)
Kết
Mình không thích dịch “apply” học bổng là đi xin học bổng mà hiểu là là sự lựa chọn chủ động của người nộp hồ sơ như mình có viết rõ trong SOP của mình “I choose this in a pool of programmes…”. Cách nghĩ này cho mình cái tâm thế của người tự tin lựa chọn con đường đi chứ không phải kẻ yếu thế mong cầu ai đó trao cơ hội cho mình. Bạn có khả năng, bạn tin mình phù hợp, chương trình cũng cần tìm những ứng viên phù hợp nhất. Theo đó mối quan hệ không phải là xin – cho mà là hợp tác (ứng tuyển công việc cũng vậy). Sau này bạn có được học bổng thì cũng ký hợp đồng với trường như một đối tác.
Quá trình làm hồ sơ là quá trình “bán thân” và cũng là để hiểu về bản thân mình hơn, tự mình làm rõ những ngẫm nghĩ về hành trình phát triển từ quá khứ đến hiện tại, tương lai. Đây cũng là cơ hội để bạn tự đánh giá và nghe người khác đánh giá về điểm mạnh, điểm hạn chế của mình. Nếu học bổng là điều bạn muốn hơn tất cả những thứ khác ở thời điểm hiện tại, bạn sẽ có được nó.
Tuy nhiên học bổng du học không phải là đích đến mà chỉ là một nấc thang để bạn có được tầm nhìn cao rộng hơn. Để rồi từ đó bạn có thể mạnh dạn sải bước trên con đường mình chọn, trở thành con người mình mong muốn. Nếu bạn cố hết sức và có được nó, xin chúc mừng bạn. Nếu không cũng đừng thất vọng hay cho rằng bản thân mình kém cỏi. Có rất nhiều con đường có thể dẫn tới cùng một đích đến, và bạn có thể có cho mình những hướng đi khác bên cạnh học bổng du học.
Chúc bạn thành công.
Thái Hải (SSDH) – Theo Nguồn học bổng