Lê Đình Hiếu và cú sốc trên đất Mỹ

0

Sẵn sàng du học – Lê Đình Hiếu chia sẻ chính cú sốc trên nước Mỹ đã thôi thúc anh học thật giỏi và tốt nghiệp thủ khoa trường đại học UCLA.

Lê Đình Hiếu từng được Forbes Việt Nam vinh danh trong danh sách 30 người trẻ dưới 30 tuổi nổi bật nhất năm 2016. Ảnh: Như Ý.

Lê Đình Hiếu từng được Forbes Việt Nam vinh danh trong danh sách 30 người trẻ dưới 30 tuổi nổi bật nhất năm 2016. Ảnh: Như Ý.

Lê Đình Hiếu (sinh năm 1988) là một trong 20 đề cử gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2018. Anh đã sáng lập Học viện Đào tạo Phương pháp Tư duy và Kỹ năng sống G.A.P; sáng lập dự án Hear.Us.Now dạy tiếng Anh và Tin học cho người khiếm thính. Sau 3 năm hoạt động, Học viện G.A.P từ 11 bạn nhỏ ban đầu đã phát triển lên con số 8.500 học viên.

 Liên tiếp trong hai năm 2017, 2018, học viện được tổ chức giáo dục và đào tạo quốc tế UNESCO CEP chọn làm đối tác chiến lược cho dự án tìm kiếm tài năng trẻ Talent Generation kết nối 10.000 sinh viên và tạo cơ hội việc làm cho 1.000 sinh viên các trường đại học trên toàn quốc. Mỗi năm dự án của anh hỗ trợ từ 100 đến 200 suất học miễn phí cho người khiếm thính.

Đình Hiếu được Forbes Việt Nam vinh danh trong danh sách 30 người trẻ dưới 30 tuổi nổi bật nhất năm 2016; được Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Cộng đồng Lin (Lin Center) trao tặng giải thưởng Rút Ngắn Khoảng Cách.

Dưới đây là cuộc trò chuyện của pv Tiền phong với Lê Đình Hiếu:

Hiếu vốn là người đi du học ở Mỹ và tốt nghiệp chuyên ngành Toán nhưng Hiếu lại chọn con đường phát triển dạy tiếng anh và tin học cho người khiếm thính, khiếm thị. Vì sao Hiếu lại chọn con đường giáo dục đó, vì sao phải xoay chuyển định hướng giáo dục?

Nhiều người đặt câu hỏi muốn thay đổi đất nước thì phải làm thế nào? Xuất phát từ bản thân tôi thôi, tôi đã cố gắng học giỏi và kiếm học bổng đi du học. Tuy nhiên, khi du học thì tôi gặp một cú sốc đó là lần đầu tiên đi thuê nhà ở. Mọi thứ đã xong xuôi cho đến lúc kí hợp đồng, chủ nhà biết tôi là người Việt Nam thì họ không cho thuê nữa. Họ lý giải vì nhiều người Việt Nam quỵt nợ, không giữ nhà. Khi về nhà, tôi đã khóc rất nhiều nhưng người anh mà tôi ở cùng không nói gì hết và cho tôi một tờ giấy chỉ ghi một câu: “Tài sản lớn nhất của tôi là nỗi nhục nước nghèo”. Tờ giấy đó, tôi dán ở bàn học suốt những năm ở Mỹ và ở bàn làm việc cho tới tận bây giờ. Vị thế dân tộc ta quá thấp trên thế giới.

Sau 4 năm, tôi tốt nghiệp thủ khoa đại học tại Mỹ. Khi được phát biểu trong lễ tốt nhiệp, tôi kể lại câu chuyện của mình. Mỗi ngày khi tôi đi học, tôi suy nghĩ đến câu chuyện duy nhất là dân tộc mình chưa được đánh giá cao trên thế giới, nếu mình học dốt, nếu không đứng đầu lớp thì không ai nhìn nhận.

Đại học nơi tôi theo học tại Mỹ nhận tôi ở lại làm giảng viên. Sau một thời gian ngắn tôi trở về Việt Nam. Tôi nhận ra học tập thay đổi rất nhiều và cho ta nhiều cơ hội lớn. Đó là động lực để tôi trở về vì muốn thay đổi tư tưởng giáo dục ở Việt Nam.

Điều gì chúng ta có thể thay đổi trong giáo dục để giáo dục thay đổi vận mệnh đất nước?

Chỉ cần các em học sinh Việt nam được học bằng đam mê thì đó là cách dễ nhất để thay đổi. Khi chúng ta học mà không thấy mệt thì dễ đi đến thành công hơn. Tôi là người quan tâm tới giáo dục dành cho vùng sâu vùng xa và người khuyết tật. Vì họ là những đối tượng nằm bên lề hệ thống giáo dục. Họ thiếu thốn khó khăn và đi học vẫn không vui. Tôi chuyển hướng giáo dục vì cộng đồng nhiều hơn.

Bạn nói rằng chúng ta phải làm giáo dục. Phải gieo cho mọi người đam mê. Trong công việc thực tiễn của mình, phương pháp mà bạn gieo đam mê cho cộng sự của mình như thế nào?

Tôi may mắn vì có nhiều bạn tình nguyện viên hỗ trợ tôi trong công tác giáo dục vì cộng đồng. Câu hỏi là làm sao truyền được cảm hứng cho họ? Tôi cho rằng, cách truyền cảm hứng tốt nhất là để họ cảm nhận được sự thay đổi của các em học sinh, thay đổi của người được hưởng lợi.

Tôi xin kể một câu chuyện: Ngày xưa, có 1 em bé bị chứng tăng động, giảm tập trung, nhiều khi khóc cười ở lớp, sợ đi học. Sau khi tôi dạy học sinh đó 3 tháng, đã định gửi lại về gia đình. Lúc đó phụ huynh nói với tôi cố gắng 3 tháng nữa và tôi đồng ý. Tôi lên mạng tìm phương pháp riêng cho cậu bé và tôi đọc được một gợi ý, mỗi khi thằng bé bị stress thì đừng nói gì hết, chỉ đặt lên vai và vuốt nhẹ một cái. Sau đó khoảng hơn 1 tháng, phụ huynh báo tin, trên bàn ăn, em học sinh đó kể về câu chuyện học tập trên lớp. Tôi cảm thấy em ấy đã bắt đầu có tín hiệu yêu thích môn Toán. Thành công đó truyền cảm hứng cho tôi và các bạn xung quanh. Chúng ta dành thời gian để yêu thương và thay đổi được đứa trẻ.

Cách đây 6 tháng, em học sinh đó đã đạt đủ yêu cầu để đi du học Canada, đó là thành công nho nhỏ và chính là động lực để chúng tôi cố gắng.

Là người có trình độ cao như vậy và chỉ dành thời gian cho những đối tượng mà bạn hướng đến như bây giờ, liệu có phí không?

Thật ra câu chuyện tôi vừa kể cách đây 4 năm. Khi tôi chuyển hướng giáo dục, tôi xác định tôi sẽ là một người thầy vì chỉ khi làm thầy tôi mới hiểu rõ học sinh của của mình. Sau 5 năm đầu tiên làm thầy thì hiện tôi chuyển sang là người thầy của những người thầy”.

Bạn có thể chia sẻ ý nghĩa của cụm từ viết tắt G.A.P không?

Ý nghĩa của cụm từ G.A.P chính là Giấc mơ rút ngắn khoảng cách của người Việt Nam với thế giới.

Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Tiền Phong

Share.

Leave A Reply