Sẵn sàng du học – “Người lữ khách” Nikos Kazantzakis kể chuyện giong buồm từ Hy Lạp đến châu Á khám phá phương Đông và tìm kiếm câu trả lời cho ý niệm tự do trong "Vườn đá tảng".
"Cứu tôi với!" – Nikos Kazantzakis đã bắt đầu cuốn Vườn đá tảng như thế. Một lời kêu cứu "vọng ra từ vực thẳm, xé tim" nhưng "hạnh phúc vô cùng". Lần theo tiếng kêu cứu đó, người đọc như đang dấn thân vào một hành trình, không chỉ là thưởng ngoạn mà còn khám phá ra bao câu chuyện rực rỡ và đau buồn khác.
Chuyến hành hương hướng về châu Á
Khởi sinh cho một ý tưởng hành hương, phương Đông được ví như là “một giọt thuốc độc”, “cõi Á hại độc”. Để tìm cách chữa trị niềm khao khát được khám phá, nhân vật tôi (cũng có thể hiểu chính là Nikos Kazantzakis) đã quyết định dấn thân mình vào cõi Á.
Nikos đã lên một con tàu, hướng thẳng đến Nhật Bản và sau đó là Trung Quốc – hai nền văn minh lâu đời bậc nhất của châu Á. Ông đã được thoả mãn cả năm ngũ quan, được thấy, cảm nhận cái tiết nhịp của đời sống, cái thiêng liêng tàng ẩn trong tư tưởng và văn hoá, để lấp đầy tiếng gọi từ sâu thẳm bên trong con người.
Nơi nhân vật tôi dừng chân đầu tiên là Nhật Bản, ông hít hà thứ không khí tôn nghiêm và thành đạo của xứ sở mặt trời mọc. Ông gặp lại cô bạn cũ Joshiro, kết thân người bạn mới Kughé. Ông hiểu thêm cái chất của con người nơi đây, thứ làm nên sự thanh cao, như ngọn Phú Sĩ sừng sững hay nét đẹp thanh tân của hoa anh đào.
Ông nhìn nước Nhật bằng con mắt thích thú: “Quang cảnh chói loà vỡ oà trước mắt như một quả lựu chín quá nứt nẻ ra trong nắng” và “Xác thân tôi muốn coi, nghe, sờ, để tin rằng có cảnh xuân mộng Đông phương này”.
Trong điểm dừng chân đó, Nikos đã phần nào đem lòng yêu đất nước Nhật Bản. Nhưng không dừng ở đó, ông lại tiếp tục hướng ánh mắt mình về Trung Hoa, nơi quê hương người bạn Lý Đức từng chung trường thời sinh viên tại châu Âu.
Khác với Nhật Bản, Trung Quốc hiện lên với những gì trần tục nhất. Đó là cái ảm đạm của không khí, cái hôi hám của hơi người, mùi xú uế… Ông miêu tả Trung Quốc: “Thuốc phiện, bạc, đàn bà, đó là ba cái cửa lớn của khoái lạc, từ đó linh hồn người Trung Hoa thoát ra đi hoang, bấy giờ mới tự do, xa thực tại kinh tởm”; hay “Thượng Hải có cái to lớn của địa ngục. Giàn giụa sống, giàn giụa chết. Nó lên cơn sốt, hối hả làm tiền, hưởng thụ, bị ám ảnh vì những linh cảm và nó khắc khoải chờ mong rạng đông”.
Nhưng rõ ràng, đó không phải là tất cả phương Đông mà Nikos nhìn ngắm và ngẫm nghĩ. Cõi Á không chỉ có trầm hương, đạo Phật, không chỉ haiku, Đường thi, không chỉ núi Phú Sĩ hay Trường Thành… nó còn là cái trần gian mặt đất của những thế tục. Phương Đông hấp dẫn nhưng phương Đông còn chứa đựng những hận thù, chiến tranh…
Đấu tranh để tự do hay nô lệ cho chính nó?
Châu Á dưới mắt Nikos Tazantzakis không chỉ là văn hoá lâu đời, những khung cảnh, tinh thần… mà chính là con người sống trong nó. Từ những người bạn Như Joshiro, Kughé, cho đến Lý Đức, Tiểu Lan… đều chứa trong mình những tâm thức thời đại. Ở đó, họ không giữ cho mình một cái tâm yên bình, mà là hận thù, chiến tranh, đổ máu, quy phục.
Vườn đá tảng ra đời năm 1936, nghĩa là trước thềm Thế chiến 2. Châu Á là một chiến địa, Nhật Bản và Trung Quốc là hai đầu chiến tuyến. Dù có cảm tình với Nhật Bản và con người xứ Phù Tang đến đâu, hay nghi ngại với người Hoa cỡ nào, Nikos vẫn nhìn thấy những “tia máu” thù hận, nhân danh chủ nghĩa dân tộc trong những con người mà ông tiếp xúc.
Nikos Tazantzakis với tư cách là một người khách, một người phương Tây, chấp nhận cách người phương Đông gọi là “bạch quỷ”, và sững sờ trên chính những ý định của người châu Á.
Đó là Joshiro dù đem lòng yêu Lý Đức nhưng vẫn làm những việc trái đạo lý để phụng sự đất nước Nhật Bản. Lý Đức dù là người từng yêu Joshiro nhưng vẫn sẵn sàng tử hình cô vì lòng yêu dân tộc. Trong khi đó, Tiểu Lan (em gái Lý Đức), một cô gái trong trẻo không cưỡng lại được ý định của anh mình, không phản kháng, sẵn sàng tham gia vào cuộc chiến đã và đang diễn ra.
Đúng như nhà văn Bửu Ý, người chuyển ngữ Vườn đá tảng sang tiếng Việt đã viết: “Giữa cái không khí, giữa cái xã hội mà bao nhiêu giá trị mới cũ, bao nhiêu hạng người, đảng phái, ý thức hệ tương xung chờ rạn vỡ, có còn lại gì hằng cửu với thời gian chăng, dù chỉ là hằng cửu mong liễu yếu?”.
Chuyến hành hương về phương Đông của Nikos đã trọn vẹn cả năm ngũ quan, nhưng sâu thẳm trong tâm trí ông, câu hỏi tự do, vẫn chưa thực sự có câu trả lời. Hình ảnh “vườn đá tảng” xuất hiện đột ngột ở cuối tiểu thuyết nhưng mang ý nghĩa lớn lao. Nó là một nơi hoang vu, không có sự sống, một nơi đã bị bỏ quên… nhưng nó thanh bình và tự nhiên. Chính nơi đó, Tazantzakis đã tìm thấy tự do, đã tìm cách vượt qua vực thẳm nỗi sợ và hèn nhát như tiếng kêu cứu vang lên ban đầu cuốn sách.
Nikos Kazantzakis (1883 – 1957) sinh ra tại Crete, Hy Lạp. Ông nhận bằng tiến sĩ Luật tại Đại học Tổng hợp Athens. Ông tiếp tục theo đuổi nghiệp học hành tại Paris, dưới sự hướng dẫn của triết gia Henri Bergson. Sau đó, Nikos còn dành bốn năm học văn chương nghệ thuật tại Đức và Italy. Năm 1945, ông trở thành Bộ trưởng Bộ Giáo dục Hy Lạp, đồng thời là Chủ tịch Hội Nhà văn Hy Lạp. Nikos Kazantzakis là một trong những nhà văn nổi tiếng của Hy Lạp. Những tác phẩm thuộc hàng kinh điển của ông bao gồm: Vườn đá tảng, Alexis Zorba con người hoan lạc, Cám dỗ cuối cùng của Chúa… |
Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing