Sẵn sàng du học – Xin chào các bạn. Mình là Kiên và mình đang làm PhD tại Úc. Với tất cả kinh nghiệm săn học bổng Tiến sỹ tại Úc và vài nước khác, mình đã viết lại các kinh nghiệm & giai đoạn mình trải qua để mong các bạn sẽ săn học bổng Tiến sỹ được thuận lợi hơn nhé.
Mình là một người tương đối may mắn. Năm 2011, lần đầu tiên trong đời apply học bổng, mình đã thành công với AusAID award (Học bổng phát triển của Chính phủ Úc). Sau khi học thạc sĩ về VN công tác năm 2014, mình tiếp tục tìm kiếm học bổng đi học Tiến sĩ.
Năm 2016 mình apply hai học bổng chính phủ gồm học bổng Endeavour và học bổng chính phủ New Zealand (dù vào được vòng trong nhưng đều trượt), 6 học bổng trường (1 trường của New Zealand – Aukcland University và 5 trường ở Úc) thì được 4 trường Úc cho học bổng toàn phần gồm Flinders University, Latrobe University, University of Canberra và Monash University. Thành công đối với một người có thành tích học tập và nghiên cứu (đặc biệt là xuất bản) không quá xuất sắc như mình phụ thuộc vào một chiến lược ứng tuyển rõ ràng với các sách lược phù hợp.
Trong chuỗi bài này, mình mong muốn chia sẻ với các bạn, những người đang có ước mơ du học, tiến tới một chân trời mới, những tips nho nhỏ của mình về cách xây dựng chiến lược và sử dụng các sách lược xây dựng bộ hồ sơ hiệu quả.
Bạn cần có một mục đích rõ ràng
Trước khi bắt đầu đi, bạn phải biết mình muốn đến đâu. Tức là bạn phải xác định mục đích của mình là gì. Nói cách khác, phải đạt được cái gọi là sense of purpose (hiểu rõ mục đích bản thân). Haỹ tự đặt cho mình những câu hỏi sau (từ rộng đến hẹp, từ xa đến gần, từ trừu tượng đến cụ thể):
- Mục đích đời bạn là gì? Cái gì bạn thực sự đam mê, thực sự mong muốn?
- Mục đích dài hạn trong 10-15 năm tới của bạn là gì?
- Các mục tiêu ngắn hạn của bạn? Chẳng hạn sau khi học xong PhD bạn sẽ làm gì? Hình dung cuộc sống của bạn khi có học bổng sẽ thay đổi như thế nào? Học bổng sẽ giúp bạn đạt được điều gì?
- Bạn sẽ đi con đường nào để theo đuổi những mục đích và mục tiêu đó?
Trước đó mình có ý muốn đi du học, nhưng chưa xác định được cụ thể tại sao mình cần đi học (mà chỉ có ý định trốn chạy vì cuộc sống tù túng ngột ngạt thôi). Cứ ngày ngày đi làm tắc đường thấy mệt mỏi, đọc tình hình thời sự đất nước thấy chán nản, vậy là muốn đi đâu đó cho xa!?! Mọi thứ “mông lung như một trò đùa” nên những câu hỏi nghiêm túc kiểu như nên đi học về cái gì, sau này học xong thì làm gì, học bổng giúp thay đổi điều gì trong cuộc sống v.v. mình đều không có một định hướng gì để trả lời cả.
Do chưa có xác định được rõ ràng nên toàn bộ những hồ sơ mình đã nộp trong năm 2014-đầu 2016, đặc biệt là phần phát biểu về mục đích (statement of purpose) và đề cương nghiên cứu (research proposal) đều phiên phiến, mơ hồ và thiếu dấu ấn cá nhân (personal touch). Bản thân mình còn thấy thế thì người ta chấm học bổng không thấy mới lạ!
Có bạn cứ bảo học xong Thạc sĩ rồi mà còn mông lung. Mình thì thấy, mỗi giai đoạn cuộc đời đều rơi vào một số các mông lung đặc thù: lúc cuối cấp 3 thì không biết nên vào đại học gì, lúc tốt nghiệp đại học thì không biết nên làm gì, đến lúc đi làm rồi không biết làm nghề này có đúng không hay chuyển nghề khác, lúc học xong thạc sĩ rồi thì không biết nên học tiến sĩ hay tiếp tục đi làm là đủ, v.v. Nói chung, cuộc sống mà thiếu mông lung thì có gì đó không đúng. Chấp nhận sự mông lung, và phải nghiêm túc để tìm kiếm lối ra.
Quá trình tìm kiếm mục đích của mình bắt đầu bằng việc suy nghĩ thật chín chắn cái gì mình thực sự đam mê – cái này rất quan trọng. Nếu không đam mê thì sau này khó mà theo đuổi được. Đối với mình, nghiên cứu là nghề nghiệp lâu dài nên phải học PhD. Mà học PhD phải cụ thể hóa bằng chủ đề nghiên cứu – thứ mình phải quan tâm và gắn với nghề nghiệp lâu dài. Chọn lựa một chủ đề nghiên cứu mang lại cảm hứng cho cá nhân là rất quan trọng. Nhưng cũng cần xem xét chủ đề đó có phù hợp với: (1) các hướng nghiên cứu của trường/tổ chức cho học bổng; (2) các hướng/dự án nghiên cứu của thầy cô (supervisors) mình mong muốn xin hướng dẫn; (3) thị trường việc làm và hợp tác (tức chủ đề mình học có khả năng xin được việc làm không, các nhóm nghiên cứu sau này mình có thể xin cộng tác cùng). Cân nhắc các lựa chọn đó để tìm ra điểm gặp gỡ mà mình nên tập trung đầu tư.
Vậy một người thiếu kinh nghiệm về chuyên ngành thì nên cân nhắc bằng cách nào? Mình xin gợi ý mấy cách:
(1) Trước hết là tập trung suy nghĩ: mục tiêu để hiểu bản thân mình muốn gì, lập biểu đồ để tìm hiểu điểm chung giữa đam mê của mình, hướng của trường, hướng của thầy cô hướng dẫn, hướng thị trường sau này.
(2) Tham khảo ý kiến của thầy cô và đồng nghiệp đi trước: nhưng cần chú ý là mình cần có định hướng trong đầu mình sẽ học gì, các chủ đề nào chứ các thầy cô và tiền bối sẽ không thay mình quyết định được. Họ chỉ đóng vai trò góp ý thôi. Lắng nghe các ý kiến của họ rất bổ ích vì họ là những người từng va chạm các vấn đề trong ngành và từng trải qua rồi. Đối với mình, sau khi nghĩ nát óc mà vẫn mông lung, những trao đổi với một số thầy cô mình quen biết giúp ích rất nhiều.
(3) Đi tham gia hội thảo, hội nghị trong nước và khu vực: các hội thảo hội nghị thường bàn những vấn đề nổi cộm trong cuộc sống. Tiếp xúc với những người tại hội thảo cũng giúp mình có thể ý tưởng về hướng mình nên đi.
(4) Đọc- Có thể nói việc đọc là cực kỳ quan trọng: bạn cần đọc nhiều vào các tài liệu chuyên ngành để tìm hiểu đâu là các định hướng nổi bật (trendy) trong ngành bạn. Từ đó bạn sẽ xác định được cái mình nên đầu tư theo đuổi lâu dài. Việc đọc cần tập trung theo các tạp chí đầu ngành. Mình hay tìm các bài review (tổng quan) mới xuất bản trong thời gian 5-10 năm trở lại đây. Những bài dạng này thường tổng kết các xu hướng đã có và đề xuất những định hướng nghiên cứu mới có tiềm năng trong thời gian tới.
Bằng các cách đó, mình dần dần xác định được mục đích và hướng đi của mình. Khi mục đích được xác định, thì tự nhiên các phần khác của bộ hồ sơ sẽ trở nên liên kết chặt chẽ với nhau thành một thể thống nhất.
Chốt lại, không có sense of purpose thì viết cái gì cũng nhạt, cũng mông lung.
Thái Hải (SSDH) – Theo Nguồn học bổng