Sẵn sàng du học – Chúng ta luôn hào hứng với những giờ thảo luận trên lớp những bản trình chiếu được chuẩn bị công phu, hấp dẫn. Thế nhưng rất nhiều người lại đang “giết chết” giờ học ngay từ những giây đầu tiên bằng những sai lầm với PowerPoint tai hại khi chuẩn bị slide cho bài thuyết trình của mình.
Hãy điểm mặt những sai lầm khi làm slides mà hầu như ai cũng mắc phải ít nhất một lần dưới đây nhé!
1. Mang hết nội dung trong sách vào slide
Cách làm slides cho mỗi buổi thuyết trình mà sinh viên nào cũng copy y như nhau: Đánh dấu các phần quan trọng trong sách giáo khoa hoặc giáo trình; chuyển nội dung lên trang trình bày; thêm một vài hình ảnh;… Những thông tin được đưa vào slides đó hoàn toàn không có gì khác những nội dung mà tất cả những sinh viên khác có thể hoàn toàn tự đọc, và đương nhiên bạn bè chúng ta sẽ không hào hứng gì khi phải ngồi nhìn và lắng nghe lại những kiến thức không có gì mới mẻ cả.
Mỗi khi thiếu ý tưởng cho những slides, cách đơn giản nhất mà ai cũng làm là đưa định nghĩa, đưa thuật ngữ vào và giải thích trong khi đó lại là nhiệm vụ của giáo viên. Sinh viên bên dưới chắc chắn sẽ thấy thật buồn ngủ khi một giờ học chỉ dành để giải thích đi, giải thích lại những định nghĩa.
2. Slides chỉ có chữ
Không phải ai cũng có đủ những ý tưởng để làm cho bài thuyết trình của mình trở nên sống động, hấp dẫn. Khi đưa ra một vấn đề, rất nhiều sinh viên lựa chọn cách chèn một loạt số liệu hay một loạt thông tin chỉ toàn chữ mà thôi thay vì đưa ra những hình ảnh, những cách gợi mở về nội dung bài học. Sai lầm với PowerPoint này hầu như ai cũng mắc phải ít nhất một lần, đặc biệt là những lần chuẩn bị thuyết trình đầu tiên.
Thay vì là một cuộc thảo luận sôi nổi trong lớp, các sinh viên còn lại sẽ hỳ hục ghi chép những nội dung đó để phục vụ cho bài thi, kiểm tra. Bỗng nhiên, vì những slides chỉ toàn chữ, một giờ học bỗng biến thành giờ chép bài sao cho kịp tốc độ chuyển slide.
3. Sử dụng hình ảnh từ Google
Để lấy hình ảnh sử dụng cho bài thuyết trình, cách đơn giản nhất chúng ta vẫn làm là "google search". Cách làm này tưởng chừng vô hại nhưng lại là hành vi không tôn trọng bản quyền tác giả. Tuy không quá nghiêm trọng trong phạm vi một lớp học nhưng điều này sẽ tạo ra thói quen không tốt khi chúng ta cần thực hiện những nghiên cứu sâu hơn, với nhiều tài liệu hơn.
Thay vì "google search" và lấy tạm một hình ảnh nào đó, chúng ta hãy tập làm quen với cách kiểm tra bản quyền và chỉ được lấy hình ảnh, thông tin khi chủ sở hữu của chúng cho phép. Một số trang web cung cấp hình ảnh miễn phí mà sinh viên nên biết phải kể đến như: Pixabay, Unplash, Flikr,…
4. Đọc nguyên si nội dung từ slides
Chắc chắn không có sinh viên nào sẵn sàng với việc tham gia một lớp học chỉ để ngồi nghe nhóm thuyết trình đọc nội dung trong slides. Không ít coi việc thuyết trình là đưa hết thông tin lên bản trình chiếu và đứng đọc lại. Sai lầm này không chỉ là minh chứng cho sự chuẩn bị bài không chu đáo mà còn khiến thầy cô, bạn bè tham gia lớp học cảm thấy mệt mỏi và không được tôn trọng.
Dường như chúng ta đang tốn quá nhiều thời gian để trang trí những chi tiết nhỏ nhặt cho slides trong khi bố cục, nội dung thì sắp xếp lộn xộn, khó theo dõi. Sự nhàm chán chính là sai lầm với PowerPoint kinh khủng nhất khiến cho buổi thảo luận, thuyết trình rơi vào bế tắc, thậm chí không ai chú ý lắng nghe.
Điều mà học sinh, sinh viên cần là một giờ học được khám phá và thảo luận, slides chỉ là một công cụ hỗ trợ mang đến những thông tin, hình ảnh thực sự cần thiết và hữu ích. Những bản trình chiếu không phải để trở thành bản sao của sách giáo khoa, càng không phải trở thành một cuốn sách giáo khoa khác với dày đặc thông tin, thuật ngữ và những ví dụ bằng chữ tẻ nhạt.
Sử dụng công cụ trình chiếu như thế nào không phải là điều mà sinh viên nào cũng biết cách cũng áp dụng đúng cách. Hi vọng chúng ta không tiếp tục giết chết giờ học của chính chúng ta bằng những slides nhàm chán, khô cứng ngay từ đầu tiết học.
Nếu bạn bè của bạn cũng đang mắc những sai lầm với PowerPoint như vậy, hãy chia sẻ ngay bài viết này với họ nhé!
Cá Domino (SSDH) – Theo kenh14