Sẵn sàng du học – "Hạ về trên đồi cỏ lau hồng" là một câu chuyện cảm động của tuổi mới lớn được kể bằng ngôn ngữ văn chương thơ mộng cùng những hình ảnh sắc màu đầy quyến rũ.
Hạ về trên đồi cỏ lau hồng là cuốn sách thuộc thể loại tiểu thuyết đồ họa, là những cuốn sách được viết và được minh họa với kiểu dáng của một cuốn truyện tranh.
Thuật ngữ tiểu thuyết đồ họa đã được sử dụng đầu tiên vào năm 1978 bởi tác giả Will Eisner để phân biệt với một cuốn truyện tranh mà ông ấy đã viết và minh họa ở góc truyện tranh trong một tờ báo.
Ông đã mô tả tiểu thuyết đồ họa bao gồm các "nghệ thuật tuần tự" – một loạt các hình ảnh minh họa mà khi xem theo thứ tự sẽ hiểu ra một câu chuyện.
Tiểu thuyết đồ họa trên thế giới khá phổ biến và được độc giả yêu quý nhưng ở Việt Nam tiểu thuyết đồ họa còn khá sơ khai.
Câu chuyện của Hạ về trên đồi cỏ lau hồng diễn ra trong bối cảnh một đồi cỏ hồng, bắt đầu bằng cuộc gặp gỡ của cô gái yêu vẽ, Hạ An và chàng trai giỏi thể thao mới chuyển trường, Jude.
Trong khung cảnh của đồi cỏ lau hồng, Jude và Hạ An đã kết bạn với nhau, dần cởi mở những câu chuyện riêng tư về mơ ước, về say mê. Dù rất yêu quý Jude, rất nhiệt thành hướng dẫn Jude trong những bức vẽ, nhưng Hạ An chưa từng giải đáp thắc mắc của Jude chuyện “tại sao trong tranh của Hạ An không có hình dáng của con người”. Ẩn giấu đó cũng chính là điều tạo nên ngữ nghĩa sâu sắc, lắng đọng cho câu chuyện.
Hai đứa trẻ ngày càng thân nhau, họ đã cùng nhau trải qua những ngày hè rực rỡ lấp lánh sắc màu trên đồi cỏ lau hồng thân thương ấy.
Nhưng rồi biến cố đã đến. Cuối cùng vào kho Jude biết được nỗi lòng riêng luôn dấu kín của Hạ An cũng là những ngày cuối cùng Hạ An còn sống được trong cõi đời này.
Biến cố ấy bao trùm lên mênh mang đồi cỏ hồng một nỗi buồn nhưng không chút bi luỵ
Cách Jude ở bên cạnh Hạ An trong những ngày bệnh nặng, cách cậu vẽ bạn bè với những lời nhắn nhủ vừa yêu thương vừa hóm hỉnh đến Hạ An đã làm dịu đi rất nhiều nỗi buồn, và gợi mở nên nhiều những dịu dàng, lãng mạn cho câu chuyện.
Giọng văn của tác giả Hoàng Phương Thúy bồng bềnh như chính những sắc hồng của tuổi mới lớn. Ấy là khi những đứa trẻ như Hạ An như Jude đang rón rén bước vào cánh cửa của tuổi trẻ với những mộng mơ cảm động.
Cô bé Hạ An mắc bệnh và không thể nối dài thêm những ngày sống tới trưởng thành của mình nhưng cô đã gieo vào lòng Jude một niềm say mê đẹp đẽ để sau này trở thành sự nghiệp đeo đuổi của Jude.
Cậu trở thành họa sĩ, vẽ nên bức tranh đồi cỏ hồng mênh mang, và khoảng đồi ấy, có cô thiếu nữ Hạ An.
Người đã ra đi thật, những người vẫn nằm lại nơi ký ức bền bỉ nhất của tuổi trẻ, là khoảng mất mát nhưng cũng là khoảng neo đậu, yêu dấu.
Phần tranh trong truyện không đơn thuần chỉ là phần tranh minh họa mà chính là một nhân vật, tạo nên tính khơi gợi tưởng tượng cho câu chuyện. Tranh và lời quyện vào nhau, giống như những khung hình và đối thoại trong điện ảnh, đều nắm giữ vai trò quan trọng như nhau.
Bởi thế nên, đọc Hạ về trên đồi cỏ lau hồng không chỉ đọc câu chữ trên trang, mà còn đọc biết bao nhiêu ý tứ từ sắc màu của mỗi bức tranh, khiến câu chuyện thêm đậm đà dư âm, quyến luyến.
Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing