Gặp một Haruki Murakami chân thật ở tiểu thuyết đầu tay

0

Sẵn sàng du học – Ở "Lắng nghe gió hát", có những chỗ Murakami viết chưa thật liền mạch, trơn tru, nhưng tác phẩm vẫn biểu lộ một tài năng tầm cỡ cho văn chương thế giới.

Người đọc Việt Nam giờ đã bớt hào hứng với Haruki Murakami. Những cơn lên đồng từ thời Rừng Na Uy dần dần hạ nhiệt sau những cuốn sách mới ra gần nhất như tập truyện ngắn Những người đàn ông không có đàn bà, tiểu thuyết Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương, trước đó chút nữa là bộ ba cuốn dày dặn 1Q84.

Những chỉ dấu quen thuộc trong tác phẩm của Murakami

Thêm vào đó, nhà văn năm nào cũng trượt Nobel Văn học dù luôn đứng đầu các trang cá cược online đã đẩy người đọc vào một sự nghi ngờ nhất định, rằng liệu Haruki Murakami có là một nhà văn xuất sắc như họ vẫn nghĩ, liệu rồi đây ông còn khiến độc giả bất ngờ, choáng ngợp được nữa?

Để trả lời câu hỏi ấy không cách gì hay hơn là đọc lại các tác phẩm của ông, bắt đầu từ cuốn tiểu thuyết đầu tay Lắng nghe gió hát, viết năm 1979, nằm trong “Bộ ba Chuột” cùng với Pinball, 1973 và Cuộc săn cừu hoang, viết về nhân vật tôi và người bạn tên Chuột của anh ta.

Vậy ở tiểu thuyết đầu tay này Haruki Murakami đã làm gì với những nhân vật của mình?

Chắc chắn sẽ có một cuộc gặp gỡ tình cờ. Nhân vật tôi quen một cô gái với bàn tay trái chỉ có bốn ngón ở quán Jays Bar làm trong cửa hàng băng đĩa. Rồi họ cùng đến phòng của nhau ăn uống, nghe nhạc, nói những câu chuyện vu vơ về hiện tại, quá khứ, ôm nhau ngủ, khi thức dậy ngắm cảnh vật phía bên ngoài cửa sổ, thường có trăng hoặc mặt trời.

Các câu chuyện “vu vơ” ở đây thực ra là các nút thắt mở những đầu mối dẫn về sự kỳ lạ trong tính cách, hành động nhân vật thể hiện ra bên ngoài. Đồng thời là đường dẫn vào các ký ức ở sâu trong quá khứ, đa số là nỗi buồn, kỷ niệm đau đớn.

Có một cuộc tìm kiếm người tặng bài hát California girls của nhóm The Beach Boys từ chương trình quà tặng âm nhạc qua điện thoại. Một cô gái đã cho nhân vật tôi mượn LP trong đó có chứa bài hát trên.

Nhưng tất nhiên, qua rất nhiều truy đuổi, từ nhà trường đến bạn cũ, chẳng có ai biết tí ti gì về cô gái cả, nhiều người thậm chí chẳng nhớ cô gái là ai. Cô gái năm nào học chung lớp dường như đã hoàn toàn biến mất, bốc hơi khỏi trái đất. Gọi đến đầu mối cuối cùng là một nhà trọ bình dân thì chủ nhà cho biết cô đã chuyển đi từ mùa xuân, chẳng biết đi đâu.

Những cuộc truy đuổi kiểu như này đầy rẫy trong các truyện ngắn, tiểu thuyết tiếp sau của nhà văn. Khi mà các tình cờ đưa đến, các mối liên hệ ký ức lần lượt hiện ra đẩy nhân vật vào mê cung truy đuổi. Các cuộc truy đuổi rất hiện thực mà đầy mơ hồ.

ssdh-lang-nghe-gio-hat

 

Một Murakami chưa thật hoàn hảo

Trong mê cung ấy có các cô bạn gái ngày xưa. Một cô là bạn hồi cấp ba, tin tưởng yêu nhau mãnh liệt, rồi chia tay sau khi tốt nghiệp vài tháng. Hai là cô nàng hippie gặp ở ga tàu điện ngầm, ở lại chung căn hộ của nhân vật tôi một tuần rồi đột ngột đi mất cùng một số đồ đạc.

Ba là cô nàng học khoa Pháp văn quen trong thư viện trường đại học. Cô này treo cổ chết trong một khu rừng tồi tàn gần sân tennis năm hai mốt tuổi, thi thể lơ lửng trong vài tuần mà chẳng ai phát hiện ra. Nhân vật tôi giữ một bức ảnh của cô Pháp văn này chụp năm mười bốn tuổi. Lý do về cái chết của cô gái thì không ai biết, kể cả nhân vật tôi.

Có những con mèo rải rác trong tuyến truyện. Và ở rất nhiều tác phẩm sau này hình ảnh mèo sẽ trở lại đầy đặn, kỹ lưỡng, trung tâm hơn, như trong Kafka bên bờ biển chẳng hạn. Đặc biệt, có một câu truyện về cái giếng trong truyện ngắn Giếng sao Hỏa của Derek Hartfield, viết về một chàng thanh niên leo xuống những cái giếng không đáy được đào vô số trên bề mặt sao Hỏa.

Chính những cái giếng đã cho chàng ta sức mạnh để cảm nhận tốt hơn cuộc sống bên ngoài. Giếng gợi người đọc đến tiểu thuyết Biên niên ký chim vặn dây cót sau này.

Ở đó có cả những cuốn sách mà nhân vật tôi hoặc Chuột, hoặc nhà văn Hartfield đọc như Christ tái đóng đinh của Nikos Kazantzakis, Anh em nhà Karamazov của Dostoievski, Jean-Christophe của Romain Rolland, Chiến tranh và hòa bình của Lev Tolstoy… Rồi những nhà văn như Ernest Hemingway, F.Scott Fitzgerald, Ray Bradbury… cũng xuất hiện trong tác phẩm.

Nhà văn Hartfield cùng những tác phẩm, phát biểu của ông là nguồn động lực, gợi ý cho tiểu thuyết Lắng nghe gió hát ra đời.

Người đọc sẽ gặp một nhà văn Haruki Murakami chân thật, là chính mình nhất ở tác phẩm này. Có những đoạn kể bỏ lửng, bởi dường như nhà văn chẳng biết viết gì tiếp nữa, hay viết văn lúc đó cũng là một việc làm giải trí lúc rảnh rỗi, cạnh nghe nhạc và đọc sách.

Có cảm giác câu chuyện trong Lắng nghe gió hát không thật liền mạch, trơn tru. Nhưng dẫu sao đây cũng là một cuốn sách đáng đọc để bước vào thế giới của nhà văn, với rất nhiều những cộc mộc, chỉ dẫn cho những tác phẩm sau này.

Và với câu hỏi Haruki Murakami có là nhà văn xuất sắc không? Câu trả lời chắc chắn là có. Và những tác phẩm tiếp theo của ông đáng để chờ đợi với độc giả. Dù nó không còn gây bất ngờ, choáng ngợp nữa thì nó vẫn còn đó cái cốt lõi của một người kể chuyện có duyên, với những câu chuyện chạm đến trái tim độc giả, khi mà ai cũng thấy hình bóng mình trong tác phẩm của ông.

Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing

Share.

Leave A Reply