Sẵn sàng du học – Những thức uống có từ "thời ông bà anh" trường tồn mãi với thời gian, dù không phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn lặng lẽ đi cùng từng thế hệ người Sài Thành.
Thời buổi bây giờ, cứ hẹn hò nhau đi uống gì đó là 90% giới trẻ thường dắt tay nhau ra các hàng trà sữa, không hãng trà sữa này thì có hãng trà sữa kia. Thậm chí, trà sữa "bành trướng" đến mức các quán cà phê bình thường bây giờ cũng thêm trà sữa vào menu, bởi vì không có là coi như… "lỗi thời" và có nguy cơ mất một lượng lớn khách. Đến cả một số ông lớn như McDonalds cũng lục tục chuẩn bị phục vụ thêm trà sữa.
Tuy nhiên, trong không khí rộn ràng, ai cũng một ly trà sữa trên tay, thì ở nhiều ngóc ngách Sài Gòn vẫn còn các món thức uống, dù lặng lẽ hơn nhưng cũng chẳng kém phần phổ biến. Xét về tuổi đời ở Việt Nam thì chúng lâu hơn trà sữa nhiều lắm, nhưng cho dù có kém nổi hơn đi chăng nữa thì những "thức uống ngày xưa" này vẫn sẽ luôn luôn đồng hành cùng các thế hệ Sài Thành cho đến thật nhiều năm về sau.
Bạc xỉu
Bạc xỉu, hay đôi khi còn được ghi là "bạc sỉu", là thức uống có cái tên nghe là lạ nhưng lại rất quen thuộc với người Sài Gòn. Bạc xỉu là rút gọn của cả cụm "bạc tẩy xỉu phé", trong đó bạc là màu trắng, chỉ sữa, tẩy là ly không, xỉu là "một ít" và phé là "cà phê". Nói đơn giản chút, đó là sữa trắng và ít cà phê. Thời xưa, khi các tiệm nước do cộng đồng người Hoa mở ra còn thịnh, họ bán chút này chút nọ như cà phê, há cảo, bánh kẹo… Văn hoá cà phê từ đó trở nên phổ biến với người Sài Gòn không phân nam nữ, già trẻ. Tuy nhiên phụ nữ và trẻ em thường không chịu được đắng, nên món bạc xỉu nhiều sữa ít cà phê từ đó ra đời và tồn tại mãi đến bây giờ.
Và cũng có người lý giải rằng thời đó sữa tươi thật rất đắt, nên người ta thường phải dùng các loại sữa đặc, mà những loại này lại có vị gắt, quá ngọt, nên mới nghĩ ra cách thêm cà phê vào để trung hoà. Song, dù thế nào thì bạc xỉu vẫn là món uống nổi tiếng của người Sài Gòn. Cứ là quán nước, quán cà phê thì không thể nào không có bạc xỉu trên thực đơn, mà thậm chí là không có trên thực đơn thì bạn vẫn có thể gọi riêng, bởi đã là người Sài Gòn thì ai cũng biết bạc xỉu.
Dừa tắc
Dừa tắc là thức uống kết hợp giữa nước dừa và cái chua thanh của mứt tắc, quả tắc. Dừa để làm dừa tắc thường có vị ngọt tự nhiên, để ở ngoài lâu không cẩn thận sẽ thấy kiến bâu đầy cả. Tắc có thể dùng mứt tắc hay quả tắc tươi, song nhiều người thích dùng mứt, vì có thể vừa uống vừa nhai mứt, có vị chua nhẹ, đắng thanh. Sài Gòn nóng quanh năm, vậy nên thức uống giải khát cực tốt này như một lẽ tự nhiêm chiếm lấy một phần không nhỏ trong lòng người dân nơi đây. Dừa tắc có mặt ở khắp Sài Gòn, từ các sạp nước nhỏ lẻ không tên ven đường cho đến những quán nước lớn hơn.
Đá me
Đã là người Sài Gòn thì ai hẳn cũng phải có một lần uống đá me trong đời, mà thường thấy nhất chính là hình ảnh ly đá me của mấy sạp nước nhỏ sau cổng trường, cổng cơ quan. Đá me chua chua ngọt ngọt, thêm mùi beo béo của đậu phộng từng là món uống ưa thích của mọi tầng lớp Sài Thành. Chắc hẳn thế hệ 9x đời đầu không mấy ai xa lạ với hương vị đá me chua lúc mới được mang ra, ngồi tỉ tê một lúc thì đá tan, đường tan, có vị ngọt chua nhè nhẹ, sau khi đá tan hết rồi mà câu chuyện vẫn chưa dứt, thì bèn lấy muỗng mút ít đậu phộng nằm dưới đáy ly nước bấy giờ đã nhạt thếch. Ngày xưa học sinh người ta không có trà sữa, chỉ hẹn nhau ra sau cổng trường, vén vén tà áo dài rồi cùng ngồi nhâm nhi ly đá me mát lạnh.
Sữa tươi Mười
Sữa tươi nghe hơi "chung chung", hẳn là chỗ nào cũng có, chẳng riêng gì Sài Gòn. Thế nhưng sữa tươi uống sáng, còn nóng hôi hổi, ăn cùng mấy món bánh nhà làm thơm phức, mềm mịn của Sữa Tươi Mười trên đường Phùng Khắc Khoan thì chỉ có ở Sài Gòn mà thôi. Quán mở ra hơn vài thập kỷ phục vụ thực khách Sài Gòn, cứ sáng sáng Thứ Bảy Chủ Nhật là lại thấy người ta rủ nhau dậy muộn rồi ra la cà ở khoảng sân trước ngôi nhà cũ trên đường Phùng Khắc Khoan. Không có bàn ghế, người ta đặt đĩa, ly lên mấy chiếc ghế nhựa, rồi cứ thế mà câu được câu chăng, uống hết ly sữa, ăn hết miếng bánh. Sữa tươi Mười mang hương vị tuổi thơ cùng ký ức của biết bao người Sài Gòn đấy.
Nước mía
Người Sài Gòn thích bất kì món nào giải khát tốt, và nước mía cũng không ngoại lệ. Nước mía Sài Gòn có thể được uống kiểu hẹn hò nhau ngồi bên mấy chiếc ghế nhựa, cũng có thể là vội vã ngừng xe, mua một bịch hoặc một ly giữa cái nắng đổ lửa, hút một hơi cho mát người rồi rồ ga chạy tiếp. Nước mía Sài Gòn có nhiều phiên bản từ nước mía đậu xanh, nước mía sầu riêng… khiến vạn người mê, cũng có loại nước mía chỉ vài nghìn một bịch bán trước cổng trường cho bọn trẻ con. Hiện tại, dù đã có rất nhiều thức uống ngon lạ, nhưng văn hoá uống nước mía của người Sài Gòn vẫn còn mạnh lắm. Trên khắp các quận không thiếu các hàng nước mía, các quán hủ tiếu, cơm tấm đôi khi cũng phải có một xe ép nước mía để phục vụ thực khách.
Cá Domino (SSDH) – Theo kenh14